Lịch sử Anti-art
Quế Anh acrylic on canvas 55x70cm
Abstract
S.Beckett wrote in his letters, while mourning for his mother, while staying by his brother in his dying days, he felt so powerless to confront life contingencies, death and pains. He realized by the same time the futility of his art particularly in surrealist poetry, besides being unable to follow the creative paths of his older friend and talented compatriot James Joyce, to attain any self-content or any relief in the dullness of life. So intense was the perception that he became a guru to let everyone realize the veil of silence and loneliness which covers the world we are living in(die Lebenswelt). He became playwright of anti-art ( non-know-er and non-can-er). His plays in the theatre of the absurd have no action, are speechless albeit some stream of consciousness, blending of mental processes in fictional characters, unpunctuated and disjointed interior monologue. In particular, the famous “Waiting for Godot” is displaying like “a painting that is poor, undisguisedly useless, incapable of any image whatever, a painting whose necessity does not seek to justify itself” (references to his close friend Van Velde’s painting); its sole purpose if any, is to bring about the absurd abyss of human condition. Any happening that could be, is just to make a hole in the veil of loneliness and of silence, an evanescent hole to fall through back again in the abyss. “Waiting for Godot” had a rave success of scandal as it is a statement about either an ontological truth (the abyss of death) or an existentialist condition of human being.
For such an existentialist reality, we could think about Trần Dần, the poet (1926-1997). He was a poet of futurism in 1945-46. During the years 1946-1955, he was a member of the vietnamese communist party, a vietnamese liberation-army fighter against the french imperialism. At the peace in 1955 (the 1954 Geneva cease-fire agreement ), he quit the communist party, was active in the movement reclaiming humanism and freedom for the arts. For that, he was sent in 1956 to a goulag for political re-education. Broken by the hardship of servitude and extremely sick, he had to be sent back in 1960 to his family. Since then, assigned to residence, he lived in complete isolation. For all the years 1965-1989, Tran Dan had a deep perception of his inhuman living-world. He wrote during these years his diaries, a logorrhoea, mental process of a character confined in abyss of silence and loneliness. He was not a fictional character of S.Beckett, but a living one in his own realistic play of the absurd. His diaries, notes-books covered with dust (Sổ Bụi), was written with mini poems, as he called it. The very short poems, anti-poetic in some sense, intemporal and devoid of human presence, are so absurd but they form in fact a chef-d’oeuvre, a mystic chef-d’oeuvre, cetainly one of the most impressive in vietnamese literature
Lịch sử và Phản nghệ thuật
I-Samuel Beckett và Phản-nghệ-thuật (S.Beckett and Anti-art)
Gần đây, “Cambridge University press và American University in Paris” xuất bản những bức thư Samuel Beckett (1906-1989) đã từng viết suốt cuộc đời. Những bức thư sáng tỏ thông diễn giải (Alan Jerkins – The Times literary supplement, có thể đọc trên mạng: http://www.the-tls.co.uk/tls/public/article812332.ece ) nghệ thuật của kịch bản gia S.Beckett.
Trước hết những bức thư cho độc giả nhận ra một S.Beckett khác hẳn hình ảnh tưởng như quen thuộc, con người khổ hạnh bi quan yếm thế, tiệm lời và xa lánh xã hội. S.Beckett chính là con người sống giản dị nghiêm túc với người vợ hiền lặng lẽ Suzanne Déchevaux-Dumesnil (1900 – 1989), với mảnh vườn nhỏ (ở vùng lân cận Paris) mà ông tự trồng những củ hành, những cây hoa, cây trái, nhặt từng ngọn bồ-công-anh (pissenlit) cho khu vườn cỏ thêm mượt mà. Thật là một con người sống với trái tim. Những cảm thương tràn đầy nước mắt trong tang lễ của mẹ. Những lưu luyến xé lòng bên người em trai hấp hối. Nhưng trước hết là những tình bạn thâm trầm sâu đọng. Sự cảm phục chân thành đối với bực tiền bối James Joyce. Những bức thư thổ lộ, thẳng thắn, đượm tình cảm và lòng tin gửi người bạn già Duthuit. Sự tương giao thân hữu với họa sĩ người hà lan (Dutchman)Van Velde, không có một chút gì danh vọng, vợ chết sống cô đơn nghèo khốn vất vưởng ở giữa thành phố hoa lệ Paris, mà S.Beckett trân trọng nhắc nhở : “những bức tranh mới lạ vì phủ nhận mọi tương quan giữa những mảng hình…một sự phủ nhận và phủ nhận cả sự phủ nhận…Đối với tôi, chính cái gran rifiuto đó thật là sáng tạo chứ không phải những công sức sắc với hình mà tạo ra một bức tranh tuyệt vời…”
Những bức thư ít nói về mình nhưng lại nêu rõ S.Beckett cảm nhận sao về phận nhân sinh ( the human condition) giữa giòng trôi chảy của thời gian. Cảm nhận sự bất lực của con người. Bất lực trước những mất mát trong tang tóc, bất lực trước những tàn bạo bất nhân của lịch sử, bất lực trước ước vọng của tình yêu….Khi nước Pháp bị quân đội phát xít quốc xã Đức chiếm đóng (trong chiến tranh thế giới thứ 2), S.Beckett gia nhập tổ dân quân bí mật kháng chiến, tổ kháng chiến bị phản bội, những thành phần hầu hết bị tiêu diệt, S.Beckett chỉ còn tự thấy tan vỡ bất lực trước tàn bạo bất tất của lịch sử, ngày đêm lặn lội chân đất trốn về miền nam Midi nước Pháp….Còn tình yêu! Không phải là tình nghĩa tương giao thân ái (gia đình, bạn bè) mà là tình yêu của đam mê, khát vọng, muôn vàn ôm ấp, tình yêu bắt buộc phải nặng mùi chia ly. Với người tình Pamela Mitchell, người yêu trẻ hơn ông gần hai mươi tuổi chợt xô nhập vào đời mình, S.Beckett viết: “ sự đời sẽ đến và sẽ qua..anh không cỏ đủ sinh lực để xoay vần…Thế nào là hạnh phúc? Anh chỉ biết chìm đắm trong im lặng…Em nên biết rằng anh luôn luôn cầu mong cho em hạnh phúc. Anh cầu mong từng giờ và từng phút, với tất cả sự khắc khoải của trái tim. Rồi đây em sẽ biết vui tươi hạnh phúc và cám ơn anh đã không lôi kéo em vaò hố thẳm của sự đời!”
Cảm nhận bi quan, S.Beckett khẳng định thế giới hiện sinh là bị bao phủ trong màng lưới dầy đặc của im lặng. Im lặng của tang tóc, im lặng của chia ly, im lặng của cô đơn. Dù ta có gào lên tự hỏi, khát khao tìm ra một lối thoát, sự thật là ta đi trong sa mạc, không chờ đợi được cứu rỗi, không vang ra đâu đó một tiếng vọng để an ủi cuộc đời phi lý và tan hoang mất mát. Không có cách gì thấu suốt, không có cách gì tô điểm,”như ta không biết thế nào, thì xin im lặng” ( như L.Wittgenstein đã từng nói`).
S.Beckett là nhà thơ đã có những tác phẩm, đặc biệt nhất là dịch thuật văn học gia có uy tín, dịch những tác phẩm thi ca tiếng pháp ra tiếng anh và ngược lại. Tuy nhiên, với cảm nhận tiêu cực trên, S.Beckett đi dần đến lập trường văn nghệ độc đáo: phản-nghệ-thuật (anti-art). Nghệ thuật cho người khác là triển vọng thăng hoa, tìm ý nghĩa, cái nên thơ, cái đẹp…Đối với S.Beckett, làm nghệ thuật trước hết là cảm nhận ra sự bế tắc và vô công nghiã lý: “chỉ có im lặng mới có thể nói ra điều không nói ra được, ẩn dụ sự gì ở ngoài tầm của mọi nghệ thuật, ở ranh giới tận cùng của lời nói và sự sống”. Lập trường cường điệu tiêu cực, nhưng không nghịch lý, phản ảnh một sự thật, dĩ nhiên không phải là sự thật tuyệt đối và duy nhất, mà cũng là một tư duy bản thể làm người (one of the ontological facts of human being). Hành trình sáng tạo và nhân sinh của Rimbaud, nhà thơ pháp nổi tiếng, chinh là sự liên tục bất thần của im lặng, khẳng định sự thật của thế giới cuồng nộ im lặng, với những mệnh đề có vang lên cũng chỉ là những dấu ấn của sự im lặng (the incoherent continuum as expressed by, say, Rimbaud…the terms of whose statements serve only to delimit the reality of the unsane areas of silence, whose audibilities are no more than punctuation in a statement of silences-S.Beckett dixit). Hơn nữa, bên những tác phẩm của họa sĩ Van Velde, người bạn mà S.Beckett đã nói tới trên, S.Beckett tự hỏi: “Tại sao có hay không có nhỉ? Một bức tranh sơn dầu trống rỗng, không ý nghĩa, không mường tượng một hình ảnh gì, tự nó chỉ vì tự có nó” (a painting that is poor, undisguisedly useless, incapable of any image whatever, a painting whose necessity does not seek to justify itself). Lập trường phản-nghệ-thuật theo chính lời của S.Beckett là lập trường khẳng định vô-kiến-thức, vô-năng-động (a non-know-er,a non-can-er).
Những kịch bản của S.Beckett trình diễn phản-nghệ-thuật. Những nhân vật múa may, lê lết như giữa sa mạc, giữa cõi trống rỗng của sự đời. Những lời nói không liên tục, không ý nghĩa chủ đề, chỉ là những lời hét để xé màn lưới của im lặng, nhưng cũng chỉ là làm ra những lỗ hở để tât cả lại đổ chìm sâu vào hố thẳm của im lặng, im lặng trong cái phận làm người. Không nói gì hết, nhưng là một lập trường thời thượng như cái bồn tiểu tiện của Duchamp, surrealist and dadist, như những bức tranh của Andy Warhol, ông vua của pop art. Đặc biệt vở kịch “En attendant Godot” (Đón chờ Godot) của S.Beckett tiếng tăm vang dội giật gân nghịch lý (a success of scandal). Tuy nhiên sâu xa tôi nghĩ, S.Beckett chính lả một guru; guru tức là tư tưởng gia không nói gì nhiều, nhưng chấn động nói lên một sự thật –không tuyệt đối, không duy nhất nhưng một sự thật tiềm ẩn của bản thể nhân sinh. Tôi nhớ đã hai lần đến dự xem kịch bản “En attendant Godot”, để ra về như bao nhiêu những người khác tự thấy hoàn toàn trống rỗng, nhưng trống rỗng im lặng tiềm ẩn của chính bản thể mình, quên hết những âu lo, những dục vọng, những thèm khát, chỉ còn trong tâm trí sự thanh thản không cùng của vũ trụ.
II- Lịch sử và Trần Dần, thi nhân
“Chúng tôi sống, không còn trên quê hương nữa
Đứng bên nhau không có quyền được nghe lẫn nhau….” (E.Mandelstam)(1891-1938)
Alan Jerkins, trong The Times literary supplement mà tôi nói tới trên, chỉ rõ qua những bức thư, S.Beckett trong dịp về thăm mẹ già ( dịp tang lễ của người mẹ?) đã cảm nhận sâu xa sự hoang tàn mất mát của cuộc sống, sự bất lực trước sự đời, và chính mình bất tài sao không viết văn được như James Joyce, thần tượng của ông, đặc biệt nữa những bài thơ siêu thực (surrealist) của ông đều bế tắc, vượt quá hiện thực càng cảm nhận thấy thêm sự bất khả ly khai cái tầm thường trong cái phận làm người. Tuyệt nhiên như vậy, cùng sự gần gũi thân tình với họa sĩ Van Velde, con người thất thời chìm đắm trong cái trống rỗng của nghệ thuật, S.Beckett ý thức ra lập trường độc đáo: phản nghệ thuật. Với một nghệ thuật trống rỗng, không một chút gì tham vọng, kịch bản S.Beckett là lời khẳng định cuả guru nói lên cái cảm nhận thế giới của phận con người là hố thẳm của im lặng, của những ngày mai vô lý nghĩa…Một cảm nhận thuộc về bản thể nhân sinh, trong những giờ phút sau cùng của thế nhân sinh lão bệnh tử. Nhưng cũng là cảm nhận trong hiện tượng học, người bại trận tự thấy rơi vào hố thẳm không cùng của điêu tàn tối tăm, kẻ tuyệt vọng khi phải trả giá cho tội lỗi, cho nhầm lẫn , cho mất mát, cũng cảm nhận bao nhiêu cái màng lưới tù túng như trăm năm tối tăm không kẽ hở không lối thoát…S.Beckett là guru biết dẫn độ ra một sự thật, sự thật của bản thể nhân sinh, sự thật của hiện sinh chủ nghĩa. Chinh đấy là lý do vì sao kịch S.Beckett trong lập trường độc đáo đó đã vang dội giật gân nghịch lý.
Phản-nghệ-thuật cũng là phản-thi-ca (anti-poetic)! Những nhận định trên đưa tôi tự nhiên luận tới Trần Dần (1926-1997), nhà thơ độc đáo của văn học việt nam. Cuộc đời ông từ năm 1965 tới 1989, là năm tháng ngồi in bóng trên một vách tường, qua những Sổ bụi, mà nhà thơ ghi chú hàng ngày, với những Câu thơ mini, là cả một cuộc đời trong thế giới hiện sinh im lặng và vô cùng cô lập. Trần Dần là diễn viên của một kịch bản “S.Beckett”, nhưng Trần Dần cũng là tác giả của kịch bản hiện thực viết bằng tâm và bằng máu với lịch sử.
Nói đến Trần Dần là nói tới thời kỳ vừa qua của lịch sử. Cái thời bi kịch mà bây giờ người ta gọi là “thời chế độ bao cấp” (mấy chục năm của thế kỷ 20). “Cái thời ngăn sông cấm chợ”, tất cả phải qua mậu dịch của đảng cộng sản, của nhà nước; mỗi người, mỗi gia đình phải có phiếu mua qua mậu dịch từng lạng gạo, từng miếng thịt, từng bó rau…Không ai chết đói, nhưng luôn luôn thấp thỏm ngày mai còn được phát phiếu không, hay đúng hơn được bao cấp những gì, sự bao cấp chi phối qua chỉ thị của tổ đảng. Vấn đề là “tai vách mạch rừng”, bất cứ một ai đó luôn luôn phải biết tự kiểm thảo, tự biết duy trì giác ngộ cách mạng xã hội chủ nghĩa. Một nhầm lẫn tầm thường “phản động nào đó” nếu thốt ra có thể đưa đến cô lập, mất hộ khẩu, mất phiếu gạo….Và như thế, đường phố vắng vẻ không tiếng cười không tiếng hát; có thể có một quán chè nước chui, nhưng chỉ có những bóng người thẫn thờ im lặng trước chén cạn. Một thế giới im lặng. Im lặng tràn đầy, ngay cả trong bữa cơm rau muối của gia đình. Dù có tiếng loa chỉ thị của đảng, vang với tiếng loa những bài hát “diệt phát xít”, những câu thơ của Tố Hữu…
Trực tiếp bi kịch năm 1956 là trí thức tân tiến, gồm nhiều thanh niên xung phong của bộ đội kháng chiến chống thực dân Pháp; những trí thức tràn đầy nhiệt tâm, với chiến thắng rầm rộ Điện Biên, với cuộc đổi mới của xã hội chủ nghĩa Liên Xô, với phong tràoTrăm Hoa Đua Nở của Trung quốc, với hiệp ước thỏa thuận hòa binh Genève với đế quốc Pháp-Mỹ, đã tưởng có thể cầm đuốc phá tan đen tối, làm văn nghệ với tâm tư, tự do tư tưởng nhân bản…Vận động của hai tờ báo, báo Nhân Văn và báo Giai Phẩm! Chỉ được phát hành ra ba bốn số trong năm 1956, hai tờ báo đã bị đình chỉ; ban tuyên huấn của đảng lùng bắt, cô lập, ngược đãi bất cứ ai, những trí thức, văn nghệ sĩ xa gần dính líu với cuộc vận động Nhân Văn và Giai Phẩm. Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Trần Dần bị giải vào trại lao động cải tạo. Trần Đức Thảo, triết gia, bị rêu rao chỉ trích, cô lập đến nỗi loạn tinh thần. Tuân Nguyễn chỉ một sớm giữa cơ quan của đài phát thanh Việt Nam, mà Tuân Nguyễn là ủy viên phụ trách thơ văn, bị còng tay bắt đi 10 năm khổ sai lao động với bản án không văn kiện “phản cách mạng”, khi được thả về thủ đô, không hộ khẩu, không phiếu gạo, phải làm phu khiêng thùng phân để tồn tại…
Thế giới nhân sinh, xã hội trầm lặng lại càng sâu thêm trầm lặng và đen tối. Từ hố thẳm bao giờ cũng có sự trỗi dậy – như Phạm Công Thiện có thể nghĩ. Trong lòng đất đen có hạt kim cương, hạt kim cương trên cổ người đàn bà đài các huyền thoại, lấp lánh trong ánh nến mong manh. Từ cái thời bi kịch trên, phải dư lại một cái gì quý báu, mầm móng tâm tư sáng tạo, một tia sáng chiếu tỏa cho văn học việt nam thêm sâu lắng. Hiển nhiên là những tác phẩm hội họa (hội họa là nghệ thuật của tĩnh lặng!). Tác phẩm của Bùi Xuân Phái, của Nguyễn Tư Nghiêm, của Nguyễn Sáng. Những tranh phố cổ không người “Phố Phái”. Những bức tranh mười hai con giáp, đám trẻ em hồn nhiên, ba người đàn bà an nhiên tự tại ở ngoài vòng thế tục…..những bức tranh của Nguyễn Tư Nghiêm. Những bức tranh sơn dầu của Nguyễn Sáng, nét vẽ, màu sắc, bố cục nghệ thuật vị nghệ thuật. Tất cả tiềm ẩn im lặng phản kháng, phản kháng mọi giáo điều nghệ thuật, phủ nhận tiếng loa kêu, nhịp bước chân vịt của tập thể con chiên, sơn màu sắc tranh thợ vẽ, văn chương “vẽ bánh” lạc quan hiện thực. Những bức tranh của ba họa sĩ nhắc nhở sự cô đọng nhân bản vượt thời gian, vượt trầm cảm bất tất của lịch sử.
Tôi luôn nghĩ văn nghệ việt nam toàn khối hiện đại, vẫn lạc lõng trong những giáo điều lỗi thời, oan khiên và hận thù nghịch lý của lịch sử, nên hời hợt không biết thu nhận cho suy tư sáng tạo, những tia sáng đến từ thời bi kịch đó. Nhất là, giờ đây với những gì ta biết thêm về Trần Dần cùng Sổ Bụi (1965-1989) (-1), tôi lại càng thêm ngậm ngùi vì Trần Dần thật là một hiện tượng trang trọng của cái thời đen tối đó, quý giá có lẽ bực nhất của văn học, nhưng chỉ sợ cũng sẽ bị bỏ lỡ, không biết rồi đây có những ai cùng nhau tiếp thu và diễn giải.
Giá trị văn học quý giá độc đáo là hành trình văn nghệ và phản-thi-ca của cả một đời. Năm 1945, mười chín tuổi, Trần Dần là nhà thơ Dạ Đài của tương lai chủ nghĩa (futurisme). Những năm 1946-55, chín năm trời là đảng viên cộng sản, bộ đội dân quân kháng chiến chống thực dân pháp, dấn thân viết văn làm thơ cho cuộc đấu tranh. Năm 1956, với tất cả sự nồng nhiệt của tâm trí tin tưởng ở nghệ thuật đóng góp cho xã hội trong cái vinh quang chiến thắng Điện Biên của dân tộc, Trần Dần là nhà thơ leo thang (lãng mạn cuồng nhiệt Mayakovsky), đòi quyền chân thành tự do sáng tác để làm trọn sứ mệnh xã hội và sứ mệnh làm người của nghệ sĩ. Trần Dần khát khao thoát ly mọi ý thức hệ, cái rập khuôn văn nghệ xếp đặt tuyên truyền hiện thực lạc quan chủ nghĩa…Ngay trong năm 1956, Trần Dần đã bị bắt, bị đầy vào trại lao động cải tạo. Không chịu nổi đập đá gánh vác khổ sai, không chịu nổi cái rét của Cao Nguyên rừng sâu núi lạnh, không chịu nổi những bát cơm thiếu dinh dưỡng, Trân Dần ốm nặng, năm 1960 được tha về. Được tha về với vợ con ở phố Sinh Từ-Hà Nội, nhưng thật bị giam lỏng và cô lập, sống ngoài lề xã hội, vô dụng nhưng tồn tại bằng những phiếu gạo và nhờ người vợ ra công lao động…Trong những năm 1960-65, nhà thơ có manh nha thỏa hiệp với sự đời, viết quyển tiểu thuyết: Những ngã tư và những cột đèn, dù không đủ thành công để đe dọa văn nghệ “vẽ bánh”, dù đâu có nói hêt thật tâm tư của nhà thơ cấp tiến, quyển truyện vẫn bị kiểm duyệt công an tịch thu. Từ năm 1965, Trần Dần tuyệt đối ý thức và chấp nhận tiêu cực cái thân phận làm người vô dụng, bất lực trước cuộc đời, cuộc đời sống trong thế giới phi nhân đạo, trong nhà tù của cô đơn và im lặng. Nhà thơ trở nên diễn viên của một vở kịch S.Beckett; nhưng với những Sổ bụi phản-thi-ca, chính Trần Dần viết ra vở kịch đó, một vở kịch hiện thực viết bằng tim và bằng máu.
Thật với những sổ bụi Trần Dần viết qua ngày tháng trong những năm 1965-1989 (có lẽ vì bạo bệnh, sau 1989 Trần Dần không để lại gì nữa), một đạo diễn tương lai có thể tạo dựng một vở kịch vĩ đại trong cái lập trường phi-nghệ-thuật S.Beckett. Chính riêng tôi nghĩ tới màn kịch mở đầu, theo trang đầu của một quyển sổ bụi, Sổ Thơ (1976).
Màn kịch MỘT
“Dàn cảnh vô hại, vô thưởng vô phạt, như mọi ngày vô vị vô mùi”
Ba nhân vật bàn chuyện,
BÀNG : Có khi cần một travail symbolique?
ỔI : Không, không, mọi thiết định! Không?
CÁT ; Làm quái gì, travail théorique?
BÀNG: Ừ, làm quái gì?
Rồi im lặng, rồi lại nói như thế bao nhiêu lần. Mỗi lần nói lại, là có một người cố nốc chai rượu quốc lủi rỗng./.
Màn kịch mở đầu tiệm lời, đủ vô lý nghĩa với những cử chỉ không đâu mà cứ lập đi lập lại, đưa ngay khán giả vào thế giới hiện sinh tù túng, cô đơn, tận cùng vô minh vô lý, trong màn lưới mênh mông của im lặng. Cái thế giới mà một ai đọc những sổ bụi của Trần Dần phải cảm nhận thấy! Cái thế giới đường cùng trong cái phận làm người, trước cái chết, phản kháng bất lực trước chiến tranh, trước tội ác độc tài, trước phi nhân nghĩa của côn đồ tướng cướp. Con người chỉ biết hét lên, như hét với ông trời, những tiếng hét để xé màn lưới vô đạo, nhưng chỉ gây ra một lỗ hở cho chình mình cảm thức đang rơi qua lỗ hở vào tận cùng của hố thẳm. Những câu thơ mini là những tiếng hét của Trần Dần. Những câu thơ phản-thi-ca! Những câu trống rỗng không tình cảm, thổ lộ làm gì tình cảm với vợ con, với người thân những câu vô dụng khi chính ta bất lực trước sự đời, nếu nói ra chỉ có thể bằng nước mắt của thế nhân. Những câu trống rỗng không thời gian, quá khứ tương lai không có trong thế giới ngõ cụt của cuộc đời. Những câu trống rỗng, khi trong thế giới đó ta sống như đã chết rồi:
Sống? Eo ơi sống?
Xưa nay. Từ sống mấy ai trở về.
Những câu phản-thi-ca, nhưng có chất thơ, không phải cách tân, không phải với ý đồ….Chất thơ gì? Đó là điều tôi nghĩ nên chỉ liệu chờ đợi ở độc giả mỗi người nên tự mở rộng tâm trí để cảm nhận, dẫu dù Trần Dần có viết:
Tôi như có lời hứa chưa xong.
Có lời nguyền chưa trọn.
Có câu thề còn trăn trở nơi tim.
Thơ là trò rồ của những kẻ như tôi.
khẳng định sự vô vọng của thi ca để cứu rỗi cái khốn cùng bản thể nhân sinh trong cái phận làm người. Những quyển sổ bụi, mà tôi thật cầu mong tôi và tất cả chúng ta có toàn bộ phát hành đến tận tay, vì chắc chắn trong cái tiêu cực tuyệt đối chỉ nói tới cái đường cùng của tác giả, tuyệt đối đến nỗi chính lại là tác phẩm phi phàm vang một âm hưởng huyền vi trong tâm trí của độc giả. Một của báu trong văn học việt nam.
Riêng tôi, chắc sẽ nhiều lần, nếu có dịp may mà tôi ước mong, theo dõi vở kịch tuyệt vời đó của Trần Dần, nghe những câu thơ mini rót từng chữ vào tai. Tôi sẽ ra về trống rỗng, nhưng như vở kịch là hiện thực viết bằng tim và bằng máu, tôi lưu giữ một hình ảnh. Cái cột đèn với góc đường, không có phố không có nhà, chỉ mưa sa và một người, chỉ một người thôi, đứng chờ xe đò, mãi rồi cũng phải tới mang người đó đi về chốn không đâu. Và có lẽ đêm về nghĩ lại, tôi sẽ tưởng như nhìn qua chấn xong sắt, chấn xong làm tôi không thấy chân trời, chỉ thấy tù túng không rừng sâu núi lớn, một con hổ trầm lặng tự liếm những vết thương an nhiên chờ đợi thần chết. Một con vật kiêu hùng!
Tháng 12 năm 2011
Ngô Văn Tao
1) Đau lòng sổ bụi, những bức thư không gửi - Trần Trọng Vũ
http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/TranDan/DauLongSoBuiTTVu.htm
Trên mạng có thể tham khảo nhiều về sổ bụi và thơ Mini của Trần Dần. Nhưng tôi mới đọc được gần đây bài này của Trần Trọng Vũ, con trai của Trần Dần, và mới thật hình dung được gia tài đồ sộ Những Sổ Bụi (1965-1989) mà nhà thơ đã để lại.
Chinh nhờ đọc Trần Trọng Vũ và nhờ Alan Jerkins diễn giải lịch trình phản-nghệ-thuật của S.Beckett, tôi mạn nghĩ đã thông diễn giải chính đáng, nhận định lập trường phản-thi-ca của Trần Dần.
Tuy nhiên, tôi mong muốn những ngày gần đây Trần Trọng Vũ sẽ phát hành toàn bộ Những Sổ Bụi, để văn học việt nam duy trì một kho tàng và chúng ta tất cả có thể có những nhận định khác hay sâu xa hơn về nhà thơ lớn Trần Dần.
Xin tham khảo thêm trên:
http://www.gio-o.com/ngovantao.html
2) Cao Tôn: Trần Dần thi sĩ (1926-1997)
3) Ngô Văn Tao : Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ