Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Nghệ sĩ và Quỷ Thần

                                     Lệ Hà                 Sơn dầu  trên bố 65x85cm circa 1990




NGHỆ       QUỶ  THẦN
Tiểu thuyết : "Đốc tơ Faustus"  (Thomas Mann) 

Thomas Mann (1875-1955), văn hào người Đức, là tác giả của nhiều tiểu thuyết dài và truyện ngắn, cùng nhiều tản văn triết học và văn nghệ. Đặc biệt là giải Nobel năm 1929, vinh danh truyện dài: "Buddenbrook" (1901), thiên truyện ba thế hệ gia đình Buddenbrook tư bản trưởng giả. Nhưng có lẽ người ta nghĩ tới nhiều nhất là truyện " Ngọn núi Linh Sơn" (mà tôi đã đọc với bản dịch Pháp văn: "La Montagne Magique" ("Der Zauberberg" - 1924), truyện dài trong truyền thống  Léon Tolstoi và Dostoievky, tạo dựng những nhân vật điển hình con người với những khát khao, tín ngưỡng, dục vọng, tình yêu trong cuộc sống bất tất của phận làm người. Trong truyện "Ngọn núi Linh Sơn", thì những nhân vật sống những ngày tháng trong một nhà dưỡng bệnh lao trên vùng núi cao, không còn bị chi phối gì nữa bởi sự sinh sống hằng ngày, lo làm lo ăn lo sống, gần đất xa trời, với lý tính tâm tư vẫn là những nhân vật điển hình của phận làm người, những hồi ức xa xưa cùng thích ứng bản thân sao trong những ngày tháng rất ngắn ngủi với những suy tư triết lý, tình đời vẫn còn thoáng đến và thoáng đi.

Riêng ra, tôi đã từng đọc truyện " Trở về chết ở Venetia" ( bản dịch ra Pháp văn: "La mort à Venise" - Der Tod in Venedig , Thomas Mann 1912), một truyện ngắn, ẩn dụ tự truyện, suy diễn trên sự "hiện thành" (the becoming) của nghệ sĩ, mà hiện thành là sống qua những mâu thuẫn (theo F.Hegel). Một mâu thuẫn mà tất cả nghệ sĩ phải đối mặt, là cần phải cho tác phẩm của mình một giá trị tinh thần, đối với lẽ sống của mọi người, riêng tư và xã hội, hay là chỉ sáng tạo theo " lẽ Mỹ" (esthétisme), theo nhịp đập của trái tim. Duy Mỹ theo nhịp đập của trái tim, người nghệ sĩ có thể đã chối bỏ mọi giá trị tinh thần, giản lược hóa, tự quy định thế giới và tâm hồn trong một nhân sinh quan  vũ trụ kiêu sa tuyệt đối, đưa đến chìm đắm trong những ám ảnh bất thường và vô đạo của tinh thần hay thể xác.

"Nghệ sĩ và hiện thành" cũng là đề tài của tiểu thuyết: "Đốc tơ Faustus" (Doktor Faustus-Thomas Mann 1947). Một quyển truyện dài hơn 600 trang, mà tôi cũng đọc trong bản dịch tiếng Pháp "Le Docteur Faustus", tạo dựng một nhân vật "nghệ sĩ thiên tài âm nhạc Adrian Leverkuhn". Và trong viễn tượng (la fiction), "Đốc tơ Faustus" là lời của Serenus Zeitblom, nói về cuộc đời của Adrian, cùng lúc Zeitblom lo viết hồi ký người bạn đó, quen nhau từ những ngày thơ ấu. Những mẩu chuyện đời cùng những lời bàn sâu rộng, nói tới âm nhạc, nghệ thuật, thần học (théologie), tâm lý học, triết học xa gần từ thời trung cổ tới Kant, Rousseau, Schopenhauer, Kierkegaard, Nietzsche... "Đốc tơ Faustus" tiểu thuyết mênh mông và bát ngát, những mảnh truyện tiểu thuyết sinh động không phải là chính, mà người đọc phải biết chọn lọc nghiển ngẫm từng trang, suy tư chìm đắm trong tư tưởng và kiến thức không cùng của tác giả (Thomas Mann trong vai trò Zeitblom). Thật là một truyện nằm ngoài sự chờ đợi thông thường ở một tiểu thuyết, nên không ngạc nhiên gì nếu quần chúng ít ai đọc và nói đến "Đốc tơ Faustus".

Thomas Mann viết tiểu thuyết này vào những năm 1942-46, tức là vào những năm cuối cùng của Quốc Xã Hitler Đức. Trước những tội ác không cùng của Quốc Xã Đức và những ngày tới tan tành đổ nát cả một dân tộc, cả một đất nước, mà Thomas Mann với tất cả tâm hồn biết mình là con dân, nhà văn ngậm ngùi diễn giải. "Đốc tơ Faustus" theo đó có âm hưởng lịch sử; đặc biệt là nhìn lại dân tộc Đức như một dân tộc hơn đâu hết có lập trường sinh động nội tâm, tiềm ẩn khái niệm tự do, nội tâm tự nó (en soi) không phụ thuộc vào một điều lệ khách quan nào. Và như thế, một khi đã tự do đầu lòng quyết chí chọn đi theo một chính sách ( Hitler với những ý đồ không tưởng tôn vinh dân tộc aryen Đức với quyền bá chủ hoàn cầu) có thể mù quáng, rơi vào cực đoan tội ác, để sau cùng chính mình phải trả giá cho đến tận cùng, như chuyện phương sĩ luyện kim Faustus (alchimiste Faustus, trong huyền thoại trung cổ) đã bán linh hồn cho quỷ thần mang về làm tôi tớ dưới địa ngục.

Chính những suy diễn như vậy, vừa giận vừa thương cho đất nước dân tộc mình đi dần vào thảm họa, vực thẳm sau cùng của tội ác, đã đưa nhà văn chìm mình ba bốn năm say đắm tự giải tỏa bằng viết thiên tiểu thuyết :"Đốc tơ Faustus", truyện bán linh hồn cho quỷ thần. Tất nhiên không phải truyện dị đoan huyền hoặc dân đen trung cổ, mà là truyện hiện đại với triết lý và tâm lý học. Thomas Mann tạo dựng nhân vật điển hình "thiên tài âm nhạc Adrian Leverkuhn", một nghệ sĩ tuyệt đối mà theo như họa sĩ Degas đã từng nói: "mỗi khi sáng tác một tác phẩm là một lần nghệ sĩ đã phạm tội".

Adrian ngay từ tuổi nhỏ đã lộ ra có năng khiếu hơn người. Tuổi nhỏ chỉ một lần cùng bạn Zeitblom học hợp xướng canon (hai ba giọng khác nhau xướng cùng lúc) với cô gái giúp việc gia đình, mà như đã cảm nhận ra thể "phổ nhạc phối âm điệu nghịch" (la polyphonie à contrepoint). Trong trung học, Adrian luôn luôn nghiêm túc, học hỏi dễ dàng hầu như hiểu sâu xa trước khi nghe hết bài giảng của các thầy. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Adrian theo một ẩn ý tự kiềm chế mình nên nhập đại học môn thần học (la théologie), tìm qua kinh điển thiên chúa giáo sự thu mình khiêm tốn với tình thương của chúa. Nhưng chỉ một năm sau, đã bỏ thần học, để theo đuổi nghệ thuật soạn nhạc như cái nghiệp của bản thân, nhất là đã làm quen Kretzschmar, một nhạc công trẻ phong cầm (orgue) của nhà thờ. Kretzschmar thâm sâu nhạc lý, nhận ra năng khiếu của Adrian không ngừng bàn bạc dẫn giải Adrian trong nhạc lý như người thầy như người bạn.

Chỉ mới một vài lần theo Kretzschmar  xem hát opéra của Mozart, của Beethoven..., Adrian đã thức tỉnh trực tiếp nhận thức sự đột phá âm thanh diễn trình của dàn nhạc (orchestre). Sau khi xem vở Fidelio của Beethoven, Adrian ngày đêm mang theo mình nghiền ngẫm bản nhạc của khúc nhạc mở đầu: "Léonore, ouverture no.3" của Beethoven và nói ngay với ông bạn Zeitblom (Adrian hầu như luôn luôn  giữ khoảng cách không thân thuộc anh em với ai, ngay cả cũng không thân thuộc gọi ra tên người mình tiếp súc)
" Này ông biết không? Đây là bản nhạc tuyệt vời. Cổ điển, nhưng không kiêu sa; vô cùng lớn, tự nó là lớn...Đối diện khúc nhạc này, người ta phải  rùng mình, phải can đảm vươn mình...Một sự trình diễn tràn trề năng lượng, không trừu tượng, nhưng cũng không cụ thể, một năng lượng như năng lượng của trời đất...Chúng ta, những người Đức, quen thuộc từ ngữ triết lý : bản thân tự nó (la chose en soi), và tự nhiên quen thuộc mà không một chút bận tâm siêu hình; thì bản nhạc này là năng lượng tự nó, không trừu tượng và tuyệt đối thật là nó. Nghĩ như thể nghĩ tới năng lượng của Thượng Đế, phản ảnh Thượng Đế, ta phải tự hỏi lảm sao có thể như thế được, phạm chăng một điều cấm kỵ? ...Này ông! Nghe ra đây cả một vở kịch sinh động khúc chiết, từ sự việc này sang sự việc khác, một chuỗi sự việc trong thời gian, phân cách thời gian ra từng khoảnh khắc, mỗi một khoảnh khăc thời gian đều tràn trề không khoảng trống, rồi tất cả đúc kết trong một sinh động sau cùng với tiếng kèn vang dội đến tự nơi đâu ...Phải thật là lớn, không có gì có thể lớn hơn, hay đúng hơn không cái gì có quyền lớn hơn bản nhạc này!"

Không có gì có quyền lớn hơn! Tư tưởng cảm thức của Adrian sơ khai đã cực đoan. Zeitblom thầm nghĩ nghệ thuật của Andrian rồi sẽ thiếu phóng khoáng, thiếu khát khao hướng tới linh thiêng của trời đất. Mà thật vậy, Adrian soạn nhạc như giải một bài toán trí thức với 12 phím đàn đen trắng của dương cầm trong mỗi gamme, có thể xếp đặt thành (douze factoriel de combinaisons): " 12! tổ hợp " âm tiết đưa ra đan kết nhau (dodécaphonie) trên dưới, theo tiếp nhau chiều dài thành những chuỗi (serie), có những chuỗi hỗn hợp rùm beng chống kèn (dissonance) mà rồi giải cấu để tất cả góp phần thành giao hưởng không du dương nhưng hiện thành toàn khối một giao hưởng, một concerto... có công thức kỹ càng cứng rắn của đầu óc (une musique rigoureuse de l'esprit). Adrian quyết tâm phủ nhận tình đời trong nhạc phẩm; chẳng hạn như đoạn hợp xướng sau cùng trong "Giao hưởng số 9" của Beethoven (Hymne à la joie: An lạc trường ca) là đinh cao  âm nhạc tuyệt vời, Adrian biết vậy nhưng không tìm hiểu rằng khúc nhạc hoàn toàn không phải là sáng tác với ý chí, với đầu óc mà còn là bản nhạc nói lên một tâm hồn thiết tha tình người, tự cảm thấy nhỏ nhoi trước vũ trụ lớn lao tuyệt diệu, nhỏ nhoi mà được Thượng Đế cứu rỗi ban ơn.

Đối với bạn học thời trung học, như ở Đại học, Adrian luôn giữ một khoảng cách không chia vui vô tư cùng tuổi trẻ. Lớn lên học hỏi lập nghiệp cũng có một thời dự tối hội họp ăn vui văn nghệ của giới thượng lưu trí thức thành thị, Adrian lễ độ giao tiếp nhưng cũng xa vời không màng tham gia chuyện đời. Adrian sống trong một tháp ngà. Cái tháp ngà còn khóa kín chặt nữa khi đã học hỏi xong để tự lập nghiệp soạn nhạc, Adrian định cư túc xá ở một trang trại gia đình người nông, xa cách xã hội, xa cách mọi đường phố, với thú vui duy nhất khi không bận lòng soạn nhạc là tản bộ và đi xe đạp một mình giữa đồng cỏ, quanh co đường đồi núi bên hồ bên suối.

Tuy nhiên, một chuyện nhỏ xẩy ra trong đời Adrian, nhỏ nhưng sẽ là lối ngoặt (trong lẽ vô thường đạo Phật). Kretzschmar nhận làm nhạc công phong cầm trong nhà thờ của thành phố Leipzig; Adrian bỏ đại học, thôi học môn thần học, cũng theo về Leipzig để chỉ cùng người thầy người bạn tìm tòi trau dồi soạn nhạc. Adrian trong một bức thư gửi Zeitblom, có vài dòng kể lại tối đầu tiên ở thành phố, anh đã lang thang để quen biết đường phố; "ma đưa lối quỷ dẫn đường" (theo chính lời của Adrian) anh lạc vào nhà gái bán đêm. Chàng thanh niên ngỡ ngàng và bối rối! Adrian chợt thấy đản dương cầm ngay trong phòng khách, vội đi thẳng tới ngồi vào đánh đàn để trấn tĩnh. Đánh đàn năm sáu phút, một cô gái trong bộ áo diêm dúa con gái người espagnol, với cái tên Esmeralda mà Adrian tự thầm gọi, giang tay quàng má anh và nói: "Anh đánh đàn hay quá!". Adrian tức khắc đứng phắt dậy và ra khỏi nhà hàng.
Adrian trong tiềm thức coi nữ giới là "hố thẳm sa lầy ác hại" (ác hại có nghĩa là có quỷ thần ẩn náu dụ dỗ làm mất thần và đưa đến tội ác). Hố thẳm thường có sự thu hút, như những ai đứng bên bờ thác đổ vực sâu, thường cảm như bị thu hút muốn nhảy vào để biết cái tàn bạo của giòng nước cùng cái đáy sâu của vực thẳm. Esmeralda có sự thu hút đó! Adrian một năm sau quyết tâm tìm nàng, dù nàng đã bỏ đi ở tỉnh xa và không còn làm gái đêm nữa vì mắc bệnh giang mai (syphilis). Esmeralda cố khuyên nhủ, Adrian vẫn làm tình với nàng. Một cuộc tình không phải của tình yêu, hay của hai thể xác gần gũi đắm đuối khoái lạc mà là một cuộc thách đố chắp tay ngạo quỷ thần. Cái ngõ ngoặt là những phút ngắn ngủi tình yêu đó! Adrian nhiễm bệnh, thường bị bệnh hành luôn nhức đầu, luôn mệt mỏi và rồi hai mươi năm sau chết như một phế nhân thực vật (cái chết của Nietzsch vì giao tiếp với gái đêm ở thành phố Cologne!)
Nhiễm bệnh nên càng như bị quỷ thần ám ảnh, Adrian có ý tưởng như thật mình đã chắp tay quỷ thần. Trong một bức thư dài Adrian còn kể cho Zeitblom cuộc mộng du gặp quỷ thần và chính mình đang sống huyền thoại "phương sĩ luyện kim Fautus đã bán linh hồn cho quỷ". Adrian tất nhiên đã thành công sự nghiệp để lại nhiều tác phẩm đáng kể, nhưng trước khi quỵ bệnh tàn phế tâm hồn và thể xác, Adrian sáng tác "Trường ca thống khổ của Đốc tơ Fautus" có thể nói là lớn lao nhất, rùm beng và thô thiển, thiên tài vật lộn với đau khổ, trí tuệ nhưng mà cũng là một tiếng thét, tiếng gầm của thú dữ trước khi chết, tiếng gầm rung động núi rừng...Nếu phương sĩ luyện kim Fautus trước khi phải trao linh hồn cho quỷ, có lời sám hối cầu xin Thượng Đế cứu rỗi, tiếng thét của Adrian là lời từ bỏ Thượng Đế và Nhân Loại, tiếng thét trong hư vô, cái hư vô tận cùng của sự chết!

Trường thiên tiểu thuyết: "Đốc tơ Fautus" là truyện đời Adrian Leverkuhn với thảm kịch đó. Cũng có những truyện đời song song hay liên quan, với xã hội trong thế giới hiện sinh của Adrian; nhưng những mẩu truyện sinh động không phải là chính, cái lớn của  thiên tiểu thuyết này là những suy tư, lý luận của Zeitblom (Thomas Mann) theo dòng trưởng thành học hỏi, trau dồi lập nghiệp, sáng tác của nghệ sĩ thiên tài Adrian Leverkuhn, toàn diện văn học của thế giới, triết lý, khoa học và nghệ thuật trong vòng lịch sử với " nơi đây và giờ này". Những lời bàn luận mông lung sâu xa kiến thức, khó lòng ngắn gọn gợi ý mà không rơi vào cảnh phổ thông nông cạn hay nữa thiếu thốn lệch lạc.
Trong bài giới thiệu thiên tiểu thuyết (bản dịch tiếng Pháp), Dominique Iehl nêu lên nhận định đáng nhắc lại riêng về Zeitblom bàn luận âm nhạc, nhạc lý, dodécaphonie, gần tới 60 nhạc sĩ tài danh nhân loại, nhạc phẩm của Chopin, của Beethoven,.....(cũng như của Adrian Leverkuhn)  tinh tiết không ngại quá lời, thì là những lời bàn cốt yếu tài nghệ  không rườm rà học giả chuyên nghiệp, mà  ngay cả những người đọc không nhạy cảm âm nhạc và không quen thuộc nhạc ý cũng có thể suy diễn thưởng thức ý nghĩa như đến một vùng trời mới lạ.
Cũng theo Dominique Iehl, thảm kịch của Adrian Leverkuhn chính là một thảm kịch của "nghệ sĩ trong Hiện Đại sự" (le drame de l'artiste dans la modernité). Hiện đại sự là thời văn minh nhân loại tối cao. Khoa học, triết lý, nghệ thuật có một lịch sử bát ngát với những thành tựu để đời mênh mông. Sống trong Hiện Đại sự, tức là bỏ lại sau những tập quán nhân sinh xã hội của những thế kỷ trước, trước tiên là những tôn giáo, những chủ nghĩa không còn là những điều mà nghệ sĩ bận tâm, nhưng nghệ sĩ mỗi lần định sáng tác một công trình nào, đều có  thể  mặc cảm như bước chân đi lên một đường mòn, "nhai lại" một tác phẩm nào của tiền bối. Adrian Leverkuhn thì tức khắc ngạo mạn mang ra nhạo (une parodie des anciens), khóa mình vào một tháp ngà, "âm nhạc công thức cứng dắn của đầu óc" phủ nhận mọi tình đời cùng sự tối cao linh thiêng của tạo hóa. Adrian tự kiêu và đảm nhận tự do tuyệt đối, trước ngã ba thiện và ác lấy quyền chọn bất cứ đường nào, để sau cùng nhiễm bệnh (chắp tay quỷ thần), tận cùng cô đơn chết trong đau khổ. Đó là thảm kịch có thể đến với những nghệ sĩ quá ư trói mình tự đòi hỏi sáng tác thật mới lạ và thật riêng tư. Tuy nhiên, chỉ những những nghệ sĩ không thật tài mới ôm ấp "mặc cảm bước lên đường mòn". Theo Heidegger, suy tư trong nghệ thuật và triết lý luôn luôn là sự "thông diễn giải" (hermeneutics) những sự đời đây đó, những công trình hay ý tưởng xa gần. Đối với tác phẩm nghệ thuật của tiền nhân mà nghệ sĩ phải suy tư đến, "thông diễn giải" là thật sống lại với tâm tư của mình những gì mà tiển nhân đã sống và thể hiện trong tác phẩm, mà sống lại dĩ nhiên là một sự thông cảm (empathy) nhưng đưa đến những ẩn dụ, những cảm thức nội tâm làm cho tác phẩm vang vọng như một tác phẩm của chính mình. Jacques Derrida, triết gia người Pháp, nghĩ chính là lúc đó nghệ sĩ hãy "giải cấu" (desconstruction), phân giải tất cả rồi tạo dựng lại với những ẩn dụ, cảm thức nội tâm dồn dập, thành một tác phẩm nghệ thuật mới, có thể vẫn một đề tài, nhưng lung linh sáng tạo.


tháng 4 / 2016
Ngô Văn Tao

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ