ngovantao

Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Họa Sĩ Lệ Hà và Nghệ Thuật

Nghệ thuật và Họa sĩ Lệ Hà (1933-2012)

Họa sĩ Paul Cézanne từng nói: ‘Tôi không vẽ những gì tôi thấy, tôi chỉ vẽ những gì tôi đã thấy”. Mà thật chúng ta đều biết những gì ta sống chỉ là trong một khoảnh khắc, chỉ có ý nghĩa nếu ta suy tư trầm ngâm nghĩ lại. Mà nghĩ lại là trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, vượt thời gian và không gian; một cách nào đó, ta tự diễn tả lại, nhận rõ ra và tìm hiểu những cảm thức đã nhận được qua giây phút đã sống. Và như thế, vô tình vô ý, mọi người đều là nghệ sĩ, trong cái nghĩa tự làm đạo diễn cho chính mình những khoảnh khắc của cảnh đời.
 Tuy nhiên, tôi bàn về nghệ thuật thì là bàn về người nghệ sĩ, người có ý thức sâu xa về cái bản năng sáng tạo đó của chính mình, và hơn nữa với bản năng đó nhận ra cái lịch trình siêu thoát ra khỏi cái tù hãm của phận con người. Mà ta tìm nhận ra và hiểu sao cái lịch trình siêu thoát của nghệ sĩ trong sự tĩnh lặng tất yếu của tâm hồn?
Nghệ thuật với khoa học và triết lý là ba cột trụ liên đới của lý tính, mà lý tính là một khái niệm về bản thể con người, hình nhi thượng về toàn năng của con người “hiện sinh với suy tư”. Nếu khoa học là cột trụ lý tính của con người tiếp nhận và thực hành với thế giới vật chất sinh sống, nghệ thuật là bản năng hiện thành trong thế giới nội tâm của mỗi người, cảm nhận thông diễn tình yêu, dục vọng, nhớ thương hoài niệm, đau khổ mất mát tâm tư…..Hiện thành trong ý nghĩa sâu xa sáng tạo! Tự trình diễn lại những gì chính mình đã sống; nhà văn Marcel Proust sẽ nói chúng ta mỗi người đều có một hành trình:”Đi tìm thời gian đã mất”, với một ngôn ngữ để nói cho chính minh trong sự tĩnh lặng nội tâm, một ngôn ngữ ẩn dụ riêng tư không phải là “lời nói” đời thường mà ai cũng cùng có để đồng giao tiếp và đối thoại. Nhận định dưới khía cạnh này, người ta nói: “Nghệ thuật là vô ngôn!”.

Vô ngôn! Nhưng chúng ta trước một tác phẩm nghệ thuật luôn luôn muốn lắng nghe ra người nghệ sĩ tự nói gì, vô tình tự thổ lộ sao. Trước bức sơn dầu trên của Lệ Hà (1933-2012), chỉ họa cảnh hồ Laurentides-Quebec một chiều thu phương bắc, nhưng chúng ta hầu như đều ngậm ngùi thật như với tác giả về sự trôi chảy của thời gian, về sự cô lạnh trống rỗng của đời người, như sự đời hiển hiện trước mắt ta, một chân trời toàn diện đường cung, chìm đắm rồi trong cái trắng toát của mùa đông vội tới, những bóng cây dương (maples) đỏ lá thu quanh mảnh hồ giá lạnh im lìm. Mà tất cả rõ ràng là bức họa cô đọng trong tâm tư ký ức!
 Tản mạn phần trên, là nói đến cái nghịch lý trong sáng tác nghệ thuật. Người nghệ sĩ sáng tác một tác phẩm, chính là khi người nghệ sĩ đối diện với chính mình, bắt đầu một hành trình cô đơn lặng lẽ trong “thế giới nội tâm”; mỗi một tác phẩm nghệ thuật là “một độc thoại vô ngôn”. Vô ngôn vì người nghệ sĩ sáng tạo bắt buộc phải có một thứ ngôn ngữ riêng cho chính mình. Như bông hoa kia có nói gì đâu, hoàn toàn tự nó và cho nó, mà vẫn mang đến cho chúng ta những cảm thức về cái đẹp, cái mong manh huyền diệu của sự sống, của thiên nhiên. Một tác phẩm nghệ thuật chính là như vậy. Cái nghịch lý là người nghệ sĩ không thể hoàn toàn vô tư; họ không thoát khỏi trần thế, cái âm hưởng ở tha nhân trước tác phẩm nghệ thuật của mình vang dội tới chính mình.
 Ý thơ là khái niệm căn bản, thể hiện trong mọi tác phẩm nghệ thuật. Nhưng nhà thơ, tôi muốn nói người nghệ sĩ viết những bài thơ như Nguyễn Du, Bùi Giáng nói lên ý thơ phát động tự tâm tư bằng ngôn ngữ của mình nhưng là một ngôn ngữ xây dựng trên lời của thế tục, lời của đời thường. Văn chương và thi ca là nghệ thuật mà ở đó cái nghịch lý trên đầy mâu thuẫn có khi chìm đắm ngay cả người nghệ sĩ. Đó là hiện tượng của những tiểu thuyết xã hội, những bài thơ chính trị của những nhà văn hạng hai, những nhà thơ không còn là chủ thể bản ngã trong thế giới hiện sinh của mình. Âm nhạc là nghệ thuật siêu thoát. Nhạc điệu không phải là tiếng nói của đời thường, tuy nhiên lại rất gần gũi với nhân sinh thực tế. Đó là những nhạc điệu ca hát nhảy múa của những bộ lạc văn hóa thô sơ. Đó là những opera giao hưởng của Wagner, trình diễn với màn cảnh đồ sộ, với đại dàn nhạc công, khêu gợi lòng yêu nước, nhắc nhở hình ảnh những người hùng lịch sử, ca ngợi sự lập thân của nhân loại. Người nhạc sĩ cao siêu đến đâu cũng không thoát ly được tiềm thức nghệ nhân trình diễn, một cách nào đó đeo mang sứ mạng nhân sinh xã hội, du dương an ủi, lôi cuốn quần chúng say mê. Âm nhạc, với quy định khắt khe nhạc lý, và với những lý lẽ đó không phải là một nghệ thuật mà người nghệ sĩ cô đơn thường đối diện với chính mình, thể hiện sự ra đi vượt khỏi hố thẳm của phận người, vươn lên tới chân trời bản ngã ubermensch, chủ thể kiêu hùng trong thế giới hiện sinh của bản thân. Chính vì những ý đó, nên Nietzsche đã phủ nhận Wagner là một nghệ sĩ chân chính lý tưởng

Thế giới hiện đại là thế giới khống chế bởi khoa học kỹ thuật; đời sống nhân loại càng ngày càng đô thị hóa. Con người lũ lượt tranh nhau sống, trong cái rộn ràng vật chất thị trường, giữa những biển ngữ, hào quang lấp lánh đam mê thời thượng. Thế giới hiện đại đã mất mọi niềm tin chủ nghĩa; như không còn lý tưởng, như đã giết chúa (Nietzsche). Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy khao khát nhận ra một người nghệ sĩ, sâu xa ý thức cái hố thẳm của phận làm người, đau khổ trong tâm hồn và thể xác, cái hố thẳm của sự suy đồi bản thể nhân sinh từng giờ, sự phù du mất mát tâm tình, sự hư không trong đời sống của chính mình, ý thức như thế với nghệ thuật, tức là sáng tạo trên đường dây cheo leo bên bờ vực thẳm để tìm đến chân trời bản ngã siêu thoát. Có lẽ chỉ là một bông hoa bên đường, một ánh đèn vụt sáng trong đêm, nhưng là một đợt sóng cô đơn (une onde solitaire) lan tỏa đến tận cùng vũ trụ, đến tận cùng thế giới nội tâm dù chỉ của một đôi người.

 Người nghệ sĩ như thế đó chắc phải là họa sĩ, điêu khắc gia. Một bức tranh sơn dầu, một tượng hình điêu khắc trên khối đá, ấn tượng, lập thể hay trừu tượng thật là vô ngôn ẩn dụ. Tranh “Phố phái” ấn tượng có nói gì đâu, những ngõ cụt không người, những bức tường rêu phong, những mái nhà nghiêng ngả, thế mà cho ta cảm thấy hiện diện một con người -họa sĩ Bùi Xuân Phái- vượt lên trên số phận bồng bềnh trong làn sóng tang thương của lịch sử và sau những bức tường kia là bao nhiêu phận đời trầm lắng phong ba tuế nguyệt duy trì mãi mãi một cõi nhân sinh. Tôi nhớ tới họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, những bức tranh bột màu trên giấy của họa sĩ, biểu tượng niên chi từng năm một ( dần, mão, thìn, tị…), đám trẻ con xum vầy chơi đáo, ba người đàn bà đứng tuổi cao sang bên hồ Tây…, những bức tranh có gì thanh thản của một họa sĩ đã hiểu hêt thế nào là phận con người sống tơi tả để giờ đây người họa sĩ biết thu mình bàng quan nhìn lại thế giới vật chất trôi nổi bên ngoài, như một chủ thể đơn côi riêng lẽ kiêu hùng.

 Nhưng tìm ra một nghệ sĩ nào thật điển hình người nghệ sĩ trong quan niệm siêu việt mà tôi nói trên của Nietzsche, tôi nghĩ tới nữ họa sĩ điêu khắc gia Lệ Hà (1933-2012). Lệ Hà đã nhập môn nghệ thuật tạo hình ở Paris trong xưởng (atelier) của điêu khắc gia Volti, có nhà lưu niệm ở Villefranche, Côte d’Azur-France. Volti cũng là người dẫn đường cho bà Phùng Thị Điềm. Điêu khắc gia Phùng Thị Điềm tương đối được biết đến, có sự nghiệp xã hội thành công. Lệ Hà sau sống ở Montreal-Canada, đã có ba bốn triển lãm cá nhân ở Montréal; viện bảo tàng quốc gia Canada, ở thủ đô Ottawa, đặc biệt đã thu mua một bức tượng điêu khắc trên đá của Lệ Hà. Nhưng có thể nói Lệ Hà là nghệ sĩ mà ít người biết đến; bà có rất nhiều tác phẩm: tranh sơn dầu, tượng điêu khắc trên đá, trên cẩm thạch , và tạo dựng bằng sắt nung (fer forgé), chỉ một số it đã tản mát, còn lại cốt yếu do các người thân lưu giữ.

Thành công danh vọng không phải là tiêu chuẩn để đánh giá công trình sự nghiệp của những người nghệ sĩ chân chính. Dù muốn dù không, người nghệ sĩ bao giờ cũng ẩn dụ một cái gì thâm sâu, một cái gì đã thu nhận từ buổi lọt lòng mẹ. Mọi tác phẩm nghệ thuật đều mang mang sâu lắng phản ảnh tâm tư, lịch sử, ước vọng của gia đình, cộng đồng, xã hội dân tộc mình; chính cái phần huyền bí sâu lắng đó góp cho tác phẩm thêm độc đáo, nhưng thường chỉ những người đồng hương đồng hội mới sẵn sàng thu nhận. Tỉ như Marc Zaharovich Chagall (1887-1985), hiện thân là họa sĩ do thái, với những bức họa vọng tưởng về xóm làng Vitebsk của cộng đồng do thái xưa ở Nga Quốc; Chagall nổi danh cốt yếu là vì cộng đồng do thái phồn thịnh đã nhận thấy những bức tranh của ông phản ảnh tâm hồn do thái với những hình ảnh nhắc nhở đời thường của một số người do thái một lần đã có trong quá khứ. Chuyện Lệ Hà, nghệ sĩ lớn như vậy, mà văn học thế giới không biết đến, thì tôi chỉ biết ngậm ngùi rằng xã hội và cộng đồng việt nam còn nghèo nàn thô sơ, thiếu kẻ tài danh bảo trợ văn nghệ (les mécènes), văn học còn đen tối, ý thức hệ một chiều, thiếu sự quyết tâm chân thành tìm hiểu, phê bình, tôn vinh chính đáng những tác phẩm nào, những văn nghệ sĩ nào đóng góp cho gia tài văn học của dân tộc để cho chúng ta mỗi người tự hào là công dân của một đất nước có nền văn hóa hiện đại.

 Giúp bạn đọc ý thức một phần nào thân thế và sự nghiệp của Lệ Hà, tôi liên tưởng đến nữ họa sĩ Georgia Totto O’Keefe (1887-1986), danh họa sĩ người Mỹ. Bà có chồng là doanh nhân người do thái A.Stieglitz, nhiếp ảnh gia hiểu biết nghệ thuật, có Gallery 291 nổi tiếng ở New York một thời, nên giúp O’Keefe lâp danh; nhưng ngay năm 1929, bà đã xa lánh người chồng và sự phồn hoa đô thị, tìm chốn tĩnh lặng, sau cốt yếu là vùng núi khô cháy miền bắc tiểu bang New Mexico cùa Mỹ quốc. Có thể nói O’Keefe thuộc về trường phái siêu thực, vẽ rõ từng nét những cảnh núi cao đá cằn, những mẩu xương khô thú hoang như tự tìm thấy ra đấy một chốn yên bình nắng cháy tĩnh lặng của tâm hồn; bà vẽ những bông hoa phóng đại (trên những bố vải hơn 1mx1m) mà nhiều người nhận ra bà muốn gợi thấy cửa cấm mở rộng của phụ nữ, khẳng định quyền tình dục của phái yếu, nhưng không quên rằng đó cũng là hệ lụy của thể xác ôm mang nghiệp chướng dẫu là nơi sinh ra sự sống. Cuối đời bà, nhiều năm già nua và gần mù lòa, nhưng còn sức thì bà còn vẽ dù chỉ bằng bút chì hay đá than, coi nghệ thuật như con đường duy nhất để vượt lên trên cái hố thẳm phận làm người.

 Cuộc đời của Lệ Hà có nhiều điều tương đồng đối chiếu với cuộc đời của O’Keefe. Khoảng 50 tuổi bà cũng chọn sống khép lại, ít giao thiệp với ai tuy không ngừng sáng tác, vẽ và điêu khắc. Lệ Hà không tìm một chốn biệt lập xa lánh, nhưng ngôi nhà nhỏ ở giữa đô thị, mà ở đó bà tạo dựng một thửa vườn thiền Nhật bản, những căn phòng tĩnh lặng thanh tao là nơi bà cô đơn thiền tâm cư trú. Bà có vẽ những bông hoa, mặt hồ ao súng có thể làm ta liên tưởng tới Monet, nhưng tất cả như bức tranh tĩnh vật: “Trái cây của đất trời” ẩn dụ sự trôi chảy của thời gian; những cảnh hồ, những bông hoa hay chùm hoa quả chỉ là những thời quán ngắn ngủi thư giãn trong cuộc sống đầy hệ lụy của kiếp người. Những bức tranh rất to sơn dầu trừu tượng của bà, với đường cọ màu sắc mãnh liệt đột phá nói lên trong “cái vô ngôn của nghệ thuật” những điều mà O’Keefe siêu thực muốn nói, hệ lụy tình dục của thể xác, khát khao vô vọng của tình yêu, sự cô đơn bất tận của kiếp người. Nhưng để thông hiểu nghệ thuật của Lệ Hà, cốt yếu là ấn tượng và trừu tượng không theo một trường phái nào, một sự kiện sau đây vô cùng đáng kể. Mười năm cuối đời, Lệ Hà bị bệnh, thân thể đớn đau, phải luôn luôn nằm yên không đi lại, một cậu em động lòng than tiếc “làm sao chị vẽ được đây!!”. Lệ Hà trả lời: “Em không biết chứ, chị vẫn vẽ, chị vẽ ở trong đầu!”.
 Một câu nói, không biết có một nghệ sĩ khác nào đã từng nói không, hé mở cho ta thấy tại sao nghệ thuật của Lệ Hà độc đáo, tại sao Lệ Hà thật là nghệ sĩ điển hình lý tưởng Nietzsche-iên. Những tác phẩm của Lệ Hà hiển hiện đột phá toàn khối không có gì gọi là kể lể. Kể lể! Như những bức tranh mà trên đó ta thấy rõ nơi đây là chủ đề, nơi kia là phụ đề và sau cùng hết có thêu dệt thêm cho bức tranh hoàn chỉnh. Kể lể! Như những bài thơ mà thi sĩ ngân nga kéo dài lời và ý, những bài thơ được quần chúng vô tư thưởng thức, nhưng sự thật lại là phản thi ca, phi nghệ thuật. Nghệ thuật là ý thơ. Là những bức tranh những bức tượng của Lệ Hà, hiển hiện trong đầu, mông lung, dồn dập bao quát như phận con người với những hệ lụy, những khát khao, những đau thương mất mát chìm đắm chúng ta. Nhưng Thomas Mann đã từng nghĩ, nghệ sĩ phải biết cô đơn, khắc khoải tội lỗi sa lầy, bất hạnh đau thương mất mát, để vươn lên sáng tạo. Tác phẩm của Lệ Hà ẩn dụ tất cả những điều đó, cho chúng ta nhận thấy một thế giới tâm tư mỹ thuật tuyệt vời. Đẹp không hình thức, không phân trần giảng giải, mãnh liệt thanh thản cheo leo hướng về chân trời huyền vi bí thuật (l’horizon magique). Nietzche-iên, trong cái nghĩa là của một chủ thể siêu thoát trong cái thế giới hiện sinh riêng tư của chính mình.

 Nhiều người đến thăm Lệ Hà trong những năm bà liệt giường luôn luôn uống thuốc giảm đau, đều nhớ thấy bà thanh thản an vui, thăm hỏi từng người, xã hội xa gần. Chắc chắn là ở Lệ Hà có cái kiêu hùng thiền tâm, “amor fati” ngay trong cái hố thẳm hệ lụy của kiếp người, “tuyệt nhiên chấp nhận phận sống” hành lộ gian nan khổ hạnh tìm về bản thể, mà lại ẩn dụ một sự an bình nội tâm giãi bầy với những bức tranh sơn dầu vẽ vào những năm cuối đời khi bà còn cầm cọ, trừu tượng cô đọng đơn sơ như những cụm hoa Ikebana “người giữa trời và đất”, “thiền hoa đạo” Nhật bản mà Lệ Hà quen thuộc (bà đã từng được giải nhất trong một cuộc thi xã hội Ikebana ở Paris-Pháp năm 1960).....xxxxxx...... Bài tản mạn của tôi đây chỉ là một giọt nước, nhưng biết đâu đưa đến sự tìm hiểu rộng lớn về nghệ thuật tạo hình của Lệ Hà, và tôi sẽ không phải ngậm ngùi tiếc rằng một sự nghiệp giá trị sâu xa lớn lao như vậy mà thế giới có thể sao lãng.
  Tháng 1/2013