Quế Anh (sáp màu trên giấy) Lý Tính
· Ce qui est rationnel est réel, ce qui est réel est rationnel.
· La chouette de Minerve prend son envol au crépuscule
Pour l’humanité, le règne de l’esprit des droits ne peut être qu’utopique. La société est aussi régie par des lois naturelles irrationnelles, issues des croyances, des coutumes, de la mode de vie du peuple; elle peut être aussi sous l’emprise des puissances aveugles qui lui imposent des lois iniques et inhumaines, la puisssance des partis totalitaires, des oligarchies militaristes ou de l’argent. La philosophie du droit, pour ne pas tomber dans la vaine spéculation, doit comporter le sens de l’histoire, la psychologie sociale, et une grande part de science politique. La philosophie de droit n’est pas le grand aigle à étendre ses ailes au grand jour. Mais quand la société est arrivée au point de rupture pour se défaire des lois absurdes, irrationnelles, quand les dictatures, les “ idéologies de terreur”, avec leurs agents immondes sont sur le point de s’écrouler, quand est arrivé le crépuscule d’une époque contingente de l’histoire, la philosophie du droit (la chouette de Minerve) pourrait prendre son envol; déterminant les raisons et les valeurs d’une révolution imminente, elle pourrait annoncer l’arrivée de la nuit et l’attente de l’aurore.
Các Nguyên Lý của Triết Học Pháp Quyền
Grundlinien der Philosophie der Rechts
F.Hegel
(Công trình dịch và chú giải của Bùi Văn nam Sơn)*
Không! Bạo quyền chuyên chế có một giới hạn
Khi kẻ bị đàn áp không biết tìm công lý ở đâu
khi gánh nặng trở nên không chịu đựng nổi
kẻ bị áp bức dũng cảm lên tận trời cao
lấy xuống những quyền hạn vĩnh cửu của mình
những quyền hạn bất khả xuất nhượng
được treo lên trời cao
và bất hoại như những vì sao - F.Schiller
BVNS phỏng dịch
Trước hết xin bạn đọc tìm đến
“Vài lời về Biện Chứng Pháp Hegel” ( www.gio-o.com/ngovantao.html ), (http://ngovantao.blogspot.com/2009/06/bien-chung-phap-hegel.html )
đọc mấy lời mở đầu giới thiệu học giả triết gia Bùi Văn Nam Sơn.
Tôi xin khẳng định lại nơi đây rằng công trình dịch thuật và chú giải triết học Kant và Hegel của BVNS thật là một bước ngoặt không những cho triết học và cho cả nền văn học việt nam. Với sự thông thái, BVNS thật đã văn tài mạch lạc cho chúng ta tiếp cận hay đúng hơn có cơ sở để thâm nhập triết học Hegel. Một triết học tư biện không giáo điều ý thức hệ, một nền triết học tư biện đặt rõ những tiền đề căn bản cho sự suy tư căn cơ khoa học của mọi công trình văn học lý luận và diễn giải. Không phải riêng gì Marx và Engels đã xác định như vậy, mà chính là những tiền đề cho triết lý văn học cận đại từ E.Husserl, M.Heidegger, J.P.Sartre đến J.Derrida….
Dựa trên công trình của BVNS dịch và chú giải :”Các Nguyên Lý của Triết học Pháp quyền” (F.Hegel), tôi trích lược dưới đây một vài ý niệm căn bản trong triết học tư biện của Hegel:
1) Lý tính
2) Ý chí và tự do
3) Triết học pháp quyền.
Lý tính
Cái gì “hợp lý tính” thì là hiện thực
và cái gì là “hiện thực” thì là hợp lý tính.
Khi đưa ra câu này, Hegel có nói những người tôn giáo, tin ở Thượng Đế thì sẽ hoàn toàn cảm nhận, tức là nói một cách khác chúng ta có thể nghĩ “lý tính” như là toàn năng Thượng Đế. Nhưng triết học Hegel không phải là tôn giáo, “lý tính” mà Hegel đặt ra, chính là toàn năng của nhân loại, với cái nghĩa là khả năng hiểu biết, suy tư, lý luận, triển khai…của con người. “Lý tính” là văn học, nghệ thuật, khoa học…là tất cả những sách văn học đã từng in ra, những thành tựu khoa học tự nhiên, những tác phẩm nghệ thuật…Nhưng câu này cũng chỉ là sự quy định “hiện thực hóa” của “lý tính”, một khái niệm tự nó và cho chính nó, ngụ ý như “Thượng Đế”, “lý tính” đối với nhân loại cũng là cái bản năng mà chúng ta mỗi người phải tự “ngộ” cho chính mình.
Phản ảnh ki-tô giáo, theo triết học Hegel tiếp theo Kant, mà nay là xác nhận của văn minh nhân loại hiện đại, con người là chủ thể đạt “lý tính” như một ngoại tại nhưng cũng đồng thời “lý tính” cũng là bản năng nhân sinh của chính mình. Có “lý tính”, là vì chúng ta mỗi người học hỏi, tiếp nhận sự hiểu biết đến với chúng ta qua lịch sử, qua quá trình của cuộc sống với những di sản của tiền nhân, nhưng “lý tính” cũng là cái gì mà ta gọi là tinh thần, suy tư và cảm nhận, bản chất của người sống ở tầng cấp phát triển trên sự sống hoàn toàn theo giác tính tự nhiên của thú vật.
“Lý tính” là vũ trụ tinh thần, mà ở đó con người tồn tại, nhưng cũng là tinh thần bản năng con người như chủ thể trau giồi và bồi đắp.
Như vũ trụ, “lý tính” có những chân trời mở rộng với những viễn tượng bao gồm những khái niệm, gồm những “phạm trù khái niệm tiên nghiệm” của Kant và “những viễn tượng” gần gũi và xa xôi, những khái niệm “xã hội”, “gia đình”, “tình yêu”, “cái tôi và tha nhân”…Những khái niệm tới tấp triển khai luôn luôn “hiện thành”, mở rộng càng ngày càng thêm bát ngát. Sự hiện thành đó trước hết là lịch sử văn hóa và văn học của nhân loại. Nhưng cũng với bản năng “lý tính”, con người “không mù quáng” tiếp thu những hiện tượng hiện sinh bằng “khép lại những dấu ngoặc” (Bracketing- theo ý của Husserl), biểu tượng hóa thu gọn với những khái niệm ( Intuition without concept is blind – Kant).
Và “Lý tính” trước hết là “chân lý”, xác nhận tính “phổ biến” của những ý niệm, như đạo sống còn trong thiên nhiên, đạo làm người trong gia đình và xã hội,…đạo như sự hòa điệu của âm nhạc, như bao quát và màu sắc của hội họa (la perspective et la couleur de la peinture). Những sự kiện bất tất, như tội ác: áp bức và hành hạ những kẻ yếu, ăn gian nói dối nhũng loạn sự an bình của cuộc sống cộng đồng của con người…, là không “hợp với chân lý”. Hiểu như vậy thế nào là “hợp lý tính” như Hegel muốn nói, thì theo tôi nghĩ chúng ta cũng nên hiểu thế nào là “hiện thực”. Một chính thể tàn bạo áp chế, không “hợp lý tính”, có thể hiện tại thực định đó, nhưng rồi bắt buộc phải tan rã; nó chỉ là một hiện tượng bất tất, không có lý lẽ gì để tồn tại, nó không phải là một sự kiện “hiện thực”, hiện thực với khía cạnh phổ biến, triển khai với thời gian. Nhưng cái gì hợp với “lý tính”, như tình mẫu tử nó luôn luôn hiện thực trong cuộc sống của nhân loại. Sự giải phóng nô lệ, là một sự đòi hỏi hợp lý tính, trong cái đạo cùng làm người, trước sau rồi sẽ phải đến, như đã hiện thực trong lịch sử của nhân loại….
Trong đời sống thường, bất kỳ một ý kiến bất chợt nào, một sai lầm, một cái xấu, đều là “hiện thực”...Nhưng trong cảm nhận của chúng ta, cái gì hiện hữu một cách bất tất quả không xứng đáng để được gọi là “cái gì hiện thực” trong cái ý nghĩa mạnh của từ ngữ; cái gì hiện hữu một cách bất tất không có giá trị gì hơn cái gì “có thể có”, một sự hiện hữu có thể “không cần tồn tại” (bản dịch của BVNS). Triết học là sự thăm dò “cái hợp lý tính”, nó tìm nắm bắt cái hiện tiền, cái hiện thực.
Ý chí và Tự do
Con người với lý tính là một hiện thể. Một hiện thể như tất cả những vật thể của vũ trụ. Vật thể biểu hiện sự tồn tại của nó bằng “trọng lượng”, khả năng của sức mạnh xát nhập những vật thể khác ( gravitation theory of Newton). Con người với lý tính hơn nữa là hiện thể tinh thần. Dưới hình thức này, nó thể hiện tồn tại bằng “tư duy”. Con người không phải là thú vật, vì con người có “tư duy”. Với lý tính tư duy, con người thâu nhập những hiện tượng ngoại tại vào “thế giới hiện sinh”, thế giới vật chất và tinh thần của mình.
Thế giới vật chất là thế giới của những hiện tượng (một bông hoa, một thèm khát bất tất..) mà ta thâu nhập bằng giác tính (đôi khi bằng giác tính đã triển khai, tu luyện qua học hỏi hay với trí tuệ) vô chủ định, nhưng không để lại một ấn tượng gì trong tinh thần một khi ta quay đầu hay để tâm nghĩ đến một chuyện gì khác, mà thật nếu có thì chỉ là một ấn tượng hiện hữu ngẫu nhiên phụ thuộc của một khung cảnh tổng quát nào trong ký ức.
Hiện thể con người cốt yếu là tinh thần. Như vũ trụ tràn đầy là những hạt nhân cơ bản đến từ triệu triệu năm ánh sáng xa xôi; thế giới tinh thần là những hiện tượng (một tác phẩm nghệ thuật, một tình yêu…) đã được thâu nhập bằng khái niệm. Ta khái niệm thâu nhập một hiện tượng, là ta suy luận đến cái hiện hữu vô hạn của hiện tượng, khái niệm thể hiện ở hiện tượng. Mọi hiện tượng được thâu nhập vào thế giới tinh thần của con người phải ẩn chứa một sự hiện hữu vô hạn, khái niệm mà nó thể hiện là một quy định hiện thực hóa, tuy nhiên rằng mọi quy định theo Hegel chỉ có thể là hữu hạn, một thời quán ( mômen, như BVNS nói) trong sự hiện hữu vô hạn của khái niệm.
Cái khả năng thâu nhập mọi đối tượng ( hiện tượng ngoại tại) vào thế giới hiện sinh tinh thần chính cũng là nền tảng minh triết lập thân (padeia and bildung) của thông diễn học cận đại Heidegger-Gadamer. Theo thông diễn học, thế giới tinh thần hay lý tính của con người là luôn luôn sôi động triển khai, hòa đồng những chân trời của đối tượng (the fusion of horizons in hermeneutics) cho sự hiện thành bản thân (being and becoming). Suy tư khái niệm là lý tính chủ định với trí tuệ và hiểu biết xác nhận ra sự hiện thực của đối tượng. Tỷ như trước một tác phẩm hội họa, ta phải có khái niệm mỹ thuật và mỹ quan, biết suy tư với trí tuệ và hiểu biết để nhận ra tác phẩm là quy định hiện thực hóa của khái niệm, để lại trong tinh thần ta ấn tượng.
Suy tư khái niệm đòi hỏi tinh thần phải chủ định, khai thác trí tuệ và kho tàng văn học; vậy theo Hegel, muốn suy tư khái niệm tất phải có ý chí (der Wille). Hiển nhiên, ý chí theo Hegel không phải là ý chí mà Schopenhauer đặt làm tiên đề lý thuyết nhân sinh; ý chí của Schopenhauer là ước vọng tồn tại (der Wille zum Leben= the Will to live), dù trong bể khổ sinh mệnh con người (như trong đạo Phật với Tứ diệu đế). Nó cũng không phải là ý chí quyền lực (der Wille zur Macht = La volonté de la puissance) của F.Nietzsche, ý chí chủ thể quyết tận lực tuyệt đối ngự trị thế giới hiện sinh của mình. Ý chí theo Hegel trái lại là minh triết thông diễn học, thâu nhập tha nhân, hiện tượng ngoại tại hòa đồng vào thế giới tinh thần trong sự thăng hoa hiện thành vô hạn của bản thân.
Có ý chí suy luận khái niệm đối tượng để thâu nhập vào thế giới của chính mình, tất nhiên “chủ thể”, cái tôi (ego), cũng phải tự ý thức. Tự ý thức có nghĩa là tự quy định hiện thực hóa trước đối tượng; nhưng cốt yếu trước hết là đối diện với chính mình, riêng tư cho mình, tự ý thức là quy định hiện thực hóa “cái tôi” (khái niệm ego) tự nó và cho chính nó. Theo Hegel như thế, tự ý thức là hiện thực hóa trong tự do, với chân nghĩa của khái niệm này. Tự do đây không phải là tự do để ta làm bất cứ việc gì theo ý thích không bận tâm đến tha nhân; không phải là tự do để suy nghĩ bất cứ điều gì dù giả dối hay gian tà….Một người làm điều sai trái thì không chỉ không làm chủ được ý chí, mà còn không tuân theo ý chí thuần lý, đích thực của mình. Ý chí cũng là sự tự do lựa chọn, quản năng quyết định thuần lý của con người, đối lập với sự hành động theo bản năng của thú vật, sự ham muốn có tính sinh vật bị quy định bởi các xu hướng và động lực tự nhiên. Con người còn có một quan năng đặc biệt, dự đoán một cách trừu tượng các mục đích của đời sống, từ đó có tự do lựa chọn.(BVNS chú giải) Tự do thể hiện cũng là không lắt léo, không tự dối mình hay tự hạn chế mình để nhận thức ra chính mình trong thời đại, trong xã hội. Tự do của kẻ đứng trước một tác phẩm hội họa bực thầy, có giá trị vượt thời gian, tự tìm ra chính mình thưởng ngoạn và lãnh hội cái tài nghệ diễn tả và trình bầy ý niệm của cái đẹp, cái chiều sâu tư tưởng của một hiện cảnh thiên nhiên.
Để kết luận, theo Hegel “con người có lý tính” là “người có tư duy”; mà tư duy là ý chí. Một điều cốt yếu là chúng ta cần biết là: có ý chí là có tự do, và chỉ có tự do mới đặt vấn đề có ý chí hay không.
Triết học Pháp quyền
Con người -ý chí tự do- tự do nhưng không phải như con diều đứt dây. Không phải là một hiện thể đơn độc, nó là phần tử của gia đình, nhân thân của xã hội, công dân của một đất nước (và rồi đây còn phải là công dân của thế giới). Nó hiện sinh và hành xử ngoại tại (tức không phải chỉ trừu tượng với nội tâm), có tự do năng lực lựa chọn, nhưng “cùng tồn tại với sự tự do của bất cứ ai dựa theo một quy luật phổ quát” (E.Kant). Theo Kant, chính đó là quy định khởi đầu của khái niệm “pháp quyền”.
Tuy nhiên như mọi khái niệm, khái niệm pháp quyền không mạc nhiên bắt đầu từ đâu. Chúng ta có ý niệm tới khái niệm căn bản là qua những quy định tự hiện thực của nó, mà từ đó suy tư ra cái trừu tượng vô hạn của khái niệm, như quay lại từ đầu trong một vòng tròn để tiếp tục nhận thêm ra những quy định hiện thực khác của khái niệm, những quy định, theo thuyết biện chứng, hữu hạn nhiều khi đưa tới những khái niệm căn bản khác. Theo Hegel, khái niệm pháp quyền tự quy định giản dị nhất và tiên thiên là khi chính ta và đối tượng (tha nhân) có khế ước trao đổi vật liệu, sự trao đổi tình nguyện và bình đẳng. Khi trao đổi, ta công nhận quyền sở hữu của đối tượng, cũng như khẳng định quyền sở hữu cuả chính ta, và đôi bên cùng có chung khái niệm công lý, không trao đổi những vật liệu gian trá và tuyệt đối giữ đức tín, không tùy tiện đối ý và phá bỏ khế ước….
Triết học Hegel về pháp quyền, tức là triết học về ý chí tự do hành xử trong thế giới thực tế, có sự phân chia nội dung như sau (đoạn 33 của quyển Nguyên lý Triết học pháp quyền):
A- Pháp quyền trước hết là vừa trừu tượng và vừa hình thức. Ý chí tự do tự ý thức mình là ý chí tinh thần và cùng quy đinh sự tồn tại hiện có (Dasein theo từ ngữ của BVNS) là một vật ngoại tại trực tiếp với thế giới thực tế: tha nhân, gia đình, xã hội và đất nước.
B- Với sự tồn tại hiện có, ý chí cũng tự quy định là tính cá biệt chủ quan, sẵn sàng thiện ý chung sống cộng đồng, với hay trong thế giới hiện tồn ngoại tại. Theo Hegel, đây là lĩnh vực của luân lý, lệ độ nhân nhượng bao dung…
C- Với thiện ý, ý chí tự phản tư vào trong trong mình và trong thế giới bên ngoài, bản thể chủ quan tự do, nhưng hiện hữu như là hiện thực và tất yếu (hợp lý tính), phổ biến tự-mình-và-cho-mình, hiện thực hàm ý Đời sống đạo đức: đóng góp cho gia đình yên vui, tôn trọng nề nếp luật lệ của xã hội, làm trọn nghĩa vụ công dân của đất nước…
Triết học có nội dung như trên là triết học dẫn đến “pháp quyền triết học”(Hegel), hợp lý tính, ý chí tự do thiện ý cùng chung sống trong một thế giới lý tưởng: vương quốc của trí tuệ. Pháp quyền triết học có thể chỉ là “trống rỗng, không thể thực thi, xa vời thực tế”, vương quốc của trí tuệ là không tưởng trong thế giới nhân sinh mà chúng ta biết.
Thực tế là thế giới ngoại tại triển khai với pháp quyền tự nhiên. Pháp quyền tự nhiên là những tập quán, điều lệ, phong tục có thể là bất tất, phản ảnh trình độ nhân sinh, trạng thái biến đổi của những cơ chế sinh nhai trên một mảnh đất, trong một thời kỳ tiến bộ của kỹ thuật sản xuất kinh tế…Pháp quyền tự nhiên cũng là những luật pháp, có thể được nhân dân chấp nhận, nhưng chỉ là bởi đa số nhân dân, phản ảnh một trình độ mê muội, tín ngưỡng lỗi thời hay nữa chìm đắm mù quáng bởi chính sách bình dân túy hay kỹ thuật mị lòng người…Pháp quyền tự nhiên cũng là những luật pháp bất tất, hiện thành tùy theo thăng trầm lệch lạc của lịch sử, có thể đặc biệt nữa là do một ý thức hệ cố chấp tàn bạo, do một chính thể bạo quyền của bè đảng, của hỏa đầu tham ô vụ quyền vụ lợi…
Dù sao đi nữa, pháp quyền tự nhiên chính là thời đại lịch sử mà chúng ta mỗi người phải sống. Chúng ta không thể thoát ly thời đại của mình, trừ phi trở nên tiêu cực yếm thế. Chúng ta cũng không thể chỉ có một lý tưởng là đổi thay xã hội, đời sống nhân sinh cho thật hợp lý tính, như thế có lẽ chính mình đã rơi vào ý niệm tuyệt đối chủ quan quyền lực áp bức, mầm móng của sự đảo điên khủng bố.
Triết học về pháp quyền như thế phải thực tiễn thời cơ, có tâm lý xã hội học, có chính trị học. Minh triết (triết học pháp quyền) không phải là con phượng hoàng bay lên tỏa sáng trong bình minh (BVNS). Khi thời cuộc chín muồi, khi những luật pháp bất tất đã đến lúc bị phá bỏ, bạo quyền đổ vỡ, đó là hoàng hôn cho một thời đại, minh triết (triết học pháp quyền) hãy là con chim cú bay lên báo hiệu vào đêm, (xác định chân lý của cuộc cách mạng đang tới) đón đợi bình minh (Hegel).
3. 10. 2010
Ngô Văn Tao
(*) G.W.F.Hegel: Các nguyên lý của triết học pháp quyền
Grundlinien der Philosophie der Rechts
Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải (sách 912 trang, giá 240.000 đ.).
Nhà xuất bản Trí thức: e-mail, lienhe@nxbtrithuc.com.vn