Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

NGUYỄN SÁNG , danh họa sĩ

                                               Nguyễn Sáng      Sơn mài 50x70cm-1975




Nguyễn Sáng  (1923-1988)
                               
Tôi muốn viết ở đây những trang nhật ký của hồi tưởng để nhắc nhở đến một họa sĩ. Nhắc nhở để suy tôn và trìu mến.
Tôi nhớ lần đầu tiên năm 1985, tôi được gặp và làm quen với họa sĩ Nguyễn Sáng. Trưa hè đó ở nhà Văn Cao, chị Thúy Bằng –Văn Cao đãi thịt chó và rượu lậu. Văn Cao chính tay còn nấu thêm một con cá diếc hấp nước mắm gừng. Ở giữa Hà Nội nhưng với tiện nghi của cố nông, cơm lạnh, cá nguội, thịt đặt trên mấy mảnh lá chuối. Rượu nồng hơi, hăng xé cả cổ. Nguyễn Sáng ngồi rất thẳng, quắc thước và khổ hạnh. Mặt gân guốc, đầu vẫn giữ cái mũ kêpi  vàng cũ rách, đôi mắt nhìn trực diện.
Chúng tôi thanh thảnh trầm tư và tôi suy tư. Tôi nghĩ như chính mình là một sự phi lý. Tôi nghĩ đến những bước đi, những gian truân của đời người. Có người biết ra đi tranh đấu cho một lý tưởng, một ước vọng. Có người biết hy sinh, rũ bỏ những mộng mơ phù hoa, đi tìm nói lên được cái uẩn khúc, cái bí hiểm của cuộc đời, của xã hội. Rồi thời gian trôi đi, tuổi trẻ sẽ mất, hạnh phúc chỉ là một thoáng mây bay. Bài thơ này, điệu ca đó có vang vọng không trong thời gian?  Bức tranh kia, chứa đựng những hăng say, những khổ lụy, chẳng biết sẽ còn ai bảo tồn hay sẽ hủy nát mất dần vào dĩ vãng và lãng quên.

Thật  ra tôi không có khả năng gì để bàn đến sáng tác và nghệ thuật của Nguyễn Sáng. Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988), sinh viên khoa cuối cùng của trường Mỹ Thuật Đông Dương (Hà Nội- thời Pháp thuộc), đã sáng tác bao nhiêu, những tác phẩm nào chính yếu? Phần đông tản mát đâu đâu,  tôi không biết được.
Tôi không biết gì về lịch sử của hội họa, những biến dạng của các trường phái và đâu là đóng góp ảnh hưởng của những đại họa gia như Renoir, Picasso, Matisse…Nhưng nếu thượng đế có nói với tôi rằng: “Ta cho phép nhà ngươi làm nghệ sĩ. Hãy chọn đi một nghệ thuật”. Tôi sẽ xin làm họa sĩ. Để tôi biết vẽ ra một bức tranh sơn dầu toàn màu sắc. Linh động ở cọ pháp. Tràn đầy ánh sáng. Bức tranh độc đáo, mong manh trước vũ bão của thời gian, của thiên nhiên. Lặng lẽ trên bức tường trắng, như một khung cửa để nhìn ra trời xanh. Không áp chế  một ai phải chiêm ngưỡng. Chỉ có một số người có cơ duyên mới mhận thức ra. Và có lẽ còn bí ẩn hơn nữa, bức tranh là sở hữu của một người. Một người mà tôi chờ đợi, biết đồng cảm cùng tôi. Từ tháng này qua tháng khác, sống với bức tranh, người sẽ cảm thấu dần ra tiếng nói của tiềm thức, những riêng tư thầm kín trong cô đơn, trong tình yêu mất mát. Cảm thức đến nỗi, người còn cho bức tranh những tình ý mà tôi đã vô tình không biết sao đã thổ lộ từ chốn bí hiểm sâu xa nhất của tâm hồn. Hội họa không khác gì Thiền Đạo:
”Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền” (Không dùng lời nói, không truyền ngoại đạo)
Tuy nhiên tính cách biệt dị đó không phải là tuyệt đối. Tôi tin rằng chúng ta có thể tìm hiểu hội họa cận đại Việt Nam, tìm hiểu ba họa sĩ chân chính Búi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm và Nguyễn Sáng nếu chúng ta để tâm nhìn lại lịch sử. Sống lại lịch sử của đất nuớc 1945-1980. Nhận lại Hà Nội của những năm 1960-1980.  Phố xá hầu như không một quán trà nước, im lặng không một điệu nhạc vàng. Ai cũng như ai, cùng nghi kỵ và cảnh giác lẫn nhau. Trong cái độc tài chuyên chế ý thức hệ của Đảng, của nhà nước, kiểm tra từng lời ăn tiếng nói. Người Hà Nội như sống trong cái vĩnh hằng giả dối, sầu não và tuyệt vọng.  Tác phẩm của ba họa sĩ đã phản ảnh cái tâm trạng đó. Trong cái không lời, trong cái sâu lắng của hội họa. Đó là nghệ thuật. vì nghệ thuật cũng mang thầm, chứa đựng cái nghiệp mệnh lịch sử, nói lên những hy sinh, mất mát, những đau khổ và khát vọng của những lớp người cùng với những gì của chính mình.


Nguyễn Tư Nghiêm! Tùy theo năm Thìn, năm Tị vẽ rồng vẽ rắn….Họa sĩ vẽ rất nhiều. Sơn mài, sơn dầu trên bố, bột màu trên giấy, đề tài dân gian, trẻ con, đình làng, thánh Gióng, Thúy Kiều Kim Trọng…Đề tài lập đi lập lại, nét vẽ màu sắc nhẹ nhàng bay biến. Tài nghệ như hình thức, tranh vẽ như vu vơ. Nhưng thật mang mang một cái gì thấm kín, sự kín đáo của một triết gia, một thiên tài về cuộc đời, về xã hội. Lịch sử ẩn tàng trong những bức tranh mô hình và trừu tượng.
“Tính cách lịch sử”  trái lại hiển hiện trên những bức tranh “Phố Phái”. Qua sang tác của Bùi Xuân Phái, sầu đọng đây là Hà Nội ở đỉnh cao của Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa! Tang thương đây là Hà Nội đang huy động toàn dân hy sinh, đồng lòng gian khổ cho chiến tranh “Giải Phóng”, cho chiến tranh chiếm đóng Campuchia, cho chiến tranh chống Trung Cộng! Những nóc nhà, những mảnh tường trơ âm thầm nói lên cái bi kịch của thời đại. Con người lặng lẽ thu hình, đi như chiếc bóng, chỉ sợ rung động đổ vỡ cái trật tự (ý thức hệ) vô hình, nặng nề, mông lung kiềm tỏa.
Trước năm 1985, tôi chưa có dịp thấy một bức tranh nào của Nguyễn Sáng. Chắc chắn họa sĩ Nguyễn Sáng không vẽ nhiều như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm. Tuy nhiên giới văn nghệ sĩ Hà Nội vẫn thường nói với tôi về Nguyễn Sáng, tài ba, nghệ thuật và con người. Bữa cơm ở nhà Văn Cao, ba chúng tôi không thảo luận gì (xã hội Việt Nam đương sống trong sự im lặng như tôi đã nói). Nhưng tôi nhớ Nguyễn Sáng có bàn mấy lời về bức tranh mô hình mới vẽ của Văn Cao: “Có một khối nặng nên bỏ đi, có một mảng màu nên xê dịch để mở rộng thêm thị tuyến”. Tôi lắng nghe như nghe lời giảng của một giáo sư đầy nhiệt huyết. Tôi cảm thấy ngay Nguyễn Sáng là con người tình cảm, đam mê và hăng say với cuộc đời. Ở một xã hội “trên dưới quan lại” nhưng bề ngoài ai cũng phải như ai, ở một xã hội mệnh danh “chuyên chế của giai cấp lao động, bần cố nông” mọi người phài tự nguyện từ bỏ những khát vọng cao sang, từ Nguyễn Sáng vẫn tỏa ra một bầu trời trang trọng đài các. Bằng sự im lặng. Bằng một hai cử chỉ. Cách ngồi, cách nâng ly. Rồi tôi được biết Nguyễn Sáng là con người rất cô đơn. Nguyễn  Sáng sống đơn dộc trong thế giới riêng tư, thế giới của nghệ thuật.


Từ khung cửa nhà Văn Cao, tôi nhìn xuống phố Yết Kiêu. Góc phố và những nóc nhà như còn vuơng dư những rung cảm của ngày xưa. Ngày xưa non trẻ nào rất xa xưa. Những bài hát của Văn Cao đánh nhịp cho bước đi của những đoàn người. Cờ đỏ sao vàng tuyệt vời và trong sáng. Trái tim tôi ngây ngô tràn đầy và bể vỡ. Ôi! Cái thời xa xưa lãng mạn, cách mạng của tình yêu, dấn thân và sẵn sàng nhẹ nhàng hy sinh cho lý tưởng…Văn Cao, Nguyễn Sáng là những ngọn tiêu của thời đại, sống trọn vẹn tâm hồn và lý trí cho cái thời mãnh liệt nên thơ của lịch sử. Cái thời mà chúng ta cùng nhau tin ở ngày mai, trong tình thương yêu rộng lớn, phong trào toàn dân kháng chiến, trước khi lộ rõ tranh dành bè phái, trước khi đảng Cộng Sản và tập đoàn đoạt được chính quyền chuyên chế, cực đoan trong ý thức hệ, trong lý luận mệnh danh khoa học biện chứng xã hội chủ nghĩa không ngần ngại thủ tiêu bao nhiêu tâm hồn nhiệt huyết chân thành (bình dân trí thức lãng mạn) mơ ước.
Lặng lẽ và bình thản, Nguyễn Sáng bỗng hiện trước mắt tôi như một thần tượng mà trong tiềm thức tôi vẫn duy trì từ những ngày thơ ấu. Một ước mơ, biết sống sao tận tình cho tình yêu và cho lý tưởng và xã hội. Tôi sau được biết Nguyễn Sáng, gia đình ở trong Nam, ra Bắc du học. Năm 1940(?), ông học ở trường Bưởi, là cầu thủ đá bóng của trường. Ôi! Tôi muốn tưởng tượng lại con người thanh niên đó, kiện tráng thao luyện thể dục bên Hồ Tây. Thân thể lành mạnh, trí tuệ tràn đầy tin tưởng ở mình và tin tưởng ở ngày mai. Sau Nguyễn Sáng nhập học trường Mỹ Thuật Đông Dương, khóa cuối cùng vừa trước đảo chính Phát xít Nhật, tháng 3 năm 1945. Cùng lứa với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, cả ba đã nổi danh ngay là có tài. Trong cái cảnh của giông tố, bão táp sắp tới, thay biến xã hội, Nguyễn Sáng an nhiên như một sinh viên và cùng lúc có một cuộc tình với một cô gái người lai Pháp! Cô ấy tên là gì? Cô ấy bao nhiêu tuổi? Cô ấy đã ra sao? Tôi tự thầm hỏi, Nguyễn Sáng không hoài niệm vô tình nhắc nhở.
Năm 1946, Nguyễn Sáng gia nhập Văn Nghệ Kháng Chiến với Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm sơ tán lên Việt Bắc. Chị Thúy Bằng còn kể lại cảnh Nguyễn Sáng đơn độc một mình trong một mái nhà tranh trên một ngọn đồi riêng rẽ. Qua những gian lao, thăng trầm của kháng chiến, Nguyễn Sáng lo cái phần đóng góp của mình, bằng cây bút sắt Nguyễn Sáng vẽ tem Hồ Chí Minh, giấy bạc Hồ Chí Minh. Cô đơn, đạm bạc, hồn nhiên và thẳng thắn. Mãi về sau, một buổi chiều năm 1988, tôi đánh bạo hỏi: “Tại sao năm 1946, anh không tiếp tục sống với người yêu?”. Nguyễn Sáng trả lời vỏn vẹn một câu; “Ta biết trước rồi, đời sống chiến khu sẽ gian khổ! Làm sao, nó chịu được.”
Ấy thế là Nguyễn Sáng!


Đã dấn thân trên một con đường, Nguyễn Sáng không quay đầu lại để than vãn và nuối tiếc. Chỉ lo làm tròn phận sự mình, không bận tâm vì ngày no hay bữa đói. Một lần yêu và mất mát, Nguyễn Sáng an nhiên sống đơn độc. Bùi Xuân Phái không đi theo kháng chiến, nhưng 1954 không di tản vô Nam, ở lại với Chính thể Xã Hội Chủ Nghĩa. Nguyễn Tư Nghiêm theo đảng tiếp thu Hà Nội, nhưng rồi lẳng lặng xé thẻ đảng vịên âm thầm tiêu cực phản kháng chế độ “đảng ta”. Nguyễn Sáng đơn thuần, không bận tâm với những tiểu tiết phù du thời cuộc. Những khẩu hiệu, những chỉ thị chính trị bất tất không đụng chạm tới tâm hồn. Chiếc thẻ đảng viên, danh hiệu Văn Nghệ Sĩ Kháng Chiến đối với Nguyễn Sáng như cái mũ kepi vàng, chiếc áo sờn tay vẫn mặc ngày này sang ngày khác. Nguyễn Sáng không bàn chính trị, về cách mạng, về lịch trình kháng chiến của mình. Nhưng mãi mãi trong Nguyễn Sáng là cái hoài niệm của sự hăng say, chân thành vào đời trong tình yêu và trong lãng mạn dấn thân cho dân tộc và đất nước. Tình yêu mất mát. Cách mạng xã hội tha hóa. Thì đó chỉ là bạc mệnh của phận đời, Nguyễn Sáng chân phương, thanh thản chọn làm nghệ sĩ. Nguyễn Sáng sáng tác nghệ thuật, trau dồi nghệ thuật trong lặng lẽ, riêng tư sâu đọng, không tài liệu, không cần thiết  trao đổi hội đàm.
Một tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Nguyễn Sáng chính là bức sơn mài đồ sộ: Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ (1963), hiện ở viện bảo tàng Mỹ Thuật Quốc Gia, Hà Nội. Một bức mô hình và lập thể (figurative et cubiste). Những hình người là những khối hình vững chắc giữa những mảng lập thể của núi rừng. Màu săc cốt là vàng và đỏ. Dưới mắt của nhà phê bình “xã hội chủ nghĩa”, thì có thể nghĩ đây là một tác phẩm hiện thực xã hội và lac quan xã hội chủ nghĩa. Nhưng chỉ thấy vậy, thì quá nông cạn và không cảm nhận chiều sâu ẩn dụ.Vẽ vào năm 1963, dù có đề tài nói tới chiến thắng Điện Biên Phủ (1952), nhưng thật là nhắc nhở đến những người chiến sĩ vô danh thần thánh của ký ức. Đề tài “Kết nạp vào đảng” chỉ là úp mở nhân nhượng với cảnh giác chính trị của thời đại (thời của vụ án Nhân Văn Giai Phẩm). Vì “kết nạp vào đảng”, sao không có gì nhắc nhở tới lãnh tụ tối cao, những cán bộ siêu thần của đảng. Cờ đỏ sao vàng không có, phù hiệu đỏ búa lưỡi liềm như muốn được che khuất. Điểm mạnh của bức họa là người lính trẻ vô danh, băng vải trắng bó thương ở đầu. Bộ mặt cương nghị, bình thản quyết liệt như tât cả các khối nặng của bức tranh. Những người lính đứng bên thì tượng trưng những khía cạnh khác, thanh niên vào đời, nét mặt non tơ, ngây ngô phục tòng, người chờ lệnh, người ước mơ. Phía trái bức tranh, gần chúng ta nhất là người lính đỡ bạn, thương binh của chiến trận, lộ rõ tình thương yêu đồng đội, đồng khổ trong nghĩa vụ. Sau cùng xa xa là hình người lính đang tiến lên và đang khuất dạng. Lặng lẽ dấn thân về đâu? Bức tranh không có thị tuyến dẫn về xa (hầu như đi vào ngõ cụt!). Bức tranh không nói gì về chiến thắng, không một chút gì về hứa hẹn thành tựu ở ngày mai. Một bức sơn mài duy nhất chú trọng nghệ thuật trong bố cục, trong nét vẽ, màu sắc thâm trầm. Nó ca ngợi tuổi trẻ, ca ngợi sự chân thành phục vụ. Một hùng sử ca cho cái thời “ để yêu và để chết” xa xưa của tác giả. Một hùng sử ca cho những người con măng tơ của dân tộc, hy sinh cho những trang sử đẫm máu, có chiến thắng  có đau thương  vừa qua của đất nước.


Tranh của Nguyễn Sáng không rạng rỡ màu sắc. Có lẽ như Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm, ẩn dụ phản ảnh cái ảm đạm của Hà Nội trong thời kinh tế bao cấp nhục nhằn. Bố cục tranh của Nguyễn Sáng lại rất hoàn chỉnh, với những màn cảnh, thị tuyến hình học như kỹ thuật. Hình vẽ là chủ yếu, với những khối lượng chắc chắn Picasso, đường cọ vừa mạnh vừa nhẹ nhàng, mực thước chân phương và ý thức. Văn học Việt Nam thiếu phê bình nghệ thuật. Thiếu một phê bình gia biết nêu rõ ra chiều sâu và tư cách “đạo sĩ” của Nguyễn Sáng. Xã hội Việt nam trong thời đại này, chiến tranh và cách mạng, áp chế của ý thức hệ một chiều không cho con người bộc lộ, hạn chế tiếng nói của con người, hạn chế cái bay bổng của tình người. Tất cả phải an phận trong cái trật tự “Xã Hội Khoa Học Chủ Nghĩa”. Những họa sĩ biết trong cái vô ngôn của hội họa, im lặng sống với cái thật của mình, cái thật của đáy lòng mình. Những nét cọ là những “bước đi” không màu sắc, âm thầm lặng lẽ. Những bước đi sâu lắng riêng tư, lãng mạn của tiềm thức. Những văn nghệ sĩ Hà thành từ lâu trong thâm tâm nhận ra ở Nguyễn Sáng một đối tượng như thế, ẩn dụ điển hình chính họ. Trực tiếp bằng trái tim nhận ra với những sáng tác hội họa của Nguyễn Sáng một ẩn dụ rất thật tiềm ẩn không lời. Cái âm thầm sâu xa đó, tìm thấy trong những sáng tác của Nguyễn Sáng, cũng tỏa ra từ ngay cuộc đời thường, mỗi ngày của họa sĩ. Ở một sự hiện diện mãnh liệt và quyến rũ! Như thế đấy! Tuy chưa đựợc thấy một sáng tác nghệ thuật nào của Nguyễn Sáng, tuy chúng tôi ba người cùng Văn Cao, trong bữa cơm rượu của chị Thúy Bằng, không có bàn cãi nói năng gì, tôi đã bị lôi cuốn bởi con người Nguyễn Sáng. Ngay ngày hôm sau, bằng mọi cách, tôi tìm gặp Nguyễn Sáng ở quán con cóc Thủy Hử.
Quán Thủy Hử! Những năm cuối cùng khi Nguyễn Sáng còn sống ở Hà Nội (1985-1987), nghệ sĩ không còn vẽ nữa, ngày ngày ra quán rượu nước này. Quán con cóc ở phố Ngô Sĩ Liên, ngay trước chợ chuối. Có cây bàng to bên cửa. Thật là thô sơ và bình dị. Văn miếu không quá xa. Hà nội trong tháng 6 năm 1985, đã có rồi không khí của “Đổi Mới”, đổi mới thoát khỏi kinh tế bao cấp, Việt Nam sẽ rút quân chiếm đóng Campuchia và sửa soạn tiếp nhận tư bản quốc tế. Nhìn ra chợ chuối, sau trận mưa nhỏ, nắng vàng trong vắt rất đẹp. Chợ lầy lội nhưng đầy rau, đầy gạo. Có những cô gái, chân lấm bùn, nhưng rất trang trọng chọn rau chọn quả. Hạnh phúc ở đời thật nhỏ nhặt. Hãy rộng lượng, đừng mù quáng tự cho quyền tuyệt đối, quyền “triết lý khoa học xã hội” áp chế xã hội và đời sống con người.. Hãy để mỗi người tự tìm một lẽ nhân sinh, nhẹ nhàng như những giọt nước long lanh của ngày mưa xuân. Nguyễn Sáng đây! Rõ ràng ông đã già trước tuổi. Thân hình ngày nào cao đẹp, giờ đây mảnh khảnh, thiếu dinh dưỡng. Theo tôi được biết, mỗi ngày họa sĩ đến đây uống mấy chén “rượu quốc lủi”, bữa trưa là bát cơm trắng với ít rau muối của một bà bán rong, chiều về là một bát cháo trắng bán lẻ bên đường….Nhưng gặp Nguyễn Sáng, như gặp tât cả những văn nghệ sĩ Hà Thành của thời tàn bạo xa xôi đó. Rách nát! Nhưng ngồi bên Nguyễn Sáng, trên cái ghế gỗ nhỏ như hai gòn gạch, tôi có cảm tưởng kỳ lạ như đang ngồi ở một quán trà nước nào rất sang trọng trong một thành phố giàu sang và đầy ánh sáng. Chúng tôi không bàn cãi gì, tôi vẫn thấy ở Nguyễn Sáng tất cả một sự hồn nhiên tự tại, một sự thấu triệt khoan thai đối với con người, đối với xã hội.  Nguyễn Sáng cho tôi nghĩ rằng nhà nghệ sĩ thiên  tài  đấy sống trọn đời mình thầm tìm một nguyên lý – một đạo sĩ không kiêu kỳ, không màng danh lợi quyền uy, nhưng phí phạm cả đời mình đi tìm sự thật, than ôi một sự thật không có trên thế gian này. Để giờ đây, âm thầm nhìn ra đường phố, nhìn những người qua lại như mặt nước của giòng sông và tự biết mình không phải là bọt bèo để nước cuốn trôi đi, dù con sông kia có chảy tới một chân trời phù hoa nào xa lạ….


Đời sống Việt nam giờ đây đã canh tân(1994). Đảng cộng sãn chuyên chế chính quyền nay đã  thay đổi tư duy  chính trị kinh tế. Xã hội đã có kinh tế dịch vụ. Người biết hầu người, trao đổi lao động chân tay, lao động kinh thương, lao động đầu óc lẫn cho nhau. Thành phố trở nên phồn hoa những khách sạn quốc tế, những nhà hàng cao giá, vật liệu tiện nghi dãi bầy. Nhưng con người! Sau nhiều năm sống như tù hãm bế tắc, người dân bắt đầu biết giành nhau sống. Tuy nhiên như ngàn xưa cuốc đất, tay không đấu tranh với thiên nhiên, thường dân đâu biết nuôi dưỡng nghệ sĩ, lắng nghe thi nhân. Nếu Nguyễn Sáng còn đây, người nghệ sĩ như Nguyên Sáng chắc vẫn phải suy đồi dinh dưỡng, một bát cơm thô cho mỗi bữa, mấy chén rượu đế cho mỗi ngày. Một ý nghĩ bạc nhược, tủi lòng phi lý, nhưng thật xã hội vẫn chìm trong  lệch lạc xã hội chủ nghĩa về nhân sinh, con người và tư tưởng. Một nghệ sĩ thiên tài như Nguyễn Sáng giờ đây vẫn như không để lại tiếng vang hoài niệm gì.
Đối với riêng tôi, dù chỉ mươi lần gặp gỡ trong ba năm 1985-1988 ở những quán rượu dựng tạm lề đường, dù chúng tôi thường im lặng suy tư, Nguyễn Sáng đã để lại cho tôi một cái gì rất sâu xa, một linh thức về xã hội và về con người. Tôi đã biết đến viện bảo mỹ thuật của thành phố (Sài Gòn), để xem một bức tranh sơn dầu của Nguyễn Sáng. Một bức chân dung sơn dầu, trên bố độ 60x80cm. Đạm bạc chỉ một màu nâu, nét vẽ cổ điển đơn thuần. Bố cục đơn phương, cốt ở chân dung bộ mặt, tuy nhiên không phụ danh tài vẽ chân dung của Nguyễn Sáng (đặc biệt với những ký họa nổi tiếng chân dung Tô Hoài, Nguyễn Tuân…). Bức chân dung này phải vẽ vào những năm 1960-70, tức là thời đại khắt khe nhất của xă hội chủ nghĩa. Người Hà Nội thời đó phải lẩn mình, phủ nhận mọi riêng tư, dấu bỏ mọi kiểu cách trong tư tưởng cũng như trong xử sự mỗi ngày. Dẫu vậy nhìn bức chân dung, tôi thấy đấy không phải là chân dung của một thiếu phụ mà là chân dung của một con người vĩnh cửu nhân bản. Từ bộ mặt thoát ra một sự an bình kiêu sa. Hình như Nguyễn Sáng muốn nói chúng ta phải tự trang trọng, ta mới biết nhân từ và bác ái. Chúng ta phải biết dưng dửng thanh thản ta mới biết thế nào là tình yêu. Phải quý phái mới bảo tồn bản sắc của dân tộc và con người. Mỗi người phải mang trong mình một trà thất. Như thế cuộc đời mới đẹp biết bao, quên đi nhưng lăng xăng vô ích, những a dua vội vã. Phải đạm bạc tìm hiểu chính mình để tôn trọng lẫn nhau. Hãy tìm đến con người toàn thiện. Hãy cho nhau một bát cơm thô, hãy mời nhau một chén trà nhạt.


Kỷ niệm mà tôi giữ mãi về Nguyễn Sáng là kỷ niệm một căn phòng ở số 6 đường Nguyễn Thái  Học, Hà Nội. Chỉ là một căn phòng nhỏ độ 3mx4m. Ngoài cái ghế gỗ gãy, cái tủ chè ọp ẹp nhỏ bằng gỗ thô, thêm cái giường vải lính màu xanh, trên giường xếp gọn một cái mềm mỏng và cái mùng tulle xanh cũng của lính. Nguyễn Sáng, họa sĩ biệt tài của đất nước, đã sống ở đấy hơn ba mươi năm, một đời người với những ngày đói và những bữa thiếu rượu. Chiều cuối hè 1985, trước khi tôi rời Hà Nội, ông đã mời tôi lên thăm căn phòng. Có cửa sổ mở ra trời xanh. Trên tường không treo một bức ảnh nào. Riêng bên góc nhà là hai bức sơn mài, những tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Sáng. Một bức rất lớn: Vũ Trụ (phải bằng cỡ  như   bức sơn mài: “Kết nạp đảng ở Điên Biên Phủ”, nay thuộc về bộ sưu tầm Nguyễn Văn Bổng), và bức Đấu Vật, 1985, 50x70 cm, bức này Nguyễn Sáng trao cho tôi.
Cùng với bức đấu vật, ông còn tặng riêng tôi, một bức bột màu trên giấy do cô Thủy vẽ một nóc nhà tranh giữa bụi hoa. Cô Thủy là người đàn bà đã đi vào đời của Nguyễn Sáng trong những năm 1970-1980(?). Mãi đến một ngày năm 1980(?), cô Thủy bị ung thư bạch huyết cầu(?) nằm hấp hối trên gường bệnh, Nguyễn Sáng tụ tập mấy bạn bè để làm lễ cưới cô. Bữa cưới là mấy tuần rượu, không có cô dâu, cốt để Nguyễn Sang từ giã cô với lời an ủi rằng ông đã nhận cô là người vợ trên cõi trần gian này.
Một mẩu chuyện tình buồn mà văn nghệ sĩ Hà thành hay nhắc lại. Nó cũng là huyền thoại điển hình, không chỉ nói về Nguyễn Sáng mà về tâm tư của cả một lớp người. Những năm 1960-80, Hà Nội đường phố không đèn, một hai quán cà phê chui. Con người thu gọn giữa bốn bức tường không . Nếu có thương nhau, họ gửi gấm cho nhau một bát gạo, một nhúm trà Thái Nguyên. Ai cũng sống cái thiếu thốn, cái bất hạnh của riêng mình với riêng mình. Lặng lẽ, trong chế độ khắt khe, chỉ thị kinh tế mù quáng “khao học xã hội chủ nghĩa”. Nhưng thầm lặng tìm lại tâm linh, tìm ở đáy lòng mình cái thiền định, cái siêu thoát tọa định trầm tư. Cuộc đời của Nguyễn Sáng, tác phẩm của Nguyễn Sáng biểu hiện cái trạng thái đó của lòng người. Nghèo nàn và bần tiện, thô sơ và không biết chữ, Lục Tổ Huệ Năng trong khi giã gạo cho nhà chùa, nghe vọng tiếng kinh bẫu thấu triệt lời kinh của Phật Đạo. Nguyễn Sáng không bao giờ đi lễ chùa, không bao giớ bàn luận triết lý, vẫn tự tạo cho mình cả một bầu trời nhân sinh Thiền Đạo. Bức sơn mài Đấu Vật, mà tôi bảo trì như báu vật, vẽ hai người đấu vật, nhưng thật đã vẽ hai khối lượng nhẹ nhàng bay bổng giữa thinh không. Khối thân người là biểu tượng Bồ Tát. Bức sơn mài màu vàng ấm của nhà chùa, Nét vẽ đen lập thể, trừu tượng nhưng lại rất mô hình. Nhìn bức sơn mài, tôi có cảm tưởng thoát ly những vật lộn, những đòi hỏi vật chất của đời người.
Ôi! Vẽ con người, vẽ vũ trụ như đám mây nổi trôi, như khối đá đang rơi, như bộ mặt người thành thản, bình dị, nhẫn nhục và từ bi.
Nguyễn Sáng đã không phụ cái lịch trình lịch sử của đời ông.



Chìm đắm trong giông bão của lịch sử. Nhỏ nhoi trước thiên tai, trước áp đảo của cuộc đời. Nhưng vẫn nói tiếng nói của tâm tư, nhìn với cái nhìn của nghệ thuật. Và vẽ trên mặt người tia sáng của ngày mai, tia sáng của cô đơn trong hoài bão và ước mộng.
Nguyễn sáng cuối năm 1987 trở vào Nam. Mùa thu 1988, ông mất ở Saigòn. Tháng 5 năm 1988, tôi uống rượu cùng Nguyễn Sáng, tựa lưng vào chân tường vôi, trong một ngõ cụt đổ ra đường Trần Hưng Đạo (Saigòn quận I). Tôi nhớ không che được mặt đầm đề nước mắt vì quần áo  tiều tụy, thân mình Nguyễn Sáng suy nhược. Một linh tính báo cho tôi biết rồi, tôi sẽ không được gặp lại Nguyễn Sáng sau nữa, người nghệ sĩ biệt tài đó không còn bao giờ nữa vẽ cho tôi những tia sáng lung linh của trần gian.
Rồi sau mỗi lần ra Hà Nội là tôi vô cùng nhớ tới Nguyễn Sáng. Mỗi khi tôi qua một góc phố nhà cổ, mỗi khi tôi vào một quán rượu lề hè, vách nứa, tôi nghĩ đến Nguyễn Sáng. Tôi nhớ đến Nguyễn Sáng khi tôi thắp nhang trên mộ Bùi Xuân Phái, trên mộ Nguyễn Tuân (nghĩa trang Văn Điển, Hà nội). Một niềm an ủi vô cùng cho tôi là bia mộ của Nguyễn Tuân, một nghệ sĩ nào đã khắc phù điêu trên đá chân dung Nguyễn Tuân dựa trên một ký họa của Nguyễn Sáng. Chỉ vài nét thôi, Nguyễn Sáng đã gửi lại cho lịch sử hình ảnh của Nguyễn Tuân, ngang tàng và sắc sảo, nhà văn lừng danh đã chia sẻ cùng văn nghệ sĩ của Hà Thành một thời  chật hẹp thiếu thốn, một thời của đau thương.
Gần đây tôi hỏi Văn Cao:
“Anh có nhớ bữa cơm mà em được làm quen với Nguyễn Sáng ở nhà anh?”
Văn Cao vội trả lời:
“Tôi nhớ chứ! Tôi còn nhớ đi gặp Nguyễn Sáng và ông ở quán Thủy Hử.”
Sau một hai phút im lặng, Văn Cao bỗng nói:
“Chỉ tiếc tôi không còn sức khỏe! Để cùng ông trở lại những quán rươu nghèo nàn của Hà Nội.  Mái dột, ta nhìn mưa rơi, nước chảy trên bàn rượu. Trở lại để nhớ một người bạn. Để tìm lại một cái gì sâu xa của quá khứ, một cái gì không nói ra được.”

Thang 2 năm 1995
Ngô Văn Tao

Chú thích: Bài này tôi đã đưa đăng trên tập san Văn Uyển, Trần thị Bông Giấy chủ nhiệm, số mùa thu 1996. Nay sửa chữa một vài nơi, trình lại để có dịp nhắc nhở tới Nguyễn Sáng , đại danh họa sĩ.
Theo những văn nghệ sĩ quen biết Nguyễn Sang lúc sinh thời, thì hai bức sơn mài: Vũ Trụ Đấu Vật thật là hai tác phẩm sau cùng hết của Nguyễn Sáng, như từ hè 1985 Nguyễn Sáng không còn màng tới nghệ thuật gì nữa (vì sức khỏe?). Trong hai bức sơn mài,  bức Đấu Vật, có chữ ký và đề năm 1985, cũng phải là tác phẩm tối hậu của cố họa sĩ Nguyễn Sáng.


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ