Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Leon Tolstoi


                                       

Quế Anh        oil pastel  on paper   2010


Léon Tolstoí
Tản truyện về sống và chết

        Một mình tới "Fansipan cõi tịnh" (khách sạn 5 sao  vùng Sapa-Việt Nam), Giáng nói để tĩnh tâm luận giải  mười quyển truyện của văn hào thế giới, nhưng sự thật là Giáng thầm chọn với một chút thời gian còn lại để tìm hiểu chính bản thân, cái phận nhân sinh trong cõi tạm. Nếu có nghĩ tới nhà văn thế giới, thì như bữa nay, Giáng nghĩ đến Tolstoï, đại văn hào người Nga, tác giả của những tiểu thuyết lừng danh: Anna Karenine, Chiến Tranh và Hòa Bình....Tolstoï là văn nghệ sĩ, như Giáng biết, đã hơn ai hết  luận giải về con người đối diện với bản thân khi lâm chung.

Nhân sinh quan của Tolstoï hiện thành có một chiều sâu minh triết, Tolstoï diễn trình qua đa dạng nhân vật, phu dân chất phác, nhà buôn vụ lợi, giàu sang, quý tộc...Trước cái chết,  trước sau gần kề,  mỗi người có một tác động phản ảnh mặt thật của bản thân. Nhưng cái thân người không còn mũ áo, cái thân trơ trong giây phút cuối đời, dù có đớn đau đến đâu cũng có một giây thư giãn an bình để ra đi về cõi bên kia. Bộ mặt của xác người thường hiển hiện sự bình dị an nhiên đó.
Tuy nhiên, chúng ta ai cũng sống như cái chết còn lâu mới tới. Đặc biệt những người có tiền có của, có chức phận cho đến tận lúc phải ra đi vẫn không chịu an bài, vẫn tin mua được phép tiên, có quyền được hưởng thuật lạ kéo dài tuổi thọ. Một sự rối ren tâm trạng, một sự đớn đau phẫn nộ có thể làm họ không thật sống được cái thời gian mà Tolstoï nghĩ chính là những giây thiêng liêng cảm nhận rằng đã đến lúc tìm lại chính mình như "Đức Chúa đã ban phước lành", một phận nhỏ vẫy vùng không đâu trong cõi tạm.

Dễ dàng đi đến giây phút linh thiêng đó là những người dân phu chất phác, sống bình dị không đòi hỏi gì ở đời, ngoài những bát cơm đầy không phải đói, một cái giường ấm, những manh áo thô dầy cho khỏi lạnh...; họ là những người như lão phu lái xe ngựa Kviodor làm thuê cho trạm xe ngựa, rồi một hôm cũng phải nằm lại trạm ở một nơi nào đó. Co ro nằm bệnh mảnh gỗ cao trên lò bếp, Kviodor không than thở chỉ quay mặt về cái thánh giá rồi lặng lẽ qua đời. Nhưng trước khi chết, Kviodor biết để lại cho người phu lái xe trẻ Sérioga đôi giầy ủng chống mùa đông. Một câu chuyện bình thường, nặng một ý nghĩa nhân sinh tình người; Sérioga rồi vào rừng chặt cây, lấy gỗ làm cái thập giá đặt trên mộ của Kviodor, một nấm đất gồ  bên khu rừng hoang. Tất cả là thật và nhẹ nhàng dưới nhân sinh quan của Tolstoï như cái chết của cái cây bị chặt trong rừng (cái chết thứ ba, sau cái chết của Kviodor, và cái chết bà nhà giàu, vợ của Vassili Dmitrich, trong truyện ngắn "Ba cái chết"). Cây có đổ chết, rừng cây xanh xung quanh lá vẫn reo trong gió, vờn dưới nắng, chim bỏ cành cây chết này để bay sang những cành cây xanh tươi khác, rộn rịp hót giữa trời xanh. Đó là triết lý Tolstoï về sự chết, người chết đi thì cũng như cây cỏ trở về với cát bụi, hãy biết để lại tất cả những gì mà ta không mang đi, nếu không là gì hết thì cũng là một chuyện, một mạch sống ngầm cho cuộc sống tiếp tục trên cõi này.

Cái nhân sinh quan minh triết nhẹ nhàng ấy đặc biệt, Giáng bỗng nhớ lại, được trinh bày minh bạch trong truyện ngắn: Thầy và Tớ (Maître et Serviteur). Một tác phẩm văn học tả lên cuộc sống bình dị và ấm áp tình người ở nông thôn dân Nga, chìm sâu trong đồng tuyết mùa đông, bên những đồi rừng boileau. Người thầy là ông Vassili, người tớ là Nikita, Nikita cũng là người phu lái con ngựa Belle-Face kéo xe bù trượt tuyết. Vassili, người buôn bán đủ điều, đặc biệt là củi gỗ, không bao giờ bỏ lỡ một dịp buôn có lời. Vassili muốn Nikita đánh xe trượt tuyết  đưa đến một thôn xa, để đấu thầu một khu rừng chặt gỗ lấy lời. Nikita là người phu chất phác hiền lành, ngoan đạo đến nỗi đã trót hứa với Chúa bỏ rượu nên từ đó thèm rượu đến đâu cũng không uống. Nikita nghe lời thầy, cùng "bạn" Belle-Face kéo xe bù đưa Vassili đi. Nhưng hôm đó là ngày bão tuyết, ai cũng muốn khuyên Vassili hãy đợi tuyết ngừng rơi. Nhưng vừa quá hám lợi và luôn luôn lạc quan tin ở mệnh mình, Vassili nhất định lên xe đi. Đi để cả một ngày trời lạc trong bão tuyết. May trời đã tối rồi mà vẫn tìm được một xóm nhà, ghé nghỉ. Vassili được uống mấy ly Vodka cho ấm người và cùng Nikita được người dân vui vẻ chia sẻ bánh mì và thịt bò hầm. Lại một lần nữa không nghe lời ai, Vassili vẫn quyết định ngay đêm đó lại lên đường đi tới thôn kia cho kịp ngày đấu thầu. Bão tuyết phũ phàng, dù Nikita lái xe tài giỏi đến đâu, dù Belle-Face thuận bước đến đâu, cả ba lạc rơi vào khe đồi. Tuyết phủ đầy, Belle-Face quá mệt mỏi và lạnh giá nằm quay ra chết. Nikita thì vùi mình trong tuyết bên thân ngựa, cảm thấy mình âm thầm lạnh buốt chết dần. Vassili vẫy vùng đi tìm lối thoát, nhưng rồi như số mệnh đã an bài, đành về lại bên Nikita và Belle-Face, thân thể vừa mệt vừa đông đá nhưng vẫn đủ tỉnh táo lấy áo khoác ấm của mình phủ lên người Nikita cùng đặt chính cái xác mình lên Nikita, cốt để giữ chút hơi ầm trong gió lạnh cho cái thân Nikita vẫn còn thoi thóp nóng. Vassili tự thấy không còn gì giàng buộc nữa, xa chuyện vợ con chuyện buôn thua bán lỗ, như có một ai đã cầm tay ông lẳng lặng an nhiên dẫn đến một khung trời đầy ánh sáng. Ngày hôm sau, người dân bới lấy ra được xác Vassili, và Nikita thì vẫn còn sống. Nikita vẫn còn sống, có phải vì Vassili đã biết truyền lại chính sức sống của mình cho Nikita? Cho Nikita để Nikita tiếp tục sống đến tận về già, hòa hợp với tất cả mọi người, cũng như cùng với trời và đất.

Léon Tolstoï trong đời thường là đại điền chủ quý tộc. Cao sang và chân chính, Tolstoi vẫn có những hoài bão cải thiện xã hội con người, như tranh đấu giải phóng nông nô (les serfs), truyền bá quốc ngữ cho dân nghèo.. Minh triết Tolstoi-it ẩn dụ trong những tác phẩm văn học của Tolstoï cũng chính là minh triết nhà văn tận sống hằng ngày. Theo Giáng nghĩ, nhân vật tiểu thuyết Hoàng Công Tử André Bolkonsky, của "Chiến tranh và Hòa Bình", là nhân vật tượng trưng điển hình phản ảnh rõ nét một khía cạnh sâu xa sống động của chính Tolstoï, trong hoài bão xã hội, chính trực đảm nhận sứ mệnh của mình trong vương quốc Nga Hoàng thời đó (thế kỷ thứ 19). Hoàng công tử André cao sang cứng rắn, không ủy mị tình cảm, sẵn sàng đảm nhận chức phận của mình, dấn thân trên chiến trường để bảo vệ vương quốc Nga, chống đoàn hùng quân xâm lược của Napoléon đệ Nhất. Hoàng Công tử có thể chính mình dâng cao ngọn cờ cổ vũ quân sĩ, dù như thế sẽ là mục tiêu cho những viên đạn của địch. Vào sống ra chết, đã một lần tưởng bỏ thây trên chiến địa, quân y đã thấy không còn có lý gì mà lo chạy chữa, nhưng vẫn như phép lạ trở về dưỡng thương, để khi bình phục thì lại tiếp theo dấn thân ra chiến trận. Sau cùng, khi đội quân Napoleon đã thất trận tan vỡ, thì Hoàng công tử André cũng lại bị thương nặng, về hấp hối nơi quê nhà. Dĩ nhiên gia đình, thân thuộc đều rộn ràng điều dưỡng, ngay có cả Natacha, trinh nữ mà hoàng công tử đã thầm yêu và đã từng đính hôn, cũng hằng ngày đến để nuôi dưỡng hoàng công tử. Nhưng tất cả sự rộn ràng tới tấp đó đối với hoàng công tử André chỉ là một viễn cảnh mờ ảo, còn chình mình thì từ từ quay mặt vào tường thở hơi cuối cùng, không một lời than vãn, trối trăn dặn dò. Hoàng công tử André chết trên giường bệnh như một quân nhân chết trận, bỏ lại một cái thân trơ trên chiến địa.

Một sự sống và chết bình thản, kiêu kỳ. Chính Léon Tolstoï lúc vào tuổi tám mươi hai, tự thấy kiệt sức, không còn hoài bão, mọi chủ trương hoạt động nhân sinh xã hội cũng đã an bài, lẳng lặng từ giã gia đình, bỏ dinh thự cao sang ấm cúng, lên một chuyến tàu hỏa đi xa và đi xa. Về đâu không biết? Giáng thầm nghĩ tiếc mình không thêu dệt từ đó ra một truyện ngắn có chiều sâu tâm tư bí ẩn. Thì ta cứ nghĩ đi, là Tolstoï chọn đi đến tận cùng Sibérie, tận bờ biển xa của Nga Quốc, Thái Binh Dương ở phương Đông. Mãi mãi về phương Đông để mặt trời lặn ở chân trời Tây rọi chiếu cái bóng mình trải dài và biến vào đêm tối. Nhưng chẳng bao lâu, Tolstoï mệt mỏi, phải dừng chân ở một nhà ga tỉnh nhỏ. Tolstoï mấy ngày sau hấp hối trong một quán trọ quê mùa. Cả nước Nga xôn xao về sự đó, người ta tới tấp lặn lội đến tận tỉnh xa thăm hỏi. Nhưng Toltoï không màng đến một ai. Đóng cửa không gặp một ai, chết đi không dặn dò, không di chúc. Có lẽ duy nhất một điều là hãy chôn thây ông ở ngay nghĩa địa công nơi này. Mộ của Tolstoï ở vùng xa xôi hiu quạnh, mộ bên đường của kẻ lữ hành lưu vong trong cõi tạm, Giáng thoáng tự hỏi không biết có những bông hoa hay không có đều đều đặt trên mộ để tưởng niệm đại văn hào.
Tháng 9/ 2014
Ngô Văn Tao

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ