Ký hiệu học - R.Barthes
Quế Anh oil pastel on paper 6/2011
Ngô Văn Tao
Ký hiệu học và Nghệ thuật
I- Roland Barthes
(1915-1980), văn học gia suy luận với ký hiệu học (sémiologie), đã từng viết mấy
hàng ý này:
“Trước biển cả mênh mông,
nhưng nhìn lại chỉ một bãi biển, thì nào đây là những ký hiệu: những thân người đang nằm phơi dãi nắng, những biển ngữ,
điệu kèn, nhà hàng chào đón khách, những chai côca rác rưởi…Ôi! Bao nhiêu là ký
hiệu của chuyện đời.”
Chỉ một chút suy tư, ta phải nhận ra rằng xã hội âu mỹ cốt yếu là “tư sản nghi thức” (société bourgeoise), thị trường lợi nhuận. Mỗi
giờ mỗi phút trên truyền hình và ngay khắp nơi là những hình ảnh, biển ngữ
thương hiệu. Nhưng luôn luôn những hình ảnh, biển ngữ thương hiệu không chỉ chiêu
hàng cho một sản vật của thị trường, mà lại là ký hiệu “tư
sản nghi thức”, hình ảnh của cái đồng
hồ Gucci không chỉ là hình ảnh của chiếc đồng hồ mà là ký hiệu khêu gợi sự hào nhoáng thời thượng phô trương.
Chính như thế, xã hội “tư sản
nghi thức” mà chúng ta đang chìm đắm là một xã hội rập khuôn (formaté), với
những ký hiệu tràn lan định thức (formuler) nhu cầu và ước mơ của quần chúng. Pop Art là sự thách đố phản kháng tự
nhiên nghệ thuật. Nằm trong vòng cương tỏa “tư sản nghi thức” đó, nghệ sĩ tự mỉa mai, tự
nhạo báng cảm nhận sự bất lực của bản thân trước sự thô thiển bình dân túy, ý đồ
thời thượng thô sơ máy móc của thị trường. Điển hình là những bức tranh của
Andy Warhol (1928-1987) vẽ “Chai Coca Cola”, “Hộp súp Campbell ”,
“Chân dung Marilyn Monroe”…Những bức tranh gián tiếp nói lên sự áp đảo của
những ký hiệu, “tư sản nghi thức” thị
trường lời nhuận, trên tiềm thức quần chúng, tuy nhiên ta vẫn phải là ta thấy
ra ở sự áp đảo đó cái hời hợt nông cạn của sự đời.
II- Sự thật là thế giới hiện
sinh của mỗi người triển khai với muôn vàn ký hiệu (ký hiệu học). Chỉ một miếng bánh madeleine nhỏ với tách trà nóng nhẹ
nhàng là ký hiệu, là bản sao “định thức” (programmation),
dẫn đưa Charles Swann ( nhân vật chính trong tiểu thuyết nổi danh của Marcel
Proust), đi vào hành trình tâm tư tìm lại quá khứ (A la recherche du temps
perdu)! Một bông hồng với ai đó sẽ mãi mãi là ký hiệu của “tình yêu chớm nở” vì
một lần “người tình mai sau” của anh phải đi xa nhưng gửi lại cho anh một bông
hồng mong manh nhỏ bé. Cả thế giới hiện sinh, vật chất hay tâm tư, là trang nhật
ký vô tận của mỗi người chúng ta, với những ký hiệu nhắc nhở tư tưởng, cảm
nghĩ, hay sự việc đã sống, chờ đợi, mong muốn….
Liên quan tới khoa học của “trí khôn nhân tạo” (intelligence
artificielle) (hay của đầu óc vi tính, le cerveau des ordinateurs), những trí
khôn nhân tạo thì không cần hiểu chỉ
cần biết tính, bắt đầu với chỉ thị của những ký hiệu, những bản sao “định thức”(les
cartes des premiers ordinateurs). Nhưng trí khôn nhân tạo không thể tự động tổng
hợp những ký hiệu để đưa ra một một tác phẩm nghệ thuật, một bức tranh, một bản nhạc, một tiểu thuyết…Dù theo
Darwin, trí khôn nhân tạo vẫn có thể tổng hợp để tự tạo ra một chương trình tiến
triển theo một sự máy móc tối ưu nào ( tổng hợp một số tế bào để tạo ra một sự
sống phù hợp ưu tiên, thích hợp nhất, ngắn gọn nhất trong bối cảnh). Nhưng
trong sáng tác nghệ thuật không có đường rày tối ưu (de la recherche opérationnelle
), mà là sự sáng tạo vô căn cứ, “một sự siêu hình ở ngoài lĩnh vực của trí khôn
nhân tạo” . Theo tôi nghĩ, chính vì những lý do đó, Roland Barthes nhận định ký
hiệu học là thuộc về triết lý và nghệ thuật trong sự hiện thành lý tính của con
người.
III-
Mỗi một tác phẩm nghệ thuật là tổng hợp những ký hiệu.
Một từ ngữ, một nét vẽ, một khúc nhạc , đều là những ký hiệu. Có những ký hiệu
giản đơn như một chữ, như một vật. Có những ký hiệu kín đáo ẩn dụ : “Miếng bánh
madeleine và chén trà nóng”, ký hiệu của sự hồi tưởng về qua khứ…Tôi cũng theo
Roland Barthes để nghĩ rằng Pop Art, mà chúng ta biết, có giá trị không nhỏ,
nhưng những ký hiệu mà chúng ta nhận ra trong Pop Art (như với A.Warhol), thì
thường quá đơn sơ, và hay nhiều lần thô thiển nhắc lại. Nói một cách rõ ràng, với
Pop Art, ta không thể nghĩ so sánh tới những danh họa Monet, Picasso!
Giá trị vượt thời gian của tác phẩm nghệ thuật là ở trong tổng số những
ký hiệu mà tác giả đặt ra cho công chúng. Cho ta suy tư, thức tỉnh, hồi ức,
rung động…Có những ký hiệu đưa ta ôn lại những gì ta đã học, ta đã biết. Có những
ký hiệu gợi ta hoài mong, ước mộng…Thước đo giá trị của văn nghệ là qua sự có
hay không những khả năng đó.
Tuy nhiên, những ký hiệu của văn nghệ, hay đúng hơn của chính đời
thường không phải là những phương trình toán học, những bản sao “định thức” vi
tính, mà ý nghĩa định thức còn tùy ở từng người tiếp nhận. Chính với nhận xét
đó, Wittgenstein nói ngôn ngữ là trò chơi ký hiệu. Một chữ nói ra, một từ nói
ra không bao giờ có một ý nghĩa phổ quát. Roland Barthes nhận đinh, như một tỉ
dụ, bi thảm kịch Hy lạp thượng cổ chính là thảm kịch của sự “bất đồng ngôn ngữ”
ngay giữa những người thân, các nhân vật nói lên nhưng đối tượng như người điếc
không nghe thông ra.
IV-
Đoạn thơ sau đây của Trịnh Công Sơn (nằm trong lời
ca của bản nhạc: Đóa Hoa Vô Thường):
Tìm trong vô thường, có đôi
giòng kinh
sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em dưới chân
cội nguồn
Tôi mời em về đêm gội mưa
trong
Em ngồi bốn bề thơm ngát
hương trầm
Trong vườn mưa tạnh tiếng
nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh
Cái tuyệt vời của đoạn thơ, là những ký hiệu dẫn đưa ta rung động và
suy tư (sự vô thường của cuộc đời, sự trang trải dây duyên của tình yêu…), riêng
tôi còn thầm nhận ra một bức tranh toàn diện, Eros vô cùng thanh lịch
(Eros=tình dục). Như thế đấy, văn nghệ phải đa dạng ẩn dụ.
Xã hội mà chúng ta đang sống hiện đại là xã hội tư sản “nghi thức”,
thị trường lợi nhuận. Văn nghệ “hậu hiện đại” thách đố xã hội đó, phủ nhận những
nghi thức tầm thường tư hữu với những cương thường thích nghi kiểu cách thời
thượng. Văn nghệ hậu hiện đại là sự đòi
lại cho quần chúng mỗi người cái quyền tạo dựng thế giới hiện sinh của
chính mình và khẳng định chính ta là “chủ thể siêu thoát” trong cái phận ta làm
người.
Những lời bàn về văn nghệ qua ký hiệu học của Roland Barthes phù hợp
với tư tưởng hậu hiện đại. Sau hai cuộc chiến thế giới, với sự phá sản của các
lý thuyết (đặc biệt của Marxit chủ nghĩa), với sự thống trị của khoa học kỹ thuật
làm lu mờ giá trị của mọi hệ thống luận đề siêu hình, văn nghệ không còn là
chuyện tự sự đại ngôn (les grands récits). Mọi tác phẩm nghệ thuật phải tiệm lời,
như một bức tranh chính đáng của hội họa không lân la giảng giải. Mang đến những
ký hiệu, những biểu tượng kín đáo, gợi ý
nửa lời, những ký hiệu nằm trong tác phẩm công chúng mỗi người tiếp nhận sẽ không
bắt buộc là hoàn toàn theo cái ý của tác giả. Một tác phẩm nghệ thuật chính
đáng sẽ tiển triển, diễn giải trong sự hiện thành của từng người trong công
chúng. Tôi nghĩ tới kịch bản, người hùng sau bao nhiêu gian truân trở về ngôi
nhà cũ. Ngôi nhà hoang phế, vắng vẻ, anh vừa đi vừa hát và dọn dẹp, bổng anh nhặt
một bức ảnh. Ảnh của người mẹ, của người em hay của người yêu anh đã mất? Màn kịch
từ từ hạ xuống, khi anh đứng khựng lại, rất lâu tay giơ bức ảnh trước mặt mình.
Khán giả mỗi người chắc sẽ hồi cảm tùy bản thân như chính mình sống cuộc trở về!
Trong một tản văn ngắn, Roland Barthes đặt vấn đề: “Cái chết của tác giả” (La mort de
l’auteur), nêu lên ý trên. “Cái chết của
tác giả” có nghĩa là tác giả ẩn mình, không cần hiển hiện, không cần nhắc
nhở quyền tư hữu tầm thường trong xã hội tư sản nghi thức, mà trái lại chấp nhận
cái quyền giải cấu của công chúng mỗi người đối với tác phẩm văn nghệ của mình.
Thật vậy, như khi ta nghĩ đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đó, ta đâu có nghĩ tới Nguyễn
Du, một cá nhân với thân thế và sự nghiệp, mà có thể nói ta chỉ nghĩ như ta
nghĩ đến kho tàng vô danh của những truyện cổ tích, của những ca dao, những ca
dao mà ta mang ra luận giải “bói kiều”, mang ra tự nhủ hay răn đời.
Tác giả ẩn mình! Người nghệ sĩ sáng tác không tự cho mình một thái độ
“giáo chủ”, cảm nhận sư đa dạng của nghệ thuật như của chuyện đời, mỗi tác phẩm
càng giá trị bao nhiêu thì càng đa dạng. Chính khi công chúng tìm tự mình giải
cấu tác phẩm, cũng là tự mình đi tìm lại hành trình sáng tác nghệ thuật, mang đến
tác phẩm một chiều sâu, một sự rung động mà có lẽ chính người sáng tác đã hồn nhiên cảm nhận chỉ trong tiềm thức. Hơn nữa,
tôi có ý thức rằng sự đóng góp của công chúng dù có thể không dãi bày trên giấy
trắng mực đen vẫn có một âm hưởng thầm kín nào đó làm tác phẩm chính đáng tồn tại
với thời gian.
V-
Hãy để những học giả trường quy, cặn kẽ mỗi khi bàn
luận đến một tác phẩm đều nêu ra tên tuổi của tác giả , thân thế và sự nghiệp.
Tôi không phủ nhận việc làm đó đóng góp cho lịch sử văn học (đặc biệt để có một
cái nhìn toàn khối sự nghiệp của nghệ sĩ). Nhưng tác phẩm nghệ thuật thường vượt
thời gian, vượt những bất tất lệch lạc của
lịch sử, những lắt léo tức thời của xã hội. Những thành kiến tự nhiên có khi nêu
ra về thân thế, về lập trường xã hội hay chính trị của tác giả, cùng xu hướng
giai cấp, có ích gì cho công chúng nếu không chỉ làm công chúng mất cái hồn
nhiên tìm thẳng đến tác phẩm như một phần đời của chính mình. Một sự kiện vô
cùng mông lung; tìm đến cái đẹp, cái nên thơ, cái khát khao, ngay cả sự đau khổ
thăng hoa của đời người, hay những mối tình với sự phù du và mất mát….
Cho nên mỗi khi ta phản biện phê bình hay thưởng thức một tác phẩm
nghệ thuật, thì ta hãy cùng nhau giải cấu. Chúng ta hãy “mang tác giả ra tế thần”, chúng ta công chúng mỗi người tự lên ngôi
đóng góp giải cấu như “một chủ thể siêu thoát”. (Theo kết luận của bài tản
văn “La mort de l’auteur “ - Roland Barthes)
Tháng 7/2912
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ