THẾ GIỚI NỘI TÂM và NGHỆ THUẬT
Quế Anh acrylic on canvas 60x80cm
2012
THẾ
GIỚI NỘI TÂM và NGHỆ THUẬT
Lý tính con
người là hình tam giác với ba góc cột trụ liên đới: Triết lý, Khoa học và Nghệ
thuật. Triết lý là cột trụ khởi đầu lý tính nhân loại; những thánh nhân, những
hiền giả là những triết gia dẫn đến sự thức tỉnh của lý tính trước huyền vi và
luật tiềm ẩn của vũ trụ, thần điệu của người với người, của người với
thiên nhiên…Chính là sự khởi đầu của xã hội, của cộng dồng hòa hợp cùng nhau
tạo dựng những điều kiện cho sự tồn tại giữa thiên nhiên. Con người tự thấy bé
nhỏ trước vũ trụ, nhưng cảm nhận sự bao dung trong lòng người mẹ thiên nhiên,
mở đầu cho tín ngưỡng, an bình khai sáng của tôn giáo. Triết lý cũng là khởi
đầu của những câu hỏi “siêu hình học”:
Thượng đế là gì? Ta đến từ đâu, ta đi về đâu?...Những câu hỏi dẫn đến Khoa học.
Khoa học là cột
trụ của văn minh thế giới hiện tại. Với những thành quả không cùng của khoa học
kỹ thuật, văn minh khoa học thay đổi ngay cả đến bản chât cuả con người. Như đã
ăn tận cùng “quả táo cấm”, con người
không những đòi tìm nhận ra luật vô thường của trời đất, mà còn muốn làm chủ cả
thiên nhiên. Nhưng vượt khỏi mọi khắc khoải nghi vấn siêu hình học, theo nhiều
triết gia, con người có lẽ đang tự dẫn mình đến những thảm họa chung cục của thế
giới với những trái bom nguyên tử ẩn
chứa, với những phiên bản vô sinh “Frankenstein” của sự sống, với những sự tàn
phá bởi kỹ thuật khoa học môi trường sinh thái thiên nhiên…
Trong bài tản
mạn này, tôi muốn nói đến nghệ thuật, cột trụ thứ ba của lý tính. Đến sự thể
hiện của nghệ thuật, đặc biệt bản năng dẫn độ con người của nghệ thuật trong
thế giới vật chất văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại.
Nghệ thuật là
gì? Là cảm nhận và rung động trước cái đẹp, cái mong manh của bông hồng. Là cảm
thức cái mênh mông, huyền vi khi mặt trăng ở chân trời chiếu tỏa một đường
trăng sóng lăn tăn trên mặt biển trong đêm cùng vô tận…Nghệ thuật luôn luôn thể
hiện trong sự hiện thành của nhân loại. Những nét khắc vẽ thô sơ trên vách đá
thời tiền cổ. Những kinh điện. Những tháp đền. Những thánh đường…Bất cứ nơi nào
trên mặt đất, có những di sản đó, dù đã tan hoang đổ vỡ, mà phải như thế ta mới biết là nơi đó đã có
sự sống của con người. Giờ đây nữa, dù văn hóa nhân loại càng ngày càng trở nên
khoa học kỹ thuật máy móc, càng ngày càng rập khuôn bình dân túy, càng ngày càng
tư sản nghi thức lợi nhuận, nghệ thuật vẫn thể hiện khắp nơi khẳng định mỹ cảm,
say mê, khát khao của tất cả con người, với những cao ốc chọc trời nhưng thanh
tao nhẹ nhàng vươn lên tới trời, với
những nhạc điệu “sô” lôi cuốn đại
quần chúng, với những đấu trường thể thao tuyên dương như vũ điệu sự hòa nhịp của
thể xác …
Nhưng nghệ thuật
mà tôi muốn bàn tới, là nghệ thuật theo như Thomas Mann, nghệ thuật trong sự người
đối diện với chính mình. Cũng là nghệ thuật
theo F.Nietzsche, một đường dây cheo leo lơ lửng trên vực sâu của bản thân mà
người nghệ sĩ đi lần từng bước để đến chân
trời bản ngã siêu nhân. Về phần tôi, còn là hiện tượng giản dị bình thường,
nghệ thuật mà riêng tư một người tự sống trong tư thất với một bức tranh Phố Phái bằng một bàn tay trơ trên tường
trắng, lẳng lặng nhìn qua song cửa một bầu trời.
Cột trụ nghệ
thuật là lý tính trong sự sống bản thân của từng người trong “thế giới hiện sinh bản ngã”, thế giới
ngoại tại (hiện đang trong sự khống chế của khoa học kỹ thuật) cộng với “thế giới của tư duy” theo như Platon mà
tôi sẽ gọi là thế giới nội tâm. Mà
con người sống, cốt yếu chính là ở nội tâm, cảm nhận tình yêu, dục vọng, khát
khao, cảm thức cái vô thường, cái phù du mất mát của chính đời mình, luôn luôn
ám ảnh bởi sự chết nhưng lại sáng tạo và siêu thoát. Muốn nhận rõ những ý thức
đó, ta có thể diễn giải qua những tác phẩm nghệ thuật, như qua những bài thơ
của Bùi Giáng, những bức tranh “Phố Phái”…Tôi chọn bàn luận dưới đây dựa trên
hai tác phẩm văn học, một của Marcel
Proust: “Tìm lại thời gian đã mất” (A la recherche du temps perdu) và một
của Thomas Mann: “Đến Venetia và từ giã cõi
trần” (Der Tod in Venedig); lý lẽ là phần triết lý nhân sinh có
nhiều đóng góp, ý thức xa gần như trên về nghệ thuật sẵn được trình giải bằng
cốt truyện và lời văn.
Tác phẩm của
Marcel Proust là tiểu thuyết văn học, một tiểu thuyết chứng minh và xác nhận (démonstratif et affirmatif). Xác minh mọi
sự kiện xảy ra trong thực tế của mỗi người đều trở vào nội tâm, nhưng trong “
hồi ức” không còn hạn hẹp trong không gian và thời khắc; nếu ta sống lại trong
nội tâm trí nhớ là ta sống bất cứ lúc nào, có thể lập đi lập lại ở ngoài không
gian và thời gian, mọi sự không trình
diễn trong khuôn khổ thời gian và không gian của thực tế. Hơn nữa ta sống lại
mỗi lần một cách sáng tạo đề ra một chiều sâu một âm hưởng, không bắt buộc phải
từ những cảm nhận sẵn có trong tiềm thức mà còn là trong sự hiện thành biến đổi
của chính ta trong thế giới nội tâm.
Trong thế giới
nội tâm, con người là chủ thể siêu thoát và sáng tạo. Sống với thế giới nội tâm,
con người không là một vật vô sinh, một con rối bông, một robot…Con người là sinh vật, nhưng là sinh vật có tư duy, ý thức
cái phận nhân sinh của chính mình. Dĩ nhiên ý thức phận nhân sinh, cũng là cảm
nhận cái hố thẳm trong cái phận làm người,
hố thẳm của tình yêu và mất mát, của dục vọng và tội lỗi, của suy đồi và tàn
tạ…
Tiểu thuyết của
Marcel Proust là tự truyện hiện thực phân
tâm học triết lý. Chúng ta mỗi người
thật sự không ngừng sống một phần lớn đời mình trong nội tâm ký ức, trong “cái tấm gương phản chiếu thực tế bên ngoài” (le
miroir des réalités); mọi sự kiện ngoài đời chợt tới trong giây khắc hiện tại, chúng ta chỉ thật cảm thức tới
nó là khi ta hồi tưởng hay nghĩ lại trong ký ức. Tiểu thuyết của Marcel Proust
tường thuật cuộc phiêu lưu sống thật
của một người, chính tác giả hành trình trong
hồi ức nội tâm.
Sống trong hồi
ức nội tâm, Marcel Proust nhấn mạnh là phải tìm tới bản năng nghệ thuật của lý
tính. Ta vừa sống và vừa là đạo diễn những màn kịch mộng mơ tự truyện
(autobiograplie); những sự kiện, những nhân vật của thời sự quá khứ trở về trong
ký ức phi thời gian, phi không gian, mà ta có thể bắt buộc phải vô tư (involontairement)
giãi trình thêu dệt trong giả tưởng (fiction) nhưng hiển hiện sâu đậm với tư
duy nghệ thuật của chính ta.
Trong tác phẩm
-vì đó là tự truyện- Marcel Proust tự bộc lộ là một thanh niên không có sức
khỏe, ốm đau liên miên, nhất là rất khó ngủ, có những đêm trắng rất dài…Chính
vì thế, anh luôn luôn thao thức suy nghĩ gần xa, sống dài trong hồi ức nội tâm.
Hồi tưởng những giây phút bên người mẹ, những lúc quan xát người quen với cuộc
sống có thể có của mỗi người…. thúc đẩy bản năng nghệ thuật của lý tính; Marcel
Proust hiện thành, dần dần trở nên “một
nhà văn”. Cuộc phiêu du trong nội tâm, trong hồi tưởng, trở thành một trường
thiên ký sự, với hàng trăm trang văn.
“Như bây giờ, tôi ốm đau, không thể ra ngoài một mình,
không còn có thể làm tình nữa…Nhưng mọi dục vọng lại thêm tươi đẹp, vì ta không
còn trầm đắm nữa như biết mình không còn có thể cố tìm giải đáp. ..Và đối với
ta đời lại đẹp làm sao, trong những phút ta đã biết quên đi những khó khăn trói
buộc tức thời đã làm ta không biết tận hưởng…”
Những trang văn bay bổng đượm tính thơ, tự phân tâm học lý giải, nhân sinh
triết lý.
Tác phẩm của
Marcel Proust không có những câu truyện ly kỳ, những sự kiện dật gân đan kết,
mà ta đọc như ngắm nhìn bức tranh ấn tượng của August Renoir: “Ngày hội trong khu rừng Boulogne”, có
những thiếu phụ cao sang là lượt, có những nam nhân đóng bộ mũ cao kiểu cách…để
mộng mơ, để thầm nghĩ đến những gặp gỡ và chia tay, những tình duyên và dục
vọng éo le thăng trầm. Tất cả trong một thế giới đài các, không hệ lụy với đời
thường. Tác phẩm của Marcel Proust là như thế, đến ngàn trang sách, nhưng hãy
đọc đoạn này đoạn nọ như ta suy tư ngắm
nhìn từng mảng một bích họa rất to rất lớn. Những hồi tưởng trở về thời gian đã mất, hay cũng là những
chuyện hư hư thực thực.
“ …Một người đàn bà đã tìm tôi trong giấc ngủ, tôi nằm
hai bắp vế trái ngược. Tình dục cường độ,
như nàng sẵn sàng hiến dâng. Chiếc thân
tôi nóng hổi trong người nàng, nhưng gần thỏa mãn, tôi tỉnh giấc. Thế gian trở nên
xa xôi vắng lạnh. Ôi! Người đàn bà tôi vừa gặp và vừa xa, tôi còn lưu giữ cái
hôn nồng trên má và thân tôi còn cong dưới sức nặng của người nàng…” Chải chuốt Eros, mơ và thật!
Không phải là
tuyệt tác tiểu thuyết như “Hòa Bình và
Chiến Tranh” của L.Tolstoi, như “Doctor Jivago” của Pasternak, như
“Trăm Năm Cô Đơn” của G.Marquez….. nhưng tầm quan trọng của toàn tập “Đi tìm Thời Gian Đã Mất” của Macel
Proust, luôn luôn được coi là quyền sách đầu giường của văn học Pháp, xác minh
ký sự của tác giả sống tận cùng bản năng nghệ thuật của lý tính, sống phiêu lưu
từng giờ từng phút trong thế giới hồi ức nội tâm với những câu văn chải chuốt
như dưới bút vẽ của họa sĩ chìm đắm trong sáng tạo tư duy nghệ thuật.
Bàn đến “Đi tìm thời gian đã mất”, một tiểu thuyết
mông lung sinh động, nhiều phê bình gia coi đó là một ký sự thuộc phân tâm học. Những chuyện
những chi tiết trong hồi ức của Marcel Proust được trải dài, bộc lộ như theo
luận đề phân tâm học Freudian, nêu rõ những hệ quả ức chế của thể xác hay của
tình cảm, cùng những ấn tượng trong tiềm thức thời xa xưa khi mới mở mắt vào
đời…Tôi không bàn luận trên quan điểm này Tuy nhiên Marcel Proust với tác phẩm của mình,
hiện rõ là một văn nghệ sĩ trong cái nghĩa bản thể, để hết tâm tình lý tính
nghệ thuật đi tìm cái đẹp ( đi tìm cố quận như Bùi Giáng có thể nói, đi tìm thượng đế như Thomas Mann có thể nghĩ) . Người nghệ sĩ bước lần trên cái dây cheo leo của Nietzsche! Mở
đọc “Đi tìm thời gian đã mất”, văn
chương nhẹ nhàng chải chuốt, người ta có thể nghĩ lệch lạc như Henri Ghéon (La Nouvelle Revue française, 1er Janvier
1914) rằng đây là một tác phẩm văn học tác giả đã viết trong những giờ thư
giãn (Voilà une oeuvre de loisir, dans la
plus pleine acception du terme!!), nhưng không biết rằng sau sự nhẹ nhàng
đó là cả một sự khắc khoải, sống say mê đồi trụy thăng trầm của nghệ sĩ trong
sóng gió của phận đời, bản thể và hiện sinh thể xác, hành trình vô vọng đi tìm
về lại cố quận.
Thomas Mann
trong “Đến Venetia
và Từ Giã Trần” nhắc lại lời của Socrate (trong tác phẩm “Phèdre” của Platon): “Này Phedre! Chúng ta là thi sĩ làm sao có
thể là hiền nhân chính trực? Chúng ta đều loanh quanh mất hướng, đồi trụy phiêu
lưu cảm thức.” Cái khắc khoải nghệ sĩ ở Marcel Proust, chính là như Socrate
đã nói, mà Thomas Mann nhắc lại, người nghệ sĩ say mê đi tìm Cái Đẹp nhưng cái đẹp nằm ở chân trời xa
kia, chân trời của nội tâm bản ngã, nhưng say mê sống với mỹ cảm nhất định phải
cảm nhận sự quyến rũ cuả nhan sắc, cái say sưa trụy lạc thể xác với dục tinh khí (libido), cái giải thoát bay bổng
của “ly rượu cay” mà ta uống để “ôm đời ngủ muộn” (như Trịnh Công Sơn đã
hát) trước sự phù du, mất mát của tuổi xuân. Nguyễn Tuân với tiểu thuyết “Chiếc lư đồng mắt cua”, đã thổ lộ ra sự
chênh vênh ấy của nghệ sĩ; không ngừng xê
dịch đi tìm cái đẹp ở mọi nơi, như trầm tư trước chiếc lư đồng cổ xưa nhỏ
bé, tất cả đến nỗi phải xoa dịu sự khát khao quá độ, nghệ sĩ có thể tìm sự
thanh thản an bình bên một “Lola” với cặp vú nở (khu Khâm Thiên) hay nàng tiên
đôi mắt nâu…
Mọi cuộc phiêu
lưu rồi cũng phải kết thúc. Marcel Proust nhẹ nhàng tỉnh giấc ngậm ngùi nhìn lại
thực tế, rồi đi vào trong tĩnh lặng. Nhìn căn phòng của mình hiện ở không phải
là căn phòng anh đă sống dài dài trong hồi ức, và ngoài kia thành phố Paris nữa,
nay rộn ràng những xe hơi, tới tấp người là người bận chuyện sinh nhai, không còn
những thiếu phụ cao sang quý phái, những chàng trai kiểu cách, nghêng ngang
trên xe ngựa của thời đã mất.
Thomas Mann
trình bày màn cuối của đời người, của nghệ sĩ như một kịch bản bi tráng hơn. Trong
tiểu thuyết trên của Thomas Mann, chỉ có một nhân vật, nhà văn có tài và có
danh Aschenbach, cả một đời suy tư tìm hiểu để viết ra những tác phẩm lôi cuốn
và có chiều sâu triết lý và tình người. Một sự sống tràn đầy say mê, một khát
khao hoàn mỹ, phát động từ dục tinh khí
(libido) chứa chấp trong thể xác và lý tính, để người nghệ sĩ như Aschenbach
không ngừng rung động trước một bức tượng của Michel-Ange, trước vẻ đẹp quyền
rũ của một thiếu phụ hay trước ánh hào hùng của một nhân vật…Nhưng rồi đến
ngày, Aschenbach cảm thấy kiệt quệ dục tinh khí , thế giới xung quanh trở nên
mờ nhạt không còn sắc bén. Nhà văn chọn đi Venetia, ở trọ một khách sạn “năm
sao” ở cồn Lido nằm trong eo biển của thành
phố. Rồi ngày ngày trôi qua, chỉ một mình có thể có những lúc suy tư về nghệ
thuật, nhưng ảm đạm không chờ đợi một ai, một chuyện gì. Cái đèn dầu le lói sắp
tắt bỗng bùng lên một khắc, dục tinh khí trong Aschenbach bỗng như phát động.
Phát động le lói để Aschenbach cảm nhận thấy sự có mặt của Tadzio, ở cùng trong
khách sạn, sáng sáng cũng ra bãi biển. Tadzio là hiện thân “éphèbe” trong huyền thoại hay cổ truyện
Hy lạp, hiện thân nam sinh tuyệt vời vừa đúng tuổi vào thì…Aschenbach bỗng chợt
như hấp hối mà lóe tỉnh, mỗi lần nhìn thấy Tadzio hay mỗi lần vọng ngắm Tadzio
là cả người ông âm thầm kín đáo giao động dù không có chút gì là Eros. Đó là “đồi trụy trong tư sản nghi thức” (la
décadence bourgeoise - T.Mann), hay là bi thảm kịch nhân sinh của nghệ sĩ đối diện với chính mình,
ôm đời trước khi chết. Mà thật, khi
người ta thu xếp bỏ chạy Venetia vì có bệnh dịch
đột phá, một cách gián tiếp Aschenbach chọn ở lại, để rồi một buồi người ta tìm
thấy ông nằm chết trên bãi biển. Nhưng không một ai có thể biết rằng cái hình
ảnh sau cùng mà ông có buổi sáng đó, chính là hình ảnh Tadzio, xa xôi giữa sóng
biển lăn tăn trên bãi cát, hiện thân như thiên thần thượng đế phái đến mời người nghệ sĩ ráng đi tiếp nữa về phía chân
trời mỹ miều ảo ảnh.
Chú giải: Nghệ thuật của lý tính là
đốm lửa của sự sống nội tâm trong lòng của mọi người. Chớm bùng lên cho chúng
ta say mê, rạo rực đối diện với chính mình, tình yêu và dục vọng, phù du và mất
mát, và ngay cả sự chết. Nhưng ta có chết đi, đốm lửa đó, đặc biệt với nghệ sĩ
không mất đi mà tiếp tục truyền lại cho người đến sau…Thomas Mann, đại văn hào
(1875-1955), sớm nổi danh với tác phẩm Buddenbrooks (1901); nhưng vào khoảng
1910, nhà văn tự thấy hụt hẫng, như
không còn chút nhuệ khí gì để tiếp tục sáng tác văn chương nghệ thuật.
Nhân vật Aschenbach là hiện thân của
chính ông. Đưa nhân vật cũng là đưa chính mình đến Venetia
để từ giã cõi trần (1912). Và câu chuyện trở nên một sự kiện điển hình, chính
vì Aschenbach chết, nên Thomas Mann đã tái sinh (như rất nhiều văn học gia thế
giới nhận xét). Ngay năm 1924, Thomas Mann đã hoàn tất tiểu thuyết đồ sộ: “Der Zauberberg” (La
montagne magique= Ngọn núi huyền vi bí thuật).
Tháng 10/2012
Ngô Văn Tao
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ