ngovantao

Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Sông Đôn êm đềm



                         Quế Anh 2012          Acrylic on canvas    60x80cm
                                               
                                               
                    
Sông ĐÔN
Bờ sông êm đềm
(tản mạn về nghệ thuật tiểu thuyết nhân dịp tết Giáp Ngọ, 2014)

Có những quyển tiểu thuyết dài mênh mông đến một ngàn năm trăm trang, nhưng không ai muốn ngừng đọc, ngẫm nghĩ từng trang. Những quyển truyện như “Chiến Tranh và Hòa Bình” (La Guerre et la Paix, bản dịch ra tiếng Pháp, tác giả Léon Tolstoi), như “Sông Đôn, bờ sông êm đềm” (Le Don Paisible, bản dịch ra tiếng Pháp, tác giả Mikhail Cholokhov). Những quyển truyện trong truyền thống văn học người Nga với những tác giả như Dostoievsky, Léon Tolstoi, Gogol… Chính trong truyền thống đó, tôi muốn suy tư về văn học tiểu thuyết.

Nghệ thuật mà tôi đã từng bàn tới, là nghệ thuật theo như Thomas Mann, nghệ thuật trong sự người đối diện với chính mình. Cũng là nghệ thuật theo F. Nietzsche, một đường dây cheo leo lơ lửng trên vực sâu của bản thân mà người nghệ sĩ đi lần từng bước để đến chân trời bản ngã siêu nhân. Hay nữa là hiện tượng giản dị bình thường, nghệ thuật mà riêng tư một người tự sống trong tư thất với một bức tranh Phố Phái, chỉ to bằng một bàn tay treo trên tường trắng, lẳng lặng nhìn qua cửa mở thấu suốt cả một bầu trời.

Trong văn học người Nga, với các tiểu thuyết gia thì truyền thống sáng tác nghệ thuật kinh điển nhưng luôn luôn hiện đại, như với Sophocle, thượng cổ Hy lạp, hay với Shakespeare cổ điển Anh quốc…Văn nghệ hư cấu, nhưng cốt yếu chính là tạo dựng lại những cảnh ngộ để thông cảm tìm hiểu “Con Người”. Những tâm lý học gia, say sưa chìm đắm thi hứng lãng mạn, cảm thức từng phận người, ở mọi tình huống có thể có trong cuộc sống xã hội, bản thân sa đọa dục vọng, đọa đày định mệnh, và nhận ra một cái gì linh thiêng ở con người như hòn ngọc trong vỏ sò nhỏ bé nằm trong lòng biển cả.

Hòn ngọc hay đốm lửa thiêng của sự sống, nằm trong tâm khảm của sinh vật, đặc biệt ở “con vật kiêu hùng” trong cái phận làm người. Những nhân vật tiểu thuyết văn học người Nga,  như trong “Sông Đôn, bờ sông êm đềm”, thể hiện với tất cả ánh lửa lung linh đó. Dù chính thật là những “phản nhân vật” (les anti-héros), không phải là những người hùng với sự nghiệp lớn lao, với cuộc đời hoành tráng, không phải là những người của lý tưởng cao siêu đọ tài chống đối những tượng đài, mà là những nông phu của thảo nguyên, những người lính không quân hàm, sống qua bảo táp phận đời, với tình dục khí của thể xác (libido), giữa thiên tai thời loạn hiên ngang duy trì sinh mạng, và như thế sống, sồng tận cùng bi tráng như qua một sử thi nói lên ý chí bảo tồn bất khuất của con người .

Giông bão thử thách để những nhân vật phải thể hiện sống thật hết phận đời, tận cùng định mệnh nhân sinh bi tráng, chính là Chiến Tranh. Chiến tranh như là thiên tai, hiện tượng bất tất không chủ đạo, mà chỉ có những người hùng người nộm đóng vai thiên sứ bạo mệnh. “Sông Đôn, bờ sông êm đềm” là tiểu thuyết với “Chiến tranh và Hòa bình”, có bối cảnh vậy của chiến tranh. Chiến tranh đổ lên đầu bộ dân Cosaques. Bộ dân, những người tự do bất kham (theo ý gốc của từ Cosaques), sống trên thảo nguyên hai bờ sông Đôn, xa xa là dẫy núi  Caucases, sông chảy vào biển Đen.

Trong khi vào thế kỷ thứ mười chín, nước Nga là hoàng quốc đế chế Nga hoàng Tsars, với quý tộc thị quyền và bần dân nông nô (les serfs, cf. truyện:”Những mảnh hồn chết”, Les Âmes mortes, tác giả Gogol), bộ dân cosaques thuộc về đế chế Nga hoàng nhưng một phần nào tự trị không từng có cảnh nông nô. Bộ dân cosaques sống trong các xã cộng đồng, những gia đình tuần tự chia sẻ đất thảo nguyên cắt cỏ hoang để nuôi bò, nuôi ngựa. Họ có riêng tư những mảnh đồng trồng lúa mì và rau dưa. Họ ăn bánh khô với sữa bò chua, uống rượu mạnh tự chế, hút thuốc lá thô. Họ như sống luôn trên lưng ngựa để chăn bò, săn sói. Họ tắm và bắt cá trong giòng sông Đôn. Tất cả trong một sự an bình hầu như bất động, được nhà văn biết cho ta cảm nhận bằng những trang văn tuyệt vời tả cảnh, tả thảo nguyên với trời và đất. Nhưng nhân sinh thế phận là giông bão, trước hết là tình duyên dục vọng, sau là thiên tai chiến tranh loạn lạc.

Bộ dân cosaques phục vụ Nga hoàng, phải mộ dân cho đoàn kỵ binh của Nga Hoàng. Những người trai thành niên tuyển nhập quân vụ tự mang theo ngựa chiến và vũ khí. Những đoàn ky binh cosaques đã có những chiến công đáng kể trong chiến tranh Crimée, trong chiến thắng Ottoman. Đầu thế kỷ 20, những đoàn kỵ binh cosaques cũng tham gia chiến trường ở Ba Lan, ở Roumanie chống quốc quân người Đức và người Áo để duy trì Nga Hoàng bá chủ ở phía đông Châu Âu. Nhưng đế chế Nga hoàng bị sup đổ (1905) với cách mạng cộng sản bolchevik, những đoàn kỵ binh cosaques tiếp tục là đội ngũ trong tàn binh  của đế chế Nga hoàng, tàn binh thiết lập mặt trận của “những người Nga trắng” chống đối chính đảng cộng sản bolchevik. Một cuộc chiến “chống cộng” tàn bạo dai dẳng từ 1912 cho đến 1922; mặt trận “người Nga trắng” đến cùng phải lui về và tan rã ở hai bên bờ sông Đôn, nơi có bến ra biển Đen, dẫu rằng qua biển Đen những nuớc tư bản Pháp hay Anh có đường thủy để viện trợ và ra quân cố giúp “người Nga trắng” chống  hồng quân cộng sản cho đến tận phút cuối cùng.

Đó là thời cục cách mạng bolchevik cướp chính quyền dẫn đưa toàn lãnh thổ bộ dân cosaques, mọi gia đình mọi làng mọi xã chìm đắm vào mặt trận kháng chiến, vô vọng chống hồng quân cộng sản. Bộ dân cosaques sống theo truyền thống phục vụ Nga hoàng, lòng thành tin Đức Thiên Chúa, coi trọng quyền tư hữu trên những mảnh đồng mảnh vườn dù nhỏ bé của gia tộc, với trật tự căn cơ có trên có dưới, có đạo trong cộng đồng làng xã. Bộ dân cosaques không chấp nhận làn sóng cách mạng cộng sản tràn lan đốt phá, thủ tiêu phú gia, hủy bò nhà thờ, xóa bỏ mọi quyền tư hữu, đặt hệ thống thị xã quyền hành trong tay những cán bộ cộng sản cực đoan quá khich. Toàn bộ dân cosaques gia nhập mặt trận “người Nga trắng”, người già dù có yếu đau đên đâu cũng đi để chết thương chết bệnh ở chiến hào. Đoàn ky binh cosaques thì tiếp tục cuộc chiến biệt kích, bằng dao bằng kiếm, bằng súng tay, khi chiến trận đã trở nên chiến trận của súng liên thanh, của đại bác và xe thiết giáp. Cả đoàn kỵ binh cosaques rồi cũng phải tan rã, chết dẩn chết mòn trong đêm đen tối của bại quân vỡ trận.

Sông Đôn, bờ sông êm đềm” là trường thiên tiểu thuyết với các nhân vật, những người cosaques già trẻ, từng người sống rồi mất đi sao trong giông bão chiến loạn. Những nhân vật có khi chỉ thể hiện trong mươi trang giấy trong quyển truyện có gần một ngàn năm trăm trang, nhưng tài nghệ của nhà văn vẫn cho chúng ta cảm nhận rõ ràng từng nét, với tâm hồn bản sắc mặc dù đểu là nông phu chất phác của thảo nguyên. Tác giả đã biết đóng vai trò của một diễn viên đa tài có tâm lý học, tự quên mình gia nhập vào nhân vật, thể hiện sâu động qua những câu văn nhắc lại một vài cử chỉ kín đáo, nói lên những cảm thức như chính bản thân nhân vật khi xuất hiện ở màn kịch đời. Những người lính kỵ binh cosaques, những người lính nông phu của thảo nguyên hừng hừng ngọn lửa sống của “con vật kiêu hùng”; họ ủ mình trong tuyết lạnh bên những con ngựa chiến, quay quần quanh những đống lửa giữa đồng hoang, và từ họ vang vọng đâu đó những bài dân ca cosaques, nhắc nhở như trong một nỗi buồn bất tận những ngày êm dịu trên thảo nguyên, bờ sông Đôn với thiên nhiên và tình người.

Tài nghệ của tác giả còn cho ta nhận ra ngay trong gian trường chiến trận, thăng trầm định mệnh, ở mỗi nhân vật một thế giới riêng tư,  nhớ nhung dục vọng, hờn ghen nuối tiếc, để người đọc nhiều khi phải ngậm ngùi thương cảm, tự hỏi số phận từng người sống chết trôi dạt về đâu. Như Stepane Astakhov, người chồng bất hạnh của Aksinia, từng đã là tù binh nhiều năm ở nước Đức vẫn tìm về làng cũ, lại bị buộc phải nhập ngũ chống cộng, sau cùng đã chết hay sống ở nơi nao? Như trung úy Listnitski, đã từng là người tình của Aksinia, chiến tranh thương tích tàn phế, trở về làng để sống nhưng rồi phải thấy cơ ngơi quý tộc mình bị cách mạng tàn phá, người cha một tướng danh cũ của Nga Hoàng phải lang bạt không nhà sống đường chết bệnh, còn trung úy với người vợ yêu trong tang thương cũng phải chia tay để chính mình đi đến tự tử ra sao ở góc trời nào đâu đó? Bao nhiêu là nhân vật, bao nhiêu là tình đời! Tất nhiên, trường thiên tiểu thuyết phải có một đại đạo nối liền những sự kiện. Theo Dostoievsky, là phải có một nhân vật chủ đạo (le héros du roman), mang trên vai tất cả tinh túy (la quintessence) của sự đời tràn lan trong truyện. Người hùng đó trong “Sông Đôn, bờ sông êm đềm” chính là Grigori, người trai thứ của gia đình Mélékhov.

Grigori điển hình người trai cosaques trong thời loạn. Vừa đôi mươi đã phải lên đường chinh chiến, tiếp tục trong hai mươi năm cho đến khi chỉ còn là một người lính già mang nặng oan trái của thời cục, trở về làng để tiếp nhận án phản cách mạng, tội giết hại hồng quân. Là người kỵ binh biệt tài, vào chết ra sống hàng trăm trận, đã có lúc được tuyên dương làm trưởng đội kỵ binh mấy trăm người. Grigori đã giết hại không đếm hết bao nhiêu quân dân địch, nhưng không phải vì thế mà mất đi lòng trắc ẩn của người lính. Grigori có thể quên hết thù hận thả tù binh địch, nhưng rồi chỉ biết thầm ngậm ngùi khi đồng đội mình không quên oán thù, sau lưng anh vẫn chém chết người tù. Grigori còn thấy đồng đội mình sau chiến trận, trở nên như thú dữ hợp đồng hãm hiếp một thiếu phụ, nhưng anh nếu có gào thét lên chống đối thì bọn thú dữ kia không ngại cùng quay lại giết anh, nên anh chỉ còn biết nhắm mắt, với trái tim xé nát, tự biết mình là đồng loại với thú dữ.

Hơn nữa như một người hùng tiểu thuyết Dostoievski, kỵ binh  Grigori ẩn dụ một ý niệm kiêu sang triết lý. Gần hai mươi năm trời tham gia chiến trận tàn bạo nguy nan nhưng không hận thù, vào chết ra sống, ngủ đất màn trời nhưng không một lần tuyệt vọng, luôn luôn hiên ngang tận tụy trong sứ mệnh chiến binh, không một lần tự thán là bất hạnh gánh vác thập giá khổ đau của định mệnh, tất cả vì Grigori ôm giữ trong đáy lòng một tình yêu. Một tình yêu mênh mông oan nghiệt, mà trong oan trái lại càng kỳ diệu thăng hoa thoát trần. Một tình yêu không có ngày hứa hẹn của thời loạn, nhưng lặng lẽ ấm lòng anh khi anh đói khát, khi anh ủ mình trong tuyết những đêm cùng lạc lõng trong rừng hoang biệt kích.

Aksinia là thiếu phụ, người yêu của Grigori. Lúc mới lớn lên đã bị chính cha già mình hiếp dâm, rồi chưa tới đôi mươi, mẹ đã gả làm vợ Stepane Astakhov; nhưng đối với người chồng hơn tuổi này, Aksinia như vẫn mang nặng một vết đau trong tiềm thức, có thể gần gũi như vợ chồng mà không sao vượt thoát sự dị ứng chán chường. Grigori và nàng là cặp trai gái ngang tuổi, láng giềng nên thường tình cờ gặp nhau trên thảo nguyên, bên bờ sông Đôn. Một mối tình oan trái, vô đạo (Aksinia đương là thiếu phụ có chồng), nảy nở giữa hai người. Một mối tình bạc mệnh, nhưng kỳ diệu của thể xác lẫn tâm hồn. Không nói với nhau một lời “ta yêu nhau”, nhưng có thể làm tình quên hết thời gian. Aksinia có những đêm gần Grigori, nhưng không ngủ, chỉ suốt đêm thao thức nhìn người yêu. Grigori trong chiến chinh, những khi lạnh giá cô đơn, là nghĩ tới những giây phút ờ bên nàng.

Chiến loạn không cho hai người tình ở bên nhau. Aksinia phải đi làm công cho một tướng công già; người con trai của gia đình, trung úy Listnitski, trước sắc đẹp của Aksinia, đã tìm được cách làm tình với Aksinia. Cho đến khi Listnitski lấy vợ, trung úy phải ly thải Aksinia ra khỏi nhà. Aksinia ra đi với một nụ cười, nụ cười theo ý tôi, nói lên hết cái thân phận bọt bèo của phụ nữ, nhưng ở Aksinia với nụ cươì đó, tác giả còn ẩn dụ cả một sự kiêu hùng trong thân phận, ở Aksinia là sự biết mãi mãi rằng dù thế phận ra sao đi, lạc loài với những hệ lụy của thể xác, Aksinia riêng vẫn có một cái gì thiêng liêng kín đáo, sự nhớ nhung tới Gregori,  người mình yêu mãi mãi với tất cả tâm hồn.

Gregori cũng bị cha già bắt buộc phải lấy vợ để có con truyền dòng máu của gia tộc. Vợ của Gregori là Natalia, một thiếu nữ đẹp và đoan trang.  Nhưng dù đã có con với nhau, Natalia không thể cắt đứt được dây tình thầm kín, oan nghiệt giữa Gregori với Aksinia, Natalia đau khổ đến nỗi đi đến chỗ tự hủy mình mà chết. Trong bối cảnh của chiến tranh, với giông bão tình duyên dục vọng sự đời, mối tình Gregori Aksinia thật là một thảm kịch bi tráng điển hình như một vở kịch cổ Hy Lạp dưới bóng của thiên thần định mệnh. Đến khi đã hoàn toàn vỡ trận, kỵ binh Gregori trơ vơ một mình trở về tìm Aksinia. Aksinia đã từng nguyện cầu được theo chân người yêu mãi mãi cho đến chết. Aksinia nhảy ngay lên ngựa, củng Gregori rong ruổi lẩn trốn hồng quân cộng sản, để cùng đi tìm một khoảng rừng núi nào xa xôi yên bình không tưởng để sống bên nhau. Chẳng bao lâu, Gregori và Aksinia đã bị tuần tra hồng quân đuổi bắt. Họ chạy thoát, nhưng Aksinia bị bắn thương chết. Gregori một mình mang xác nàng lẩn trong thảo nguyên, với kiếm sắt đào mộ chôn nàng.

Không còn gì nữa, Gregori chấp nhận trở về để chết ở quê nhà. Một ông già tóc bạc khập khễng trên đường bụi nắng. Trở về làng quê nay tan tác không còn ai, chỉ còn người em gái may còn sống là vì chồng nàng là đảng viên cộng sản nằm vùng, với đứa bé, con trai của Gregori, mươi tuổi mồ côi mẹ. Gregori trở về, như bóng ma hiện trong sương mù. Theo bóng anh, chắc phải có cả một đoàn linh hồn oan nghiệt, những bóng ma của những người cosaques điêu linh chết rải rác trên thảo nguyên, bên bờ sông Đôn.
                                                                                                  
                                           Tôi đã đọc “Sông Đôn, bờ sông êm đềm” vô cùng suy tư xúc động. Thêm nữa vì đọc mà liên tưởng đến chiến tranh vừa qua ở Việt Nam, đến những người lính vô danh trong cuộc chiến. Như trong tiểu thuyết có cảnh “người Nga trắng” chen nhau di tản trốn cộng ở bờ biển Đen, tôi không tránh được ngậm ngùi nhớ lại cảnh di tản trốn cộng ở Việt Nam từ Bắc vô Nam, rồi sau với những chiếc thuyền máy lênh đênh ra biển cả. “Sông Đôn, bờ sông êm đềm” thật là một trường thiên tiểu thuyết vĩ đại, hoành tráng nặng ý niệm về nhân sinh, đời người, cùng một cái nhìn có thể nói là sâu xa tiêu cực bi quan về thế sự với những oan khiên bất tất. Một tác phẩm văn chương thật xứng đáng để tác giả Mikhail Cholokhov (1905-1984) nhận giải thưởng Nobel văn học 1965.
Nhưng tôi hầu như không nhắc nhở đến Mikhail Cholokhov trong tản văn trên, có thể vì đến bây giờ vẫn còn nghi vấn Mikhail Cholokhov có thật là tác giả không, hay chỉ đứng ra chiếm chỗ của một nhà văn lớn nào đã chết. Cốt yếu là vì hai sự kiện sau đây. Trước hết với một quyển tiểu thuyết lớn như vậy, mà M.Cholokhov không giữ được lại một tờ văn viêt thảo nào của quyển truyện. Hai là M. Cholokhov trình tác phẩm ra lúc mới 27 tuổi, có lẽ là quá trẻ để sẵn có cái chiều sâu căn bản văn học và tình đời của một tác giả lớn như vậy. Hơn nữa trong suốt thời gian còn lại trong cuộc sống, làm hội viên của hội nhà văn Sôviết, M. Cholokhov không có một tác phẩm văn chương nào xứng với “Sông Đôn, bờ sông êm đềm”.
Tuy nhiên không nhắc nhở đến Mikhail Cholokhov thật nghĩ sao về cách mạng cộng sản bolchevik, là tôi một phần nào nghĩ phê bình nghệ thuật nên theo trường phái mà người Pháp gọi là  trường phái “Chống Sainte-Beuve  (contre Sainte-Beuve), tiếp nhận mọi tác phẩm với nguyên gì mà tác giả sáng tạo có thể đưa ra, không bắt buộc phải phản ảnh bản thân tác giả để bận tâm rộng bàn qua  lập trường chính trị xã hội, văn học  của tác giả ngoài đời.

Tháng 1 năm 2014
Ngô Văn Tao

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

H.s. Nguyễn Trung

     
                        



  Nguyễn Trung        Sơn dầu trên bố 80x100cm (circa 1970)
                                                                                Vào những năm 1960, miền Nam Việt Nam (nước  cộng hòa miền nam  Việt nam), có một thời tưởng được thái bình. Phong trào văn học phát triển  với nhóm Sáng Tạo (MaiThảo, Thanh Tâm Tuyền..), hội họa cũng lên ngôi đặc biệt với họa sĩ Nguyễn Trung. 
Văn nghệ có ý khước từ mọi khắc khoải trước  nhưng âu lo thầm kín về một ngày mai chính trị tối tăm và nguy nan nội chiến. 
Họa sĩ  Nguyễn Trung một cách riêng tư tự tạo cho mình một thế giới “huyền thoại an bình”.
Một thế giới kiêu sang của tình yêu, của nội tâm thơ mộng.
                                               
                        Những lời Huyền Thoại
                chia sẻ cùng Nguyễn Trung

                Làm sao tôi có màu vàng, tôi có màu xanh
                        tôi  có lá sen khô, tôi có tình yêu
                        làm sao tôi không nói
                        mở cửa ra vườn hoa của ngày hè
                        con rắn lằn phơi mình dưới nắng
                        tôi sẽ đi và đi không bao giờ trở lại
                        làm sao tôi không tin
                        làm sao tôi không nhớ
                        người em với mái tóc mây ngang
                        đã khoác lên mình nhung hồng phấn
                        và đã sang sông để làm sao tôi thương
                        trên tay tôi cụm hoa vương
                        bàn tay hành khất để ánh sáng tỏa dịu
                        trên muôn ngàn bộ mặt
                        và làm sao tôi có màu tím
                        tôi có màu hoa gạo
                        tôi có hương hoa bưởi


                        Để quanh tôi dịu dàng điệu nhạc
                        nói yêu em nhưng con tim buồn bã
                        hái cho nhau cánh hoa đã tàn hương
                        như chân anh vẫn rộn trên đường đời
                        mà ai đã vội quét rồi bụi trắng
                        để hồn tôi như trang giấy mới
                        lời không đủ rõ sợi dây tơ
                        khi mặt người với nét vẽ thô sơ
                        không đủ che vết thương lòng lạnh lẽo
                        để mãi trong tôi bức tranh kỳ diệu
                        em ngồi đây hay đến tự Tây Nguyên
                        tiếng suối chảỷ trên muôn dải hương duyên
                        rửa tâm hồn lấm bụi của trần gian
                        để hôm nao uống rượu suốt đêm dài
                        vì ngày mai khi sớm sương xuống lạnh
                        chiếc bóng anh khuất nẻo trăng sao vắng
                        và riêng tôi cỏn lại với mình tôi
                        tôi không theo người về chốn xa xôi
                        gánh trên vai một thiên đường thần thoại
                        để nơi đây kỷ niệm bạc thời gian
                        nắng đổi màu và ngày tháng phôi pha
                        tôi quay mặt chìm vào cô lánh


                        Nhưng làm sao tôi có sức sống gấp trăm lần
                        những hình ảnh màu hồng màu nâu và hy vọng
                        hai bàn chân thiên lý
                        và trái tim thần kỳ
                        tôi sẽ biết cùng anh
                        đi trên đường đất đỏ
                        trên những đường cong
                        những ngả đường ngắn ngủi của một kiếp người
                        tiếng cười non trẻ như buổi lên năm
                        đường đôi Hà Nội một ngày đã sang đông
                        nghe gió thầm thì
                        và lá bàng rơi trên mảnh tường rêu vỡ



                        Anh hãy vẽ cho tôi những vòm trời
                        dưới mục kính đổi hình và phân ly ánh sáng
                        những  sự việc đã qua hay ngày mai có nắng
                        khi hôm về phòng bốn bức tường vắng
                        mơ tới người yêu mà lòng như muốn xé
                        và tôi sẽ nhớ tất cả những người tôi quên
                        một cặp má tàn hương một đường lưng quá tội
                        cuộc đời có giăng lưới con tin
                        người trai có kéo áo che mưa
                        để gặp định mệnh ở đằng kia dẫy phố
                        cho tôi những khoảng rừng chưa đến
                        những đô thành mà tôi đã biết
                        ngõ Duy Tân nhìn cây cỏ thay màu
                        đường Quật Khởi rồi có một buổi nào
                        trong quán cà phê lề hè chúng ta sẽ đợi
                        đợi đêm xuống và sẽ đợi trăng lên
                        cho tôi tất cả những nỗi tang thương
                        những vết thương không thể lành
                        một mối tình đã chết
                        một cuộc tình ngát vị chua cay
                        và tôi chỉ là con thuyền lạc hướng
                        một chiều đứng gió ở đường vòng nhiệt đới
                        anh sẽ vẽ cho tôi bức chân dung
                        người họa sĩ thần tài
                        sống sao đây trong cái tầm thường nhỏ bé
                        xã hội khắt khe và lòng người hạn định
                        đời trần tục không nhìn xa hơn tầm mắt
                        anh hãy vẽ cho tôi người đàn bà có ngấn bảy tầng
                        trong ánh sáng lung linh
                        hai bàn tay nhiệm màu
                        như cầu khẩn van xin
                        như đại lượng từ bi
                        một hoài bão một tình thương không bờ bến


                        Để dù trong thời gian có bóng tịch mịch
                        trong không gian có hàng cây màu xám
                        tôi sẽ nghe thấy một câu thơ chưa viết
                        một điệu nhạc mong manh
                        và làm sao tôi có màu sắc
                        tôi có tấm vải bố thô
                        để cùng anh tôi có thể vẽ
                        cái đẹp thần diệu mà anh cưu mang
                        cái thiên đàng huyền ẩn của tiềm thức
                        và thế giới này không còn đau thương
                        đã hé mở và thoáng hiện
                        một chân trời thanh khiết
                        ở phương đông bến nước xa vời

                        Circa 1976
                        Ngô Văn Tao
                        (trích ra và sửa chữa từ tập thơ Nuages-Mây, Ngovantao-Montréal 1988)