Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

Biện chứng pháp Hegel


Ký hoạ Quế Anh: “Heidegger - Bùi Văn Nam Sơn”



VÀI LỜI VỀ BIỆN CHỨNG PHÁP HEGEL

Một thử tại trong thông diễn học
Đôi chân lững thững con đường rừng
Muôn ngàn ý niệm vạn ngàn ngõ rẽ
Suy tư hiện là dưới ánh dương
Ngôvăntao

We learn from him in many of his books
For the deep reflexions on The Greeks
And the meaning of Being to be
In the language of Pure Reason


Nếu có một sự kiện văn học Việt Nam phải nói đến ở đầu thế kỷ 21 này, thì là sự phát hành những công trình dịch và chú giải của Bùi Văn Nam Sơn với hơn bốn ngàn trang sách

1) Emmanuel Kant : Phê Phán Lý Tính Thuần Tuý (2004)
2) G.W.F. Hegel : Hiện Tượng Học Tinh Thần (2005)
3) Emmanuel Kant : Phê Phán Lý Tính Thực Hành (2007)
4) G.W.F. Hegel: Khoa Học Lôgic (2008).

BVNS không chỉ dịch và chú giải những từ ngữ then chốt, những căn cơ lịch sử của tư tưởng, mà còn cống hiến cho chúng ta hàng trăm trang sách dẫn giải triết học, mở cho triết học Việt Nam cả một chân trời.

Có thể nói tư duy văn học của chúng ta đến bây giờ vẫn là tư duy của triết học “minh triết” Đông Phương: Khổng, Lão và …Phật Học. Công trình dịch thuật và lời dẫn giải của BVNS thật là một nền “thông diễn học” tiến trình sâu xa hệ thống thiết lập khoa giáo triết học tư biện Tây Phương. Văn minh thế giới hiện đại là văn minh khoa học kỹ thuật, bắt nguồn từ triết học tư biện Tây Phương (từ thời cổ đại Hy Lạp: Parmenides, Socrate, Platon, Aristote..).Nên vấn đề gia nhập triết học này là một điều tất yếu trong ngay đời sống mỗi ngày.

Một vấn đề mà tôi thấy thực là tức thời và căn bản, là qua công trình đồ sộ của BVNS chúng ta có dịp may trực tiếp tìm hiểu trong ngôn ngữ việt nam biện chứng pháp của Hegel, nguồn gốc của biện chứng khoa học lịch sử xã hội Marxít. “Đặc điểm của phương thức tư tưởng (biện chứng pháp) của Hegel là quan điểm lịch sử…Tính chất vĩ đại của quan niệm cơ bản ấy đến ngày nay vẫn còn đáng phục. Cái quan niệm lịch sử ấy đã đánh đánh dấu một thời đại” (Engels: “Góp phần phê phán Kinh Tế Chính Trị Học của Karl Marx”, circa 1850). Nhưng không phải quan điểm lịch sử mà chính phương thức tư tưởng, biện chứng pháp (triết học tư biện) của Hegel - một phương thức mở phi giáo điều – cụ thể cơ bản khoa học với giá trị luôn luôn tức thời, có lẽ hơn bao giờ hết như trong “thời đại khoa học kỹ thuật hậu hiện đại” ngày mai này.

Triết học tư biện của Hegel bắt đầu bằng một niềm tin. Con người qua thời gian (thức tỉnh của tư duy) cảm nhận ra “cái bản năng tuyệt đối” ( Thượng Đế!) thể hiện trong vũ trụ mà con người tiếp nhận bằng giác tính. “Hãy xem giới tự nhiên, vì nó dẫn bạn đến với Thượng Đế và bạn sẽ tìm thấy một cứu cánh tuyệt đối, tối hậu” (siêu hình học Kitô giáo). Thật vậy, Hegel nhắc lại lời trên của Kitô giáo để xác nhận rằng chìm đắm trong vũ trụ, con người bắt buộc phải cảm nhận một trật tự, một hệ thống sáng tạo vô biên của một bản năng tuyệt đối mà con người không bao giờ tìm ra được những thuộc tính để diễn tả cho đến tận cùng. Ý niệm (khái niệm) Thượng Đế cuả Hegel thật ra là một ý niệm vô thần: “bản năng tuyệt đối” (Thượng Đế) không biểu tượng trong ý thức như “ Thượng Đế với muôn ngàn con mắt nhìn ra thiện và ác”, như là “ thánh linh với đôi tay cứu rỗi con người trong tình thương”…Và “Con người” là sáng tạo của Thượng Đế: “Thượng Đế không chỉ sáng tạo một thế giới đối lập với Người mà Người đã tạo ra “một người con trai” từ vĩnh hằng và ở trong “con người ấy”, Người với tư cách là tinh-thần-tồn-tại-trong-nhà-của-chính-mình” (Siêu hình học Kitô giáo). Nói cách khác, chúng ta có khái niệm “Người”, sáng tạo của bản năng tuyệt đối và “Lý tính của Người”, ánh hiện của bản năng. Triết học tư biện Hegel là nhiệm vụ khảo sát những hình thức của lý tính (tư duy) có năng lực đến đâu giúp ta nhận thức những chân lý ( sự thật cụ thể, hiện tượng khách quan, những suy tư hợp lý -tam đoạn luận,syllogism- của chính mình…). Với một quy định nhỏ bé hữu hạn của chúng ta, theo Kitô giáo Thượng Đế có thể nghĩ là một nghệ sĩ đại tài vẽ một bức tranh, phản tư bản thân trở nên khách quan (lý tính của con người) suy ngẫm nhận xét và tìm hiểu những ẩn dụ tiềm thức vô biên của tác phẩm.

Triết học tư biện Hegel, cốt yếu là Lôgic học, là phương thức tư tưởng phi giáo điều, vô thần và mở; một ai sùng đạo tôn thờ thượng đế vẫn có thể tiếp nhận tư tưởng của Hegel như không có gì phản lại tôn giáo của mình. Với tiên nghiệm “Lý tính Con Người”, Lôgic học Hegel là “lý tính phản tư nhìn lại chính mình” để xác định “suy tư với lý tính” khởi nguồn bằng những “khái niệm”: khái niệm “Thượng Đế”, khái niệm “Người”, khái niệm “lý tính của Người”, khái niệm “Tự Do”, khái niệm “Đạo Đức”….Không gian và thời gian, phạm trù của Kant, là những giác thức tiên nghiệm của lý tính về thế giới vật chất xung quanh. Khái niệm theo Hegel là những ý niệm phổ biến, vô hạn thuộc về “noumena” ( chữ của Kant với nghĩa là: không phải là hiện tượng vật chất trong không gian và thời gian), triển khai trong nhận thức của lý tính bằng những “quy định hữu hạn” (những quy định bản thân hữu hạn, tiềm ẩn mâu thuẫn, thiết định bởi con người): “Ánh sáng thuần túy không khác gì đen tối thuần túy”. Người ta thường chẳng nói sao: “Thượng Đế là vĩnh hằng”. Một quy định tự nó là phi lý (antinomie) vì nó là ý niệm thời gian, mà thời gian thuộc về vũ trụ sáng tạo của Thượng Đế; nhưng nó một phần nào giúp ta xác định Thượng Đế, Thượng Đế không có cái hữu hạn của sự sống (như ánh sáng cần phải có những vật trở ngại để gây ra bóng tối, cái phủ định để ta nhận ra ánh sáng).

Khái niệm không phải là tiên nghiệm; nó là siêu nghiệm tiếp thu từ “kinh nghiệm” trong lịch trình nhận thức của lý tính, đúng kết từ những lát bồi đắp lý tính của thực tại hiện sinh như Husserl có thể nói. Dưới một hình thức bóng bẩy diễn tả khác, lý tính phân tích những hiện tượng thu nhận qua giác tính, làm một công việc “bóc vỏ những củ hành”, nghĩa là lý tính không xa rời cuộc sống thực tại, nhưng lý tính phân tích mà biết tổng kết thu thập lại cái gì cốt yếu, tuyệt đối, vô hạn và phổ biến: những khái niệm. Tỷ như qua bao nhiêu đấu tranh, tàn ác cướp đoạt lẫn nhau, sống qua những chế độ cộng đồng, thử thách bản quyền cá nhân của con người trong xã hội, lý tính nhận ra khái niệm phổ biến vô hạn “tư hữu”. Một khái niệm hoàn toàn sống động và cụ thể: “Đời sống xã hội, những luật pháp về tư hữu phải thiết lập phù hợp với khái niệm tư hữu”(Hegel).

Sâu xa với Hegel, con người (với lý tính) nhận thức là suy tư với những quy định của khái niệm. Kant đã không nói gì hơn ( tuy khái niệm trong tư duy của Kant không hoàn toàn phổ biến, cụ thể và sống động như khái niệm trong tư tưởng của Hegel): “ Giác thức không khái niệm là vô hữu” ( Intuition without concept is blind). Sự cốt yếu của khái niệm trong nhận thức cũng còn được nhắc lại với một ngôn từ khác trong hiện tượng học của Husserl: “ Giác thức hiện tượng là giác thức với một khẳng-định-tín-niệm” (There is no such thing as perceptual experience without “belief-character” – Husserl in 5th Logical Investigation circa 1900). Đó là cái ý căn bản “epoche”(bracketing, đóng khung) của hiện tượng học Husserl. Khi ta thẩm định một tác phẩm nghệ thuật, ta thẩm định với khái niệm “nghệ thuật”, cùng với một số quy định của nó như “chủ quan” hay “khách quan”: chủ quan, nếu thực hiện theo ngẫu hứng tùy tiện hay chủ định cho vừa lòng sưu tập gia, khách quan nếu phản ảnh tình huống của thế giới xung quang hay theo sự tất yếu của tiềm thức, hài hòa màu sắc, nhịp nhàng nét vẽ và bố cục.

Khái niệm là cụ thể nhưng tuyệt đối, phổ biến và vô hạn. Những quy định của khái niệm nằm trong suy tư lý tính của chúng ta, hiện sinh trong thế giới hữu hạn có sống và chết, tự nó là những nghịch lý phải thoát khỏi, hay nó rồi tự phủ định, hiển thị chỉ như là những thời quán (mômen, trong ngôn từ của BVNS ) của lý tính. “Xã hội” là khái niệm, một thời mang theo quy định rằng xã hội phải có đẳng cấp chủ nô, quý phái và thứ dân…; lịch sử của “xã hội” là phải nằm trong quan điểm Marxít, đấu tranh giai cấp (tư bản và vô sản). Nhưng có thể nói vấn đề tranh đấu giai cấp không còn phổ biến thật nữa, và xã hội tân tiến hiện đại trong lý tính của chúng ta không bắt buộc phải có đẳng cấp, lịch sử của xã hội nay có lịch trình chống đối sự chế tạo bất tất vật dụng, thừa thãi gây ô nhiễm môi trường, tàn phá tư duy nhân bản của từng người.

Nghịch lý và sự tự phủ định là những mâu thuẫn mạc nhiên phải có trong lịch trình phát triển nhận thức tư tưởng (kinh nghiệm) của lý tính. Triết học tư biện, theo Hegel, là sự thông diễn lịch trình biện chứng đó. Dĩ nhiên việc đầu tiên của triết học là nhận ra sau những khẳng định tức thời của giác thức những quy định của khái niệm, khái niệm đúc kết từ kinh nghiệm trong lý tính. Cái nhầm lẫn đầu tiên của lý tính là coi những khẳng định tức thời của giác thức - chính nó tất nhiên là hữu hạn - là vô hạn, không chấp nhận sự phủ định. Đó là cơ cấu của những giáo điều cứng nhắc, những ý thức hệ mù quáng. Triết học tư biện là lý tính phản tư nhận định lại sự biến chuyển của những khẳng định, như biện chứng trong sự hiển thị của khái niệm. Trong lịch trình biện chứng đó, khái niệm vượt ra khỏi mâu thuẫn, thu nhận những quy định tức thời và cả sự phủ định của nó, như là thời quán trong sự triển khai vô hạn tự-nó-và-cho-nó thể hiện ý thức của chính nó trong lý tính của chúng ta.

Triết học tư biện Hegel cơ bản là Lôgic học, xác nhận phương thức lý luận, suy tư giải cấu của lý tính trong nỗ lực nhận thức thế giới hiện tượng vật chất và tư tưởng. Đó trước tiên là nhận định ra những khái niệm, cùng những quy định mạc nhiên và những biện chứng của quy định -những mâu thuẫn (nghịch lý và phủ định), sự đối lập giữa hình thức và nội dung, cái đa tạp đều được biện chứng pháp đồng nhất và nối kết- trong sự hiển thị chân lý vô hạn của khái niệm. Như trước cái đa tạp của hiện tượng : cái “Tôi” thử tại (Dasein) trong thế giới hiện sinh (die Lebenswelt), lý tính tiếp thu được khái niệm “Bản Ngã”, mà một quy định mạc nhiên là cái “Tôi tự do, không hạn định bởi một ước lệ nào” và sự phủ định của nó là “Tha Nhân”. Nhưng lý tính tự phản tư để nhìn nhận sự tất yếu của biện chứng vượt qua mâu thuẫn giữa “ Tôi” và “Tha Nhân”, cái Tôi tự do chỉ có ý nghĩa trong chừng mực nó tôn trọng tự do và bản ngã của người khác. Một nhận định then chốt mở cửa dẫn chúng ta vào thông diễn học của Hegel, sự gia nhập thế giới hiện sinh của “tha nhân” - ngữ cảnh của người khác - thông cảm những dị biệt nhưng vẫn tạo ra ánh hiện của bản ngã mình. Dấn thân vào biện chứng của những hình thái hữu tận, của cái biết trực tiếp và chủ quan của cái Tôi, sẵn sàng thay đổi viễn tượng, đứng vào vị trí và quan điểm của cái khác, của Người khác (Hegel).

Thể hiện là phương thức khoa học lý luận, suy tư giải cấu của lý tính - khoa học trong nghĩa cụ thể, tuyệt đối và phổ biến - triết học tư biện Hegel, với biện chứng pháp, không xây dựng một ý thức hệ, một giáo điều. Nó không phải là sự đi tìm cái biết, nó là tri thức hiện thực. Triết học tư biện Hegel là “lý tính suy tư, lý luận, phản tư và phản tư về sự phản tư”. Với biện chúng pháp, nó thông diễn giải sự dị biệt. Khi đời sống con người không còn hợp nhất, sự đối lập không còn tương quan, chúng ta phải biết tìm đến triết học tư biện Hegel (BVNS).

Sự bất đồng giữa người và người, sự đối lập giữa những tầng lớp xã hội, bè đảng, giai cấp…là điều làm nên lịch sử. Thể chế của mỗi xã hội -phong kiến, quân chủ hay cộng hòa dân chủ, tư bản hay xã hội- là những quy định của (khái niệm) Xã Hội. Những quy định mạc nhiên hữu hạn, tiềm ẩn những mâu thuẩn. Biện chứng là lịch trình vượt qua những mâu thuẫn, cải biến thể chế của xã hội; đó là lịch sử. Đó là quan điểm lịch sử của Hegel, mà Marx-Engels tán đồng. Với xã hội kỹ nghệ tư bản Đức Quốc của thế kỷ thứ 19, Marx và Engels đã quy định những mâu thuẫn và sự biện chứng tất yếu vượt qua mâu thuẫn: cách mạng để đi đến độc tài của giai cấp vô sản và xã hội cộng sản lý tưởng. Nhưng vì quy định một cách tất yếu những mâu thuẫn và đưa ra một lý tưởng coi như phổ biến và vô hạn, tư tưởng của Marx và Engels trở nên cứng nhắc và giáo điều, hoàn toàn phản lại triết học tư biện của Hegel, triết học của sự thăng tiến không cùng của xã hội, mãi mãi sống động với những mâu thuẫn và biện chứng ( đọc thêm lời bàn :1).

Nói một cách khác, biện chứng pháp là “lý tính luôn luôn tranh cãi” lôi kéo ta - vừa thức tỉnh vừa dự đoán- vào tiến trình lịch sử bất tận của thế giới trần gian. Câu nói của triết gia nào đó rằng: “Tiến tới thời hiện đại, chúng ta đạt tới sự kết thúc của lịch sử”, thật là bạo ngôn nghịch lý! Nếu hiện đại là chính thể dân chủ tự do biểu quyết, là văn minh khoa học kỹ thuật với sự chế tạo không ngừng những vật dụng đáp ứng nhu cầu thời thượng của con người, là sự tăng tiến của nền kinh tế thị trường với tiêu chỉ là lợi nhuận, thì chúng ta cũng đều biết rồi xã hội hiện đại đó tiềm ẩn bao nhiêu nghịch lý và mâu thuẫn, như Hiedegger đã nói chúng ta không còn biết cảm nhận thử tại trong thế giới hiện sinh của chính mình, chúng ta bị áp đảo trong sự khống chế của máy móc, trong sự rộn ràng truyền thông thị trường nếp sống và tâm thức xã hội đại chúng hóa…Sự phủ định nó -it nhất như là sự phủ định những quy chế thời thượng máy móc thị trường lợi nhuận trong nghệ thuật- trước tiên là “văn nghệ hậu hiện đại” (2). Những tác phẩm hội họa thô tục, những sáng tác ‘xếp đặt” triêu sinh mộ tử (éphémère), những bài văn thơ nói và nói để không nói gì! Tất cả là để phủ định sự thẩm định nghệ thuật qua giá trị thị trường lợi nhuận hay tệ hơn nữa qua ước lệ truyền thông giáo điều (những giáo điều hiện đại!), tuy nhiên trong sự tiêu cực của nó, vẫn để lại cho chúng ta một cái gì thăng hoa nghệ thuật “pop art”, một cái gì thật thi ca siêu thực như tiếng họa mi chợt hót trong lâu đài đổ vỡ ( những sáng tác xếp đặt của Christo và Jeanne-Claude), những văn thơ cha đẻ của nhạc Rap. Nhưng những quy chế của xã hội hiện đại ( hay đang hiện đại hóa) cùng những mâu thuẫn, phủ định của chính nó rồi sẽ đi về đâu theo biện chứng pháp, lịch sử sẽ trả lời. Trong sự chờ đợi, triết học tư biện Hegel giúp chúng ta không đắm chìm vào thuyết hoài nghi tiêu cực, vào hư vô chủ nghĩa….

Ngô Văn Tao
Tháng 11 năm 2008



Những công trình dịch thuật và dẫn giải triết học của Bùi Văn Nam Sơn:
1) Emmanuel Kant : Phê Phán Lý Tính Thuần Túy
(Kritik Der Reinen Vernunft) 1261 trang - 2004
Nhà Xuât Bản Văn Học – 18 Nguyễn Trường Tộ - Hà Nội dt: (844) 38294685
2) G.W.F. Hegel: Hiện Tượng Học Tinh Thần
(Phänomenologie Des Geistes) 1638 trang – 2005
Nhà Xuất Bản Văn Học.
3) Emmanuel Kant : Phê Phán Lý Tính Thực Hành
(Kritk Der Praktischen Vernunft) 331 trang – 2007
Nhà Xuất Bản Tri Thức – 53 Nguyễn Du- Hà Nội dt: (844) 39454661
e-mail: lienhe@nxbtrithuc.com.vn
4) G.W.F.Hegel : Bách khoa thư các khoa học triết học I Khoa Học Lôgic
(Logik Der Enzykclopädie) 1055 trang – 2008
Nhà Xuất Bản Tri Thức

Xin đọc thêm
(1) Cao Tôn : Triêt gia Trần Đức Thảo, www.talawas.org
(2) Ngô Văn Tao: Tâm Thức Hậu Hiện Đại
www.gio-o.com/NgoVanTaoTamThucHauHienDai.htm


© gio-o.com 2008

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ