Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Lẽ sống và lẽ chết

                                     Lệ Hà (1933-2012)       Sơn dầu trên bố  135x135cm


Lẽ Sống và Lẽ Chết



Tay  cầm ly rượu nho đỏ, Giáng nhìn con đường đất chạy ven đồi ẩn hiện sau những chùm cây, không một bóng người  trong hoàng hôn. Giáng nghĩ muốn đi trên con đường đó, lặng lẽ cô đơn về phương đông, mặt trời lặn  chiếu toả bóng mình to lên mãi tan biến vào trong đêm. Giáng bỗng nghĩ cố tìm ra lại một cảnh tượng nào của tuổi thơ, nhưng chỉ mông lung cảnh một cậu bé ngây ngô ba bốn tuổi đứng ở cổng ngôi nhà lầu gạch mới xây bên con đường đất hoang.
Giáng thầm thì hát bài thơ “Nghe Đất” của nhà văn Mai Thảo, chiết chung kiêu kỳ như chính bản chất của nhà văn trước sự đời, nhưng đây ý thơ là đã chìm vào cõi chết. Hai câu thơ cuối:
Linh hồn thiếp giữa chiều hoa
Bóng hình thôi đã nhạt nhoà quanh thân
Chữ thiếp làm dịu sự kiêu kỳ, ẩn dụ cái lòng hiền mẫu của trời và đất.

Giáng tự hỏi không biết mình gần gũi “chuyện chết” bấy lâu nay nhỉ. Lần đầu tiên là những ngày Bùi tiên sinh nằm liệt trên võng bên gốc mít vườn nhà. Một buổi sáng Bùi Bệ Hạ còn phóng tác ra lục bát một bài hán tự hài cú của ta:
Đương thì nhật nguyệt trôi qua
Tha hương cố quốc lạc hoa một cành
Trường miên nguyện ngủ dưới ngành tùng trăng
Với “ngành tùng trăng” nhẹ nhàng tu bổ ý thơ, Bệ Hạ đã đưa lên cảnh êm đềm một đêm trăng và cho ta cảm nhận giấc ngủ an nhiên vĩnh hằng trong “cõi thiên thu”. Chính trong đêm ngày đó, Bệ Hạ đã đột quỵ và ta đã cùng mấy trăm người đưa tiễn Bệ Hạ mươi ngày sau ra bãi Dứa. Đó là lần đầu tiên, ta nghiệm thức “Chết” là một sự mất mát vô cùng.
Chỉ mấy năm sau, ta đã đến bên linh cữu của Trịnh Công Sơn và đưa tay đụng nhẹ má Sơn như muốn nói ra một lời hẹn hò. Ta nhớ tối bốn năm hôm trước, đến thăm Sơn ở Chợ Dãy; Sơn nói: “Không đến trước để ăn cơm cùng Sâm Thương?”. Chỉ nói được vậy, Sơn đã quặn đau, các em Sơn xúm lại đấm bóp. Ta ra về. Trên đường  lái xe gắn máy, lòng ta bỗng thắt lại vì ra về mà đã không bắt tay giá lạnh của Sơn, với một lời hẹn hò gặp nhau ở bờ bên kia bến nước.

Sống và Chết”,  đề tài muôn thuở của thi nhân, văn hào nhân loại! Giáng nhìn ra cửa phòng trọ mơ màng chờ đợi một ai đó đến để cùng nhau dông dài thảo luận.
Giáng nhớ đã có dịp nhiều lần gặp Nguyễn Tuân, nhà văn có chiều sâu văn học, nhưng tiếc là Nguyễn Tuân đã bị bệnh thấp khớp hầu như không đi lại được. Tô Hoài, theo Giáng hiểu, đã có ý nói Nguyễn Tuân một ngày đã định trước đêm đó sẽ lên đường xa cõi tục. Nếu còn gặp Nguyễn Tuân, sẽ cùng nhau thảo luận con người có quyền hay không có quyền tự quyết định khi nào đi khi nào về trong cõi nhân sinh. Nhưng Giáng nghĩ lại tự cho mình cái quyển như vậy có thể là một phần nào quá khích, phủ nhận ngay cả cái phận nhân sinh bọt bèo nổi trôi trong giòng thời gian.

Trịnh Công Sơn?  Giáng nhớ bao nhiêu năm tháng ngày ngày tụ họp bạn bè cùng Sơn uống rươu đục. Nếu có ngay Sơn, ta sẽ mời người tài một ly rượu mạnh. Trịnh Công Sơn mang sẵn trong lòng một điệu nhạc, vẫn một điệp khúc vô cùng bay bổng thay biến, điệp khúc buồn của tình yêu, nỗi buồn phù du của chính tình yêu trong lòng mình. TCS còn mang sẵn những màu sắc, nét vẽ cao sang để trình ra lại cái mỹ miều mong manh của đời, cùng những từ ngữ ý thơ, thu nhặt từ những ngày dài dưỡng bệnh nghe tiếng mõ tiếng tụng kinh cửa Phật, những từ ngữ những ý thơ lung linh bao quát tình thương, nhân đạo dịu nhẹ cái sầu thảm bất tất của từng người. Trịnh Công Sơn tài hoa quá, bay bổng quá để có cái khắc khoải của nghệ sĩ đối diện hư vô, và không bao giờ thấy cần tự luận vấn vươn lên, như Nietzsche nhấn mạnh, từ hố thẳm hệ luỵ “cát bụi phận này” để đạt đến chân trời siêu hình của lý chí.

Giáng đăm chiêu nhớ đến Bùi tiên sinh. Nhớ chuyện khi trước Bệ Hạ nằm liệt vườn nhà, một bà cô nói: “Rồi ông phải ra đi, thật là buồn”. Bệ Hạ nói lại: “Sống chết có gì mà buồn. Ta là thánh!” Hiển nhiên, Bệ Hạ không muốn nói Bệ Hạ đã đến cõi tục này như là thánh mang cho nhân loại lời của Chúa hay kinh của Phật. Cũng không muốn nói đời sẽ dựng đền thờ Bệ Hạ để người dân đến xin thẻ cầu an cầu phúc. Bệ Hạ muốn nói Bệ Hạ đã “ngộ”  ra cái “lẽ nhân sinh”, siêu thoát sống tận cùng kiếp sống trần gian, lang thang các ngõ hẹp, ăn những bát cơm thừa, say mèm với những ly rượu lậu, ngủ ngay bên gốc cây vỉa hè, thương cho đám trẻ không nhà, làm bạn với những kẻ khốn cùng, rủng rỉnh tiền thì mang cho “những nàng đêm” hưởng trên đôi vú cấm tình mẫu tử của trời đất và cũng là chia sẻ nỗi bi thương của những mảnh hồn yếu đuối mà đời đã đoạ đầy.

Nhiều chiều khi xưa, Bùi Bệ Hạ tìm ta, có khi đến tận An Phú xa Sài Gòn, để cùng ta uống rượu làm thơ, nhưng ta bỏ ra đi theo những hẹn hò xa hoa khác. Nay Giáng thầm tự trách! Tưởng tượng bỗng Bệ Hạ mở cửa phòng gặp ta. Ta sẽ vồn vã bao nhiêu và sẵn sàng cùng Bệ Hạ nghiệm thức “phận làm người”. Tất cả và duy nhất tất cả là “Sống”! Sống với trái tim đập hoà nhịp cùng chim ca hót buổi sáng mùa xuân, cùng gió xào xạc rừng thu lá rụng và trăng lu, qua đám mây mờ một vì sao lấp lánh như đối chiếu một cuộc đời lẻ loi nào xa vắng.
Bệ Hạ thường nói: “Sống” là “hiện thành và Sáng Tạo”. Cái cây kia lên chồi ra hoa nở nụ, gieo rắc hạt mầm vào “cát bụi”. Những sinh vật này đương vươn lên, thích ứng để sống còn, rồi đến mùa sẽ hôn phối cùng nhau lưu truyền nguồn máu của giống nòi. Con người là thú vật có “lý tính”, có thế giới hiện sinh của thể xác nhưng cũng có thế giới hiện sinh “nội tâm”. Làm người, cái gì lớn lao, huy hoàng nhất chính là “hiện thành và sáng tạo” trong thế giới nội tâm. Nghiệm thức “phận làm người” với bản năng nghệ thuật, “ThiệnMỹ thức” những sự việc, những chuyện đời.
Thiện   Mỹ thức” trước hết là hồn nhiên cảm thức. Khi ta, “con vật kiêu hùng”, trên ngọn núi, nhìn xuống thung lũng, đồng bằng trời đất trải dài đến tận chân trời, ta cảm nhận sự mênh mông của vũ trụ cùng cảm nhận sự nhỏ bé của bản thân phận người. Đến cho ta một chút gì “minh triết”, hiện thành an bài trong lòng hiền mẫu của tạo hoá.
Hơn nữa, “Thiện Mỹ thức” tức là suy tư nơi đây và giờ này ( “hic et nunc” như văn hào La Mã thời xưa từng nói). Như một tiếng sét đánh, một nụ cười của người yêu, một chuyện đời trong một thời khắc hiện sinh. Nhưng là giờ này suy tư trong thế giới nội tâm, thời khắc đó là thời quán mênh mông gồm cả quá khứ cả tương lai! Nụ cười của người yêu ẩn dụ những năm tháng đã nồng nàn yêu nhau và cả nỗi buồn của ngày mai, ngày mốt, ngày sau ta lại phải ra đi bỏ lại mối tình này để rồi những năm dài nuối tiếc.
Cùng với thời quán mênh mông  (giờ này), nơi đây trong thế giới nội tâm, theo nhà văn Claude Simon của trường phái tiểu thuyết mới (les romans nouveaux-France), không phải chỉ là một cảnh mà cũng là một bức tranh trùng trùng điệp điệp những cảnh tượng. Chuyện đời buồn bất tất ở chốn này ư! Thì đây  con đường u ám mà lặng lẽ cô đơn ta đi mang nặng một điều sám hối. Thì góc kia thành phố mà ta sẽ đến không còn ai quen nữa, chỉ còn lại cho ta những quán rượu mục nát, những mảnh đời kham khổ….
Cao trào nơi đây và giờ này, những sự đời sống động! Hố thẳm phận đời phải vươn lên. Thiên thần gãy cánh rơi vào khe cùng tục luỵ  Nghệ sĩ  sẽ biết “Thiện và Mỹ thức” rồi diễn giải lên khung, sáng tác điệp khúc luôn luôn trở về trong một giai điệu tình yêu rộn ràng thăng hoa, bức tranh màu sắc đột phá cô đơn và đau lòng khắc khoải hay nữa những câu thơ mang nặng nỗi niềm thầm kín:
Tái sinh khứ mộng hề
Hoà lệ vọng tầm thử đia môn
Song nhạn xuân thì vũ (Hán Tự Hài Cú- Ngô Văn Tao)
(Que tes mains, mon amour, en caresses bien vaines
Me retiennent les désirs perdus de la vie
Et ton murmure tel qu’une prière lointaine
Invoque les peines secrètes qui nous lient
Brûlante sur ma joue la larme de ton coeur
Pour le furtif printemps d’un rêve de bonheur)

Hiện thành và sáng tạo! Cao trào sống động từng thời từng khắc, Bùi Bệ Hạ nhận định chính thế là siêu thoát, thánh thiện phận sống làm người. Cùng với Bệ Hạ, ta còn nghĩ như thế, con người với bản năng nghệ thuật sau cùng hết sẽ biết nhận ra Cái Vòng đồng nhất của tạo vật. Cái Vòng của phận làm người. Không nơi nào là bắt đầu, không nơi nào là đoạn kết. Thi tính ở mọi điểm, thi tính tình yêu và phụ bạc, thăng hoa và truỵ lạc, hội tụ và ly tan, khát khao và tuyệt vọng, ôi! Sống Chết. Ta đâu biết khi nào và nơi đâu ta đã khóc vào đời. Ở thời ấy, ở chốn đó, ta sẽ nghe lại chăng tiếng tụng kinh, sóng gõ mạn thuyền, thuyền đưa ta vềxa bến cũ, bờ xa kia với những nóc nhà thân quen, những bóng người lao đao sống buổi sáng tinh sương, mây đen phủ đầy trời che lấp dần vào trong cõi mộng.

Tháng 7 năm 2015
Ngô Văn Tao

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ