ngovantao

Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Khúc nhạc không bản


Lệ Hà (1933-2012)   Sơn dầu trên bố

THI  TÍNH
hay  khúc nhạc càn khôn


Chiều thu anh đến thăm tôi
tôi đón anh ở hiên ngoài
trời đã vào đêm
ánh trăng trên cây lá
chúng ta vọng lên bầu trời
ngóng đợi một vì sao rơi

Lão già vừa tỉnh giấc
ngồi bên gốc cây si
anh đưa lão hai trăm ngàn
vì tiền lão đã cho hết
cho những đứa trẻ bơ vơ
không là bao nhiêu
nhưng là mấy ly rượu đế
ngồi hàng con cóc lề đường
trời vào đêm lão sống lại
thấy mình bay bổng thăng hoa
tâm thần tràn đầy nhựa sống
trong thi tính của trời đất
thi tính của những bông hoa
của những nụ cười
của cô hàng quẩy gánh
tất tả đến chợ đêm

Tất cả nằm trong vòng tròn
vòng tròn huyền diệu càn khôn
người yêu đã quên xa
nhưng bỗng lại về
trong nhạc vàng hoan lạc
có điệu chiêu hồn kẻ chết
một bông hoa mới vừa rơi
đâu đó có lá lên chồi
chết sống nằm trên một điểm
em không còn ai nhớ nữa
nhưng đây đột phá tuyệt vời
những màu sắc của sự đời
trên khung bố trắng
tượng đá mông lung
hoài niệm vô thời gian
ai đã xa vời trong quá khứ
ai vẫn yêu đây như buổi đầu
đừng khóc sương buồi sáng
hãy nghe tiếng chim non
gọi mẹ trong đêm cùng
trong đau khổ có tiếng mưa
trong khát khao tuyệt vọng
có lời thầm thì an ủi

Chiều đông anh đến thăm tôi
theo con đường dài lá úa
trái tim anh bâng khuâng
không biết buồn hay vui
không bắt tay nhau những vẫn hẹn
gặp lại nhau bờ xa bến nước
gió hiu hiu vào hồn
nhăc nhở chuyện ngày xưa 
những chén rượu vơi đầy
những người bạn xa gần
và mối tình đã lỡ
nắng chéo trên đôi vai
chân trời xa vời vợi
anh vội bước chân đi
cho kịp giờ tang lễ

Một ngôi nhà bên đồi thông
không tiếng nói không tiếng cười
vắng lạnh
một phòng thư còn ấm cúng
ai đã để một bông hoa
trên bàn viết
một tờ giấy trắng
một cây bút mực
như mộng được nghe tiếng thơ
giai điệu muôn loài sống động
màu sắc rừng hoa nở rộ
nhỏ lệ trên trang giấy hoen
và âm thầm xin cầu nguyện
những dây tình đã đứt
không còn vương vit giữ
cho tâm hồn miên man
sám hối đời người tội lỗi
bay bổng siêu thoát
giữa những vì sao rơi

22/11/2016

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Nobel prize 2016

                                                           QUẾ  ANH     acrylic on paper





Nobel văn chương 2016

Tôi đã viết những lời tham luận về Bob Dylan và Trịnh Công Sơn năm 2012 (Trịnh Công Sơn-Bob Dylan, ngovantao.blogspot.com ngày 28/08/2012). Năm nay 2016, giải Nobel văn chương đã được ban tặng cho Bob Dylan, thi sĩ của thời đại?

Cùng với không ít văn sĩ Âu châu, tôi ngỡ ngàng tìm hiểu cái giá trị và ý nghĩa của giải Nobel này, khi những lời ca nổi tiếng và coi là hay của Bob Dylan (như những ca từ theo Hàn Lâm Viện Thụy Điển: Vision of Johannas, Chimes of Freedom)"viết ra để đọc trên giấy trắng, thì thường  là có phần nào nhạt nhòa và lỏng lẻo" (Alex Rob trong tạp san Newyorker14/10/2016: a little flat and feeble on the page). Nhưng cái giá trị có lẽ chính là ở chỗ đó, "binh dân và dễ dàng"! Dễ dàng không khác gì "ca từ"  của ca sĩ rap hip hop bình dân thời thượng. "Bình dân và dễ dàng" nhưng đưa đẩy theo nhịp rock'n'roll, có sự lôi cuốn "negro spirituals", đặc biệt tức thời vào những năm 1960-70, thời phản chiến tranh, thanh niên Mỹ sống cho tình yêu, cho con người đại quần chúng.

Xa nhịp tấu đàn guitare điện và khẩu cầm (harmonica), xa giọng Bob Dylan hát khàn khàn ảo giác (psychedelic) để nhận xét như trên, một nhà phê bình văn học người Pháp kết luận rằng giải Nobel văn chương năm nay 2016 chính là hiện tượng bước ngoặt trong tư tưởng nhân sinh xã hội "hiện đại sự": "khái niệm văn thơ không còn nằm trong thư quán". Văn thơ không còn là chuyện truyền tụng đến quần chúng bằng sách in (La mort du livre!), những quyển sách đầu giường hay thư viện cá nhân lặng lẽ mang ra để nghiền ngẫm và suy tư. Chúng ta sống với hiện đại sự, với internet, với face books, với bloggers, rộn ràng và tới tấp. Văn nghệ phải phô trương qua những hệ truyền bá quần chúng, đặc biệt như thi ca với lễ nhạc hội bình dân túy. Giải Nobel năm 2016 chứng tỏ điều đó. Sự thật như để nhấn mạnh bước ngoặt hiện đại sự, một hai năm trước đã có giải Nobel cho một nhà báo và  cũng năm nay nữa chúng ta  có giải Pulitzer "văn chương tiểu thuyết" cho truyện "The sympathizer" của Nguyễn Việt Thanh,  một tác phẩm tiểu thuyết với lời văn tưng tửng "nhà báo", thành viên ngạo đời, với những mẩu chuyện viễn tượng lịch sử (chiến tranh và chính trị Việt nam) hay xã hội (đời sống cộng đồng Việt kiều di tản đến quận Cam California) nhưng tất cả  trình bày như trên nhật báo đưa tin dật gân, người đọc không bận tâm suy tư và tìm hiểu một ẩn ý bản thể nào sâu xa về nhân vật làm người, chơi vơi xoay vần cuộc  sống...

Tuy nhiên nhắc lại, Bob Dylan đã tức thời với lời ca và nhạc điệu âm hưởng trong lòng quần chúng thanh niên Mỹ 1960-70. Bob Dylan  như đã thức tỉnh cái khát khao luôn luôn ẩn chìm của quần chúng, vọng tìm một tia sáng tâm linh dẫn đường qua tao loạn đời thường, tàn bạo và khắt khe may rủi, những ai trong trắng hồn nhiên như trẻ thơ bị vất bỏ lề đường trong cuộc sống ăn thua vụ lợi vụ tiền, vụ danh vụ quyền. Quần chúng  đã từng muốn đưa Bob Dylan lên vai trò "thi sĩ hiển linh trí tuệ ban phát những câu sấm".  Bob Dylan chân thành chỉ nhận mình là rong ca hồn nhiên trên đường đời, bằng mọi cách chối bỏ đóng vai trò siêu phàm ấy, mụ đời mụ cả chính mình. Có lẽ chính vì vậy, Bob Dylan không vội trả lời Hàn Lâm Viện Thụy Điển, cám ơn nhận hay không nhận giải Nobel văn chương năm 2016 đã ban tặng cho mình.

Sau cùng Bob Dylan đã cám ơn Hàn Lâm viện Thụy Điển và xin tiếp nhận cái giải thưởng quá vinh danh Nobel năm 2016. Đó cũng chỉ là chuyện bình thường, dù trong hai tuần im lặng từ khi có tin được giải, Bob Dylan đã biết làm cho dư luận xôn sao đưa tiếng với những bàn luận hiếu kỳ và nghi vấn.
Đặc biệt có bài báo của Adam Kirsch trên New York Times (26 oct. 2016), đặt ngay vấn đề nếu Bob Dylan có từ chối giải nobel, thì cũng chỉ mong là biết theo bước chân của Jean Paul Sartre (giải Nobel văn chương năm 1964). Sartre đã từ chối giải Nobel vì giải này có thâm ý đưa lên những tượng đài. Tượng đài của vai nhân vật cố định, có thể "mụ đời và mụ cả chính mình" . Trước hết là phản bội minh triết sống theo "hiện sinh chủ nghĩa", cái minh triết hãy biết sống thật (without bad faith), tự do không một chuyện nào có thể rập khuôn mà tiếp nhận cái gì mình đương thật là dù có bất tất thay đổi ở nơi đây và từng giờ, dù có phải khắc khoải trong hiện thành sống phận làm người của bản thân.
Dư luận không một ai tó ý ngỡ ngàng với giả thuyết Bob Dylan có thể từ chối, không nhận giải, như thể là một dịp nhận định giá trị tương đối của ngay giải Nobel văn chương. Đã có bao nhiều lần trong quá khứ giải Nobel văn chương đã là hào quang lệch lạc đặt trên vai của những con người mà chúng ta nghĩ không cần thiết hay hơn nữa không nên nhắc tên. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, giải Nobel năm 2016 chứng tỏ những cảm thức hồn nhiên tức thời của mấy ông Hàn Lâm viện sĩ. Thật không khác gì chuyện một chiều mùa thu, ta lang thang trong gió lạnh, lạc vào một quán rượu vắng vẻ nào; trong tay ly rượu mạnh, ta ngồi thả hồn theo tiếng hát của thùng nhạc (jude-box),  tiếng hát réo rắt như tiếng thơ của những danh ca Elvis Presley, Frank Sinatra..., Bob Dylan..., ta bỗng tự thấy an nhiên ấm áp, muốn đáp ơn người đã cho ta một giờ ngắn ngủi tràn đầy tình đời và tình nhân loại.

Sự thật,  Dennis Overbye trong một bài báo (The times they aren't a-changing, New York Times  ngày 2/11/2016) dẫn chứng sự giá trị tương đối của ngay cả những giải Nobel khoa học. Tương đối trong cái nghĩa nhiều năm trên một đề tài xác định khám phá phát minh khoa học, giải Nobel khoa học đã nhiều lần bỏ lơ những người có đóng góp khoa học không kém mà có khi còn hơn nữa đối với những bác học gia được giải. Vậy không ngạc nhiên ngỡ ngàng khi giải Nobel văn chương năm 2016 đã ban tặng cho Bob Dylan, một rong ca lừng danh huyền thoại ( a legendary troubadour). Bob Dylan là tiếng ca sôi nổi và hưng phát từ cả một ảo cảnh mênh mông (a phantasmagorical ocean) là những lời bàn hư thực, những chú giải ra vào, những quy kết xa gần truyền thống, dân ca, văn hóa hay văn học, bao quát sâu rộng hão huyền như chính lịch sử (khẩu truyền) của một thời đã sống. Overbye nghĩ ta hãy mong rằng Bob Dylan sẽ tham dự lễ hội trao giải Nobel năm nay cho buổi lễ thêm rộn ràng và thành phố Stockholm nhộn nhịp nào kèn nào trống.

05/11/2016