Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Bùi Xuân Phái (1921-1988)

                               Bùi Xuân Phái                oil on canvas    47x60 cm

Phố Phái
rồi thời gian có pha tàn khói thuốc
gợn trên phố cũ gợn trên đường quen
bao thoáng ai đi bao tiếng trần ai
vẫn buồn đây đó một thiếu gì tuyệt đối


Bùi Xuân Phái (1921-1988)

Sớm nay chưa hết hè, nhưng bầu trời có những đám mây đen ảm đạm của mùa thu, tức là hứa hẹn một mùa đông vô cùng tận trên mảnh đất phẳng miền Bắc này. Nhưng có lẽ vì tôi buồn, như cho một cơ duyên chưa thành tựu mà đã mang sẵn những tì vết của sự tàn phai, như cho cuộc đời sao là một dòng sông chảy mạnh với muôn ngàn uẩn khúc mà không ra tới biển. Tôi buồn vì được tin anh đã bỏ chúng tôi rồi; và sẽ không bao giờ nữa lại có anh trên vị hành tinh nhỏ bé này với những thương đau, với những hoài mộng không lời.
Thôi hết rồi! Không bao giờ nữa, tôi sẽ lại có cái rạo rực đó, cái khắc khoải kia, là vừa đặt chân ra đến Hà Nội là tìm anh ở căn nhà nhỏ trong ngõ 87 Phố Thuốc Bắc, để xem những bức tranh sơn dầu vừa hoàn thành xong của họa sĩ.

Mười năm trước thôi, năm 1978, tôi nào đã được quen biết anh. Chỉ nghe tiếng anh, một trong bốn nhân tài của khóa sau cùng trường Mỹ Thuật Đông Dương, với Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng và Dương Bich Liên, duy trì cái truyền thống bắt nguồn từ Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí.... Không được quen biết anh, nên anh Văn Cao đã tình nguyện đưa tôi lại thăm anh. Ba lần đều không gặp! Năm đó tôi đã tự nhủ: thôi đành không có duyên làm quen anh. Nhưng ngờ đâu, cái duyên chính là tôi đã mang theo hành trang trên đường về Âu Mỹ một cuộn giấy nhỏ cố sưu tập gia Cự Minh gửi tặng tôi đêm trước. Ôi! Chính là một bức tranh Bùi Xuân Phái, bột màu trên giấy, vẽ con đường làng vừa ngắn ngủi vừa không cùng, với hình bóng người đàn bà đang khuất dạng. Bức tranh nhỏ mà tôi luôn luôn ngắm đi ngắm lại. Với những khoảng cách ở xứ người, với những nhớ thương vô vàn với những người bạn, những người yêu để lại ở nước nhà, tôi chợt ngộ ra cái đẹp, cái sâu của bức tranh, đẹp như bức tranh tuyệt kỳ của Braque, sâu như một bài thơ trừu tượng. Rồi từ đó, anh Bùi Xuân Phái, anh là sự tao ngộ hy hữu mà cuộc đời ban tặng cho tôi. Rồi từ đó, tôi không ngừng tìm hiểu anh, tìm biết anh trong tâm trí và sưu tập tranh của anh. Nhìn qua những bức tranh của anh, tôi như đã nhận ra khía cạnh u uẩn của chinh tôi. Tôi nhận ra cái bất ngờ là khả năng sáng tạo trong nghệ thuật tạo hình của dân tộc tôi, của nước Việt Nam tôi.
Chúng ta từ xưa có những bức tranh giấy dân gian, những bức thủy mạc và cũng có những bức chân dung cổ truyền gia tộc. Nhưng người Việt Nam chúng ta trước thế kỷ thứ hai mươi này, có thể nói đã không từng có trào lưu hội họa, hội họa với ý nghĩa sáng tạo như chúng ta hiểu hiện giờ. Nghệ thuật Hội Họa Việt Nam đã bắt đầu đây, từ năm 1920(?), với những bức tranh lụa đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh. Và từ đó -vỏn vẹn thời gian của một đời người- Hội Họa Việt Nam đã có một lịch trình, đã có những thành tích, đã có những trường phái, sơn mài, khắc gỗ, tranh lụa...; dân tộc Việt Nam chúng ta đã nhận ra ở chính mình cái khả năng không bờ bến trong nghệ thuật tạo hình. Bùi Xuân Phái là một tiêu biểu cho cái cao trào lịch sử văn hóa đó.

Cuộc đời của anh nằm gọn trong thời gian đó, nghệ thuật của anh mãi mãi là một ngọn núi cao đánh dấu cho thời đại, sự trưởng thành nghệ thuật của một dân tộc, sự cô đọng của một tâm tư cho lịch sử nghệ thuật Hội Họa Việt Nam, nằm ngay trong trào lưu nghệ thuật của thế giới. Người ta có thể nói anh đã chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Âu Tây, ảnh hưởng của Braque, của Van Gogh, của Picasso...Nhưng người ta không thể quên được rằng anh đã trưởng thành và sống với những biến cố lịch sử hùng mạnh tang thương của dân tộc anh, của đất nước anh. Người ta đã thấy không cái phòng nhỏ với từng gác mở, 87 phố Thuốc Bắc - Hà Nội, mà ở đó anh luôn luôn ngồi vẽ trong một góc, không tài liệu, không vật liệu, không nghi thức qua hàng chục năm đen tối nhất của loạn ly, chiến tranh, qua hàng chục năm dài thiếu thốn mọi điều? Thấy như vậy, người ta may cảm nhận ở những tranh của anh nỗi niềm không bộc lộ của một dân tộc, tiếng thì thào âm thầm của một đất nước, của một khoảng trời, của thành phố Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn của anh. Hiểu tại sao Bùi Xuân Phái có những nét vẽ đơn thần không phí phạm, tại sao những bức tranh sơn dầu của anh, nhất là những bức trong những năm 1950-1980, có màu sắc đơn nhất "hà tiện". Tất cả vấn đề là, như anh trình bày, con người có khả năng vượt qua thân phận, qua những hệ lụy của cuộc đời, của xã hội, của áp bức tư tưởng, ý thức hệ xã hội mệnh danh nhân đạo nhưng phi nhân tính. Bùi Xuân Phái, anh đã có cái vẫy vùng cao xa, vượt khỏi mọi tù đọng vật chất; khổ cực từng giờ từng phút, anh vẫn tu luyện nghệ thuật hàng tháng hàng năm để đi đến tận cùng sứ mệnh của mình. Anh đi trên tất cả những sa lầy của cuộc sống. Chúng ta hãy biết nhìn ở đây -qua những bức tranh sơn dầu của anh- cái viễn kính xa vời và cố định. Chỉ một nét vẽ này thôi, là những nóc nhà trùng điệp, trùng điệp như bước chân người đi lên bực thang cuối cùng của đời mình. Chỉ một nét vẽ này thôi là một nóc nhà đơn độc, một hướng, một màu sắc, cô đọng như giây phút chợt ngừng của con người tự thấy mình không còn ngày mai. Nhưng nói cho cùng hết, tài nghệ của anh ra khỏi những ý nghĩa thông thường kỹ thuật, về nét vẽ, về màu sắc, anh vẽ không ngừng nóc nhà đó, góc phố kia, những hình dạng người, với rung cảm thầm lặng liên tục phát động từ tiềm thức, phát động từ tận cùng sau lắng của con tim.
Một bức tranh của Bùi Xuân Phái là một sự cấp bách của nghệ thuật, một đòi hỏi của tâm tư. Anh không vẽ tiếng gào thét, tiếng hát vang, và anh không vẽ những lời thống khổ - như khi tuồi trẻ đã tàn phai khi tình yêu đã mất. Tiêu biểu cho sáng tác hội họa của anh là bức tranh vẽ một góc phố không người, với những ngôi nhà đóng kín. Phải! Người ta có thể vẽ trừu tượng, vẽ màu sắc...Bùi Xuân Phái, anh vẽ sự Im Lặng, sự tự tại không lời. Những hình dạng người lặng lẽ, những cánh cửa đóng phẳng im lìm. Nếu có một hai chòm cây trên một ngõ phố, thì như là thiên nhiên thầm lặng không xáo động liên quan.

Người ta có thể nhận ra trên tranh của anh một hai góc phố Hà thành. Người ta có thể thấy trên một bức tranh nào một góc chợ Hội An. Nhưng như nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nói, tất cả là anh đã vẽ những đường "Phố Phái". Những ngõ phố của một tư duy. Tôi cảm thấy ở trong "Phố Phái" sự nhẫn nhục của con người tiếp nhận cái định mệnh của chính mình. Người Hà Nội đã biết nhận ra sau mảnh tường im của  anh những cuộc sống hàng ngày, thu gọn trong một không gian nhỏ, với những gáo nước đong đưa từng giọt, với những bát cơm chắt chiu từng miếng, với cây sầu nặng trái như muốn rụng, với muôn loài động vật cầu xin chìm vào giấc ngủ.
Bùi Xuân Phái có thể nói đã vẽ đến hàng ngàn bức tranh lớn nhỏ. Anh vẽ trên vải, trên giấy, trên những mảnh bìa vụn vặt, nhưng bao giờ cũng sâu đọng một tư duy nào đó. Sự nghiệp của anh to tát. Sự nghiệp của anh là con sông rộng, sông không chảy mạnh và cũng không ra tới biển, mà bất động trầm đọa dần vào cái sa mạc không cùng của thực tại. Tôi muốn hỏi anh, anh muốn nói lên, muốn thổ lộ những gì hở anh? Anh không vẽ cho biển ngữ, cái lạc quan xã hội chủ nghĩa vu vơ. Anh không vẽ cho cái bi quan tiêu cực của những người tầm thường không nghe ra cái ước mơ tuyệt đối vươn lên của loài người.

Có lẽ anh thầm lặng phản kháng những sai lầm của xã hội mà anh đang sống. Có lẽ, anh muốn quên đi giả dối của những diễn viên hề xã hội.  Anh như muốn vẽ hai bàn tay hành khất, nét gầy hoa của bé mô côi, dáng tang thương của người mẹ, dáng thiếu não của người cha. Anh muốn vượt qua thực tại nhỏ nhoi bần cùng. Hãy cảm nhận bất cứ bức tranh nào của anh, dù nhỏ bé, dù không là "Phố Phái", hãy chủ định mục quan của chúng ta, chúng ta sẽ như chợt ngộ toàn diện  một suy tưởng mông lung, dư vang một "truyền tín". Truyền tín mang mang không cùng, với cánh cửa huyền ẩn trước chốn trở về của đạo Phật, với sự thầm lặng của con người đã yêu và đã sống cố vươn tới cái thiên đàng không tiếng động, chấp nhận cái thực tế bất tất của phận làm người.

Nhưng này đây, anh vẽ người đàn bà với nét xương hông lõa lộ, đắm đuồi tình dục, mong manh, trời ơi!, một giấc mộng.
Nhưng này đây, anh vẽ những tấm áo the xanh, những bộ mặt đặc chịt phấn hồng của một phường Chèo, đến giờ đóng bộ, đến giờ trình diễn, trình diễn một vở kịch trần lụy, những hời hợt những tang thương.
Tât cả là một nỗi niềm huyền ẩn, một khắc khoải mâu thuẫn mang mang.

Tôi nhớ mãi mấy bữa rượu cùng Bùi Xuân Phái ở nhà anh Văn Cao, ở quán Lã Vọng ...Tôi nhớ tất cả nhũng quãng thời gian thầm lặng ít nói của anh. Tôi nhớ của anh cái nhìn kiêu sa, thẳng tận từng người nhưng như chủ định ở một khoảng trống nào đâu đó, và anh nói khi biết tôi đang ngắm nhìn một bức tranh của anh, khi say nhìn tranh thật thêm thích thú, rồi như tự trả lời anh nói thêm, tim óc của chúng ta thường đi ngoài tầm của kỹ thuật. Tôi lặng nghe trong say trong tỉnh, bỗng thấy lòng minh nặng trĩu vì những hoài bão không đâu, hoài bão của những kẻ đồng lưu vong trong cõi tạm. Chính lúc đó, Bùi Xuân Phái đã ký họa bằng bút mực chân dung của chính tôi, một bức tiềm ẩn phải chăng chính là anh nhận lại ra cái khắc khoải bất tất đó trong phận làm người.

Teyran 26/8/1988
 NVT

                                                         Trịnh Công Sơn: "Nhớ ngày chúng ta còn rất trẻ."

Chân dung Ngô Văn Tao  - Bùi Xuân Phái vẽ năm 1983

Bài trên tôi viết năm 1988 khi vừa được tin Bùi Xuân Phái mất ở Hà Nội, khi tôi sống cô đơn ở làng Teyran cạnh Montpellier-Pháp. Xúc động tôi đã viết thẳng tay bài trên, nên không thể nói là một tản văn phê bình nghệ thuật mà là một bài thông diễn giải chứa chan tình cảm lãng mạn. Nay tôi có viết lại một hai chỗ, nhưng cốt yếu vẫn là nguyên nguồn văn tác. NVT

1 Nhận xét:

Blogger Unknown nói...

Kính thưa Bác Quế, Xin phép Bác cho cháu được gọi tên thân mật của Bác thay vì "Bác Tao".
Rất cám ơn Bác về một "tản văn" mà trong đó cháu có thể hình dung ra được một Bùi Xuân Phái tự tại và một thế hệ rực rỡ trong một "khuôn khổ". Và Bác một tình yêu với nghệ thuật thật lãng mạn và tình cảm. Mong Bác luôn khoẻ và gia đình luôn hạnh phúc. Thân mến.

lúc 10:15 7 tháng 10, 2015  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ