Tô Hoài
Quế Anh oil pastel
Tô
Hoài Hồi Ký
và
tiểu thuyết
“Ba
Người Khác”
(Nhân ngày giỗ thứ nhất nhà văn Tô Hoài, có nhiều bài báo chí nhận định về sự nghiệp của nhà văn. Tôi mạn nghĩ bài này sẽ đóng góp thêm cho chúng ta tìm hiểu Tô Hoài, vai trò lịch sử và sự nghiệp trong văn học.
Ngô Văn Tao )
Lịch sử luôn luôn duyệt lại
Không ai lừa được cuộc đời
Lê Đạt
Nói tới “ Hồi Ký” và
tiểu thuyết có tính cách tự truyện lịch sử “ Ba Người Khác”, trước hết nên nhắc
lại một vài chi tiết về bản thân tác giả. Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen sinh
năm 1920 tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội bây giờ. Đã phát hành năm 1941 tập
truyện “ Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” và gia nhập phong trào Cứu Quốc-Việt Minh trước
năm 1945. Được kết nạp tháng 10-1946 vào đảng Cộng Sản Việt Nam, tham gia kháng
chiến chống Pháp với tư cách ký giả của báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận của
Việt Minh, của đảng mà Xuân Thuỷ, cố bí thư trung ương đảng, làm chủ nhiệm, và
rồi sau Tô Hoài từng thay Xuân Thuỷ làm chủ nhiệm.
Đặt rõ vị trí của Tô
Hoài trước lịch sử, cũng nên nhắc lại năm 1946, Tô Hoài đã là chính trị viên
giám thị cuộc Việt Minh hành hình xử bắn đội ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng ( Cát
Bụi Chân Ai, nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2005, trang 210). Trong phong trào giảm
tô, Cải Cách Ruộng Đất 1953-56, Tô Hoài đã làm phó đội trưởng một đội cải
thổ (cho một huyện hay một xã?), nhưng đặc biệt nhất là làm chánh án kết
tội cường hào địa chủ, có bổn phận nữa làm những bản án giả để liệu đối
đáp với dư luận nhân đạo quốc tế (CBCA trang 119). Qua những sự kiện nửa khép
nửa mở nhắc nhở trong các hồi ký, chúng ta hiểu Tô Hoài đã là một đảng viên hệ
trọng nằm trong mật vụ, trong uỷ ban trung ương tuyên huấn, chỉnh huấn của
đảng, bên cạnh những đảng viên như Xuân Thuỷ, Tố Hữu ( và Lê Đức Thọ? ).
Tô Hoài đã làm nhân chứng cho những cuộc kết nạp vào đảng của những nhân vật
như Nam Cao, Nguyễn Tuân…, nhân chứng bên trong hay bên ngoài cho cuộc kiểm
điểm chỉnh huấn Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng…Đúng hơn nữa làm tổ trưởng của tổ chỉnh
huấn kiểm điểm những nhân vật lớn của văn học Việt Nam: Phan Khôi, Tú Mỡ, Văn
Cao, Nguyễn Công Hoan, Trần Đức Thảo…(CBCA trang 116).
Một đảng viên hệ trọng
của đảng Cộng Sản Việt Nam, đóng một vai trò không nhỏ trong suốt thời cách
mạng xã hội chủ nghĩa (1945-1988), Tô Hoài còn là một nhà văn trong ban lãnh
đạo tư tưởng văn nghệ của đảng, chắc chỉ sau Trường Chinh, Tố Hữu. Năm 1957, Tô
Hoài hoạt động cùng sáng lập ra Hội Nhà Văn Việt Nam, làm phó thư ký, tổng thư
ký của hội từ năm 1957 tới năm 1980. Từ năm 1986 tới năm 1996 còn làm chủ tịch
của Hội Văn Nghệ Hà Nội.
Vào tuổi gần 70, Tô
Hoài bắt đầu nhìn lại cuộc đời, thu nhặt những hồi ký đã viết từ năm 1970 và
viết thêm vào những năm 1990 tổng cộng đến ngàn trang sách hồi ký: “Tự
Truyện”, “Chiều Chiều”, “Cát Bụi Chân Ai”, “Những Gương Mặt-Chân Dung Văn Học”.
Nếu kể cả tiểu thuyết : “Ba Người Khác”, xuất bản năm 2007, nhưng thật viết
xong năm 1992, theo chính lời của tác giả một ký sự dẫu mơ màng về kinh
nghiệm tác giả sống trong phong trào Cải Cách Ruộng Đất, chúng ta
có tới ngàn năm trăm trang sách hồi ký của Tô Hoài, nhà văn, nhà báo, nhà cách
mạng, cán bộ cấp lãnh đạo của đảng Cộng Sản. Vấn đề là chúng ta có đấy không
một bức tranh hoành tráng cho thời đại 1940-1990, thời đại lớn lao mang bao
nhiêu biến thiên, bao nhiêu sự kiện của lịch sử Việt Nam.
Tô Hoài bản chất là
nhà báo, ký giả của báo Cứu Quốc. Nếu ở thời phong kiến Pháp thuộc, ký giả báo
chí thường lo viết sao dù có bị kiểm duyệt, nhưng bài mình viết với những
khoảng trống (kiểm duyệt) vẫn còn có thể đăng tải trên báo, nói lên một phần
nào sự thật. Đến khi tất cả báo chí phải có nhiệm vụ tuyên truyền, duy trì đạo
đức cách mạng xã hội chủ nghĩa, phục vụ giai cấp lao động và bần cố nông,
vấn đề của ký giả nhà báo là phải luôn luôn cảnh giác, tránh hàm hồ bị buộc tội
thành phần tư sản, trí thức vọng ngoại…. Nên chúng ta không ngạc nhiên gì như
tât cả những ký giả xã hội chủ nghĩa, Tô hoài nằm trong chế độ phải biết mơ
màng, sự thật không phải là tiêu chuẩn. Ký giả phải biết thêu dệt, nếu cần
phải làm méo mó sự kiện. Họ sáng tác những câu ca dao, làm như họ đã đi vào
lòng dân nghe ra tiếng nói truyền thống hàng trăm năm trước của làng quê. Họ
học qua cái gương của Trần Dần; nhà báo quân đội, Trần Dần trong ký sự về chiến
thắng Điện Biên đã gần như bị kết án vì đã viết tới cái kham khổ của dân quân,
đáng lẽ phải chỉ nói tới cái oai hùng dũng cảm, lạc quan chiến đấu của bộ đội.
Sáng tác những câu ca dao, nói lên chỉ một phần sự thật nhiều khi còn chưa đủ,
họ phải biết tạo dựng những nhân vật anh hùng ảo. Tô Hoài thêu dệt vẽ ra nữ dân
quân du kích hồ Ba Biển. Nhà báo quân đội Phan Vũ nguỵ tạo ra tiểu anh hùng Lê
Văn Tám ( Công Viên Lê Văn Tám, góc Hai Bà Trưng- Điện Biên Phủ, TP HCM)!
Đã viết hàng ngàn
trang sách báo, bao nhiêu truyện ngắn, bao nhiêu ký sự, Tô Hoài cũng thật là
nhà văn, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, 1996. Tô Hoài sinh năm 1920, tức là
thuộc về lớp văn nghệ sĩ tới ngay sau Tản Đà, Tự Lực Văn Đoàn. Những nhà văn
Nguyễn Tuân, Vũ Bằng (sinh năm 1910), Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng,
những nhà thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, những nghệ sĩ Văn Cao, Bùi Xuân
Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm( sinh năm 1922)…,cả một lớp người đánh dấu
một chương lịch sử của văn học nghệ thuật Việt Nam. Họ đã tốt nghiệp, trưởng
thành vừa trước cuộc cách mạng tháng 8-1945, một cuộc cách mạng lớn lao phá vỡ
mọi hệ thống xã hội, đặc biệt hệ thống văn học của thời phong kiến Pháp thuộc.
Cái hệ thống văn học này dù bị hạn chế bởi bọn quan lại thực dân phong kiến,
nhưng vẫn gián tiếp một cách nào đó qua sách báo, qua nghệ thuật tự do tư bản,
đã nung nấu đào tạo lớp nhân vật trên, những nghệ sĩ tài danh biết tự đặt những
câu hỏi cốt yếu về cuộc đời, về xã hội con người với tâm linh và nhân bản.
Tuy nhiên thuộc thế hệ
đó, được độc giả biết đến từ năm 1941, đã viết nhiều truyện ngắn vào những năm
1940-45, đặc biệt hồi ký tuổi thơ “ Cỏ Dại “ 1943, Tô Hoài trong những năm đó
không phải là nhà văn có bản năng tầm cỡ của Vũ Trọng Phụng với phóng sự tiểu
thuyết “ Giông Tố “, “ Số Đỏ ”…hay của Nguyên Hồng với tự truyện “ Những Ngày
Thơ Ấu “, với “Bỉ Vỏ “…Chúng ta không nên quên rằng Tô Hoài mơ ước trở
nên nhà văn, nhưng thời trẻ phải lao động chân tay ( bán giầy cho Hãng
Bata ), tham gia ngay từ năm 1937-38 tranh đấu trong hội Ái Hữu công nhân ( “
Những Người Thợ Cửi” ,hồi ký 1971), hoạt động cho Truyền Bá Quốc Ngữ, thành
phần của tiểu tổ cách mạng bí mật Việt Minh. Theo chính lời của tác giả: “Từ
khi biết nghĩ điều hay cho những ao ước của mình, tôi chỉ một mạch nghĩ theo
cách mạng…Những sáng tác của tôi còn nhiều thiếu sót dường như tự nhiên chủ
nghĩa, nhưng gốc (là) tôi giữ được cho tâm hồn cái dáng dấp lý
tưởng mình theo đuổi từ khi chưa làm nghề văn.” ( trang 250 “ Một Quãng
Đường”, trong tập Hồi Ký, nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, Hà Nội 2004 ).
Dáng dấp lý tưởng gì? Đó là vấn đề chúng ta cần phải tìm hiểu.
Nhưng trước hết là khi đã có tên tuổi, chức vụ từ năm 1946 cho đến tất cả
về sau, từ khi Việt Minh đã đoạt được chính quyền và lãnh đạo cuộc kháng chiến
chống Pháp, Tô Hoài cốt yếu là cán bộ chính trị, ký giả cho những báo cơ quan
ngôn luận của đảng. Trong sự nghiệp viết văn, Tô Hoài viết văn theo tư cách ký
giả nhà báo. Viết văn theo tự nhiên chủ nghĩa! Mơ màng, tưởng thấy gì
tưởng nghĩ gì viết nấy nêú có đắn đo thêu dệt thì vì phải theo luật
tự nhiên bảo tồn chức vụ, sứ mạng đảng viên, duy trì sinh kế trong chế độ. Vào
tuổi 70, ngồi viết hàng ngàn trang hồi ký, Tô Hoài cho người đọc thấy ông “ung
dung nhẩn nha” với những kỷ niệm mơ màng; ông như luyện dưỡng sinh, mỗi ngày
viết một mẩu truyện năm sáu trang sách. Văn của Tô Hoài chân phương trải dài,
chữ nghĩa “nhặt nhạnh” từ những người những cảnh đã gặp, đã sống (theo chính
lời của tác giả). Cũng chính theo ông, Tô Hoài không tự đặt vấn đề “nghệ
thuật”. Nghệ thuật trước tiên là trầm mặc suy tư một câu hay một chữ mà mình đã
viết, nghe nó vang vọng trong tâm hồn trong tư duy. Chỉ một giờ như thế phẳng
lặng định thần có thể cho những câu văn của nhà văn một nhịp điệu ẩn dụ, một
điệp khúc tâm tư âm thầm nhắc nhở một nỗi đau lòng, một nhớ thương, một niềm
vui xa vắng. Tô Hoài viết gì bữa nay, ngày sau ông dửng dưng viết sang
chuyện khác. Đọc hồi ký của Tô Hoài mà đặt câu hỏi về nghệ thuật của nhà văn,
hay nói phóng đại rằng Tô Hoài là nhà văn lớn thì chỉ làm bận lòng tác giả.
Ký giả nhà báo nhẩn
nha đi tìm thực tế, tìm trong ký ức không có định kiến gì về sự tuần tự
của thời gian những mẩu chuyện nửa ảo nửa thực của dĩ vãng. Ngàn trang hồi ký
của Tô Hoài không thể là sử thi của thời đại mà ông sống, nó cũng không là ký
sự phác thảo thời đại. Nếu cuộc tổng khởi nghiã Việt Minh tháng 8-1945, mà Tô
Hoài trực tiếp tham gia bên Như Phong, Nam cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Hữu
Đan…được khá nhiều nhắc nhở, nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến trận Cao
Bằng, chiến thắng Điện Biên, cuộc khải hoàn tiếp quản Hà Nội, rồi sau chiến
thắng Mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước đều như không để lại cho Tô Hoài một ký
truyện đáng kể gì. Tô Hoài là đảng viên trung thành cấp cao của đảng, nhưng
những lãnh tụ lịch sử Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Tố Hữu, Xuân Thuỷ…mà ông
phải nhiều lần tiếp cận, chỉ thoáng hiện trên hai ba dòng của hồi ký. Tô Hoài
chỉ viết những mẩu tự truyện của đời ông: “Bao giờ tôi chẳng lấy đời tôi ra
để viết. Lại như bảo đây là chuyện có thực ư? Vâng thực cả, nhưng chữ thực kia
cũng có năm bảy đường, mỗi người có sự thực của riêng mình, mà cả những mơ hồ
ảo tưởng của người ta rút cục cũng thực nốt.” (Tô Hoài)
Những mẩu chuyện của
một đời người, nhưng đây không phải là hồi ký “Yêu Và Sống” của một tài tử Lê
Vân; chúng ta có đây hồi ký của một nhà văn lão thành. Nhà văn Nguyễn Khải từng
nhận xét, có những đoạn văn rất hay, nhưng quá thừa thãi như không nằm chung
một mạch văn nào. Theo nhà phê bình Vương Trí Nhàn, thì cũng thật là có những
mẩu chuyện như chuyện kể lại ông già và con chó (trong”Chiều Chiều”) tự nó có
thể hoàn chỉnh là một truyện ngắn. Nhưng bản thân Tô Hoài chỉ bận tâm đến ký
sự, nhưng là ký giả sắc bén nhận ra những chi tiết độc đáo của việc đời. Hơn
nữa, Tô Hoài như ta biết có một cuộc sống rất dài, rất rộng bao quát hơn một
nửa thế kỷ lịch sử. Hồi ký của Tô Hoài là ký sự những chuyện (có thực hay không
thực) đã sống; người đọc bị lôi cuốn vào màn ảnh đời của một nhân vật. Cái phần
đời riêng tư, kín đáo nội tâm nhưng của Tô Hoài, cuộc đời đó cùng những
suy tư mơ màng nửa che đậy, cũng đưa người đọc cảm ra cái hồn chơi vơi của
một xã hội, xã hội Việt Nam giờ này cũng như trong nửa thế kỷ vừa qua.
Nhà phê bình Vương Trí
Nhàn cũng lại nhận định rằng tập hồi ký của Tô Hoài là “cả một cuốn sách
quay đầu về với cái cũ”. Nhất định là hoài cổ rồi! Nhớ nhung cái thời
phóng đãng 1938-45, nghệ sĩ tìm ăn tìm sống vào nam ra bắc, la cà xóm Khâm
Thiên, tụm năm tụm bảy quanh bàn thuốc phiện nhưng viết ra những trang sách để
đời. Trong “Những Gương Mặt-Chân Dung Văn Học”, khi nói tới Nguyễn Bính thời
đó, Tô Hoài có những lời văn rung động thi ca như chưa từng có. Chuyện kể gặp
lại Vũ Bằng ở Sài Gòn năm 1975, Tô Hoài biểu lộ tình cảm tha thiết thầm
lặng đối với tác giả của “Thương Nhớ Mười Hai”, ký sự tuỳ bút mà Tô Hoài thật
muốn rập khuôn theo nhưng thiếu cái hồn nhiên trữ tình. Cũng theo Vương Trí
Nhàn, Tô Hoài đã từng nói: “Cái đời sống sắp tới chẳng có gì lạ đối với tôi.
Tôi đã có cái nhìn khác từ lâu rồi. Thời nào tôi vẫn là tôi. Có một quá khứ
chưa ai biết của tôi bảo đảm cho điều đó.” Dĩ nhiên là với một
tấm lòng hoài cổ, người ta đều sẵn có một tâm tư bất biến tự tại. Ở Tô Hoài, nó
lại còn như mang theo một uẩn khúc. Đọc Tô Hoài, cái hình ảnh mà tôi thấy
trước nhất là của một nhân vật (lãnh đạo tuyên huấn, quan toà chánh án toà án
nhân dân, tổ trưởng tổ kiểm điểm chỉnh huấn) vừa biểu quyết dìm một người thân
mà mình nể trọng xuống bùn đen hay ra lệnh đưa dẫn người đó vào cõi vĩnh
hằng đen tối, biểu quyết theo đám đông, biểu quyết như thế vì không còn cách
nào khác để chính mình tồn tại, hưởng thụ cuộc đời; rồi sau đó nhà chính khách
trở về phòng riêng nghe một bản nhạc, đọc một bài thơ trữ tình hay viết mấy câu
văn, thầm tự khẳng định rằng mình chưa mất hết linh hồn hãy còn biết hối tiếc.
Tô Hoài cùng chia với
Nam Cao một lý tưởng. Những khi bụng lép ( một đứa con của Nam Cao chết vì
thiếu ăn trong nạn đói 1944-45), những khi phóng đãng hai nhà văn trẻ vẫn tin ở
sứ mạng của văn chương nghệ thuật, ước vọng một tương lai đại đồng, đưa tay đến
những người cùng khổ. Hướng tới một chân trời nào rộng rãi tự do. Tự do như
núi cao, như sông dài (Tô Hoài). Nam Cao, Tô Hoài theo nhau gia nhập phong
trào cứu quốc Việt Minh. Tô Hoài được kết nạp vào đảng năm 1946. Chính Tô Hoài
làm bí thư chi bộ đảng kết nạp Nam Cao 1947. Họ gia nhập đảng với một tâm hồn
trong trắng lãng mạn tin ở tương lai, xây dựng một xã hội tự do nhân đạo
và công lý. Nhưng bánh xe lăn của lịch sử bao giờ cũng tàn bạo. Những cuộc cách
mạng lớn lao, như cách mạng 1789 Pháp quốc, cách mạng tháng 10 Liên Xô, cách
mạng tháng 8 Việt Nam đều mang theo những lệch lạc, những hy sinh vô nghĩa lý,
những vật tế thần thí sinh đưa lên bàn thờ của những ý thức không tưởng. Ngay
năm 1951, Nam Cao đã là nạn nhân mà giòng sông lịch sử tàn bạo cuốn chìm đi. Tô
Hoài người ở lại, biết lèo lái cho con thuyền của mình nổi trôi bồng bềnh theo
giòng nước.
Lèo lái là tự bảo vệ,
đành làm và đành nói những điều mà mình không muốn, biết đeo mặt nạ, giấu kín
tâm tư, từ bỏ những hoài bão cao xa (tiểu tư sản?). Hồi ký của Tô Hoài
tiềm ẩn một một cái gì thật chua chát, khinh thị cả chính mình. Nhìn bóng mình
trong gương và thản nhiên tự nhắc lại những lời mà người khác quở mình: “Thằng
ngoại ô láu cá, văn chương đẽo gọt!” (Như Phong), “Tiên sư mày, thằng
Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không.” (Nguyên Hồng), “Mồm
nói thế này, bụng lại nghĩ khác.Thằng cơ hội!” (Nguyễn Tuân)…Độc giả
có thể nghĩ hồi ký của Tô Hoài phù phiếm, chỉ là những ký chuyện tạp nham tiểu
tiết. Làm tình đồng tính luyến ái với Xuân Diệu; gửi hoa phúng Boudarel, mà
không nhắc Boudarel đã bị đảng ta liệt vào “nhóm xét lại”…Nhưng có những ký sự
tuởng vẩn vơ mà thật ẩn náu thổ lộ tư duy dằn vặt u ám. Vừa đọc xong truyện
ngắn của Phùng Cung “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh”, Tô Hoài gật gù phán đoán bề
trên vô cùng độc hại: “Thằng này viết được. Nhưng còn hộc máu ra mới nên cơm
nên cháo đấy con ạ!”, rồi ngay sau đó viết như chuyện trên trời: “Tôi
không thể tưởng tượng một Phùng Cung thế nào mà bị bắt – tù không án biệt giam
mười một năm!”. Truyện viết ra ngắn gọn nhẩn nhơ trắng trợn, thế mà thật
thầm kín u uất như vì phải nhắc đến một chuyện bạo ngược bất công của xã hội!
Trong hồi ký hiển hiện
con người thật của Tô Hoài, có một cuộc sống tâm tư quá khứ chưa ai biết. Con
người hoàn toàn xa lạ với hình ảnh thông thường lạnh lùng cán bộ quan liêu,
đảng viên lãnh đạo tư tưởng cao cấp. Cái chết 1951 của Nam Cao dửng dưng nhắc
lại bốn năm lần, nhưng thật trở đi trở về như một niềm ám ảnh, tuy nói nhờ
Phùng Cung theo giúp người vợ của Nam Cao đi tìm mộ (1956?), Tô
Hoài thừa biết rằng xác của Nam Cao đã vứt vào hố chung, 1998 dưới áp lực của
Unesco (theo lời của người con, bà Trần Thị Hồng, báo Văn Nghệ số Tết Ất Dậu,
Hà Nội 2005) mới được đào lên đưa về cho gia đình. Khi Tô Hoài đưa cho Nguyên
Hồng đọc bài mình tự kiểm điểm (báo Nhân Dân 12 tháng 3. 1958), loại văn
chương đẽo gọt gỗ mọt quét sơn vàng, tác giả thật mong chờ được nghe Nguyên
Hồng thét lên : “Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì
không””. Không những thế, Nguyên Hồng còn mếu máo quỳ xuống trước
bạn mình, trước “Hội Trưởng Hội Nhà Văn”, chỉ xin một điều đừng bắt ông
phải viết một bài tự kiểm điểm như vậy, cho ông đi Nhã Nam, Bắc Hà miền sâu
miền xa làm người ruộng, người rừng. Cả một màn kịch siêu thực. Đặc biệt nữa
trong hồi ký là sự giao du hàng tháng hàng năm với Nguyễn Tuân, hai người bạn tâm
đầu biết thế nào là cơ hội, né tránh những đòn ngầm tranh giành miếng ăn
miếng lộc, cùng vẫn còn một chút nhân tính, tự trọng biết khinh mạn cái xã hội
chỉ thấy những người đê hèn và giả dối. Tất cả trình diễn một Tô Hoài bạc nhược
yếm thế, với một nhân sinh quan khắc khoải bi quan, không thiết tha chờ đợi gì
ở xã hội trên mảnh đất này. Ngay những năm đầu thiên niên kỷ, xã hội đổi mới đi
vào nền kinh tế thị trường tư bản, Tô Hoài vẫn còn nói : “Tôi không
chờ đợi gì mới lạ! Ai giầu thì cứ giầu, con người vẫn là con người.”
Vô hình chung, tập hồi ký của Tô Hoài là bản cáo trạng vạch trần cái u
tối của xã hội, nằm trong một chế độ không nhân tính, mà chính tác giả đã góp
phần xây dựng. Cái chế độ của bọn chính khách to mồm và lớn miệng. Của những
cán bộ đảng viên “chân đất” tu dưỡng ở trường Nguyễn Ái Quốc, ngồi rung
đùi tay rứt râu mép nghe giảng triết học Marxít, đạo đức bí thư uỷ viên chính
trị cho quận hay cho xã ( xem “Chiều Chiều”). Cả một chế độ không thầy không
tớ, con người suy thoái, những người tài danh đều già trước tuổi, phế thải suy
tàn trong những buổi chiều đen tối. Ngô Tất Tố quẹt nuớc mũi vào gốc cây và
than rằng: “Làm người khó lắm, bác ạ!”. Nguyễn Bính đói khát lang
thang như kẻ không hồn, vứt con nhỏ ở góc đường cho người nhặt. Ôi! Tât cả đây
dưới ngòi bút của Tô Hoài là cái thời chuyên chế bao cấp, văn nghệ tư tưởng
chỉnh huấn một chiều. Dư hại vẫn còn đây; trong hồi ký của Tô Hoài người ta
không thấy một tia sáng hy vọng nào cho ngày mai. Không một nhân vật văn nghệ
nào của những thế hệ sau, trưởng thành sau cách mạng tháng 8-1945, được Tô Hoài
nhắc đến, dù ông đã là hội trưởng hay phó hội trưởng hội nhà văn hay hội văn
nghệ từ 1957 đến tận 1996. Tô Hoài chắc đồng ý với nhà văn Kim Lân (sinh năm
1922), văn học Việt Nam đã mất rồi (từ thời Nhân Văn-Giai Phẩm) tưởng tượng,
lãng mạn, mơ mộng, nhiệt huyết sống. Ngày nay nó lại trở nên thực dụng, ê
chề, oái oăm nữa!
Trong bối cảnh lịch sử
Việt Nam, cái nhìn vào thời cuộc của Tô Hoài là cái nhìn qua con người; chính
trị quốc gia cốt yếu là vấn đề xã hội nhân sinh. Nên hai sự kiện lịch sử mà Tô
Hoài nghĩ tới là phong trào giảm tô cải cách ruộng đất (CCRĐ) và vụ án Nhân
Văn-Giai Phẩm. Qua hai sự kiện chính trị này, theo Tô Hoài thì sự chuyên
chế đảng trị, cách mạng xã hội chủ nghĩa mệnh danh của giai cấp bần cố
nông, công nhân lao động thật là chuyện chúng ta mở cũi cho xổ lồng một
quái vật ( la boîte de Pandore). Tất cả xã hội giờ đây là nằm dưới quyền của
một bề trên không tên không tuổi, không hình không hài. Cái tiền đề này,
người đọc có thể đã cảm nhận thấy qua hồi ký ( “Chiều Chiều”, “Cát Bụi Chân Ai”
). Với tiểu thuyết “Ba Người Khác”, thì nó chính là nguyên lý trong cái
nhìn của Tô Hoài hồi tưởng lại thảm kịch CCRĐ.
Trong phong trào CCRĐ
1953-56, những đảng viên trí thức, văn nghệ sĩ bị tung ra từng đội về các
xã thôn quê huy động tố khổ phú nông địa chủ và làm nghĩa vụ cải thổ (
phân chia lại ruộng đất cho bần cố nông). Công tác dưới xã xiết chặt phăm
phắp từng buổi từng ngày, cả đội như một đơn vị ra trận. Hai ngày bắt rễ, một
ngày xâu chuỗi ( rễ, bần cố nông của làng; chuỗi, đám dân đen
của làng có thể đưa ra thị oai và tố khổ bọn phú nông)( trang 115, Cát Bụi Chân
Ai ). Nếu không làm đúng theo chỉ thị bề trên, có thể bị khai trừ
(trong nghĩa đen và nghĩa bóng) vì tội trốn đấu tranh. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm
, một trong tứ trụ hoạ sĩ tài danh (cùng Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích
Liên), đội viên giảm tô hoảng quá phát dại, suốt ngày vẩn vơ ngoài đồng bắt cào
cào chấu chấu ăn. Điên thật hay sợ phải ngồi chuồng trâu kiểm thảo đã sáng
tác ra trò “Vân dại” ấy? (Tô Hoài).
Tô Hoài đi trong một
đợt 1955 (?). Về cải thổ một xã, vừa được tiếp quản (1954) nên hãy còn lề lối
an bình thời xưa, nhưng nay vắng vẻ không tiếng cười trẻ con, không trai tráng
ngoài đình, tất cả đều im lìm như chờ đợi một cuộc động đất! Cùng đội “xung
phong cải cách” có đồng chí đội trưởng Hoàng Cự (nhân vật thật, biệt phái
của quân đội - trang 119, Cát Bụi Chân Ai) và đồng chí Đình. Hai đồng chí này
đã cùng đội với Tô Hoài thì không thể là những đứa “vô danh tiểu tốt”;
nhưng trong chế độ mà con người mất bản ngã và đội chỉ có bổn phận là làm phăm
phắp theo chỉ thị bề trên, ba đội viên ông, Tô Hoài nhìn lại, chỉ là ba
thằng lính người gỗ. “Ba Người Khác”, ba thằng tha hoá như thể không
phải là người với tư duy và nhân cách. Tô Hoài còn bi thảm hoá hay hý kịch hoá
hơn nữa cho ba đội viên cải thổ đều là ba đứa vô học, lai lịch mờ ám, cặn bã xã
hội. Tuy nhiên tên Bối, đóng vai của tác giả, biết nói và biết nghe để kể lại
chuyện như một ký giả . Và cả ba anh đội vẫn còn hai nhân tính, mà không
một kỷ cương tư tưởng cách mạng nào có thể một sớm một chiều xoá bỏ, họ tận
sống ba cùng ( cùng ăn, cùng ở, cùng làm với rễ) nhưng vụng trộm ăn mảnh
và tham lam hủ hoá ( mang đàn bà con gái ra làm tình, có khi ngay ở bụi
tre như ở chỗ không người, và các bà cũng chỉ muốn vậy trong một làng đã mất
rồi dương khí!)
Nếu Hồi Ký ( “Chiều
Chiều” và “Cát Bụi Chân Ai”) là bản cáo trạng lột trần thảm hoạ của những cuộc
kiểm điểm chỉnh huấn tư tưởng một chiều ( Vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm), “Ba Người
Khác” thì lại mãnh liệt hơn nhiều nữa tố cáo cái chính sách phi lý và ngu muội
không tưởng dẫn đến những sai lầm và những tội ác. (Trường Chinh tuyên
bố 1956 rằng CCRĐ có những sai lầm, những oan trái. Có những người phải trả
giá, oan khiên chịu những nhục hình; nhưng đâu phải là toàn thể những nông
dân!!). Đặc biệt là những bản cáo trạng này lại được viết ra bởi Tô Hoài,
đảng viên cán bộ cấp cao, vào năm 1992 đã có gần năm mươi năm tuổi đảng.
“Ba Người Khác” thật là một tài liệu vô giá đưa ra một cái nhìn từ phía bên
trong, từ chính một đảng viên, con ngưòi và xã hội Việt Nam có thể biến dạng và
suy thoái sao dưới chế độ ý thức hệ một chiều, trật tự sắt đá luật lệ tư tưởng
mờ ám.
Có nhiều phê bình gia
nghĩ “Ba Người Khác” là tác phẩm quan trọng nhất của Tô Hoài. Là một tiểu
thuyết, dưới góc độ nhìn văn chương nghệ thuật, có tất cả những yếu tố
để là một tác phẩm lớn, lớn trong cái nghĩa văn học về chiều dầy của
cuộc đời, một tác phẩm có sức mạnh biểu trưng, tả đến tận cùng xã hội con
người, xã hội Việt Nam, dưới ách của bề trên, “Những Người Anh Cả!”.
Nhưng Tô Hoài là một ký giả quá tài hoa. Ông say mê kể chuyện, mà người đọc
thật bị lôi kéo. Chính vì vậy mà tiểu thuyết “ Ba Người Khác” lại loãng đi vì
có quá nhiều ký sự. Những chuyện không đâu! Chuyện một bà già ốm đau, liệt
giường bỗng có khả năng tự tử , đập đầu vào cối đá. Chuyện hai cô gái đánh ghen
một người thứ ba (vì tình ư? vì đòi sống bên Hoàng Cự?); nếu để vào khung cảnh
tranh giành chia quả thực (gia tài của phú nông), thì chắc chắn mẩu
chuyện này có một giá trị rõ ràng điển hình không nhỏ. Ngòi bút của Tô Hoài hãy
còn do dự để vẽ lên một bức tranh cô đọng thật khuấy động lòng người. Không có
đoạn văn sắc bén để tả ra cái làng mà người dân bỗng ra vào lén lút, hoảng sợ.
Đoạn văn tả cuộc tố khổ và hành hình phú nông thì nhẹ nhàng như không.
Đọan kết của truyện có thể nói đã làm phai nhạt những lời tố cáo. Để cho người
đọc thấy tận cùng sự phi lý và sự nhũng loạn bề trên, tác giả đáng lẽ
phải để Bối – nhân vật biểu tượng nhà văn – mãn công tác, trở về thăng hoa tiến
chức như chuyện thật ngoài đời. Hãy cho Hoàng Cự bị ghen ghét đưa ra làm
thí sinh vật chịu tội trách nhiệm cho tất cả những oan trái của CCRĐ; hãy để
Đình bị vu là Việt Nam Quốc Dân Đảng cài vào, bị tra tấn rồi hành hình ngay
trong cuộc sưả sai với thâm ý rõ rệt là để che lấp cái ngu muội không tưởng của
phong trào.
Tôi tin rằng “Hồi Ký”
và truyện “Ba Người Khác” của Tô Hoài sẽ còn được nhiều bình luận và diễn giãi
chi tiết hơn nữa. Tác phẩm của Tô Hoài có một giá trị giáo dục hiển nhiên. Khi
một nhà văn hạng ba - lớn lên và trưởng thành trong chế độ bao cấp,
trong chiến tranh, học tập trong trường chính trị của quân đội, tu dưỡng chỉ
với sách báo của đảng - phẫn nộ thoá mạ rằng văn nghệ sĩ tiền bối chỉ là những
kẻ lỗi thời, Nhân Văn-Giai Phẩm là thảm trạng của sự tranh giành miếng ăn miếng
lộc! Khi một nhà văn hạng hai, xuýt xoát một hoàn cảnh, ( chắc nghĩ đến
câu : thương cha thuơng một, thương ông (Staline) thương mười) chán
chường tuyên bố rằng những nhà thơ Việt Nam đều là gian dối, rồi
về làm vè nửa quê nửa tỉnh! Những nhà văn này, cũng như tất cả những thế hệ
về sau, nên biết tiếp nhận cái diễm phúc là bây giờ chúng ta được đọc Tô Hoài.
Cảm nhận ra cái bi hài kịch mà xã hội Việt nam đã trải qua, tiêu hao bao nhiêu
nguyên khí sáng tạo của con người, mà hậu quả là một màn đen như hãy còn bao
phủ trên đời sống văn học của đất nước. Nhưng nếu chính Tô Hoài thì bi quan,
không chờ đợi gì ở ngày mai, tôi thì tin rằng tác phẩm của ông thật lại mang
đến cho chúng ta một niềm hy vọng rằng rồi đây cái màn đen sẽ được xé tan.
Chúng ta biết học hỏi và tìm hiểu những sự kiện lịch sử với mặt trắng và mặt
đen, thẳng thắn cảm nhận những biến thiên của xã hội trong thời đại rất dài vừa
qua, lớn lao một phần vì nước mắt và đau khổ.
Tháng 3 năm 2007
CAO
TÔN
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ