Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Nhà giáo - The high school teacher


Quế Anh (oil pastel on paper) Nhà giáo – The high school teacher


Trí thức và nhân dân


Trước hết tôi xin trích lời của Phạm Xuân Nguyên (tufs03@yahoo.com):

Liên xô giữa thập niên 80 thế kỷ XX, cuộc perestroyska (đổi mới) nổ ra mang theo hy vọng của mọi tầng lớp xã hội về một cuộc cách mạng mới…Nhóm “Lời Tự Do” ra đời ngày 31/10/1988 trong bầu không khí đó, tập hợp các nhà nghiên cứu khoa học và nghiên cứu nghệ thuật thảo luận về nhiều chủ đề cấp bách do cuộc sống lúc bấy giờ đặt ra. Cuộc perestroyka kết cục, vượt ra ngoài ý đồ của những người khởi xướng, đã dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước Xô Viết.…Liên Xô không còn, nhưng các vấn đề từ ngày hôm qua của Liên Xô thời perestroyka thì vẫn có tính thời sự đối với Việt nam “thời đổi mới và hậu đổi mới” Tôi (Phạm Xuân Nghiêm) chọn dịch hai cuộc bàn tròn .. của nhóm “Lời Tự Do” giới thiệu với độc giả để chúng ta cùng suy ngẫm về trí thức Việt trong xã hội ta hiện nay (www.talawas.org).


Suy ngẫm về đâu? Chính phần mình, Phạm Xuân Nguyên kín đáo không nói, theo riêng tôi, Ph.XN chắc thầm ước có một nhóm “Lời tự do Việt Nam” ra đời trong thời đổi mới này của Xã Hội Việt nam hiện đại. Nhưng đấy là vấn đề “dấn thân với tinh thần lịch sử”, như Bùi Giáng đã từng đặt câu hỏi, của trí thức. Tôi chỉ muốn tiếp lời “bàn tròn xa xưa của người Nga” tự hỏi ta nên hiểu “trí thức” như “một phần tử của nhân dân”, tiền phong với trách nhiệm gì trước lịch sử.


Trước hết, chúng ta không nên bị chi phối bởi những từ ngữ: quyền lực nhân dân, ý muốn nhân dân, tòa án nhân dân, hội đồng nhân dân…trong khi quyền lực kinh tế, chinh trị là nằm trong tay của bọn tài phiệt, quân phiệt, bè đảng hay những lãnh tụ tức thời. Hãy coi nhân dân là tất cả thành phần xã hội, vậy những người trí thức là phần tử của xã hội, cũng là phần tử nhân dân! Có thể là nông dân, ngày ngày ra đồng làm ruộng, chăn dê, chăn bò hay trồng cây lấy trái, có thể là công nhân làm việc thường ngày trong nhà máy, nhưng họ là “trí thức”, nghĩa là có sẵn một cơ sở văn học tối thiểu, không ngần ngại khi đọc một bài báo tự tìm hiểu thời sự đã thật được trình diễn hay không, khi được thông cáo một đạo luật biết tự hỏi sự trung trực khả thi của đạo luật hay chỉ là những sáo ngữ tối tăm che đậy một ý thức hệ, phù hợp quyền lợi cho một tập đoàn…Sâu xa hơn nữa, trước một bức họa, nghe bản nhạc hay đọc một quyển truyện, một bài thơ, người trí thức biết thu nhận những ý tưởng của văn nghệ sĩ, “phản tư” truyền đạt tới nhân sinh quan, vũ trụ quan của chính mình. Chính mình trong sự thông cảm thăng hoa, nhưng không tự đòi hỏi phải sáng tạo, phải tranh đấu cho một lý tưởng nào…


Người trí thức là người dân, nên hoàn toàn trong trắng, không đảm nhận một chức vụ gì trong xã hội, dù tự biết phán đoán. Không trách nhiệm như những đảng viên chinh trị, không phụ thuộc hệ thống như những mệnh danh tư tưởng gia của thời đại, của xã hội, không vụ lợi như kinh tế gia, doanh thương hay tài chính cán bộ…., trí thức giữ nguyên khả năng hồn nhiên thu nhận và phán xét. Trong một xã hội cởi mở, giữa một cộng đồng giao hữu hội đàm, người trí thức dĩ nhiên không e dè thảo luận, trao đổi tư duy, lễ độ nhún nhường ngay cả khi nói lên những nhận xét sắc bén…Cái cá tính lớn nhất của người dân trí thức là biết cái nhỏ bé của chính mình trong cái khối to lớn dân gian.


Có thể nói tiếng nói của thành phần trí thức là “tiếng nói của lương tri” phát động từ quần chúng. Tiếng nói âm thầm đó chỉ có ảnh hưởng đến xã hội tùy theo thời cuộc, tùy theo trạng thái chính trị của đất nước. Nhớ lại thời “phong kiến”ở Việt Nam, quân chủ nhưng tôn trọng sự học, thì tiếng nói lương tri đó thường phát động từ những thầy đồ, từ những cụ tú hay cụ cử của làng của xã, có ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống nông thôn. Ở đầu thế kỷ thứ XX, xã hội Việt Nam bắt đầu mở ra đón nhận văn học Âu Tây, với phong trào quần chúng tiếp thu tư tưởng tiến bộ phương tây, thì những tờ báo như tờ Nam Phong của Phạm Quỳnh, những bài thơ mới, những truyện tiểu thuyết của Tự Lưc Văn Đoàn, những sáng tác văn nghệ của những người trí thức-văn nghệ sĩ nghiệp dư luôn luôn được đón đọc và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của tất cả những tầng lớp nhân dân thành thị…Không riêng gì ở Việt Nam, trên tất cả thế giới, khi thời đại lịch sử đi vào chiến tranh và tao loạn, thì tiếng nói lương tri đó chỉ là những lời ấp úng của quần chúng đang chịu đựng những tang thương, những áp chế vũ lực.


Hơn nữa trong một xã hội mà thành phần trí thức - những người độc lập suy tư, lễ độ phân biệt phải và trái, tâm tư không bị áp chế bởi những biển ngữ, những khẩu hiệu ý đồ đen tối - cái thành phần đó chỉ là một phần nhỏ bé của nhân dân, thì người trí thức chỉ biết lặng lẽ vì biết rằng những gì mình nghĩ không có cơ hội để trình bày, mà có nói lên thì cũng chỉ như ở chỗ không người. Đây một hiện tượng điển hình mà tôi biết, một nhà giáo Hà Thành vào những năm 80 của thế kỷ trước, có trong nhà một bức tranh sơn dầu trên bìa cứng nhỏ “Phố Phái” của họa sĩ Bùi Xuân Phái; bức tranh vẽ phố cổ cùa Hà Nội, thoát lộ sự trống rỗng không người của xã hội, nhà giáo mỗi ngày với ngọn nến mang ra chiêm ngưỡng, ông ta không nói ra cho bất cứ một ai khác biết về bức tranh đó, biết cái chiều sâu văn nghệ của họa sĩ Bùi Xuân Phái, dẫu rằng nếu nói lên thì cũng có thể làm những người xung quanh nhìn thời cuộc chính trị, nhân sinh với một cái nhìn thiết thực chân chính!


Kẻ sĩ Bắc hà đó – nhà giáo trí thức trên – không viết như đã làm trong thời đầu thế kỷ XX, những bài vè trào phúng vô danh chế diễu bọn quan lại bồi tây, những bà tân thời tóc uốn lượn môi cong tô son trái tim…Những kẻ đã từng tham gia kháng chiến cứu quốc với tất cả lý trí vào những năm 1946-1950. Những kẻ đã hồn nhiên tham gia phong trào của chính quyền, “ trăm hoa đua nở” (1956-1958) để mà rồi phải trả giá, như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Cung…, vì đã vội nói to lên những tư tưởng thâm trầm của quần chúng, nhưng lại vô tình trái ngược với chính sách “cách mạng” của chính quyền. Sự lặng lẽ kín đáo của nhà giáo không phải là một sự yếu hèn, mà là bản chất của trí thức tức thời và khiêm tốn. Thành phần trí thức là thành phần lương tri của nhân dân. Tiếng nói của trí thức là tiếng nói của tâm tư quần chúng, nên chỉ vang vọng trong một vũ trụ hiền hòa, con người biết xa lánh thù hận, từ bỏ những mưu đồ áp chế bè đảng….Tuy nhiên nhà giáo - con người lễ độ ở mọi thời, không tranh giành chen lấn, không vứt rác ô nhiễm, không ồn ào làm rối người khác – thuộc thành phần trí thức, nghĩa là luôn luôn âm thầm học hỏi và suy tư. Chính những người trí thức như nhà giáo đó, sống qua những thời đại, những lệch lạc không cùng của lịch sử, lặng lẽ duy trì cái gì sâu xa nhất, cái bản thể lương tri của một dân tộc , của một đất nước.


Cái nhầm lẫn thường có là khi chúng ta nghĩ đến trí thức là nghĩ đến sự dấn thân của những người như Gandhi, Sakharov, A. Soljenitsyne…, hay nhầm lẫn hơn nữa là nhìn vào những “người trí thức(!)”, những tư tưởng gia của một chế độ, những văn nghệ sĩ xu thời sáng tác úp mở áp đảo quần chúng, ồn ào méo mó trình diễn những tư tưởng phiến diện cho vừa lòng “quyền lực”. Cái im lặng tuyệt vời sáng tạo của trí thức là những bức tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Không có sự “dấn thân với tinh thần lịch sử”. Bản chất của trí thức chắc chắn là “sự nhu nhược”, luôn luôn tìm hiểu ngay trong tội lỗi một khía cạnh gì thảm thương nhân tính…Thành phần trí thức không phải là những người mang dao mang búa, mang cờ “cách mạng” để canh tân xã hội, sáng lập “một đế chế”.


Dĩ nhiên đã là người dân, chúng ta ai mà chẳng muốn được nghe ra tiếng nói của lương tri, của trí thức. Nhưng muốn nghe vang tiếng nói đó, thì nhà nước như Xô Viết Liên Xô ở những năm 1980 đã cần phải thật đổi mới ( perestroyka!). Công cuộc đổi mới đã đến theo sự đòi hỏi của toàn thể nhân dân, biết nhận ra cái phi lý của chính thể, cái mù quáng của chính quyền. Sự đổi mới đó không phải là nhờ ở sự dấn thân của tầng lớp trí thức, mà từ sự trưởng thành của dân trí. Chính trên điều này, tiếp ý của Phạm Xuân Nguyên, theo tôi, chúng ta phải suy ngẫm. Chúng ta người Việt Nam có thể bi quan, khi những học sinh tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông chỉ có chút hành trang kỹ thuật, bập bẹ một ngoại ngữ, học hỏi một ít toán hay vật lý học, nhưng không từng đọc hết một quyển sách, học lịch sử với ý thức hệ một chiều, luận văn qua những bài văn thô thiển, ý tưởng gò bó….Nhưng dù sao, với sự đổi mới về đời sống kinh tế vật chất, những chuyên gia kỹ thuật càng ngày càng đông; chính những chuyên gia trước sau rồi phải mở mang kiến thức. Thành phần trí thức một ngày một đông đảo, trình độ dân trí với sự tiến bộ vật chất ( dù chỉ là hời hợt thỏa mãn, đủ ăn đủ mặc) cũng bắt buộc tân tiến ( giàu sang sinh lễ nghĩa!); chúng ta có thể lạc quan rằng trong một ngày rất gần đây thôi, thành phần trí thức sẽ đóng một vai trò then chốt tinh thần của xã hội.


Thang 6 2009

Ngô Văn Tao

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ