ngovantao

Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

N.N.Tư, hiện đại



                                     NGÔ VĂN TAO     
                                     Sơn dầu trên bố 80x100cm 2007
                                     (với những con bọ của Quế Anh)
                                                      
          NGUYỄN  NGỌC TƯ
          nữ văn sĩ trong hiện đại sự.
                                Nguyễn Ngọc Tư, nữ văn sĩ Nam bộ, của Đồng bằng Cửu Long. Nữ văn sĩ tỉnh lẻ, ruộng nước Cà Mau, nhưng tuyệt vời nhất chính lại là văn sĩ tiền phong trong thời đổi mới, với Hiện Đại Sự (la modernité ).
            Nguyễn Ngọc Tư không rườm rà nặng nề lý luận như Dương Thu Hương, sinh năm 1947 (với tiểu thuyết : Bên Kia Bờ Ào Vọng – 1988). Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976,  nhà văn chuyên nghiệp nhưng bay bổng phóng khoáng, có thể vì xuất thân là nhà báo nên câu văn ngắn gọn, từ ngữ lẫn lộn thổ ngữ, “bụi đời”,”phiêu lưu ký”, giật gân và hồn nhiên dí dỏm. Một kỹ thuật biệt tài rõ ràng tự nhiên sẵn có cho một đầu óc linh động cởi mở và trí thức sẵn sàng rung cảm.

            Nguyễn Ngọc Tư viết văn lưu loát, dễ dàng nên đã có rất nhiều tác phẩm, cốt yếu là hàng chục truyện ngắn. Nhưng phần lớn theo ý tôi nên coi là tạp văn, để nhận định giá trị và chiều sâu của Nguyễn Ngọc Tư, tôi chọn bình diễn giải chỉ trên ba tác phẩm điển hình: “Cánh đồng bất tận”, “Gió lẻ” và “Sông”. “Cánh đồng bất tận”(2005) và “Gió Lẻ”(2008) là hai truyện ngắn nhưng tương đối có chiều dày, còn “Sông”(2012) là “trường ca tiểu thuyết”, theo lời của Nguyễn Ngọc Tư , có tới 22 khúc điệu. Với hiện đại sự, con người từ bỏ mọi giáo điều lý thuyết, mọi ý thức hệ luân thường hay xã hội chủ nghĩa; bỏ lại sau mọi khắc khoải siêu hình học bản thể, cùng những nghi vấn phạm trù khái niệm thiện và mỹ, chủ đề của Nguyễn Ngọc Tư là “Đời”. “Đời” như chuyện “Chí Phèo làm tình với Thị Nở dưới trăng và sao”, như  chuyện “thiếu phụ ăn sương” bán mình nhưng cũng là hồn nhiên sống thật tự do vô tư trong cái phận đời”.

            Cánh đồng bất tận”(2005) còn căn cơ dài dòng, cấu trúc trình thuật, tuy nhiên người đọc có thể nhận thấy Nguyễn Ngọc Tư đã có ý tránh đường rày văn học tiểu thuyết quen thuộc, lạc quan thiết thực xã hội chủ nghĩa hay văn học lãng mạn tự sự. “Cánh đồng bất tận” là truyện “đời” trên đồng ruộng mênh mông Cà Mau, qua cái nhận thức trong trắng vô tư của bé Nương. Những người đàn ông cục cằn lam lũ, những người đàn bà trăn trở xoay vần, có khi bỏ chồng hay bị chồng bỏ, dâm khí (the libido) tràn đầy khát khao tình yêu, còn có những gái điếm lởn vởn trên bờ đê.  Mẹ của Nương đã làm tình với người đàn ông khác ngay khi Nương và em trai tên Điền có mặt đâu đó; để rồi một hôm bỏ hai đứa nhỏ năm sáu tuổi theo người đàn ông. Cha Nương không một lời, không lộ một ý, đốt mái nhà nhỏ của gia đình với tất cả những gì còn có trong đó, mang theo hai đưa bé sống lênh đênh trên “cánh đồng bất tận” với đàn vịt chăn nuôi vét lúa thừa lúa vãi.
            Khi ăn ngủ trên ghe, khi ở trong chòi dựng tạm, vệ sinh nước ruộng, uống nước mưa, ăn cơm cá đồng.  Người đàn ông cục cằn, lầm lì, rõ ràng ôm mối hận lòng, có thể đôi lần mang một người đàn bà nào đó đi theo nhưng chỉ vài ngày sau đã bỏ như dửng dưng vứt đi một đồ thừa. Hai đứa trẻ sống thế qua tuổi thơ, xa lánh người chợ, như chim bói cá, như hai con cò lạc bày quấn quýt có nhau, mẹ thiên nhiên mênh mông hiền hòa nuôi dưỡng, dù đôi khi cũng mơ mẹ chúng về, có thể như bóng ma, cho chúng nó một chút nũng nịu tình người. Chúng sống qua ngày qua tháng chỉ biết có nhau cho đến tận khi Điền đã thành con trai với tinh dục khí, Nương thành con gái có kinh nguyệt. Điền lo lấy cọng chuối nghiền đắp cho Nương để không vương vãi máu, mãi rồi cũng tự biết tìm mảnh gòn cho Nương kẹp bẹn mỗi khi có kinh nguyệt.
            Câu truyện bắt đầu khi “một thiếu phụ ăn sương” bị dân chợ hành hung đuổi đánh như con quỷ tình, ác bà làm cho các ông chồng nhiều khi mất tiền không đủ mang về nuôi vợ con.  Người thiếu phụ lao nhảy thoát vào ghe mình, Nương vội chống sào đẩy ghe xa bến cứu nàng. Rồi dưới cái nhìn lạnh lùng, khinh thị của người cha, hai chị em Nương rộn ràng nuôi dưỡng người đàn bà cho đến hồi phục, lành mọi thương tích. Người đó trở nên người bạn thân vui của hai đứa. Có một cảnh nói lên hết tình người, người đàn bà còn đùa nghịch trong ao bùn ôm lay “cái đó” của Điền, giật mình thấy cậu ta thoát tinh như đàn ông, ngay cả Nương cũng ngỡ ngàng. Bà ta sau cùng vào được ổ đất ngủ của người cha lầm lì, nhưng rồi cũng bị buộc phải ra đi. Điền bỗng như ma dại, bỏ cha bỏ chị chạy theo tìm người đàn bà ấy.
            Còn Nương vẫn ở lại với cha mình. Nương trở nên một cô gái mỹ miều đến nỗi đám đàn ông hoang ôm choàng lấy, hiếp bên bờ ruộng. Cha nàng chỉ còn biết mang nàng về, che lên thân một manh áo. Nương bỗng tự nghĩ: “Nếu mình có con nhỉ! Thì đành vậy, con không cha, nhưng ta sẽ gọi là Nhớ, hay Dịu, Xuyên, Hường…Nó sẽ được ta nuôi ăn học, lên thành người, một con người có mẹ…”. Chỉ như thế thôi, “Cánh đồng bât tận” trở nên một ngụ ngôn vang vọng tiếng người từ cõi bùn lầy hoang dại thiên nhiên giữa trời và đất..

            Nguyễn Ngọc Tư triển khai như vậy trong “Gió Lẻ” và trong “Sông”, tât cả mọi “chuyện Đời”, tội lỗi dâm dục cô đơn bất hạnh đần độn ngây thơ, là thiên nhiên tự nhiên bất tất, thiện ác đi đôi, xấu đẹp nằm chung một chỗ, mọi sự dù sao vẫn nhẹ nhàng như trời đất có cần đâu giông bão.
            Nhân vật chính của “Gió lẻ” là “cô bé giả câm”, đã nghe cha mẹ dằn vặt nhau để mẹ vào phòng đóng cửa treo cổ tự tử. Lên sáu tuổi thấy thây mẹ lủng lẳng treo, nó “đái vãi sũng quần” như ngây như dại. Luôn mấy ngày ngồi đốt tiền mã cúng mẹ, rồi từ đó nó quên hết mọi chuyện, không còn nói ra tiếng, quên cả tên mình dù cha nó thường khi vẫn gọi. Càng lớn lên, “cô bé giả câm” càng nhận ra người tốt người xấu, như cha cô là bí thư chủ tịch (??), người ta vồn vã bề ngoài với cô, làm cô buồn nôn, mà thường nôn thật. Người cha rồi trong lòng cũng coi cô như của nợ, nên cô trốn ra đi làm công cho một ông thật già. Tuy đôi khi ông già lên cơn dâm dớ dẩn trên người cô, nhưng cô không thấy dơ bẩn, thầm gọi ông là “ông Tám nhân đạo” vì ông chăm sóc tận tình bà vợ già tật nguyền. “Ông tám nhân đạo” chết, “cô bé giả câm” lầm lũi lên xe đò ra đi là đi, đi về đâu không biết. Nhưng trên xe có đủ hạng người nên cô chỉ những nôn là nôn, đành xuống xe. Đón đợi gì cô không biết; cô cứ vẫy tay, có xe landau tải hàng cho cô quá giang. “Ông tài mặt buồn” và “anh lơ tìm nội” ngỡ ngàng cho cô lên, một cô không biết nói và bé nhỏ tức khắc ngủ lăn trên ghế bên như con thú hiền!
            “Ông tài mặt buồn”, như “cô giả câm” thầm gọi trong tiềm thức, là đứa bé bố mẹ di tản sang Mỹ bỏ rơi giữa chợ, xoay vần chợ đời làm phu làm lơ xe, rồi nhiều năm sau có riêng được chiếc xe tải Landau cũ kỹ này, để lẳng lặng ra công “ăn đường” vô tư qua ngày tháng. Còn anh lơ xe đi theo có tên là Dự, chỉ buột miệng nói bà nội: “Bà nội báo hại con quá. Phải bà chết sớm con khỏe”. Bà nội động lòng bỏ ra đi; cậu Dự đi làm lơ để tìm bà nội ở chân trời cuối biển như cái thân tình duy nhất trong cõi trần gian. Nguyễn Ngọc Tư dựng ra đấy một “truyện ngụ ngôn” với ba người “không còn rễ trong quá khứ”, “không hứa hẹn gì ở ngày mai”, họ không là gì hết trong  những “cơn gió lẻ”, khi nóng khi lạnh, khi đông khi tây, bất tất vô thường.
            Họ đùm bọc nhau hàng năm hàng tháng, đơn thuần riêng lẽ bên lề cõi chợ, cho đến nỗi “cô giả câm” bập bẹ tiếng người. “Ông tài mặt buồn” và chàng “lơ tìm nội” mới nhận ra cô không phải là con thú nuôi chỉ biết lăn ra ngủ mà cũng là một người đàn bà trong cái nghĩa âm và dương. Nên mỗi khi ngủ trọ bên đường là “ông tài mặt buồn” vào nằm với cô; cô chỉ biết co quắp ngủ say trước và sau, bên người đã làm tình. Chỉ có Dự là mỗi khi như vậy, thao thức không ngủ như mất mát một cái gì.
            Truyện kết thúc một đêm sương mù, trên đường rừng vách núi, với “cô giả câm” dịu dàng ngủ bên, Dự muốn tấn xe tải cán chết ông tài, nhưng “cô giả câm” đã giật tay lái cho xe lao xuống vực. “Trời ơi, con bé! Ta chỉ muốn đùa”, Dự hay là con ma nào đã thốt lên đó, để “ông tài mặt buồn” làm tượng gỗ bên núi khóc cô nàng ngây ngô và không biết trở nên gì đây nay không còn chiếc landau.

            Văn của Nguyễn Ngọc Tư lập thể, dẫn theo những tiểu tiết kỳ bí phản lập luận (từ bỏ mọi kỹ càng cấu trúc, lôgic văn chương). Tôi đọc Nguyễn Ngọc Tư, đặc biệt với trường ca tiểu thuyết “Sông”, tôi nghĩ tới J.L.Borges nhà thơ mù với những truyện nhỏ kỳ diệu như là ngụ ngôn thêm thắt cách ngôn. Nên tôi đã dài dòng như trên về những cốt truyện, là chính tôi còn đắn đo tự hỏi có thể chăng tôi khiếm khuyết không trông ra một ẩn dụ nào, như đối diện đây cái bản chất kỳ bí của tất cả những ngụ ngôn.
            Lạ nữa, đọc trường ca tiểu thuyết “Sông” tôi còn nghĩ nếu Nguyễn Ngọc Tư có sáng tác âm nhạc thì Nguyễn Ngọc Tư có thể là nghệ sĩ rong ca “Rap” thời thượng. Những mảnh đời con con kỳ bí, ngất ngây bi thảm tiếu ngạo bi sầu, cùng những lời bàn sự đời hồn nhiên ra vào vô tư, cứ thế mà diễn tùy theo nhịp thăng trầm thi hứng: Sống là gì mà thê lương vậy…là thứ bổn phận trời dúi vào tay, cầm thì khổ không cầm thì áy náy…Khóc khi bị đòn, khi lăn lóc ngoài đời, khi nghĩ con gái của mình đã đi với người khác…Tự điển đời tôi không có chữ khóc…Tình yêu là thứ khiến người ta thấy thiên hạ đã biến mất chỉ còn có một người, mỗi một thứ đáng kể để sống cho nó vì nó…Những hình ảnh những lời văn tuôn trào như dòng nước. Đặc biệt tỉ dụ một chuyện rất lạ được kể, rằng ở ngôi làng dưới vách núi kia bên bờ sông Di, có cái tượng S0N (không phải tượng liệt sĩ đâu, hay tượng vĩ nhân thần thánh nào), tượng đá trắng cô Son có cặp môi đỏ mọng. Bố cô, lão Sật thương cô môi nứt hơn ba mươi tuổi rồi không đàn ông nào ngó tới, người ta đồn chính lão đã cho cô một bào thai nhưng cô nhẩy vách núi tự tử làm lão thương tâm ngày ngày tạc tượng cô để rồi mới nằm lăn ra chết. Tượng Son môi đỏ mọng làm “đám đàn ông giẫm đạp len nhau nghiến ngấu đôi môi mật”, như là phải có một sự đền bù nào đó trong cõi tâm linh.
            Tuy nhiên, trường ca tiểu thuyết “Sông” có cốt truyện mà tôi cũng muốn diễn giải dưới đây, như thường trước bức tranh hội họa trừu tượng, ta riêng tư muốn tự tìm ra chủ đạo ẩn dụ hay chính vô hình chung tại tiềm thức dẫn đưa cái cọ màu sắc của họa sĩ. “Sông” là tiểu thuyết với nhân vật chính là Ân, một chàng trai lại cái. Người tình đồng tính là Tú, một phần nào phụ bạc làm lễ cưới lấy vợ. Ông xếp, chủ nhiệm một tờ báo, muốn cử Ân đi viết cho tờ báo phiêu lưu ký giật gân theo dọc bờ sông Di và cũng để tìm ra tung tích của Trần Khải Ánh, người tình của xếp và cũng là cô bạn thân thiết của Ân, bỗng tan biến vào trong vũ trụ, đâu đó trên bờ sông Di. Ân thất tình nhận lời ngay, có Bối một bạn tình kín đáo đi theo một đoạn đường; còn lại với Ân là Xu, nhiếp ảnh gia, rất đàn ông làm cho Ân nhiều khi ú ớ mơ tưởng.  Tiểu thuyết có những câu chuyện phiêu lưu hư cấu, pha lẫn vô chừng với những chuyện đời của Ân vọng về từ nơi nhà và từ những ngày xa trước. Cốt yếu còn chuyện tháp tùng đi cùng đường với bọn Ân là cô Bí Đỏ. Cô mang theo cái cốt cùa người anh, cô luôn luôn nói chuyện với cốt như nói chuyện với ma người. Đến hồ Thiên của sông Di, Bí Đỏ thả cốt người anh cho dòng sông một ngày hồ “Thiên đầy xác cúc vàng (của những người cúng lễ) và đầy ánh trăng đêm”. Bí Đỏ như thoát xác, trở nên nguyên hình là Phụng. Phụng gái dâm đãng, luôn có một việc là bỏ bả cho bọn đàn ông. Rất có thể Ân khắc khoải nhận ra Phụng phản ảnh một gì đó tâm tính của chính mình trong cái gương kính méo. Dĩ nhiên Xu bị Phụng chài! Nay đã đến tận ngọn suối nước của sông Di, ông xếp của Ân cũng vừa chết, còn Ánh, tượng trưng nữ tính cao sang, chỉ có thể là một khát khao tuyệt vọng, Ân rủ Xu và Phụng ra giữa sông Di, làm đắm thuyền cả ba cùng chết.

           Một nhà văn Nam bộ, sống cô lập ở tỉnh lẻ, nhưng trong hiện đại sự, với internet, với truyền hình thế giới, với điện thoại di động, Nguyễn Ngọc Tư đã biết tạo cho mình một tiềm năng văn học sáng tác nghệ thuật bao quát, cập nhật với trào lưu sinh hoạt tư tưởng từ đông sang tây của thời đại. Dĩ nhiên, Nguyễn Ngọc Tư cũng nhận ra những mặt trái của hiện đại sự; tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư ẩn dụ lập trường hậu hiên đại.
            Hậu hiên đại trong cái nghĩa là chống đối nền kinh tế plastic thị trường, xã hội nhân sinh vụ lợi. Với “Cánh đồng bất tận”, “Gió lẻ” và “Sông” Nguyễn Ngọc Tư như cố tìm ra lại cái hồn nhiên  kiêu hùng của con người bần cùng, muôn mặt ly khai cái đường rày trưởng giả, tiện nghi máy móc khoa học kỹ thuật. Nói lên về những con người bần cùng nhưng không có cái nhìn thống khổ chủ nghĩa (misérablisme). Có nhiều người nghĩ Nguyễn Ngọc Tư vu vơ tiêu cực, nhưng nên phải biết đó là một sự tiêu cực lạc quan nhân bản, trả đáp cái a dua tích cực của người đời, của những hỏa đầu bán buôn, của những chính trị gia bè đảng với chủ nghĩa miệng lưỡi bề ngoài vì khoa học vì đạo đức. Ba tác phẩm trên của Nguyễn Ngọc Tư là luồng gió kỳ thú, có giá trị lâu dài mang đến một ước vọng thăng hoa cho đời sống ảm đạm của chúng ta nơi đây và giờ này.
            Tháng 3 năm 2014
            Ngô Văn Tao
            Tài liệu Nguyễn Ngọc Tư, xin tra cứu trên    http//:www.viet-studies.inf
            "SÔNG"    tiểu thuyết    Nguyễn Ngọc Tư    Nhà xuất bản trẻ 2012- 70.000đ