Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Trịnh Công Sơn - Bob Dylan


Ngô văn Tao   The Nature - 2006 Oil on canvas  60 X 80cm



Bob Dylan born in 1941, rock’n’roll musician, author of the famous theme song “Blowing in the wind”, was a pop icon and  wrongly assumed to be the prophetic poet of his generation, the generation of flower people, of Woodstock. Rocketed to superstardom in the early 1960, he was by 1965 overwhelmed and depleted. “'I was playing a lot of songs I didn't want to play. I was singing words I didn't really want to sing . . . It's very tiring having other people tell you how much they dig you if you yourself don't dig you.'”, as Bob Dylan would later confess.
Trinh Công Son (1939-2001) was the musician-poet of a nation. He could be the elegy-song writer of his generation, caught in the war - the Vietnam war 1960-1975, fraticid and absurd without any humane purpose. But his creativity lasted for his whole life. His rich and diverse achievements become part of the Vietnamese nation’s cultural asset, as well as Nguyên Du’poetry in the heart of the people.



Trịnh Công Sơn

Ca sĩ nổi danh vào những năm 1960,  Joan Baez trong một dịp “đấu tranh” cho hòa bình, qua Việt Nam (năm nào?) có dịp biết đến Trịnh Công Sơn nói:
“Trịnh Công Sơn là “Bob Dylan” của Việt Nam
Cái truyền thuyết đó, thật hay không (?), để lại ấn tượng và được nhắc nhở nhiều. Với mấy lời tản mạn sau, tôi nghĩ đem Trịnh Công Sơn so sánh với Bob Dylan chính là phản bội  Trịnh Công Sơn, người nghệ sĩ đa tài của chúng ta.

I) Bob Dylan là ai?

Bob Dylan (1941-…) thua Trịnh Công Sơn (1939-2001) hai tuổi, cùng từng nổi danh vào những năm 1960, hai nhân vật của tuổi trẻ “chỉ ước mong có hòa bình, mang tặng những bông hoa của tình yêu” (the flower people). Chắc chỉ vì thế mà Joan Baez đã nghĩ tới Trịnh Công Sơn và Bob Dylan.
Để biết về Bob Dylan, tôi trích dẫn dưới đây vài lời giới thiệu của Jonah Lehrer (Imagine how creativity works – Publisher Houghton Mifflin Harcourt- Copyright 2012 by John Lehrer).

Từ tỉnh lỵ Minnesota, Bob Dylan nổi danh rầm rộ vào đầu thập niên 1960. Nhưng đến năm 1965, đã chán chường và hụt hẫng (overwhelmed and depleted).
Vì những ngày tháng được dẫn trình, diễn hát khắp nơi, từ những trường cao học tỉnh lỵ đến nhũng nhà hát của thành phố…Luôn luôn đối diện với phóng viên nhà báo, đáp cung những câu hỏi không đâu: “Anh hát về sự thật, nhưng sự thật gì?”,Tại sao trên bìa album của anh lại có ảnh con Mèo?”….Cứ như thế, đến lúc Bob Dylan phải nổi nóng và trả lời, “tôi không có gì để nói!”, “tôi viết là viết những lời đó, không mang đến một thông điệp nào!”, “hãy xin đừng hỏi những gì mà tôi không biết”…
Dylan không thoát khỏi đám đông bình dân xu thời háo hức, tò mò. Dylan cố tìm trốn lại  chính mình. Anh mang theo máy chữ, cố viết ra một cái gì giữa đám đông, giữa sự rộn ràng của những buổi ra mắt trình diễn. Nhưng thường chỉ có thế là những chữ vô dụng để anh xé vụn vứt vào đống rác. Dẫu rằng anh vẫn phải có  cái bản năng sáng tác nghệ thuật, nhưng  anh không vượt nổi sự ngăn cản chán chường đó. Những điệu nhạc của anh cũng trở nên dần nhạt nhẽo mất linh hồn. Ngay cả những tối anh lên hát cho quần chúng, anh cũng không còn hứng thú, trình diễn những bản nhạc của anh mà như những bài xa lạ của một ai khác.
Nhưng rồi cũng phải đến lúc, nhận ra sự phi lý, hời hợt của sự đời, tài nghệ gì mà anh thật có như đã bị tiêu hao trong sóng cuốn của thị trường thời thượng. Vào tháng 5 năm 1965, anh đã tự nghĩ như anh thú nhận về sau rằng: “Tôi thật chán chường hụt hẫng. Tôi trình diễn những bài ca mà tôi không muốn….những lời ca không đến từ trái tim tôi. Thật là đắng cay vật vã khi anh phải làm những gì mà người ta thôi thúc chờ đợi ở anh khi chính anh không thể tự mình thôi thúc…”
Những câu trên của Lehrer theo tôi được biết, hoàn toàn đúng sự thật. Bob Dylan dù sao cũng là nghệ sĩ tài hoa, tiền phong trong nhạc rock’n’roll, mang điện tử vào dàn nhạc, đặc biệt phổ biến cây đàn guitar điện. Tuy nhiên, Bob Dylan từng suy tư: “Roch’n’roll thật chưa đủ! Có khúc nhạc lôi cuốn, có nhịp điệu làm say mê…, nhưng lời ca quá hời hợt, không phản ảnh gì thực tế. Tôi nghĩ đến viết folk music (nhạc dân gian), tôi thật muốn định thần suy tư; lời và  nhạc điệu  phải nói lên được sự tuyệt vọng, sự buồn thảm, phải huy hoàng toát lên những linh cảm siêu thoát, những cảm tình thật sâu lắng”. Nhưng phải nói Bob Dylan hầu như không bao giờ đạt được điều anh muốn. Dù có cả một hậu trường thông tin tài chính thị trường do thái, người ta muốn đưa anh, người nhạc sĩ do thái, lên như một nhân vật biết nói ra tâm tư triển vọng của thời đại. Bob Dylan phải gào lên với tất cả sự khắc khoải của trí tuệ: “Tôi không có gì để nói”, “Tôi không phải là hiển linh trí tuệ, nói lên những câu sấm” (Please! I am not a prophet. I did not prophecy)  .
            Tuy nhiên phải nhận định rằng Bob Dylan đã sáng tác bài “Blowing in the wind”, đến bây giờ vẫn luôn được nhắc nhở, có chiều sâu nhân văn thi ca. Chính bài này và có lẽ chỉ bài này đã đưa anh lên thượng tầng danh vọng, nhất là trong “Ngày hội Woodstock” (1969), của 500.000 thanh niên đấu tranh cho hòa bình (chống chiến tranh Việt Nam), đấu tranh cho tình yêu (The flower people), bản nhạc đó với lời ca kêu gọi cho ngày mai của tình người, đã vang dội và thầm thì vọng hát, như một bài ca tuyên dương của ngày hội. Vào những năm 1960, ở nước Mỹ với phong trào đòi dân quyền cho người da đen (MalcomX, the Panthers), với phong trào của thanh niên phản kháng lệnh động viên nhập ngũ cho chiến tranh Việt nam và đấu tranh cho hòa bình, người ta vô hình chung đưa Bob Dylan lên như là nhân vật lịch sử, tiền phong của thời đại. Một vai trò không đúng sự thật  đầy mâu thuẫn, để Bob Dylan chỉ còn biết theo gót những thi nhân tiêu cực như Jack Kerouac, Allen Ginsburg…chìm đắm vào LSD, công khai hút cần sa, một cách chứng tỏ sự chống đối cái xã hội hời hợt thiếu tình người, cái xã hội cá nhân tư bản nghi thức âu mỹ.

II) Trịnh Công Sơn

Bob Dylan là nhạc sĩ có tài của rock’n’ roll, cái tài trong nhạc điệu, trong kỹ thuật cho nhịp điệu vang dội lôi cuốn; chính cái tài năng kỹ thuật đó chi phối làm Bob Dylan không thể trở về suy tư với nội tâm. Trịnh Công Sơn trái lại là thi sĩ. Anh là nhạc sĩ của du ca (ballad). Với hình ảnh ngàn xưa của “kẻ rong ca”(le troubadour), những bài hát (độ 600 bài) của anh đều là lời thầm thì của thi nhân, nói ra những tình ý của chính mình với nhịp điệu của tâm hồn. Nếu cần phải giới thiệu Trịnh Công Sơn, cho một người Pháp chẳng hạn, tôi sẽ nói: “nghe Trịnh Công Sơn, thì gần như ta lắng nghe Jean Ferrat hay Léo Ferré phổ nhạc thơ của Aragon”.
Đem lời ca của Trịnh Công Sơn sánh với những câu thơ của Aragon, văn sĩ và thi sĩ nổi danh của nước Pháp, theo tôi nghĩ không có gì  là quá đáng, vì lời ca của Trịnh Công Sơn là thi ca đượm sự suy tư trên  mong manh của tình yêu, trên cái phận làm người, hơn nữa có chiều sâu đau khổ và lịch sử mà Aragon không có. Quan trọng hơn nữa là ở Trịnh Công Sơn, những lời thơ triển khai thành lời ca với nhạc điệu hồn nhiên của chính nó. Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ, không phải là người tự cho mình sứ mệnh sáng lập một trường phái. Anh là nghệ sĩ thả mình theo nhịp sống của dân tộc. Anh là nhạc sĩ, trưởng thành trong dòng “ nhạc Tiền Chiến”,  đến sau Đoàn Chuẩn Từ Linh, Nguyễn Văn Tý, Văn Cao, Phạm Duy….Dòng nhạc có giá trị “khai sáng” như “phong trào thơ mới”, mang văn học Âu Tây vào đời sống của dân tộc Việt Nam chúng ta. Nhạc tiền chiến là dòng nhạc thoát ly dòng nhạc ngũ cung cổ điển dân gian, có lẽ còn xa lạ, nhưng đến với Trịnh Công Sơn , thì có thể nói nhạc điệu của anh đã thâm nhập thật vào tâm hồn người Việt Nam, dù đôi khi có phảng phất giai điệu nước ngoài, như nhắc nhở “Tristesse” cuả Chopin, tiếng than thở của “negros spirituals”. Chứng tỏ điều đó, là ở những xóm làng hẻo lánh luôn luôn vang tiếng ai đâu đó ngâm nga một vài câu ca của Trịnh Công Sơn; ngay trong những đám ma, người ta đã mang bài “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…” của anh để làm điệu kèn dân gian rùm beng truy điệu.
Là nghệ sĩ trong cái nghĩa ngàn xưa, Trịnh Công Sơn cảm nhận với trái tim và tài nghệ thân phận làm người, phù du của tình yêu, mất mát tang tóc của sinh mệnh,  cái gian nan tìm đường sống mỗi ngày của từng người, cùng sự khắc khoải ước vọng siêu thoát cái tù hãm của thể xác. Anh lại càng lớn nữa, chính là anh đã sống hết mình, như người dân việt nam chúng ta, dân tộc nhược tiểu chìm đắm vào giai đoạn lịch sử tàn bạo tao loạn đầy mâu thuẫn của thế giới. Anh đã hơn nửa cuộc đời mình sống trong chiến tranh, chiến tranh chống thực dân,  chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh tương tàn vô lý nghĩa…Làm một con người nhỏ bé giữa sóng bão, anh là “ve sầu của thế hệ anh” (như tiến sĩ triết học Thái Thị Kim Lan đã từng nói).
Người ta lớn chính là trong gian nan, yếu đuối kiên trì! Trịnh Công Sơn đã sống cả một thời lẩn lút, lang thang để tránh bị động viên nhập ngũ vào quân đội của Việt Nam Cộng Hòa (sự thật anh lẩn trốn được chính là nhờ những tướng sỹ, ngay như Nguyễn Cao Kỳ, âm thầm giúp đỡ). Anh không bao giờ hát trước đám đông có đến ngàn người, dù bài ca của anh vang dội khắp nơi ở miền Nam, lén lút nghe vọng ở miền Bắc; đó cũng là điều may mắn, vì nếu không anh sẽ gián tiếp tạo ra một phong trào bình dân nào đó, và như thế, trong một xã hội tao loạn chỉ có thù không có bạn, người ta sợ những gì ngoài tầm tay của mình, anh có thể bị thủ tiêu như Nam Cao, như Ngô Kha, như Nguyễn Văn Bông…Bài ca của Trịnh Công Sơn thầm thì lãng mạn yếu đuối, điển hình cài gì đẹp nhất, cái gì sâu xa chân thật nhất của cả một dân tộc, người dân Việt Nam chúng ta sống qua một giai đoạn lịch sử tàn bạo. Đó là những lời cầu nguyện, thả hồn trong sự an phận rất thiền, rất bể dâu, một cái gì cao sang siêu thoát trong bất an đau khổ:                                                                      

Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài 
xin cho đêm không có đạn bay 
xin cho chim góp nhặt về trời 
xin cho tôi làm kiếp của mây…
Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời, để khi nào trời đất yên vui 
xin cho tôi, xin chỉ một ngày!  (TCS)

Nói đến kiên trì, thì nên nhắc lại một lần nữa Trịnh Công Sơn có một sự nghiệp vĩ đại, 600 bài hát sáng tác trải dài suốt cả cuộc đời. Nói hết và toàn diện, nói đến lý tính của con người, đến đau khổ tang tóc trong chiến tranh, đến ước vọng của tình yêu. Khi chính thể chính trị ở Việt nam sau 1975 có sự đổi mới và một phần nào cởi mở, Trịnh Công Sơn còn viết nhiều bài ca cho thiếu nhi và cho thanh niên tập đoàn, những bài ca nhẹ nhàng nhưng vẫn ẩn dụ một cái gì sâu xa tự do nhân bản. Chỉ mấy tháng trước bạo bệnh (1999?), anh còn viết bài “Tiến thoái lưỡng nan”, trên khắc khoải tình cảm lưỡng nan của một người bạn; nhưng chính nó là một kiệt tác nói ra được với triết lý thâm trầm, cái  giao động bao quát nhân sinh tình yêu, tư tưởng của một con người! Sự đóng góp của Trịnh Công Sơn cho văn học Việt Nam là mãi mãi nằm trong đời sống (chứ không tức thời hay điển hình thời thượng như người ta nghĩ tới Bob Dylan). Tôi mạn nghĩ rằng rồi qua năm tháng, chúng ta người Việt Nam nhìn lại một thế kỷ bể dâu vừa qua của đât nước, chúng ta với một chiều sâu nào đó của lý tính thì chúng ta không nghĩ tới những tượng đài, những lăng mộ mà chúng ta nghĩ tới Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Giáng , Trịnh Công Sơn…Đặc biệt, Trịnh Công Sơn, như có nhiều người đã nói với tôi, “chính là Nguyễn Du thứ hai của văn học Việt Nam!”. Thi ca , nhạc điệu của Trịnh Công Sơn “khai sáng như Truyện Kiều”, toàn khối là một tác phẩm mãi mãi dẫn đường trong nghệ thuật, tư tưởng và tình ý của một dân tộc.
21/08/2012  - Ngô Văn Tao

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ