Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Necrology: Phạm Công Thiện (1941-3.8.2011)

Quế Anh acrylic on paper 2008


Necrology: Phạm Công Thiện (1941-3.8.2011)

Phạm Công Thiện was a very famous writer in Saigon during the years 1965-1970. His philosophical writings, drenched with poetry, expressed in fact the spirit of his contemporary intellectual fellows. Those were drawned into the war (Vietnam war: 1956-1975), broken by its absurdity, certainty of coming social disintegration and coming inhuman marxist autocracy. PCT would let them to realize it in the ontological background of human beings, in their loss of Eden, in their loss of innocence and in their vain struggle for happiness.


Phạm Công Thiện (1941-2011)

Đã đi rồi đã đi chưa

Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời

Đã đi mất hẳn đi rồi

Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều

PCT


Chính quyền Ngô Đình Diệm mù quáng không tôn trọng nhân quyền, không biết thật vì tự do nhân bản lãnh đạo đấu tranh chống Cộng, dựa trên công giáo và có thái độ phủ nhận bản chất Phật giáo của dân tộc. Phong trào Phật Tử bài Diệm khởi nguồn từ đấy, nhưng với những nhà sư “tự thiêu”, với những “xuống đường” biểu dương tinh thần Phật Tử, trước hết cũng là lời kêu gọi “Hòa Bình”.

Sự thật là vào năm 1963, chính quyền họ Ngô đã tan rã, thời cuộc của Việt nam đi vào “chung cục của Lịch Sử”! Chiến tranh Việt Nam tới thời khốc liệt, “cái sóng thần cách mạng Xã hội chủ nghĩa” chỉ chờ thời đột phá, cuốn chìm xã hội tự do của miền Nam Việt Nam. Những phật tử trở nên hụt hẫng; kêu gọi hòa bình của họ chỉ có thể là những lời gào thét vô vọng. Những bài ca “phản chiến”, ước vọng hòa bình của Trịnh Công Sơn đi vào lòng người, cũng là những lời ca than thở trước “định mệnh”, định mệnh của chiến tranh tàn bạo không lối thoát.


Phạm Công Thiện vào những năm 1960 là phát ngôn viên của những Phật tử, của thanh niên trí thức cùng lứa tuổi, chìm đắm trong sự khắc khoải vô vọng đó. Nếu định mệnh của mỗi người là khổ đau: Sinh Lão Bệnh Tử, là những dục vọng, những thèm khát và những mất mát, theo Phật giáo thì không nên coi đó là định mệnh tùy thuộc vào cuộc sống của mỗi người mà hãy coi đó là “bản thể nhân sinh” (ontologie de l’existence humaine): bể khổ trầm luân của trần gian. Cái “Hố Thẳm” mà trong đó ta phải biết an nhiên cảm thức và tự tại, tìm ra cái “Tĩnh” và sự siêu thoát. Thấm nhuần tư tưởng đó, PCT vạch ra chiến tranh Việt nam của thời ông cũng chỉ là bản chất đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tàn bạo và mộng mơ, giữa gian tà hận thù và lòng nhân, tất cả chỉ là bản chất xã hội nhân sinh của thế giới con người. Đó là hố thẳm nằm trong đó ta không cần ai cứu rỗi, không nỗ lực tự giải thoát, mà trái lại tận chìm đắm trong đó để đạt tới sự trong sáng tâm tư. Một quan điểm đầy Phật tính (PCT đặc biệt trình bày rõ trong bức thư ngỏ gửi Henri Miller – in trong Dialogue ), một quan điểm giúp cho những Phật tử, những thanh niên trí thức không còn phải khắc khoải với muôn ngàn nghi vấn trước chiến tranh, trước thời cuộc: dấn thân hay không dấn thân? hy sinh hay không hy sinh cho một cuộc chiến vô vọng, lý tưởng không đâu?….

Vào những năm 1965-1975 và còn đây về sau nữa, PCT là một nhân vật nổi danh, nhưng theo tôi không phải vì là một thần tượng văn thơ hay tư tưởng mà chính là đã nói lên giùm cho rất nhiều người những tâm tư, những cảm thức có thể nói rất hậu hiện đại (như cho một số không ít văn nghệ sĩ trẻ của xã hội Việt nam bây giờ): khinh mạn mọi lý tưởng, bàng quan nhưng không yếm thế trước thời sự, khoác lên mình áo cà sa của tâm linh trực giác, tự tạo cho mình một tháp ngà của ngôn ngữ hoàn toàn đột phá từ một cái nhìn trắng trợn ngạo nghễ, đối lập mọi hệ thống khô rắn cổ hủ… Theo tôi nghĩ, PCT phải là một hiện tượng để diễn giải theo phân tâm học (psychanalyse) không những để tìm hiểu chính PCT mà để tìm hiểu tâm tư của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ việt nam, ra đời với chiến tranh, trưởng thành hoang mang bất mãn, trong hố thẳm nhân sinh xã hội (theo như chữ của PCT)….


Phạm Công Thiện ngày 8.tháng 3.2011 đã từ giã cõi trần. Như là thắp một nén hương trên bàn thờ và tĩnh tâm tiễn đưa người quá cố, tôi đã làm một việc mà PCT linh thiêng chắc không phủ nhận, tìm trên mạng đọc một phần lớn những văn bản di sản của ông. Dĩ nhiên tôi không tham khảo để tìm hiểu : PCT là ai? Đã ta bà sống sao trong cõi trần? Điều chắc chắn PCT là nhân vật sinh động và thân thiện lôi cuốn quanh bàn rượu với khói thuốc mù mịt (theo kỷ niệm của giáo sư Nguyễn Thanh Vân, một đại học ở Toulouse).

Nguyễn Hưng Quốc, giáo sư văn học thuộc về thế hệ của thanh niên trí thức mà PCT là tiền bối đã từng phát biểu tâm tư, theo tôi đã chính đáng trình bày ta nên đọc và “ biết” [cảm thức] PCT như thế nào:

Phạm Công Thiện là tác giả cũ trước 1975, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc…hiếm khi nào tôi đọc trọn vẹn một tác phẩm…. Mỗi lần cầm sách nào của ông lên…thường tôi chỉ đọc lóc cóc từng đoạn. Như đọc thơ…thói quen đọc sách mà chủ yếu đến từ phong cách viết văn của ông…Cách viết của Phạm Công Thiện không đòi hỏi, thậm chí không khuyến khích người ta đọc trọn…Ông không quan tâm nhiều đến hệ thống và cấu trúc chung của cuốn sách. Rất hiếm, nếu không nói là không có, cuốn sách nào của ông có bố cục thật chặt chẽ. Phần lớn chỉ chặt chẽ phần đầu. Sau đó là những ý rời, những đoạn rời. Là phóng bút. Là viết theo sự đưa đẩy của cảm hứng.

Thật vậy có thể nói, ý niệm chính yếu của PCT là tất cả văn thơ, nghệ thuật, triết lý tư tưởng là phải phát động từ trực giác, chứ không cần gì đến lý tính (NB. Ngược lại, theo Spinoza, bản thể của con người là trực giác và lý tính: intuition and spirit). Trực giác cũng là cảm hứng, nên đưa đến những văn bản, dù trên một đề tài đã định rõ, luôn luôn có những đoạn không liên quan gì đến chủ đề mà chỉ là những ngẫu hứng bất tất của tác giả.


Trong văn bản tương đối công phu : “Đôi chút ý nghĩ bất thường về nhà thơ Nga-Mỹ Joseph Brodsky” PCT 2000, PCT có nhắc đến một câu thơ của Dereck Walcott:” He (J.Brodsky) saw the poetry in forlorn stations under clouds vast as Asia” ( Brodsky – Người đã nhìn thấy thi ca trong những nhà ga hoang vắng dưới những áng mây bao la như Á Đông (PCT dịch)” Câu thơ đó với những hình ảnh: nhà ga hoang vắng, những áng mây bao la như Á Đông, tưởng như sẽ đưa PCT đến những diễn giải cho ta cảm nhận về thi ca của Brodsky. Nhưng không! PCT lại trực giác tới từ “nhìn thấy” (saw) và ngẫu hứng không ngần ngại dài dòng bay bổng chỉ trên từ đó.

Nhân loại vẫn chưa nhìn thấy gì hết. Con người, chỉ đúng nghĩa là con người mỗi khi con người nhìn thấy. Và nhìn thấy luôn luôn vẫn có nghĩa là đã nhìn thấy. Mình chỉ nhìn thấy được, vì mình đã nhìn thấy được. Mỗi lần nhìn thấy là nhìn thấy trọn vẹn. Nhìn thấy đúng nghĩa là nhìn thấy là đã nhìn thấy. Và đã nhìn thấy là nhìn thấy trọn vẹn!!!....”(PCT)

Mở đầu cho một đoạn văn dài đến trăm câu! Tiếp theo bằng một đoạn thơ PCT dịch của J.Brodsky:

Con đường một ngàn dặm thì bắt đầu

bằng bước chân thứ nhất

Tiếc thay con đường trở về quê hương

Không tùy thuộc vào bước chân ấy

Con đường dài hơn gấp mười lần

thiên lý nhất là đếm từ những số không

Một ngàn dặm, hai ngàn dặm

một ngàn dặm có nghĩa là “Mi sẽ

không bao giờ nhìn thấy lại

quê hương mi”…

Đoạn thơ được nhắc lại có lẽ chỉ vì chữ nhìn thấy, để PCT viết tiếp theo ngay:

Nhìn thấy là tinh thể của thi ca.

Nhưng đến đây thì ngẫu nhiên chữ quê hương đập vào cảm thức của ông. Dù theo tôi hiểu, quê hương đây của Brodsky chỉ có thể là “cố quận” của Bùi Giáng, thiên đàng mà chúng ta đã bị đuổi ra, mỗi một bước chân đi là không trở về, là thêm xa vời và mãi mãi “cố quận”. Tuy nghiên PCT lại bay bổng viết:

Nhìn thấy là tinh thể của thi ca. Thi ca bắt đầu bằng sự ly hương và ly hương ngay trong lòng đất quê hương. Bản chất của thi ca là trở về quê hương, nhìn thấy lại quê hương. Chi có kẻ nào đẩy sự ly hương đến cùng tận thì nỗi nhớ quê hương mới thực sự là bước đầu đúng nghĩa để trở về quê hương. Sự trở về quê hương chỉ được thực hiện trọn vẹn khi tất cả cái nhìn thấy thông thường được đảo ngược lại trọn vẹn để cho nhìn thấy được đúng là nhìn thấy toàn diện. Vì thế ngôn ngữ phải được đúng nghĩa là ngôn ngữ. Chỉ có thi sĩ mới trả ngôn ngữ trở về quê hương trong ngôn ngữ của quê hương, vì ngôn ngữ chính là quê hương. Không có quê hương nào khác ngoài ngôn ngữ…

Thật là vô cùng bông lơi. Tuy nhiên cũng là một đoạn văn hay hay, mà tôi dẫn ra không một mảy may ý định gì bắt bẻ:

Phạm Công Thiện là như thế. Lúc nào cũng nồng nhiệt. Lúc nào cũng cực đoan (sa đà ngẫu hứng- nvt). Có người cực đoan (sa đà ngẫu hứng) vì đần. Phạm Công Thiện cực đoan (sa đà ngẫu hứng) vẫn toát lên vẻ thông minh và rất thông thái….Bao trùm lên tất cả, ông cực đoan (sa đà ngẫu hứng) một cách chân thành và duyên dáng. Đọc thấy ông cực đoan (sa đà ngẫu hứng), nhưng không ai nỡ bắt bẻ. Bắt bẻ, tự nhiên có cảm giác là mình tỉnh táo một cách nhỏ nhen. (Câu viết chữ nghiêng là của Nguyễn Hưng Quốc).

Tôi nêu ra những đoạn văn PCT bất thần trên cốt yếu cũng chính là muốn nhắc lại biệt tài văn chương của PCT, và nhấn mạnh một khía cạnh nổi tiếng PCT. Thần đồng luôn luôn vật lộn với một bồ chữ mênh mông, PCT nghĩ tất cả lời lời nói nói, tất cả sự im lặng của tư tưởng, của thi ca có thể cảm thức được chỉ cần chiêm ngưỡng trên một số chữ. PCT đã từng viết:

Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ:”chay, chảy, chày, cháy và chạy”. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước hết phải sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần túy, sạch sẽ, không pha trộn ngoại chất (chay), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hỏa hoạn thiêng liêng thiêu đốt tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (chảy) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả, vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đầu đội trời chân đạp đất, liều lĩnh không sợ hãi (chày), vì sống như thế nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (cháy) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (chạy).

Có thể coi đây là mấy lời tuyên ngôn sắc bén của trường phái văn thơ Việt nam, “Hậu hiện đại” vẫn sinh động hiện nay.


Phạm Công Thiện là nhà thơ, nhà tư tưởng? Đúng có lẽ là đạo sĩ, phát ngôn viên cho một lớp người, cho một trường phái! Muốn “biết” PCT, tôi không khuyên ai tìm đọc “Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học”(1965) hay “Hố thẳm của tư tưởng”(1967) những sáng tác tiêu biểu nhưng quá nặng nề, mà qua những tiểu luận bay bổng, đặc biệt qua những văn bản bàn về Henry Miller, Joseph Brodsky hay Hàn Mặc Tử.

Về Hàn Mặc Tử, theo PCT chính là đại thi hào của “hố thẳm”. Chúng ta phải “biết hố thẳm” trong một ý nghĩa sâu xa, mà Hàn Mặc Tử đã thực nghiệm qua định mệnh tàn khốc của mình. “Tàn khốc ư? Nhưng không có thực, giống như cơn bệnh hủi chỉ là bệnh của mặt trời do mặt trăng lường gạt” (PCT). “Hố thẳm” của Hàn Mặc Tử là hố thẳm của nghệ thuật, của con người sống toàn diện, của những đại thi hào. Chỉ từ “hố thẳm” mới tạo dựng được những “đỉnh cao Im Lặng”, chân những đỉnh cao đó là “hố thẳm xoáy tròn vào cơn bão tố rùng rợn của Thơ và chỉ nhìn thấy Thơ trên trời, Thơ ở dưới đất, Thơ trong tim, Thơ trong óc não, Thơ trong mạch máu, Thơ trong hơi thở, Thơ trong đời sống, Thơ trong cái chết, Thơ trong hiện thể, Thơ trong vô thể, Thơ trong Hư Vô”.(PCT)

Và đây nữa mấy câu bình luận nói lên rõ quan điểm của PCT, thơ là mầm móng của tư duy, hàm chứa sự thật, linh cảm tương lai:

Chỉ có thi sĩ mới sống tận bản thân mình, sống phóng tới đằng trước tất cả những khả tính sắp hiện của dân tộc mình. Vận mệnh của Hàn Mặc Tử đã báo trước vận mệnh của Việt Nam. Thơ của Hàn Mặc Tử đã báo động cái gì rạn vỡ trong không khí quê hương. Khỏng phải chỉ làm thơ với những danh từ và động từ chính trị là mới nói được đường đi của dân tộc, Nhiều khi nói ngược lại hay nói những gì khác, như dùng những tiếng kỳ cục như thượng thanh khí, vỡ lỡ, trăng, châu lệ, đê mê, hoa bắp lay, cứng tợ si, chưa bưa, dại khờ, gánh máu đi trong tuyết, bời bời ruột gan, ớn lạnh vân vân. Nhiều khi ăn nói thê thảm điên dại như Hàn Mặc Tử mà lại trỏ ngón tay đúng trái tim đen của vận mệnh Việt Nam và mở ra hướng đi khác cho “sử linh tư tưởng”. (PCT Paris 1971).

Coi thi ca là tất cả, nhưng PCT không làm thơ nhiều, có lẽ truyền bá in ra duy nhất một tác phẩm, một bài thơ dài: “Ngày sanh của rắn” (Sài Gòn 1966, tu bổ thêm nhiều đoạn ở New York 1988). Không thể nói là một bài thơ có giá trị, dù có mấy câu tuyệt đẹp:

Mười năm qua gió thổi đồi tây

tôi long đong theo bóng chim gầy

một sớm em về ru giấc ngủ

bông trời bay trắng cả rừng cây…..

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã cảm nhận chất thơ để phổ nhạc thành bài hát “Tôi đứng trên đồi mây trổ bông”. Tuy nhiên PCT mang nặng ý thơ; những bài văn của ông luôn luôn có, như trên đã thấy, những đoạn ý thơ mãnh liệt và bộc phát.


Phạm Công Thiện đã từng là giáo sư giảng dạy triết lý Tây phương và Phật học ở Đại Học Vạn Hạnh-Sài Gòn (1964-1970). Về sau vào những năm 1980, PCT rũ áo bỏ gia đình (đã lập ở Toulouse với bốn năm đứa con nhỏ, mà sau đều lớn lên sáng sủa thành đạt) để ngao du làm cư sĩ (pháp danh Thích Nguyên Tánh) giảng dạy Phật Đạo ở nhiều cửa chùa. Trên mạng, chúng ta có thể đọc một hai bài giảng Phật Đạo của PCT. Tôi không có khả năng gì để có ý kiến về những bài giảng đó, tuy rằng tôi có thấy khô khan và bài bản từ chương, nhưng tôi lại tin rằng khi trực tiếp thuyết trình, PCT chắc chắn đã linh động và lôi cuốn, gợi ý trực giác hơn là thuyết trình giáo điều đạo lý.

Một sự đáng ngạc nhiên, PCT là thần đồng với một bồ chữ ngôn ngữ khác nhau Tây phương, nghe nói cả tiếng Phạn, nhưng PCT không để tâm đến Hán học nên không một lần nhắc nhở đến thuyết vô vi của Lão Tử, hay gợi một chiều dầy tư tưởng nào Đông Phương Hoa Hạ. PCT thuyết trình Phật giáo, tư tưởng thấm nhuần cửa Phật, có cả một “Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma. Tổ sư Thiền Tông” (1964), nhưng không thể nói văn thơ PCT có tâm Thiền. Đọc PCT, tôi cảm thấy rộn ràng và không tĩnh; như đây PCT đã từng thổ lộ:

Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đọa đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên phải chịu đọa đầy làm thiên tài.

Bây giờ gần ba mươi tuổi thì tôi lại xuống núi (không lên núi như Zarathustra) để làm nước chảy ồn ào trong những lỗ cống của cuộc đời…

PCT-1970

Đọc PCT, tôi ngẫu nhiên liên tưởng đến họa sĩ Salvador Dali, lừng danh với những bức tranh sơn dầu siêu thực và ẩn dụ của Đạo sĩ. Tôi nghĩ đến những bức tranh Dali vẽ những cái đồng hồ nhày nhụa như bánh nếp dày muốn chảy; tôi chợt biết rằng đã bao lần tôi đã cảm thấy thời gian ngừng đọng như không muốn nhỏ giọt, tâm hồn bạc nhược như muốn quên ngoài phố kia thiên hạ rộn ràng ta bà vui nhộn. Có lẽ chúng ta phải đọc PCT như thế, không có gì để hiểu không có gì để diễn giải mà chỉ tự cảm thấy mình ngố, hung, ngạo, bạo, hồn nhiên, bông lơi, bất cần, trắng trợn…như chúng ta đã từng là một thuở xa xưa tuyệt đẹp, hay chúng ta vẫn còn là thế trong tiềm thức dù trên thân chúng ta đã có một bộ áo quần nghiêm túc và chỉnh tề.

20 tháng 3-2011

Ngô Văn Tao

Chú thích:

Hầu như toàn bộ tác phẩm của Phạm Công Thiện có thể tìm đọc được trong

Tủ sách của www.talawas.org

và trong mục tác giả Phạm Công Thiện của http://www.tienve.org

Bài được trích dẫn của Nguyễn Hưng Quốc:

Đọc lại Phạm Công Thiện http://www.tienve.org

Bức thư ngỏ tiếng Anh, gửi cho Henry Miller của Phạm Công Thiện là

The ontological background of the present war in Vietnam” (an open letter to Henry Miller)

In trong tập sách : Dialogue – Nhà Xuất bản An Tiêm, Saigon năm 1965

Bùi Giáng có đóng góp và viết bài “Avant Propos”, Phi Lộ Mộc Giai có dịch sang Việt ngữ, xin tham khảo:

Lời phi lộ của Bùi Giáng - Mộc Giai trong tủ sách của www.talawas.org

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ