Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn


Ký họa Quế Anh (acrylic trên giấy) Sơn

Bài thơ “Trịnh Công Sơn” của Bùi Giáng (http://ngovantao.blogspot.com/2009/06/trinh-cong-son-my-friend-who-was-poet.html) lãng mạn và chân thực. Đoạn văn trích dưới đây dẫn giải và đặc biệt nói lên sự tương giao ngưỡng mộ của Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn, ẩn chứa tuy nhiên một sự cách biệt, mang mang ngậm ngùi nhân thế.


Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn (trích)

……..

Hai nghệ sĩ tài danh của chúng ta vừa có những điểm chung và cũng có những khác biệt rất riêng. Trước hết là BG và TCS đều có quan niệm rằng nghệ thuật không thể ẩn dụ một lý thuyết nào - trái ngược với nhóm Sáng Tạo (một nhóm văn nghệ sĩ miền nam Việt Nam của những năm 1960)- khi cho rằng nghệ thuật phải là tư duy nằm ngoài thời sự, ngoài những chuyện nhân sinh tức thời hay những xu thế thời thượng. Người nghệ sĩ phải có hoài bão vượt thời gian, tìm về cái uyên nguyên vĩnh hằng của con người như tình yêu, khắc khoải, cô đơn và vị tha, tự cảm nhận sự khiếm khuyết trong thân phận làm người. Người nghệ sĩ phải biết thương cho những kẻ sa đoạ, khóc cho những người ngã ngựa, phủ nhận những chiến công... BG thường tự nói:

Quan tâm ngày thu lượm
Bàng quan với ngày mai thế sự

(BG dịch René Char).

Những bài ca phản chiến của TCS tưởng là nói đến chiến tranh nhưng sự thật là nói về cái khát vọng hoà bình thân ái của con người sống với đau khổ và chết chóc tang thương.Trong những bài ca của TCS không có thù và bạn, những chọn lựa này chỉ có tính cách giao thời, thay biến mỗi khi chúng ta nhìn lại lịch sử. BG mãi mãi là hành giả chân đất, áo quần tả tơi lang thang ngoài ước lệ xã hội của con người, lững thững qua các thời đại. TCS, trái lại, chấp nhận dửng dưng vui chơi hoà đồng, nên vì thế biết rõ mặt trái không hay ho gì của những quân nhân, chính trị gia của miền Nam Việt Nam và cũng biết rõ mặt thật tham lam nhỏ nhen, bề ngoài đạo đức nhưng đầy tham muốn tiền tài danh vọng của những cán bộ quan liêu bàn giấy. Vì thế thái độ TCS có tính cách thoả hiệp với cuộc đời, cũng chỉ vì nếu một nghệ sĩ chân chính nhất định không chấp nhận những tục luỵ bi thương của con người thì gia đình anh cũng như chính anh sẽ không còn chỗ dung thân.

Nghĩ cho cùng, có cả một hố sâu ngăn cách BG với TCS. BG chọn làm thi sĩ cùng với thảm kịch nhân sinh của thi nhân, của Phạm Thái xa lánh cõi đời:

Ba mươi sáu tuổi là bao nả
Năm sáu đời vua khếu chán ghê
Một tập thơ sầu ngâm sang sảng
Vài nai rượu kết ních tì tì ...

(những câu thơ của Phạm Thái mà BG thường tự đọc lại),

của Nguyễn Bính khi chết “miệng vẫn tòm tem thèm miếng cơm” (thơ của Trần Mạnh Hảo).

Từ cuối năm 1988 – khi chính trị và kinh tế Việt Nam bắt đầu đổi mới, sự giàu sang được bộc lộ - TCS đã sống trong một thế giới xa hoa quyền quý mà không một nghệ sĩ Việt Nam nào từng được hưởng thụ. Nhưng trước khi sự giàu sang đến ngăn cách con người, BG vẫn thường bất chợt lui tới nhà TCS và được mẹ Sơn hay các em sẵn sàng đãi bữa cơm, chén rượu...Cái thời khó khăn vừa sau 1975 với cái nên thơ tình người, nhà thơ vẫn giữ những hồi tưởng êm dịu của sự bao dung nhân ái, hiền hoà thân thiết:

Trịnh Công Sơn
(...)
Ồ bạn ạ! Ồ người ôi!
Ai đi vô tận tôi ngồi ngu ngơ
Chẳng bao giờ kể chẳng ngờ
Rằng tình mộng tưởng không giờ xẻ chia
Không từ sương sớm trăng khuya
Không trăm năm cõi một rìa mép mao
Tuy nhiên ngoài luỹ trong hào
Còn rơi rớt chút hoàng mao A Đầu ...

(B.G. trong tập “Vào chung cục thơ”).

(hoàng mao A Đầu: con nhỏ hầu bên, với chỏm tóc vàng)

Có thể nói, từ cuối năm 1988, BG không còn lui tới gặp TCS nữa. Nhất là từ ngày tang lễ mẹ Sơn năm 1991, các em Sơn đã có thái độ rất rõ : không cho nhà thơ của chúng ta tham dự sợ làm lạc bầu không khí tôn kính trang nghiêm với những quan khách hệ trọng. Việc này, tôi nghĩ, TCS đã không hề biết! Mãi đến năm 1994, với tập “Hán Tự Hài Cú” mà BG và TCS mỗi người phỏng dịch độ một trăm bài, tôi đã gián tiếp là sợi dây liên lạc giữa hai nghệ sĩ. TCS đã nhờ tôi đưa đến BG chỉ một câu tám chữ mà BG đã trả đáp bằng câu sáu chữ:

(thì rằng)

Trùng dương viễn biệt muôn vàn

(ấy ai ấy ai)

Ghé qua lục địa muộn màng hỏi thăm.


Thật là mang mang một sự ngậm ngùi nhân thế! Tang lễ BG tháng tám năm Mậu Dần (1998), TCS đã đến lễ và hát trước linh cữu bài ca “Cát bụi”. Mấy tháng sau, nhân đọc bài hán tự hài cú:

Thi nhân quy thiên khứ
Lưu tồn điên đảo nhiễm trần ai
Xử ngã sầu bất tận

(NVT)

TCS tức khắc viết ra bốn câu bảy chữ tưởng nhớ đến nhà thơ:

Thi nhân vĩnh viễn chân trời ấy
Đảo điên điên đảo bụi trần gian
Từ ấy tôi buồn như cỏ dại
Buồn vì một chút bụi lang thang

(TCS, 9.5.1999)

Vào Tết Đinh Hợi
Ngô Văn Tao

http://www.tcs-home.org/ban-be/articles/bui-giang-va-trinh-cong-son/

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ