Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Bui Giáng (luận): Gabriel Marcel

Quế Anh – Oil pastel on paper – 7. 2010

Crois-moi, Abel: la connaissance exile à l’infini tout ce qu’elle croit étreindre. Peut-être est-ce le mystère seul qui réunit. Sans le mystère, la vie sera irrespirable.

La reconnaisance du mystère est un acte essentiellement positif de l’esprit, l’acte positif par excellence et en fonction duquel il se peut que toute positivité se définisse rigoureusement.

Toute perte de communication est pour moi-même une perte d’être. La communication ne s’ajoute pas à mon existence propre, elle est une dimension intime comme d’être en situation et comme d’être libre.

(Pour tout le mystère d’Être) Être humain, c’est être “un espoir”.

Gabriel Marcel (tel quel cité par Bui Giang)

Gabriel Marcel - Bùi Giáng

Gabriel Marcel (1889-1973), triết gia người Pháp, soạn kịch và cũng là nhạc sĩ dương cầm sáng tác. Triết học xác nhận qua G.Marcel những ý niệm sau đây.

Lý tính con người có bản chất hướng về siêu thoát (transcendence). Trong đời sống chúng ta có những vấn đề cần tìm giải đáp (le problematique), nhưng mỗi khi ta suy tư, thì luôn luôn đối diện với lẽ huyền vi (từ của Bùi Giáng = le msytère), tức là hoài bão siêu thoát, cảm nhận bằng linh cảm tới một cõi nằm ngoài sự diễn giải của lý tính.

Con người trước hết là tự do. Ta tự do thật sự là khi mọi đối tượng (tha nhân, hiện tượng bất tất) không còn là trở ngại mà là thuộc về vũ trụ hiện sinh của ta, vì ta diễn giải và thông cảm hòa đồng (la fusion d’horizons en Hermeneutique) như chính ta tự diễn giãi và tự nguyện hòa đồng (notre disponibilité).

Sau cùng hết, chúng ta mỗi người là một niềm hy vọng (un espoir). Trong cuộc sống thường ngày, trong tình yêu…chúng ta luôn luôn hy vọng. Hy vọng chứ không phải là tham muốn, dục vọng (được giàu có, được yêu, được làm tình…). Chúng ta hy vọng một cái gì ta không biết, một cái gì thăng hoa, siêu phàm. Dưới khía cạnh này, G.Marcel thật là thần linh triết gia (với lòng tin ở Thượng Đế), nhưng tuyệt đối trọng thị Nghệ Thuật.

Đó chỉ là những lời chân phương giới thiệu G.Marcel.

Bùi Giáng khi bàn tới triết thì là hoàn toàn một cách khác:

“Ta vốn là kẻ chỉ thích mơ màng cỏ lau bên cồn lá…nên phải bàn chuyện triết học lai rai.

Ý riêng ta thích ngủ vùi

Mà trong thiên hạ lắm người ngợm du

Lòng riêng sống với sa mù

Mà trong nhân gian lắm chuột chù đười ươi”

Bùi Giáng

Dưới đây là những lời bàn của Bùi Giáng nói tới G.Marcel, mà tôi đã trích dẫn từ tập triết luận “Tư Tưởng Hiện Đại” (Bùi Giáng, mà từ những khúc nào, những trang nào, những quyển nào lâu rồi tôi đã chót không bận tâm ghi rõ). Những lời bàn bay bổng thi ca, mà những lời chân phương trên của tôi có thể một phần nào giúp bạn đọc bớt nổi trôi vô hướng.

Gabriel Marcel

Cái hiểu biết của trí thức không níu giữ được gì. Tưởng ghì siết được sự việc, thâu tóm được gò đống ngổn ngang, an bài được lá cồn cỏ nội, mà thật ra làm tiêu tán hết hương màu, đuổi xô mật nhụy của hoa trái tản mát hết ra ở bên ngoài khu vườn óng ả tồn sinh, rời rã ra một mảnh hoen ố quần hồng.

Lấy chi mà uống rượu? Lấy chi mà ngâm thơ?.

Một tập thơ sầu sang sảng

Vài nai rượu kếch tì tì

Tất cả đều mất hết.

Cái bất-khả-tri chỉ là giới hạn biên thùy của cái khả nghi, nếu đem biến làm hiện thực thì ta sẽ rơi vào mâu thuẫn. Trái lại sự chấp nhận lẽ huyền vi là một động tác tích cực của tinh thần, thật sự tích cực, tích cực từ trong bản chất, một động tác tích cực đến độ viên mãn phong nhiêu, và có lẽ mọi tính chất tích cực của tồn sinh đều phải xác định một cách nghiêm mật tùy thuộc theo cái động tác tích cực nguyên sơ thăm thẳm ấy.

Từ phen đá biết tuổi vàng

Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ

Sông Tương một dải nông sờ

Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia…

Niềm tương giao thông cảm không phải cái gì ở ngoài tôi và tôi gắn vô cho thân thế mình; thông cảm là một kích thước nội tại, một mạch nguồn hằng hữu giữa xương máu luân lưu, làm nên bản chất của tồn sinh, thực thể của tồn hữu, cũng như sống là dấn thân vào trong từng cảnh huống, là nhìn bốn phía mà chọn lựa từng nhịp bước tới lui, là ý thức mỗi tới lui, là một lần đem tự do ra thử thách….

Phải nhìn nhận rằng (đã từ lâu) tâm hồn mất thích thảng ung dung. Bị chia cắt ra làm hai ba mảnh. Một mặt muốn đưa hai tay ôm cả vũ trụ vào mình, một mặt thấy đời mình là lếu láo, nghe chừng như đời hào hoa cũng là đời bỏ đi.

Chẳng có gì tồn tại lâu bền. Mọi vật mọi đồ, đồ nọ hoang liêu, đồ kia hiu hắt.

Ngày nay đi giữa phố thị hè thành, ngồi lại quán Kim Sơn những chiều thứ bảy, những sáng thứ nhật, nhìn triệu triệu cái nhan sắc tha thướt ở trước hai con mắt của mình, mà cảm thấy lệ dồn mãi lên mi đỏ hoe. Tại sao? Tại ai?

Vì ai đưa đẩy gió đông

Thật lòng khi ở đau lòng khi đi

Rời quán Kim Sơn lảo đảo bước về, cảm thấy lòng rỗng không như mang đủ ngàn sương sa mạc.

Thôi hết rồi còn chi nữa, đâu em…

Đường về nơi đâu không bờ bến đợi

Lộ trình tăm tối xiết bao. Cọ xát mà xa xôi, mười quan san về trong lún phún rêu in; một gang tấc, một buổi chiều chưa đủ, sầu vạn cổ, tồn sinh là thất bại. Đâu bóng hình hứa hẹn của mộng ngàn siêu việt đầu non. Mọi sự xác xơ như lá rừng phong hút gió.

Bóng trắng xa bay anh về chẳng thấy

Cuối chân trời rừng núi mộng trong sương

Giòng sông đục dòng xưa sông sóng giậy

Nghe triền miên nức nở lệ lên đường.

Tư tưởng của ông (Gabriel Marcel) thường được phô diễn theo thể thức trồi sụt của văn chương: những vở kịch, những trang nhật ký, những tập nhận định gom góp nhiều bài diễn thuyết, những trang tiểu luận v.v….tất cả đều bày tỏ cái ý chí đi sát với tồn sinh, lựa theo nhịp tồn sinh cụ thể, hòa theo từng tiết điệu của lớp lớp Xuân Thu Đông Hạ, thăng trằm trong cái vòng di chuyển của thời đại đi nhanh ngó lại quanh quất bốn bề để quay lại giữa linh hồn mình quờ quạng, kiểm lại cái nẻo đường thích hợp cho từng giai đoạn trên lộ trình tư tưởng người lữ hành xao xuyến đặt bàn chân.

Rồi những khi cảm thấy linh hồn thanh thoát và tư tưởng như chìm tan hết trong vòng mộng thơ ngây, thì triết gia chối bỏ cái triết lý triết luân của mình, đến bên dương cầm ngồi xuống gởi mộng vào cung thương.

Bùi Giáng (1926-1998)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ