ngovantao

Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Nghệ thuật và Hố thẳm

                                         Quế Anh                         Oil Pastel on paper


Nghệ thuật và hố thẳm phận người
Tản chuyện (tiếp theo)

Chiều nay, Sapa có mây phủ đầy trời che các ngọn núi. Sườn đồi xa kia không có nắng hoàng hôn. Căn phòng như vắng lạnh hoang vu viên tịch, Giáng mang củi ra đốt ở hỏa lô chân tường gạch. Căn phòng bớt lạnh, bớt âm u trong ánh lửa bập bùng. Giáng tâm hồn thanh thản thiêm thiếp chờ lửa tắt để màn đêm xuống phủ trần gian. Nhưng tâm hồn Giáng không trống rỗng như thiền sư vào cõi tịnh, như nhà tu khổ hạnh xa lìa cõi tục. Giáng mông lung lạc lõng nhớ lại những chuyện đã sống.

Se lòng hối tiếc, Giáng thấy lại mình đã quá ngông cuồng, quá khích thời trẻ, bài bạc, mê người đẹp, lang thang vô trách nhiệm, phụ bạc người yêu, bỏ xa gia đình. Thời gian lặng lẽ trôi qua để lại bao nhiêu mất mát, tội lỗi cùng những vết thương trong tâm hồn. Tuy nhiên, Giáng tự thoát ra khỏi sự trầm đọa tối tăm, vượt quá hố thẳm đường cùng hối tiếc. Giáng nghĩ tất cả vì mình đã chót mang cái mệnh bập bẹ ra đời làm nghệ sĩ. Thật như chính mình là “người hùng Nietzshe-ian”, luôn luôn trong cái phận con người phải sa lầy vào hố thẳm (la mise en abime), để vươn lên vượt quá chính mình với sợi dây cheo leo.

Giáng nhớ Albert Camus nghĩ hiện tượng thần thoại Sisyphus là sự con người đẩy khối đá phận đời leo đến đỉnh núi nhưng chưa thật lên tới đỉnh đã bị đá nặng đè lăn xuống núi để mà không ngừng lại tiếp tục như thế lao khổ vô vọng, và có lẽ cũng như Nietzsche nói tới “vĩnh hằng tái diễn” (l'éternel retour = Die ewige Wiederkehr), là nói tới con người cheo leo với sợi dây đời nghệ thuật để rồi lại rơi vào hố thẳm của dục vọng, của tội lỗi đam mê trong cái bất tất Dyonesis (mê say cuồng si sống với ly rượu) của sự sống. Như thế, Giáng tự bào chữa và tự an ủi rằng mỗi một tác phẩm nghệ thuật là một lần chới với lên cao, nghệ sĩ sẽ lại phải âm thầm sa đọa nặng lòng hoài bão vô vọng vươn tới chân trời tuyệt đối.

Khi xưa, Bùi tiên sinh, thi nhân cuồng sĩ của văn học Việt Nam, không ngừng lên cao rồi xuống thấp. Mỗi buổi sáng khi nắng chưa lên chim đã hót, tiên sinh tỉnh giấc ngủ trên cái võng giữa vườn nhà, bên gốc mít, thấy cuộc đời rộn ràng và hứa hẹn. Với chén trà nóng cô hàng sớm bán bên ngõ, tiên sinh là có thể ngồi viết trên giấy vụn hàng trăm chữ những ý thơ, những suy tư thâm trầm triết học. Để rồi khi nắng lên cao, ý cạn, đời vắng lặng trong cái ngõ hẹp này của thành phố, Bùi tiên sinh phải lên đường, chân không áo quần sô lệch, lang thang mọi phố xá rộn rịp của Sài thành. Trong túi thường không một xu, vì hôm qua bao nhiêu tiền tiên sinh có thể có đến từ trời, người thân xa gần đóng góp hay may rủi một vài tiền nhuận bút, đã phân phát hay đã trả nợ vu vơ. Không tiền, tiên sinh đói sẽ ghé quán cơm hè đường ăn nắm cơm thừa hay ăn nợ bát phở xuông, còn uống rượu thì ghi luôn sổ nợ. Chiều về lại nằm lăn trên võng, say mềm rượu lậu, thấy mình lặng lẽ cô đơn như đã rơi xuống khe sâu, nhưng mà may còn dư trong đầu những ý thơ phảng phất đã đến trong ngày để mình không chết trôi vì được nàng tiên thi ca (Mnemosine) níu giữ.

Níu giữ những bước chênh vênh trong chính cuộc đời mình! Bùi tiên sinh chắc chắn chia sẻ cùng Giáng cái phận “lưu vong” trên con đường dài “không có ngõ về cố quận”, như bao nhiêu thanh niên việt nam khác trưởng thành trong thời loạn, tám năm tham gia chiến tranh chống đế quốc thực dân Pháp, rồi nước nhà chia đôi, chìm đắm trong nội chiến, ba bốn lần di tản bỏ thành thị, bỏ quê nhà, từ nam ra bắc từ bắc vô nam, ròng rã bốn mươi năm, kết cục không ít người phú sinh mệnh cho biển cả từ bỏ xứ mình, lưu vong trên đất lạ. Giáng tự nghĩ mình cũng đã lang thang lưu vong gần ba mươi năm Âu Mỹ vẫn một thẻ thông hành Việt Nam Cộng Hòa, khi nửa nước là Xã Hội chủ nghĩa, nửa kia là Cộng Hòa, không biết đâu là chính nghĩa, đâu còn là quê nhà. Cảm thức lưu vong tràn đầy văn nghệ Việt Nam. Nguyễn Tuân, con người xê dịch, dù đã viết “Vang Bóng Một Thời” lý tính hoài cổ, nhưng chỉ muốn là người hầu trên một con tàu xuyên đại dương để sống tận cùng sự lưu vong trên xứ lạ. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, xé thẻ đảng viên con cháu bác Hồ, đóng cửa sống một mình đến tận về già, vẽ rồng vẽ rắn, vẽ người vẽ trẻ em như trừu tượng, nhiều khi lang thang như “người dại, người dưng” nhặt hòn đá lạ, mảnh sành cổ, tang vật của thời gian nhắc nhở địa đàng nào đã mất....Còn Trịnh Công Sơn đã viết cùng Giáng một đoạn thơ tiếng pháp này:
Xa nhà xa đất nước xa quê hương
lữ khách trên đường giữa chiều hôm
trong trái tim ta có mặt trời xứ lạ
cho nụ cuời non trẻ cho những bông hoa
ta mang tặng cho đời cho sự lưu vong
những mảnh hồn lưu vong trong cõi tạm (pour l'exil, l'exil de l'homme en exil de soi même)

Trịnh Công Sơn và Giáng vô tình chia sẻ ý bay bổng của Phạm Công Thiện: “Thi ca bắt đầu bằng sự ly hương và ly hương ngay trong lòng đất quê hương. Chi có kẻ nào đẩy sự ly hương đến cùng tận thì nỗi nhớ quê hương mới thực sự là bước đầu đúng nghĩa để trở về... với thi ca (Bùi tiên sinh) ”. Lưu vong, chìm đắm trong hố thẳm phận người, và cứ thế mỗi lần là một lần vươn lên vượt qua chính mình; theo A.Camus, chinh đấy là hiên ngang như Sisyphus vui sống chấp nhận lao cùng vô vọng. Hay theo Phạm Công Thiện,Trịnh Công Sơn và Giáng, là nghệ sĩ biết níu giữ sợi dây cheo leo của nghệ thuật. Hàn Mạc Tử đã tìm được ánh trăng trong đêm cùng bạc mệnh. Van Gogh, họa sĩ tài danh, đã thấy mặt trời qua đám quạ đen muốn phủ đầy cả đồng ruộng và phủ cả tâm hồn.

Bài thơ mỏng manh của Hàn Mạc Tử , bức tranh Hướng Dương của Van Gogh chỉ là những giọt lệ khới động trùng dương biển cả trần gian. Giáng nhiều khi tự nói những sáng tác văn thơ của chính mình rồi đây sẽ thất lạc và mai một: “Ôi năm tháng! Những dấu chân người cũng bụi mờ.” Lưu vong sống ngoài lìa xã hội, tâm thức phản kháng (le rebelle de A.Camus) và vô chính phủ, Giáng không bao giờ mong muốn đóng góp gì cho tha nhân, cho quê hương, cho xã hội. Dù Giáng vẫn biết rằng đã có một thời thơ ấu sống trong khuôn khổ Khổng giáo. Không giáo với “ nhân, lễ, nghĩa” là cả một minh triết thực tiễn lập thân, đảm nhận phận công dân của quốc gia, giáo điều lễ nghĩa trong gia đình và trong xã hội...Khổng giáo chính là cơ sở cho sự hưng thịnh của văn minh hoa hạ Đông Á, mang đến sự cường thịnh cho những nước Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn... Và nữa Giáng vẫn sống đây với khoa học kỹ thuật Âu Mỹ. Nền văn minh cấp tiến cũa những xứ sở này xây dựng trên tư tưởng triết lý của “Chủ Nghĩa Thực Dụng” (The pragmatism), chủ nghĩa với châm ngôn: “Những điều ta nghĩ, những điều ta làm chỉ có giá trị qua những ảnh hưởng tới thực tế cuộc sống, những ảnh hưởng cho ta biết đường tối ưu để lập thân, đường tối ưu để đóng góp cho xã hội.” Nhưng Giáng luôn nghĩ triết lý chủ nghĩa này và khổng giáo kia không vang vọng gì tới nghệ thuật, nghệ thuật trong cái nghĩa “phát động từ hố thẳm” (la mise en abime) Nietzsche-ian.

Hãy để văn minh thực tiễn cho Khoa Học, hãy để đạo lý công dân quốc gia, xã hội, gia đình cho Triết Lý. Cái bản năng thứ ba Nghệ Thuật của lý tính con người là để biết cô đơn”kiêu hùng” sống trong vũ trụ mênh mông bản ngã nội tâm, hố thẳm của dục vọng, sa ngã không cùng sinh thể, mâu thuẫn giữa hoài bão cao siêu với phù du và bất tất không đâu của sự đời. Tất cả những tác phẩm nghệ thuật có một chiều sâu nào, Giáng xác nhận, đều tiềm ẩn nỗi cô đơn kiêu hùng đó của nghệ sĩ. Người ta thường nói: “Ngày vui thì qua mau, chỉ những nỗi buồn, mất mát và thất bại mới lâu dài chìm đắm ta như bất tận”. Chìm đắm như bất tận, nghệ sĩ mới cố vươn lên. Tác phẩm nghệ thuật linh lung sự đau thương tiềm ẩn, sự khát khao khắc khoải nội tâm, những hoài bão vô vọng, tất cả những gì bi quan tiêu cực trong cái phận làm người. Ở Bùi Tiên sinh, ở Trịnh Công Sơn là như vậy. Tiềm ẩn qua nỗi niềm cố quận, qua muộn sầu tình yêu mong manh phù du như có như không. Những tia sáng lung linh của nghệ thuật mà người đời nếu thông diễn giải cảm thức sẽ tự tìm lại chính mình “kiêu hùng” nội tâm, đảm nhận sống tận cùng cái kiếp làm người.
Tháng 2 năm 2015