Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Hồi tưởng Bùi Giáng











Bên trái là chân dung Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn ký họa
mà chính Bùi Giáng phụ đề:
Chịu chơi hộ Trịnh Công Sờn
Cửa trời rộng mở rầp rờn hoàng hoa
Chào nhau giữa những Vốc Ka
Liên Xô số rách ngộc…
(nhân bữa rượu Trịnh Xuân Tịnh, em trai của TCS, “mừng đãi” Bùi Giáng và tôi-tháng 8.1988)


Ngày giỗ thứ 15  Bùi Giáng

          Bùi Giáng là nhà thơ để lại trong nhân gian rất nhiều giai thoại. Giai thoại phản ảnh sự bình dân thu nhận của người đời. Cho đến nỗi nhân dịp ngày giỗ thứ 15 của Bùi Giáng, Đại Học khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cũng lần đầu tiên tổ chức một tọa đàm về “Thi Sĩ Bùi Giáng” (14/9/2013), đông đảo đến 300 người dự, tuy nhiên cũng không tránh được phẩm chất “giai thoại” trong những bài đóng góp. Chính có lẽ vì với hiện trường Việt Nam trong tư tưởng và xã hội học, khó một ai có điều kiện thời gian và khả năng sinh sống để có tâm trí tìm hiểu và trình bầy đến tận nơi chiều sâu và chiều rộng sự nghiệp của thi nhân.
            Những giai thoại và nhiều khi được thấy lên khung trên vách tường của những quán trà nuớc xa gần, đầu đường hay xó chợ một hai câu thơ của Bùi Giáng ( “Hỏi rằng người ở nơi đâu – Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”, “Lời quê góp nhặt dông dài – Dệt vào một tầm lai rai quần hồng”,  “Cứ tưởng đầu đường thương xó chợ -  Ai ngờ xó chợ cũng thương nhau”….), tất cả chứng tỏ Bùi Giáng đã đi vào lòng người như Nguyễn Du, như Trịnh Công Sơn…Nhưng như tất cả những giai thoại, đôi khi không tránh được những sai sót của miệng đời. Có lẽ tôi phải đính chính một hai điều.
1)      Bức họa trên “Quê Chàng Là Ithaque”* là của Bùi Giáng (in trên bìa của tập thơ “Vào Chung Cục Thơ”, gồm muời chín bài thơ tiếng Pháp của tôi mà Bùi Giáng đã kiệt tác họa lại). Một bức họa bột màu trên giấy độ 30x40cm, chứ không phải là bức sơn dầu trên bố 100x120cm như sự đồn đại của báo Thanh Niên TPHCM và nhiều khi trên mạng.
2)       Nghệ Sĩ Nhân Dân Kim Cương đã thổ lộ một câu cần nhắc lại: “Người ta gán cho tôi là bông hồng trong môt giai thoại về Bùi Giáng. Tôi thật lòng không dám nhận; tôi vẫn biết Bùi Giáng thật là một thần tượng thi ca.” Tiện đây nên nói , đối với nhà thơ Bùi Giáng, nữ tính bao gồm tất cả những gì sâu xa nhât của “con người”, thể hiện qua những thần thoại như Nausicaa, qua những mỹ nhân xa vời như Nam Phương Hoàng Hậu như Marilyn Monroe, hay gần gũi như em mọi nhỏ, cô nàng bán chuối ở ngõ chợ Lê Quang Định. Còn tình dục và tình yêu là cả một vấn đề tâm lý học và hiện sinh học để thật hiểu Bùi Giáng hay Trịnh Công Sơn, vì  đó luôn là một vấn đề không nhỏ trong động cơ sáng tác của văn  nghệ sĩ.



Ngày giỗ tưởng niệm Bùi Giáng

Tất nhiên không chỉ ngày giỗ, mà tôi luôn luôn niệm tưởng tới Bùi Giáng, như trước mắt tôi đây lên khung treo trên bức tường  bên bàn viết mấy câu thơ bút pháp của thi nhân:
A Votre Majesté Ngô Văn Tao
Ruộng đồng không mọc lúa mùa
Từ hôm cánh trắng cò lưa tiếng buồn
Đêm nào nhỏ giọt khe muơng
Đêm nay rớt hột mù sương bấy giờ
Bùi Giáng
Du hí mộng trường mai vũ trụ
Dy hồn   Tuyệt Yến   Dã man Oanh (cùng hai dòng chữ vuông hán tự)

Có thể nói từ buổi hè năm 1988, một người bạn đưa tôi tìm gặp Bùi Giáng, tôi đã có một bước ngoặc lớn trong thế giới hiện sinh, giữa Bùi Giáng và tôi có một sự tương ngộ hy hữu. Trong thế giới thầm lặng vô ngôn của tôi, tôi đã thông diễn giải nhiều tư tưởng và văn chương nghệ thuật của Bùi Giáng. Từ đó tôi đã viết tặng Bùi Giáng nhiều bài thơ nhắc nhở sự thông cảm đó, mà đặc biệt bài thơ “Quê Chàng Là Ithaque”, một trường ca mà tôi sẽ trình bày lại gần đây, mà Bùi Giáng đã thật cảm kích. Ngược lại, Bùi Giáng đã chính tay viết nhiều câu thơ tặng riêng tôi, cũng như viết lại hàng trăm câu thơ để san sẻ với tôi. Đặc biệt nhất, là Bùi Giáng đã phóng tác ra thơ bản ngữ thông diễn lại hàng chục bài thơ ngoại ngữ Pháp Anh của tôi, hơn trăm Hán tự hài cú của tôi. Như đây tôi hoàn toàn xác định là ba câu thơ cuối cùng mà Bùi Giáng đã viết rồi chỉ khoảng 12 giờ sau vào đêm đột quỵ, diễn giải bài hán tự hài cú của tôi như linh cảm tương giao thổ lộ một sự thanh thản ra đi:
日月當     Tha hương nhật nguyệt đương thì quá
落枝梅              Cố quốc lạc chi mai
願長眠              Tùng hạ nguyện trường miên
Đương thì nhật nguyệt trôi qua
Tha hương cố quận lạc hoa một nhành
Trường miên nguyện ngủ dưới ngành tùng trăng  (BG)

Tất cả để Trịnh Công Sơn có câu bình luận về chúng tôi: “Họ đã từng gặp nhau ở một bờ cõi mộng mị hoang phế nào xa xôi và từ đó lại tiếp tục dắt díu nhau về quê quán bày biện lại một tiệc đời đìu hiu lau lắt”. Trịnh Công Sơn còn vẽ bức sơn dầu trên bố 1mx1m, in ra trình bày trên bìa chính của tập nhạc phổ biến: Những Bài Ca Không Năm Tháng, bức tranh ký họa tôi nấp sau Bùi Giáng,  phác họa điển hình cuồng sĩ có câu tự thán: Còn hai con mắt khóc người một con, mà ẩn ý Trịnh Công Sơn cũng diễn giải ra làm chủ đề cho một bài hát.
Năm 1988 đặc biệt cũng là năm khởi đầu công cuộc đổi mới chính trị xã hội Việt Nam.  Ở Sài Gòn khắp nơi đã công khai có những quán trà rượu; không biết bao nhiêu lần mỗi khi gặp Bùi Giáng lang thang  các cửa ngõ của Sài thành , là tôi được ngồi với Bùi Giáng trong một quán con cóc với những ly rượu đế hay những ly Vodka liên xô. Bùi Giáng hay mang theo bên người quyển truyện tiếng Pháp của Gérard de Nerval: Sylvie (Bùi Giáng đã kiệt tác dịch ra Việt ngữ với nhan đề: Mùi Hương Xuân Sắc). Đó chính là sự đưa đến bước ngoặc trong đời sống văn học của chính tôi. Sự thức tỉnh như Bùi Giáng tận tụy đam mê suy tư văn nghệ, quên đi bận tâm khoa học nghề nghiệp, tính toán nhỏ nhen sự đời, tận lòng thông diễn những ý thơ, những ý niệm của văn nhân trong trời đất để say đắm sống với tất cả những ẩn dụ có thể có như phát động tự chính mình.
Bùi Giáng hiện thân tiêu biểu tất cả sự dấn thân suy tư đó. Bùi Giáng không vướng một hệ lụy tầm thường nào  nhân sinh xã hội, gia đình, danh vọng, tiện nghi vật chất, chỉ có với lý tính Bùi Giáng là tư tưởng và ý rhơ. Bùi Giáng có thể hàng ngày hàng tháng trầm ngâm suy luận trên một bài văn của Heidegger, một nhận định của Camus, những câu thơ của Nguyễn Du… để ôm mang trong đầu cả một kho tàng văn học. Chỉ trên hai câu trong một hán tự hài cú của tôi :  Nhất đan chỉ khoảnh biệt ly thì. Tồn vong vô lệ khứ, (一單 恉頃別離時  -  存亡無淚去),  Bùi Giáng phỏng dịch như nguyên văn là : Già bệnh chết thiết chết tha. Một búng tay đã mà ra vô cùng, Bùi Giáng dịch xong, viết ngay trước mắt tôi và cho tôi nguyên chữ vuông hán tự một bài thơ thất ngôn bát cú của Tô Đông Pha đã từng gợi như vậy hình ảnh cái cánh cửa hé  mở để đưa ra vô cùng.
Gần nửa năm cuối đời, Bùi Giáng chỉ nằm liệt trên võng dưới cây mít trong dất biệt thự mà một gia đình họ Bùi di tản năm 1975, đã để lại cho Bùi Giáng toàn quyền hưởng thụ. Bùi Giáng không còn đi lang thang nữa, tuy nhiên đầu tháng 8 âm lịch Mậu Dần (1998), Bùi Giáng vẫn cố tìm tôi để tận mắt thăm coi căn hộ tôi mới thiết lập, chắc với sự nuối tiếc không có dịp cùng tôi chén thù chén tạc ở chốn này. Người phu xích-lô bế Bùi Giáng lên thang vào căn hộ, chưa kịp ngồi Bùi Giáng đã choáng váng bảo người phu chở ông về, tôi tiễn đưa và Bùi Giang không quên nói tôi phải gửi ngay quà cho hai cháu gái Quỳnh, Na bảy tám tuổi vài cân hoa quả. Bà ngoại hai cháu này, thuộc một gia đình khác trong họ Bùi được vào sống trong biệt thự, chăm lo cơm nước cho Bùi Giáng vào những buổi này. Một hôm, bà tỏ tiếc thương Bùi Giáng, Bùi Giáng nói : “Có gì mà tiếc thương, tôi ra đi như là thánh!”. Một câu nói mang đầy ý nghĩa, và hơn nữa hàm chứa một sự thật, Bùi Giáng có cái nhận thức thông xuốt huyền thoại. Trong những đoạn luận văn, trong những bài văn thơ phỏng dịch tác phẩm cuả người, Bùi Giáng đưa lên một cái nhìn như lật ra hết những ẩn ý mà có lẽ tác giả chỉ có trong tiềm thức, hay nhiều khi không tiên biết được cái dư vang chữ nghĩa của chính mình. Tôi có thể tự hào rằng tất cả những bài Bùi Giáng dịch thơ ngoại ngữ của tôi đều hoàn chỉnh mênh mông như vậy.
Ở nhạc có chữ “điệu”, ở họa có chữ “mỹ”, theo Bùi Giáng ở văn chương có chữ “thơ”. “Thơ”, một khái niệm Hegel-ian, là tuyệt đối không cùng mà Bùi Giáng sống như đã “ngộ”. Nhưng mà “ngộ” chỉ có thể là thánh thần lóe sáng giác thức tới chứ không “nắm bắt được”. Trong sự nghiệp văn thơ của Bùi Giáng, ngay trong những bài luận bàn triết học, luôn luôn có những đoạn văn, những chuỗi thơ mà ta có thể nhận thấy rõ sự say đắm vươn tới cái không cùng đó để mà rồi phải hụt hẵng lệch lạc hầu như giận dữ ném ra những câu văn phá rối, những câu thơ thô thiển. Tuy nhiên với nhiều câu thơ thô thiển , những câu vè lục bát, tôi lại nghĩ tới cảnh Bùi Giáng ngồi ăn cơm thừa của phu đường, gọi cô nàng bán chuối ở cuối chợ là nương tử giáng trần. Làm vè để biết nhận ra sự thăng hoa của các cụ nông già làm thơ lục bát sai vần lạc ý những buổi chiều an nhiên quanh hũ rượu. Làm vè để  thông cảm và biết đáp ứng thơ của một tu sĩ như Bà Thân Thị Quế, về già làm tu sĩ tuy nhiên hạ bút làm thơ và coi đó là một cách để đạt tới chữ không của Phật đạo.
Phải một ngày nào đó, qua những gì tôi vừa diễn giải trên đây, chúng ta sẽ cùng nhau may ra cảm nhận  được Bùi Giáng chân thánh thiện lạc giữa trần gian.
Lai rai quốc lủi rượu đời
Trăm câu tiếu ngạo độ người độ ta
Nay rồi cưỡi gió đi xa
Phở bò hủ tíu ngã ba bồ đề

Tháng 9/2013
Ngô Van Tao

*Quê chàng là Ithaque   Vào những năm 1960, Bùi Giáng đã từng say mê trong hội họa. Chỉ tiếc là vào năm 1967(?) hỏa hoạn đã hủy  hoại những rương sách cùng những văn bản và những tác phẩm hội họa của nhà thơ. Bức họa bột màu trên giấy 30x40cm “Quê Chàng là Ithaque” này có lẽ là duy một bức hiếm hoi sót lại từ thời xa đó.
Bức này với màu sắc, nét vẽ hoàn chỉnh siêu thực, chúng ta chỉ còn biết say mê trước bức tranh, thầm suy nghiệm ý sâu của nghệ sĩ. Ithaque là hòn đảo quê nhà của tướng công Ulysse, mà sử thi Odysée của nhà thơ thượng cổ Homère, người Hy Lạp, ca lên cuộc hành trình thần thoại trong chín năm, sau khi đã diệt phá thành Troie để về cố quận. Vậy bức tranh của Bùi Giáng cũng có nghĩa là “Trên đường về Cố Quận”. Nhưng ngựa thiên lý có hình dáng của con lừa, mặt tướng công là mặt thiếu phụ rất Việt Nam hiển hiện từ bi rạng rỡ trong một vòng hào quang. Vậy Cố Quận là gì? Chắc phải là cái “Kim Tĩnh” phác họa dưới lòng thân ngựa; “Kim Tĩnh” là ngôi mộ mà các cụ xưa thường xây sẵn, để luôn luôn nhắc nhở “sự trở về” của chính mình.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ