Người nhìn thấu màn đêm
Quế Anh (oil pastel on paper- April 2010) Cậu bé của hồn tôi
Kính tặng Nguyễn Tuân
Người nhìn thấu qua màn đêm
I-
Đeo mặt nạ và gỡ ra
Tìm trong trắng khắc khoải buổi đầu
Nhìn ra và không nhìn ra tia sáng trên mặt người
Hư ảo của ngày qua
Với ngón tay xoa nhẹ chỉ cho thêm sâu
Vết rạn của thương đau
Tôn kính lắng nghe nhạc trời
Nhưng vẫn thầm thóa mạ những bóng đen
Những bóng hình theo ta hay chính ta trong im lặng
Anh có đến không, kẻ cuồng của màn đêm
Để lại sau chiều tà
Cho tôi cái nhìn và sự hiểu biết của riêng tôi
Nơi nào là đêm nơi nao là ánh sáng
Hư vô không lấp nổi
Bằng những lời không ra tiếng
Hãy cho đôi mắt sức mạnh an bình
Để chúng ta nổi loạn và chấp nhận
Khập khễnh trên đường ta phải đi
Giữa mộng mơ và đau khổ
Anh đến thật không, kẻ nhìn thấu qua màn đêm
Và sao anh cho ta viên đá nặng
Viên đá nóng bỏng của vì sao định mệnh
II-
Tự tận cùng sâu thẳm
Trên màn hư ảo dục vọng
Tia sáng u mờ mộng mơ
Tôi tái sinh với hình bóng anh
Thiên sứ của tiền kiếp
Tôi biết và biết cho ra
Xứ sở người người khao khát sống
Cõi chết là một trời hứa hẹn
Trong xứ sở của chúng ta, con người sống đau thương
Thần chết không mang gì ý nghĩa
Tôi như mộng du trong đêm không ngủ
Hành lang đèn chói chang nhà ngủ trọ
Hành lang dài cô liêu
Tôi muốn thét lên chống đỡ cho thế gian này
Trong sự im lặng hoang sâu
Với ác mộng của tuổi thơ
Tôi cầu mong một góc tối cho tôi chìm đắm
Một ác quỷ hiển hiện và mang tôi đi
Ru tôi theo nhịp sóng
Của biển cả với những xác thuyền đổ vỡ
III-
Bình lặng mênh mông biển cả
có ngọn sóng sục nổi bọt hận thù
có đêm dài với tia hy vọng
cho người và cho tôi vẽ ra lối ngang định mệnh
tới hang hốc nội tâm của tu sĩ
tôi đứng lên đầy ảo ảnh
đạp chân trên sa mạc cát vàng
hoan hỉ hăng say của tuổi thơ
hiền triết thầm lặng của tuổi già
sống lại quá khứ và phủ nhận ngày mai
Tôi có sức mạnh, trái tim và ký ức
tôi nhớ bộ ngực đó
thân hình non trẻ trong vòng tay vụng về
của cậu bé mới lớn lên, cậu bé của hồn tôi
chưa thấy ra khoảng trời với hương bay của hoa cỏ
bừng tỉnh trong giây lát
trước huyền bí không cùng giữa sống và chết
tôi nhớ người đàn bà lặng lẽ
ngồi im với chiếc áo dài đỏ
tối tân hôn đầy dục vọng
và nhận ra hình hài trong suốt
chưa thỏa mãn và chờ đợi đau thương
với đường nhăn vết hằn của mặt trời buổi sáng
tôi lắng nghe tự đâu đâu
tiếng người vang trong gió
bay bổng mây đen tơi tả trên vòm cây
lời than thở đêm cùng
lời khóc của đất khổ
những lính khố say trước tửu gia
những thằng hề khập khiễng
những hỏa đầu lãnh tụ oai quyền
đưa ra những chỉ thị, vẽ ra những đạo luật
lời ấp úng che đậy hoang mang
cử chỉ già nua lẩn thẩn trước thần chết
tôi đi cầu thang xiêu vẹo lên tầng thứ bẩy
căn phòng trơ mở ra mặt trời
người con gái bán khỏa thân
dịu dàng chờ đợi và vô cùng xa lạ
tôi ngả đầu trên khung cửa sổ
nghe tiếng kêu của thành phố
tôi tự thấy già trước tuổi
trước sắc đẹp mênh mông của nàng
tôi cảm nhận hơi nồng mạch sống
chua chát trong phận làm người
tôi tự nhìn thấy trong đêm
chính bóng tôi ở mặt sông
lẫn giữa những chiếc bè nặng trĩu
mang đi những thể xác nhầy nhụa và hôi hám
giữa muôn người tôi trần trụi
với đám đông tôi ngạo nghễ với thần chết
xếp hàng và đợi mãi từng hàng
cùng ớn lạnh trong đêm
để đi tới vòi nước uống một ngụm nhỏ
tôi nhận ra tất cả ảo tưởng của đời người
đắm say trong sự nghèo nàn vô tận
IV-
Hoang vu đêm sâu mảnh đất này
ta đến đổi lốt cho một mùa
hải âu sa lưới đập hoài đôi cánh nhỏ
nhắc nhở đấu tranh vô vọng qua kiếp người
những trang giấy tung rơi vàng úa kỷ niệm nào
ta có mộng mơ của giấc mộng
phận đời trong cõi nhân sinh
và nụ cười héo của người đàn bà lạc bước:
“Nghe đây! Nghe đây!”
ta nhìn và mãi ngóng đợi
bong bóng bay đến vòm cây
những bong bóng sắc màu lấp lánh vội tan
người con gái vườn bên đang thổi
đôi chân trần
chiếc thân không mang áo rách
mảnh khảnh với tì vết ngàn năm lãng quên
trên trời có áng mây hư ảo
Người có đến không
như hiện như mờ
kẻ cuồng nhìn thấu qua màn đêm
vô cớ cho ta viên đá nặng
giấc mộng của một ngày
nóng bỏng biến dần vào đêm tối
14.8.2010
phỏng dịch theo nguyên bản bài thơ tiếng Pháp: “A Nguyễn Tuân, Le visionnaire de la nuit”. ngovantao 1982
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ