ngovantao

Ảnh của Tôi
Tên:

my writings with the illustrations - painting by the little girl-artist Ngô Quế Anh, six years old (her birthday:21.9.2002) Với những bức ký họa của Ngô Quế Anh, họa sĩ nhí, sáu tuổi (sinh ngay 21-9-2002)

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Riêng tư một con hạc - By myself

Quế Anh (oil pastel on paper) Riêng tư một con hạc – By myself

J’ai publié sept livres de poésie au Vietnam. Mais je n’ai pas pu en avoir un service de diffusion quelconque, c’est peut-être la raison pourquoi, je n’en ai reçu écho de nulle part. Ce qui me console cependant, c’est que par la poésie, j’ai acquis l’amitié de deux grands artistes Bui Giang et Trinh Công Sơn; et pour mon recueil de poésie française “Papyrus”, j’ai eu ce commentaire de Yves Bonnefoy, poète professeur de la chaire Valéry de poésie au Collège de France-Paris: “Il témoigne si bien de la permanence de la poésie”.

Depuis un an, j’ai ouvert mon blog: http://ngovantao.blogspot.com . Dans ce blog, je présente les oil-pastels et les peintures en acrylic de Ngo Que Anh, ma fille qui est née le 21 Septembre 2002, espérant que son talent inné pourrait un jour attirer l’attention éclairée de quelque expert. De mon côté, j’y publie mes anciens poèmes. En les relisant, et dans la traînée de la philosophie moderne “Herméneutique” de Heidegger et Gadamer, je revis avec un esprit éveillé mes passions passées et les sentiments intimes qui faisaient la trame cachée de mes poèmes; je les revis de fait avec un nouvel émerveillement qui serait même plus dégagé et plus pur, étant donné le recul dans le temps. Pour cela, j’étais entraîné à les re-créer, et de façon très simple, les re-écrire dans une autre langue (i.e. si ils étaient en Vietnamien, c’en serait en quelque sorte des traductions en français et en anglais,… et inversement). De cette façon sans le savoir, dépassant la barrière des langues vivantes, je témoigne peut-être de l’existence d’une langue universelle de la poésie; cette langue nous aiderait à surmonter notre “exil”, nous qui sommes tous en exil dans notre propre pays, qui est en changement effréné grâce à la science et à la technologie, nous qui sommes aussi exilés parce que nous sommes chassés de notre village par le cours de l’histoire ou par la nécessité de trouver d’autres possibilités d’existence. Et je crois que c’est là, la raison profonde qui aurait permis à mon blog d’avoir des centaines de lecteurs réguliers, surtout des vietnamiens, mes compatriotes “en exil chez eux ou en exil quelque part sur les cinq continents”.

Avec ce blog, j’ai eu de nouveaux amis qui me posent différentes questions. Mais je me souviens aussi de longues conversations passées avec d’ anciens amis, déjà perdus dans le temps, sur la question de l’art, de la poésie et de la vie. Maintenant que je suis dans le crépuscule de la vie, je me suis dit que je dois bien présenter des réponses réfléchies qui pourraient éclairer eux et moi-même sur l’acheminement de ma vie. Le texte vietnamien, qui suit en bas, est le contenu de mes réponses à des questions qui continuent à me faire réfléchir; il contient cependant en filigrane une critique sévère de l’ambiance artistique et littéraire actuelle au Vietnam.

Mai 2010 – Ngô Văn Tao

Tôi đã xuất bản bảy tập thơ ở Việt nam, nhưng không đuợc có một cơ sở phát hành truyền bá, nên có lẽ vì vậy tôi hầu như không tiếp nhận được một lời vang vọng. Nhưng với thi ca, tôi đã trở nên bạn của Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn; tập thơ “Papyrus” tiếng pháp của tôi, Yves Bonnefoy, thi sĩ giáo sư “ghế Thi Ca Valéry” ở Collège de France-Paris, đã chia sẽ cùng tôi nhận định: “Đúng là chứng thực trường tồn của thi ca!” (Il témoigne si bien de la permanence de la poésie!)

Thấm thoát đã một năm rồi từ khi tôi lập mạng: http://ngovantao.blogspot.com . Tôi trình trên mạng những bức sáp màu trên giấy, những bức tranh acrylic trên bố của Ngô Quế Anh, con gái của tôi sinh ngày 21.9.2002, mong rằng ngày nào đó một thức giả nhận định giùm sự đóng góp nghệ thuật vô tư và hồn nhiên của cô họa sĩ nhí. Về phần tôi, tôi đăng lên những bài thơ xưa của tôi để lợi dụng kỹ nghệ điện tín mà đưa đến quần chúng. Đăng lên tức là tự mình đọc lại; mà đọc lại theo minh triết hiện đại “thông diễn học” của Heidegger và Gadamer (xin tham khảo: www.gio-o.com/ngovantao.html ), là sống lại những tình ý xưa, những đắm đuối nọ trong cái ẩn dụ của bài thơ, nhưng tất nhiên với sự ngỡ ngàng thâm trầm và thanh thoát hơn trong buớc lùi của thời gian; nói một cách khác là sáng tạo lại, mà điều dễ dàng là phỏng dịch lại những bài thơ trong ngôn ngữ khác. Nên trên blog của tôi, phần đông những bài thơ là đều được trình lên trong ba ngôn ngữ khác: Việt nam, Pháp ngữ và Anh ngữ, dĩ nhiên với những tiểu tiết khác nhau, nhưng hỗ trợ trong chung một thâm ý thơ. Và như thế, vô tư tôi đã vượt qua bức tường ngăn cách ngôn ngữ, để tìm nói ra bằng “một ngôn ngữ Thơ không biên giới”, một phần nào làm dịu nỗi “lưu vong” của chính tôi. Mà thật chúng ta tất cả đều là kẻ lưu vong, lưu vong trong con phố của mình, một sớm mai đã biến mất để lại một công trường hay một siêu thị, chúng ta cũng có thể lưu vong vì bị đuổi ra khỏi quê nhà hay phải lưu lạc di cư để lập nghiệp. Có lẽ chính vì lý do đó, mà tôi có mấy trăm độc giả theo rõi blog của tôi, “những đồng bào” cùng chung một phận lưu vong trên quê hương xứ mình hay lạc lõng một nơi nào đó trên năm châu.

Tôi nay có độc giả muốn phỏng vấn và hỏi tôi mấy điều. Tôi cũng nhớ những câu hỏi của những tọa đàm “trà dư tửu hậu” cùng những người bạn nay đã khuất; chúng tôi bàn về thi ca, nghệ thuật, đời và xã hội. Đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, tôi thấy phải suy tư chín chắn trả lời, cũng để tự sáng tỏ một phần nào lịch trình của tôi trong cõi nhân sinh, Dưới đây là ghi chép lại những câu trả lời đó, tôi tự trả lời mình hay trả lời những câu hỏi mà ai đó đã đặt ra nhưng vẫn luôn luôn vẩn vơ trong tâm trí tôi. Bài này bao hàm một vài phê phán khắt khe đối với khung cảnh văn nghệ eo hẹp đường rày và cấm kỵ của xã hội việt nam hiện đại.

Tháng 5 . 2010

Nói chuyện với Ngô Văn Tao

Hỏi:

Người ta nói sống nghèo vui hơn là có của. Người hùng thất thời đẹp hơn những kẻ mang đầy huân chương. Nghĩ tới chết sâu xa hơn là bận sống. Nghệ sĩ có tài không ai nói tới đi xa hơn những kẻ được người đời ca ngợi.

NVT:

Cái ý cuối cùng là dễ hiểu nhất. Nghệ sĩ có tài, mà không ai nói tới, tức là nghệ sĩ kiên trì trên con đường nghệ thuật của mình, không màng tới vinh hoa, tới hư danh phù phiếm; nghệ sĩ thời thượng thường chìm đắm trong cái nông cạn bình dân túy.

Ngoài ra thế nào là danh vọng cho nghệ sĩ? Có bao nhiêu kẻ nổi danh cả một thời, mà không bao lâu sau không còn được một ai nghĩ tới. Chỉ nói đến giải Nobel văn học! Cứ mỗi năm là có một người được giải! Nhưng tổng kết những giải Nobel đó, hỏi được mấy ai mà hôm nay đây, chúng ta nghĩ ra là đã mang đến cho nhân loại một cái gì. Tệ hơn nữa, có quá nhiều giải Nobel không xứng đáng dù chỉ nhìn lại ngay trong sự đáp ứng tức thời, giải mã một hai suy tư cập nhật của con người.

Tác phẩm nghệ thuật, nói như Hegel, là một khái niệm mà xã hội, trong cái hữu hạn của bản thân, chỉ có thể có những quy định – đánh giá – hữu hạn; nói một cách khác, chúng ta, mỗi người hay đại quần chúng, chỉ có thể xác đinh về một tác phẩm nghệ thuật, đồng thời đánh giá nghệ sĩ, một cách hoàn toàn tương đối, chủ quan và thường là phiến diện. Chính cái bất khả toàn trong sự quy chiếu tác phẩm nghệ thuật lại là sự nhiệm mầu, vì nghệ thuật phải là đời trong cái phù du, hữu hạn tuyệt vời của phận người.

Hỏi:

Nói vậy! Chắc anh cũng biết tôi muốn hỏi gì. Anh là Ngô Văn tao, đã xuất bản tám quyển thơ, anh đã viết nhiều tiểu luận, phê bình văn học đăng rải rác mấy chục năm qua trên nhiều báo Việt Nam hải ngoại, và trên các mạng. Anh đã viết bốn vở kịch ngắn, đăng trên www.gio-o.com, mà tôi rất thưởng thức. Tuy nhiên, không một ai mệnh danh là phê bình gia văn học trong và ngoài nước, bàn luận khen hay chê về anh. Tôi thật phải tự hỏi chính anh nghĩ gì; buồn hay uất ức không?

NVT:

Sự thật là có một sự thiếu sót vừa phản ảnh vừa là nhân tố sự nghèo nàn của đời sống văn nghệ Việt nam nói chung hiện tại. Đó là chúng ta không có một nền tảng chính đáng gọi là phê bình văn nghệ. Chúng ta chỉ có những nhà phê bình nghiệp dư . Ở hải ngoại, thì cũng dể hiểu thôi, có quá nhiều lý lẽ mà chúng ta không cần kể, đời sống không cho phép duy trì hay hiện thành những phê bình gia văn nghệ có chiều sâu, có tâm huyết, có điều kiện chuyên nghề. Ở trong nước, thì anh dĩ nhiên cũng biết rồi, với cái lập trường chính thống ý thức hệ Marxít-Lêninít không cho phát triển một nền văn học nhân bản chính đáng, thì làm sao chúng ta có chuyện phê bình văn nghệ.

Phê bình văn nghệ nghiệp dư thường chỉ là những chuyện tức thời, không có chiều sâu, không có ý chí đủ để nói cho ra ngay cả những cảm nhận của chính mình; nên hiện tại chúng ta thường chỉ đọc trên báo chí văn nghệ việt nam những bài phê bình lý luận ngắn, không đủ lý để đưa ra một lập trường thẳng thắn có ý nghĩa mà hầu như chỉ là những bài thể loại tình bằng thân hữu…

Điều đáng buồn là sự thiếu sót trên tai hại cho sự đào tạo những nghệ sĩ mai sau của dân tộc. Nếu tôi không nhầm, trong trường mỹ thuật không có ai giảng dạy về sự nghiệp lớn lao của họa sĩ Bùi Xuân Phái, của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm…Riêng về phần tôi, có điều sau đây làm tôi bận lòng.

Trước hết tôi nghĩ, văn học Việt nam cần phải duy trì trong mọi tầng lớp sinh viên một hệ thống tối thiểu hán việt học; không cần đòi hỏi ai cũng phải biết đọc chữ vuông hán tự; mà chỉ cần biết tra tự điển Hán Việt, đọc hiểu mấy bài Đường Thi hay mấy câu Luận Ngữ (phiên âm ra quốc ngữ). Cốt yếu là phải biết một phần lớn ngôn từ của chúng ta là hán việt, nhất là rồi đây ngôn ngữ Việt nam phải sát nhập qua chữ vuông hán tự rất nhiều ngôn từ của văn học Trung Hoa, Nhật Bản, và Hàn quốc, những quốc gia chia cùng ta cái nguồn gốc văn minh hoa hạ ( Khổng, Lão, Thiền…). Trong cái ý đó, hai tập “Hán Tự Hài Cú” của tôi có thể đóng góp một phần không nhỏ cho sự truyền bá Hán Việt, nhất là giúp phá cái thành kiến càng ngày càng ăn sâu là hán việt, trong thi ca, trong tư tưởng là cổ hủ, lỗi thời và sáo mòn. Tuy nhiên, dù có hơn trăm bài hán tự hài cú, do Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn phóng tác lại thành những câu thơ lục bát nêu ra được cái chiều sâu và cái khía cạnh kín đáo của tâm hồn việt nam, hai tập “Hán tự hài cú” của tôi không được một lời giới thiệu trong giới phê bình văn học Việt Nam để phổ biến đến quần chúng.

Dĩ nhiên đấy là một chuyện làm tôi bận lòng. Nhưng tôi không buồn nản, xin được nhắc lại rằng Thượng Tọa Huyền Không ( cố chủ tịch Hội Phật Giáo Việt Nam ở Los Angelos Ca. usa) đã viết trên tờ báo của giáo hội:

(Trên chuyến bay từ Montréal về Los Angelos) “Cầm tập thơ Hán Tự Hài Cú của giáo sư Ngô Văn Tao, trên tay đọc đi đọc lại quên cả dường dài. Người Việt đi học ở Nhật chưa thấy ai làm thơ hài cú, trong khi người không học Nhật lại làm thơ Nhật. Thật ra ngôn ngữ Thơ làm gì có biên giới, hồn thơ không giới hạn bởi địa vực. Đó là tiếng nói đồng cảm của nhân loại. Trong tập, có những câu thơ thật là thơ, với người dịch tài hoa là Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn:

Bên trời hạc lẻ loi bay

Thiên thu hận ấy mờ phai cõi người

Cánh vàng nặng ánh trăng soi (tcs)

Người dịch cũng như người viết mang những tâm hồn thiên cổ.”

Huyền Không, giữa thu 1994 - báo Phật Giáo Việt Nam 1994. Los Angelos-Cal.USA

Hỏi:

Sự thật là không có giáo sư Ngô Văn Tao, mà chỉ có giáo sư tiến sĩ đại học toán Ngô Văn Quế! Anh bản thân là toán gia – có sự nghiệp không tầm thường, từng giảng dạy ở đại học Paris, Stanford, UC Berkeley…, nhóm Bourbaki của trường toán học Pháp đã có lần làm một séminaire về một định đề của anh. Tôi tò mò tự hỏi về hành trình tư tưởng của anh từ toán học sang đến văn học…

NVT:

Trong khoa học, đặc biệt trong toán học, có rất nhiều chuyên gia mang một tâm hồn lãng mạn nghệ sĩ. Theo sự hiểu biết của tôi, lý tính nhân bản có ba cột trụ: Triết lý, Khoa học và Nghệ thuật. Đó là ba đỉnh của một hình tam giác ba cạnh, có thể hội tụ thành một điểm trong lý tính của một người. Nhưng đó là sự hy hữu, nhưng tỷ như một khoa học gia - với cái nghĩa giản dị là con người lý luận, tìm hiểu thiên nhiên thực tế, toán học cũng thuộc về phạm trù thực tế - có thể di động từ đỉnh khoa học mà sang đến nghệ thuật (có rất nhiều toán gia, tôi biết là nhạc sĩ dương cầm có hạng) hay đi qua triết lý để tới nghệ thuật.

Riêng tôi, tôi không phủ nhận là đã có sẵn cái khiếu toán học; cái khiếu đó đã cho phép tận tụy hơn mười năm học hỏi tìm tòi khảo cứu để có thành tựu làm một chuyên gia có chức phận, có điều kiện cho cuộc sống vật chất không thiếu thốn. Nhưng tôi thật từ sơ khai đã có những khắc khoải hình nhi thượng. Cái khắc khoải của thiền gia tìm đến Phật, của con chiên tìm đến chúa ; cái khắc khoải của tôi là cảm nhận quá nỗi sự bất khả giải định của phận người, sống và chết, tang thương và mất mát, tội lỗi và đắm đuối của thể xác, cái bất toàn của xã hội con người…

Lịch sử có chuyện điển hình là thiên tài khoa học và toán học Blaise Pascal, cha đẻ của ngôn ngữ tín học điện tử, đã khắc khoải hình nhi thượng tìm Chúa, và như thế qua triết lý trở nên văn học gia đại tài viết ra tác phẩm lừng danh : “Les Pensées de Pascal” (Những ý nghĩ của Pascal).

Còn tôi dĩ nhiên là nhỏ bé và khiêm tốn; với những khát khao vô lý, những dục vọng không cùng tình yêu và của thể xác, say mê sống một cách quá độ, tôi đã biết tự thu nhìn lại đời mình thâm trầm suy tư triết lý, và như thế tìm được sự an bình giải thoát, tự nhận và tự tha thứ chính mình dù có bao nhiêu sai lầm tội lỗi, những phản bội trong cuộc sống cuồng nhiệt của tuổi tráng niên, nhìn lại linh động sáng tác văn nghệ những giây phút “quá đời” của chính mình. Kết luận có thể nói khi đã trên 40 tuổi, tôi chỉ còn biết tôi với những suy tư của một thi sĩ của một nhà văn…

Hỏi:

Liền đây, tôi mạn phép đưa ra một câu hỏi cổ hủ và lỗi thời; tôi có thể nghĩ trước anh trả lời sao, nhưng tôi vẫn muốn nghe những lý lẽ của riêng anh. Câu hỏi là anh nghĩ gì về vấn đề : “nghệ thuật vị nhân sinh” hay “nghệ thuật vị nghệ thuật”?

NVT:

Nghệ sĩ làm nghệ thuật cốt là vì mình tự mình. Phạm Thái đã viết bài “Văn tế Quỳnh Như”, trong cái thời gia giáo đạo đức khắt khe chỉ có thể là kín đáo thầm khóc cho chính mình sự tang thương mất mát và sự đau khổ tội lỗi; nhưng có biết đâu là đó là áng văn chương mở đầu nền văn nghệ lãng mạn của dân tộc việt nam chúng ta. Cùng thời với Phạm Thái và Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đã làm thơ dí dỏm và trào phúng cốt để tự riễu cợt, tự an ủi, tự chân phương thổ lộ, có biết đâu là đã để lại cả một gia tài văn học, có giá trị đóng góp cho sự tranh đấu “quyền phụ nữ” (quyền yêu đương, quyền làm tình, quyền suy nghĩ…) trong xã hội cổ hủ phong kiến.

Nhưng cao siêu nhất có lẽ là những bản nhạc giao hưởng cuả Mozart, những bức tranh trừu tượng cuả Picasso… Nhạc Mozart thì thanh thoát vô tư tươi trẻ như thiên nhiên rộn ràng trong mùa xuân; tranh của Picasso, trừu tượng lập thể (cubiste) nhưng hồn nhiên trong cái nhìn sự vật như chợt bừng tỉnh và thấy người yêu hiển hiện lóe sáng muôn hình đa dạng trong một ngày nắng chói êm dịu. Sự thanh thoát vô tư, sự hồn nhiên tươi trẻ là đỉnh cao mà nghệ sĩ thường ước vọng như muốn tìm lại sự rung động trí giác hồn nhiên của thời thơ ấu, tìm ra cái an nhiên tĩnh lặng của thiền sư đắc đạo. Cái đỉnh cao tuyệt vời của nghệ thuật, mà đại quần chúng cũng biết cảm nhận, như đã tôn vinh và không ngừng thông diễn giải nhạc của Mozart, tranh của Picasso.

Mà thế nào là vị nhân sinh”? Nếu là để giúp người đời có ăn có mặc, có tiện nghi, có phương tiện cải thiện cuộc sống, thì “khoa học và kỹ thuật” đã vô cùng cống hiến. Triết lý từng mang đến cho xã hội, cho nhân loại căn cơ đạo đức, lý thuyết pháp quyền và hòa giải tự do cá nhân với quy luật cộng đồng…Nhưng chờ đợi với những tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ phải đóng góp vào cuộc đấu tranh chính trị, hỗ trợ một hệ thống độc tài đảng trị, một ý thức hệ…thì chỉ có thể là vô ý thức, mưu đồ tàn bạo và ác liệt.

“Không ai được đặt điều với thi sĩ, bắt thi sĩ đảm nhận một nhiệm vụ nào; thi sĩ chỉ có một triển vọng duy nhất là nói lên với tất cả sự chân thành của tâm tư, những sự kiện mà mình đã sống và đã cảm nhận. Và như thế, thơ đa dạng và muôn màu như chính cuộc đời, có thể dư vang như lời thì thầm nội tâm hay gào thét vì phẫn nộ. Thi ca toàn diện nghệ thuật là sắc thái của đời sống con người trong xã hội, trong không gian và thời gian” (Philippe Jaccotet, thi sĩ người Pháp)

Hỏi:

Dù sao, trong cái nghĩa đó, nghệ sĩ sống trong thế giới và thời đại của mình. Một cách nào đó, nghệ thuật vô tư hay thanh thoát tới đâu, vẫn phản ảnh lịch sử của thời đại. Riêng về phần anh, thế nào là tiếng vọng của lịch sử?

NVT:

Dư vang như lời thầm thì nội tâm hay gào thét vì phẫn nộ”, thi ca, nghệ thuật chứng tỏ nghệ thuật là sống tràn đầy, tràn đầy với lòng trắc ẩn trước phù du, đau thương mất mát của phận người, cảm nhận bi kịch của cuộc sống xung quanh, phẫn nộ hoang mang trước tàn bạo của chiến tranh, của tội ác …Phẫn nộ hoang mang vì nghệ sĩ không phải là người cầm dao cầm búa đứng vào một phe; lời ca, lời thơ, một bức tranh, một bức tượng không làm sao chống đỡ được xe tăng và đại bác, bảo vệ ai trước bè đảng mật vụ sẵn sàng thủ tiêu “bất cứ ai ngang nhiên tự tại”…Lịch sử Việt nam trong hơn hai phần ba thế kỷ thứ 20, là thảm kịch bi hùng tráng, mang theo bao nhiêu đau thương nước mắt, những đau khổ và những ảo vọng, bắt buộc phải để trong tâm hồn của nghệ sĩ thời đại những vết thương, những hoang mang, những ước vọng thầm kín….

Nguyễn Du sống qua thời đại đầy biến đổi, sự thăng trầm của ba triều đại, sự chiến tranh chống ngoại xâm, sự thiết lập nhà Nguyễn Gia Long, với những tang thương, những tội ác, viết Truyện Kiều, Văn Tế Chúng Sinh phản ảnh kín đáo lòng trắc ẩn của nhà thơ trước biển dâu của lịch sử và của đời người. Hơn nữa Nguyễn Du ít ra cũng có mấy câu thơ:

Thành quách suy di nhân sự cải

Kỷ độ tang điền biến thương hải

Tây Sơn cơ nghiệp nhất đán tận tiêu vong (trích trong Thăng Long thành cầm giả ca)

rõ ràng ẩn dụ sự quan tâm của thi sĩ với lịch sử.

Tuy nhiên cũng có Bùi Giáng, thi sĩ hoàn toàn ngoại lệ; một sự kiện hiếm có trong lịch sử văn học. Bùi Giáng đã sống tận cùng thời tao loạn lịch sử của dân tộc, của đất nước nhưng không có một câu thơ biểu lộ nhà thơ có suy tư hay day dứt nào trước thời cuộc, những biến động đã mang đến cho gia đình mình, cho đất nước mình sự chết chóc, mất mát và tang thương. (Tôi nghĩ vậy, dù bức thư ngỏ Bùi Giáng gửi René Char, bài phi lộ “Avant Propos” cho tuyển tập của Thích Nhất Hạnh, bao gồm những bức thư ngỏ khác gửi cho một vài văn nhân thế giới, cho chúng ta rõ cái lập trường của Bùi Giáng trước cuộc chiến tương tàn 1960-1975; nhưng là những áng văn chương tài hoa thâm trầm sâu xa chỉ nói ra lập trường cập nhật tức thời của thi sĩ chứ không phải thuộc về bản chất tâm tư hàng ngày của thi sĩ). Nói một cách khác, nhà thơ Bùi Giáng có thể san sẻ cảnh phận cùng bà mẹ lê la bán hàng rong, cùng thiếu phụ bán mình ở Tây Ninh hay Chợ Lớn, nhưng chọn không quan tâm tới thời sự, tới chiến tranh, tới cách mạng…Một thái độ tuyệt đối nghệ thuật vị nghệ thuật.

Ngược lại, Trịnh Công Sơn là “con đẻ của Đất Khổ”. Tôi muốn nói Trịnh Công Sơn, nghệ sĩ tài hoa, sẽ không là nhạc sĩ với sự nghiệp lớn lao mà chúng ta biết, nếu anh sống trong một thời đại khác, đất nước yên lành, xã hội không tàn bạo phân chia. Cuộc đời, thi ca, nhạc phẩm, những ký họa, những bức tranh sơn dầu cuả Trịnh Công Sơn, trong cái nhìn của tôi đều có tiếng vang thầm lặng của trạng thái lịch sử xã hội và đất nuớc anh phải sống. Tất cả chìm đắm trong cái nhận thức siêu hình học của định mệnh (fatalisme); đất nước phân chia, chiến tranh không ngừng; những đêm thiết quân luật với tiếng dồn vang của súng đạn; người yêu vội vã bỏ ra đi tìm an bình ở một xứ sở khác; những người bạn bỏ thây trên chiến trường; những người mẹ khóc trong tang tóc; những phật tử tự thiêu mình với ước vọng hòa bình; những ngày những tháng sống lén lút để không phải nhập ngũ ra chiến trận…

Chính trong quan điểm này, tôi tự thấy gần gũi với Trịnh Công Sơn, để có những lúc cùng nhau làm thơ, những ngày những tháng chia nhau một chai rượu đục như để quên sự đời. Nếu tôi không bị sốt tê liệt thời thơ ấu, với một bàn chân tàn tật, thì chắc chắn tôi đã là “thiếu niên cứu quốc của bác Hồ” thì cuộc đời tôi đã ra sao, một trăm phần trăm tôi tự biết là chết yểu ngoài chiến trận hay chết yểu trong lao tù cải tạo. Cái ân hận “đã đào ngũ” theo tôi suốt mấy chục năm lập nghiệp ở nước ngoài. Nhưng điều chính yếu, tuy ở xa tôi chia sẻ và nhận thức tận cùng cái “phi lý nghiệt ngã” của thời đại lịch sử Việt nam vừa qua. Sự tiêu tan của sự “lãng mạn toàn dân kháng chiến” trước ý đồ máy móc của ý thức hệ, của chiến tranh. Sau mấy chục năm đấu tranh tương tàn, người bại không phải là người bại, kẻ thắng không phải là kẻ hùng. Qua bao nhiêu tang tóc, bao nhiêu đau thương mất mát, xã hội có thay đổi thì cũng thay đổi theo sự tất yếu đường rày khoa học thị trường thế giới, nhưng tệ hại là vẫn nguyên đó như từ muôn thuở chế độ đạo đức giả và gian dối của bọn hỏa đầu bè phái vụ quyền và vụ lợi.

Một ngày nào đó có người phân tích đóng góp văn học của chính tôi, chắc chắn sẽ nhận ra triền miên sao trên trang giấy ‘sự khắc khoải vô cùng bi đát và bi quan” trước lịch sử đã qua suốt cuộc đời tôi. Có điều với lịch sử vừa qua của đất nước, lớn lao bi hùng tráng bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu ước vọng không thành, văn học chúng ta không có một tác phẩm sử thi sâu xa xứng đáng như “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Léon Tolstoi, như “Phương tây không có gì mới” (A l’Ouest rien de nouveau ) của Eric Maria Remarque, như “Docteur Jivago” của Boris Pasternak…Nhưng nghĩ cho cùng, chúng ta cũng có, như tất yếu phải là như thế, một bích họa hoành tráng tập hợp sử thi, với những đóng góp bởi những tác phẩm của Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, những bài ca của Văn Cao, của Trịnh Công Sơn, những tiểu thuyết như “Một Chủ Nhật Khác” của Thanh Tâm Tuyền, “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương….Riêng về phần tôi, tôi không quá phận mà nghĩ tới bốn vở kịch ngắn của tôi (có thể đọc trên http://www.gio-o.com/ngovantao.html). “Lạc Đội”, tuổi trẻ trong sáng lãng mạn sống sao trong tao loạn. “Trở về của Dũng”, tuyệt vọng của trí thức mang nặng một bầu nhiệt huyết tranh đấu cho tự do, cho xã hội và đất nước. “Một ngày của thầy Đức”, sự bất hạnh của triết gia hồn nhiên quá vội dấn thân theo cái nghĩa “praxis” của Karl Marx. “Đồi cỏ”, sự thâm trầm suy tư vừa bi quan vừa khao khát của thi nhân trước một thời lịch sử vừa kết thúc; dù không có ai công khai bàn bạc tới, một đạo diễn có tài ở trong nước thổ lộ bà tiếc làm sao vì thời cuộc không chín muồi để bà có thể tạo dựng bốn vở kịch này. Tôi mạn nghĩ với bốn vở kịch này đã đóng góp một phần cho “bức bích họa sử thi” của thời đại mà tôi sống.

Hỏi:

Anh không quá phận; tôi tin chắc rằng bốn vở kịch của anh sẽ được nhận ra như là một đóng góp cho sử thi của thời đại, nhìn về thế sự tìm ra cái lý thâm sâu, hư cấu xóa bỏ những tiểu tiết không chính yếu, làm rõ ra cái nguồn sóng lịch sử ẩn chìm. Tôi có đọc một số ít bài báo nói tới anh; nói tới anh, hình như người ta cảm thấy cần phải đắn đo cẩn trọng. Tôi đã từng đọc một bài báo, có lẽ trên báo Người Việt”(Los Angelos-Cal.) và của ai, tôi không nhớ; bài báo nói anh có thái độ rất chiết chung về nghệ thuật, dưới mắt anh có lẽ chỉ có ba nghệ sĩ: Bùi Xuân Phái, Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn. Chắc chắn đối với anh thi ca, nghệ thuậtcánh cửa rất hẹp?

NVT:

Nghệ sĩ bắt buộc phải có lập trường cứng rắn ngay cả với chính mình, về nghệ thuật trong việc làm của mình. Về sáng tác, nghệ thuật dĩ nhiên là cánh cửa hẹp, không phải bất cứ ai cũng có thể buớc qua. Tôi muốn thổ lộ mấy phản tư phê phán của tôi gần đây.

Chắc anh biết Nguyễn Đức Tùng có xuất bản một quyển sách dầy thu thập những lời của nhiều nhà thơ cho câu phỏng vấn:”Thơ đến từ đâu?”. Theo ý tôi, đó là một câu hỏi lệch lạc. Không ai có thể hỏi: “Triết lý hay khoa học đến từ đâu ?” Khoa học, triết lý và nghệ thuật (thơ) là ba đỉnh của lý tinh con người. Anh tìm ra nghệ thuật, chứ nghệ thuật không đến với anh. Nói như vậy, chắc là tôi quá khắt khe, quá chi li như Cao Xuân Hạo với văn phạm trong tiếng việt thường ngày. Nguyễn Đức Tùng có lẽ chỉ muốn hỏi mấy nhà thơ, các thi sĩ với bản tính thơ của từng người, đã thể hiện thi ca ra sao và bầy tỏ những cảm nhận thơ gì trong đời. Nhưng chắc chắn vì câu hỏi tự nó lệch lạc, và đột nhiên đưa ra phỏng vấn, những câu trả lời trong toàn bộ sách đọc qua chỉ thấy mơ hồ hay là những ý hấp tấp sáo mòn.

Tuần này, chúng ta phải vĩnh viễn từ giã nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010). Tôi đã từng thử đọc kịch thơ “Kiều Loan” của Hoàng Cầm, nhưng không đủ can đảm để đọc cận càng. Tôi cốt yếu biết đến thơ của Hoàng Cầm qua tập thơ (6 hay 7 bài): “Lá Diêu Bông”, nhất là qua sự phổ nhạc thâm thúy của Phạm Duy; tôi phải công nhận Hoàng Cầm là thi sĩ đặc thù. Nhưng để báo chí, bạn bè xa gần theo nhau tán dương là chúng ta đã mất một nhà thơ lớn. Dĩ nhiên tôi phản tư phê phán những lời hời hợt tuyên dương như vậy. Thi sĩ là nhà thơ lớn, nhưng lớn phải vì sự nghiệp và tư tưởng rộng lớn và trải dài. Nhất là, những lời tuyên dương Hoàng Cầm không chỉ nhắc nhở “Lá Diêu Bông”,”Mưa Thuận Thành” còn thêm “Bên kia Sông Đuống”. Theo tôi biết, tập “Lá Diêu Bông” và “Mưa Thuận thành” được viết về sau (khi nhà thơ đã gian truân với vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, đã cảm nhận cái vu vơ trừu tượng của thi ca). “Bên kia sông Đuống” được viết vào năm 1948, nói đến bài thơ để nói rằng Hoàng Cầm đã từng theo kháng chiến chống giặc Pháp, Hoàng Cầm là thi sĩ yêu nước, để có một cớ quên chuyện đã từng kết tội nhà thơ là kẻ thù của nhân dân, của đất nước. Nhưng nhắc đến bài thơ này như kiệt tác thi ca đưa vào chương trình trung học phổ thông, thì tôi thấy bắt buộc phải phê phán. Về thi ca nói lên hận thù đối với kẻ thù tàn bạo, nói lên sự đau lòng trước đau khổ của người thân dưới sự càn quét của địch “mắt xanh”, thì phải nói “Bên kia sông Đuống” chỉ là những câu thơ hoàn toàn ước lệ. Ngay những câu tả cảnh những người đàn bà dân quê để tô điểm cái vọng nhìn của nhà thơ về quê nhà thuở an bình; tôi cũng phải nói đọc qua, tôi cảm tưởng như thấy những bức tranh trong cửa hàng lưu niệm vẽ nhưng cô gái quan họ duyên dáng với chiếc áo tứ thân, với khăn mỏ quạ và thân mềm quấn giải lụa đào…, và tôi bỗng ao ước được nhìn lại những bức tranh sơn dầu “Chèo” của Bùi Xuân Phái.

Những suy tư có thể nghịch đời; nhưng nghĩ đến nghệ thuật là như vậy. Nghệ thuật là nghệ thuật mà không phải là chuyện phù phiếm trần gian hay là chuyện thành tựu kỹ thuật (Isabelle T. Fogiel). Nietzsche đã từng viết : “Chúng ta có nghệ thuật để khỏi chết chìm trong sự thật (We have art to be saved from the truth). Sự thật nói đây không phải là “chân lý”, cái gì tuyệt đối không có ở trần gian. Sự thật đây là chính mỗi người chúng ta trong thế giới hiện sinh của mình, trong cái phận làm người, đắm đuối trong tình yêu, đau thương với những mất mát, mang đầy dục vọng và khát vọng vẩn vơ, trong một xã hội không hoàn mỹ với những ước lệ không cho người tung cánh…Nghệ thuật là đỉnh cao cho ta tự giải thoát, vuợt lên trên cái phận tầm thường. Với cái nhìn như vậy, mỗi khi tôi tiếp nhận một tác phẩm văn nghệ, tôi tìm hiểu ngay nghệ sĩ có triển vọng cao siêu không, chân thành xúc cảm cho mình và tự mình không, có đập cánh không dù chỉ là đôi cánh xòe ngắn ngủi của con chim bị đời giăng lưới. Chính tôi cũng nhiều lần khắc khoải tự nhủ không thể lách qua cánh cửa hẹp của nghệ thuật, để đạt đến chỗ siêu thoát của văn hào, của nghệ sĩ. Nghệ thuật là cao siêu như vậy. Đối với mấy nông dân nhàn rỗi làm vè quanh hũ rượu, đối với bậc cao niên nhập hội làm thơ trong câu lạc bộ phường hay xã, tôi không phủ nhận giá trị nhân bản của những câu thơ chân chỉ, tuy nhiên bắt buộc phải nói: đấy không phải là thơ!

Hỏi:

Anh không phải khiêm tốn; anh sáng tác văn thơ, dầy và đa dạng, không hổ thẹn là bạn của Bùi Giáng, người đã viết hàng ngàn trang sách văn và thơ, của Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ đã viết hơn 600 bài ca, mà bài nào cũng rung cảm quần chúng. Đặc biệt, anh sáng tác rất nhiều thi ca trong ngôn ngữ khác nhau: Việt nam, Hán Việt, Anh ngữ và Pháp ngữ…Tập thơ Papyrus , tiếng Pháp của anh, tôi được biết dưới mắt của rất nhiều người, là một tác phẩm vô song. Vậy theo anh, ngôn ngữ thơ là gì? Bắt buộc phải đa dạng như vậy không?

NVT:

Hãy bàn về thơ. Thi sĩ là người sống với hồi tưởng; những cảm nhận sống tức thời, chìm đắm ngay trong tiềm thức, nếu trở lại thì trở lại trong hồi tưởng để thi sĩ diễn giải và suy tư, “thi vị hóa”. Không có ai làm thơ với cảm nghĩ của ngày mai, ngày mai ta đau khổ, ngày mai thơ ta dẫn dắt chính ta hay một ai đó trên con đường sán lạn…Cái gì làm nên thi sĩ là tiềm thức, là “những lớp bồi đắp” (les couches de sédimentation), như Husserl có thể nói, mà lịch trình cuộc sống đã lắng lại trong “thế giới hiện sinh” của thi nhân. Dĩ nhiên cái gì ở lại sâu lắng nhất trong tiềm thức của chúng ta, chính là ký ức của thời thơ ấu, thời mà tâm hồn chúng ta trong trắng, nhận ngay ra cái gì thật cái gì giả dối, một bản thạch cao không tỳ vết khi đã tiếp nhận một ấn tượng gì thì cho là mãi mãi…

Về phần tôi, trưởng thành lập nghiệp và sinh sống cốt yếu ở xứ người, làm công dân Canada, nhưng tôi đã sống đến 15 tuổi ở Bắc bộ-Việt nam. Cảnh đồng chiêm mênh mông ruộng nước, cô gái nông dân dựng sào đẩy thuyền nan đưa tôi một đêm trăng, bến đậu là bụi tre đầy đom đóm và rộn ràng tiếng ve sầu và tiếng dế. Cảnh người chết đói la liệt ở đầu làng Lam Cầu, Huyện Kim Liên Hà Nam, ở những góc phố Hà nội. Rồi xác chết, thân bị thừng trói chặt miệng nhét vải trắng vứt xuống hồ Thiền Quang, những xác chết của vụ án tàn bạo Ôn Như Hầu. Dĩ nhiên còn vô cùng bao nhiêu ký ức khác, “đường đôi Hà Nội hoa gạo rơi phủ phất”,huơng hoa ngâu, hoa bưởi thoang thoảng trong vườn hoa nhỏ bé của gia đình”, lá bàng phủ bao la sân trường tiểu học”…cùng những người chị, những con gái cùng lứa tuổi, của ngõ Hàng Kèn, phố Trương Hán Siêu quận Hai Bà Trưng-Hà Nội bây giờ, hiện hình như sống lại!

Nên mãi mãi trong tôi cái cố quận đó, càng triền miên lưu luyến vì chìm đắm những năm dài trong chiến tranh kẻ mất người còn, càng đau khổ bao nhiêu lại càng trĩu nặng trong trái tim tôi. Những năm 1940 tao loạn rập rình, tôi không nhớ trong gia đình tôi có một quyển sách nào, ngay nữa một quyển văn giáo khoa; tôi hoàn toàn tự học, nghe lỏm người lớn nói chuyện; vào năm 1945-46, đuợc đọc một số báo Cứu Quốc, và được đọc duy nhất một quyển truyện: “Tây Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng. Sự thiếu thốn sách báo đó đã bộc lộ thành ao ước mà tôi thể hiện là rương sách của cậu bé R. trong vở kịch “Lạc Đội”, cậu đọc triền miên qua năm qua tháng dù viết ra bằng đủ mọi thứ tiếng. Riêng tôi, tôi nhớ mãi hai quyển thơ đầu tiên mà tôi có ở tuổi 19, quà tặng của một người em gái họ: “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu và quyển “Lửa Thiêng” của Cù Huy Cận. Như vậy, với thiếu thốn và khắc khoải, ước vọng lại càng sâu lắng, nên những bài thơ đầu tiên của tôi nhất định phải viết ra trong ngôn ngữ Việt nam. Ngôn ngữ của tuổi thơ, ngôn ngữ của kẻ lưu vong, không thuộc một miền đất nào! Mãi về sau tôi nhận thấy, như thượng tọa Huyền Không, người đã từng du học ở Nhật, nói: “ngôn ngữ Thơ làm gì có biên giới, hồn thơ không giới hạn bởi địa vực”. Tới khi đó , tôi mới có những bài thơ sáng tác ngoại ngữ.

Ngôn ngữ thơ là gì? Là cái gì bay bổng vẩn vơ trên trời xanh, mà với tiếng Việt ta gọi là “mây”. Là thảm đỏ ngoài ngõ một chiều hè mát dịu, với tiếng Việt ta sẽ nói tới ‘những sác hoa giấy”, nhưng cũng thể là những nhánh li ti màu tím nhẹ trong buổi sáng đầu xuân, với tiếng Pháp ta sẽ nói tới “les branches de lilas des premiers jours de printemps”(những nhánh lilas cuả ngày đầu xuân)….Và đây là sự kiện làm tôi cảm nhận rõ thêm; một năm tôi được mời dạy và nghiên cứu toán học ở đại học Brasilia. Brasilia là thủ đô hành chánh của nuớc Brazil-Nam Mỹ, xây dựng hoàn toàn theo kỹ thuật kiến trúc để trở nên trên giấy tờ là một đô thị giữa hoang dại khô cằn, nhưng trên một bể nước ngọt trong lòng đất. Ở xứ sở người, không cùng chung một ngôn ngữ, trên những đường phố vẽ theo kỷ hà học, vắng vẻ chỉ có ci-măng và thép, tôi thật chưa bao giờ chìm đắm trong cảm thức phận lưu vong của chính mình như vậy! Một ngày, với sự giúp đỡ của người đồng nghiệp gái, tôi bắt đầu làm mấy bài thơ viết ngay ra bằng tiếng portugese (dẫu rằng tôi chỉ biết tiếng này một cách rất bập bẹ). Nhưng chỉ như thế, tôi không còn tự thấy mình lưu vong nữa; cái bức tường ngăn cách ngôn ngữ, một trong những nhân tố của cảm thức lưu vong, bị phá vỡ như tôi nhận ra rằng ngôn ngữ thơ không có biên giới.

Hiện đây tôi đang duy trì một blog: http://ngovantao.blogspot.com; ý đầu tiên là trình bầy những tranh vẽ acrylic trên bố và sáp màu trên giấy của Ngô Quế Anh, sinh ngày 21.9.2002, những bức tranh hồn nhiên trừu tượng, bố cục trong sáng với màu sắc, làm tôi liên tưởng đến thi ca, nên tôi cũng tiện dịp đối chiếu trình bày lại thi ca của tôi (dù đã xuất bản nhiều ở Việt Nam nhưng không được có một cơ sở phát hành truyền bá) và lợi dụng điện tín học đưa đến tay độc giả. Như trên tôi đã nói, ngôn ngữ thơ thì sâu xa và mênh mông ẩn dụ, khi truyền ra sinh ngữ thì bắt buộc phải thu hẹp cho thích ứng với ngôn ngữ của trần gian; nên khi làm việc mà “các cụ đạt tới tuổi cổ lai hi” là ngồi viết hồi ký, tôi với cái blog của tôi, tôi đọc và sống lại những bài thơ ngày trước của tôi; nhưng sống lại là tìm lại những cảm thức mà tôi đã bỏ qua hay vẫn còn đâu đấy trong tiềm thức. Để tôi thật sống lại, là “thông diễn giải” và sáng tác bằng chuyển ngữ những bài thơ tôi đã từng viết với Việt ngữ sang Pháp hay Anh ngữ, hay luân hoán ngược lại. Đó là một hành trình vừa hoan lạc vừa đầy ý nghĩa. Một công trình giúp phá bỏ bức tường ngôn ngữ ngăn cách, một nhân tố của cảm thức lưu vong. Mà chúng ta tất cả trong cái thời đại này, ai mà chẳng lưu vong, cái làng ta đang ở chỉ một hai năm không còn là ngôi làng của ta nữa, con phố mà ở đó ta lớn lên, bỗng biến đi để lại một công trường, một siêu thị…Tôi mạn nghĩ rằng trong cái blog của tôi, độc giả đặc biệt Việt nam khắp bốn phương trời cảm nhận sự vượt tường lưu vong đó, nên chỉ sau một năm đã có hơn hai ngàn người nhập đọc ngovantao.blogspot, hay đúng hơn bốn năm trăm người theo dõi nhập đọc. Thật là một niềm vui khích lệ!

Hỏi:

Thi ca của anh đúng là có một chiều sâu tư tưởng. Anh nói tìm đến nghệ thuật qua những câu tự vấn hình nhi thượng triết lý. Nhưng thật bây giờ, tôi có cảm tưởng anh đương từ nghệ thuật tìm đến triết học. Tôi có đọc những tiểu luận triết học của anh, đặc biệt “Biện chứng pháp Hegel”, “Thông diễn học” trên mạng www.gio-o.com . Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, anh còn tìm gì ở triết học? Câu hỏi cuối cùng của tôi là: nó có cho anh một thái độ triết lý nhân sinh nào, một minh triết gì mà anh có thể san sẻ với chúng tôi?

NVT:

Anh nói rất đúng,”một thái độ nhân sinh triết lý” là cái gì mỗi người chúng ta phải không ngừng trau giồi và xây dựng trong sự hiện thành bất tận của bản thể hiện sinh của chính mình.

Hãy đừng nói tìm đến triết lý để có đạo đức mà dạy đời. Đó là vấn đề minh triết của những thánh hiền ngày xưa. Triết lý đã cho chúng ta biết từ lâu rồi một xã hội ổn định phải là một xã hội pháp quyền. “Phản cách mạng”, “phản nhân dân” là những vấn đề nằm trong tiêu chuẩn đạo đức không thành văn, nên chỉ mang đến những hình phạt không bản án, thêm nhũng loạn xã hội; “chí công vô tư”, “phục vụ nhân dân”, “không tham nhũng”, trái lại là những điều nằm trong luật pháp, anh phải như thế không phải vì anh có triết lý đạo đức, mà nếu không anh sẽ là người phạm tội trước pháp luật, làm sai chức vụ.

Tìm đến triết lý là tìm hiểu rõ chính mình. “Cái ta đây”, mà ta thật ý thức được thì là điều kiện tất yếu để sáng tỏ từng giây phút “hiện sinh”. Trước khi bàn xa nữa, tôi đưa ra một sự kiện điển hình, cũng tiện theo là những nhận định phê phán nghệ thuật mà tôi mạn nghĩ cần thiết.

Nguyễn Huy Thiệp với những truyện ngắn nổi danh một thời! Cái thời ( những năm 1988 và 1990), Nguyễn Huy Thiệp là một thanh niên của tầng lớp những người sống trong xã hội “bao cấp, điêu linh trong bóng tối của vụ án nhân văn giai phẩm, của những vụ tố khổ phong trào cải cách ruộng đất”. Một xã hội với những cảnh tượng siêu thực! Nhà văn Nguyên Hồng quỳ trước hội trưởng hội nhà văn Tô Hoài xin một điều, xin đừng bắt phải làm bài tự kiểm điểm, cho phép về Nhã Nam vùng sâu vùng xa làm người dân cày ruộng nuôi vợ nuôi con. Nhà thơ Nguyễn Bính đói khát lang thang vứt con nhỏ (một tuổi?) cho người nhặt ở dốc hàng Kèn. Văn học gia Ngô Tất Tố lem luốc tựa gốc cây tự than rằng: “làm người khổ vậy sao!”. Học giả Tuệ Chi quần áo rách rưới hở hang chạy ra đứng vào hàng mua cho được bó rau muống héo của mậu dịch, bỗng hoảng hốt nhìn lại mình tự hỏi: “ta còn là người không nhỉ?”. Người ta nuôi chó để dấu diếm làm thịt bán. Người ta lấy nhau sản phụ về làm nhân bánh cuốn. Những ngôi nhà xưa của gia đình, nay năm sáu gia đình khác chiếm đóng, mỗi gia đình ở tụm trong một phòng hay một nửa phòng. Khu cư xá bộ đại học, các giáo sư lầm lũi đi không nói với ai một lời như những chiếc bóng; sinh viên ký túc xá, hàng chục người ngực trần, ngồi xổm không một quyển sách trong tay, không nói không cười. Một xã hội tiệm lời, như giữa bữa cơm gia đình với nồi cơm bo bo, như trong quán cà-fê chui, cà-fê độn bắp rang, năm sáu người thẫn thờ ngồi nhìn chén cà-fê cạn, như năm tượng gỗ bên một ngọn đèn dầu le lói.

Sự trần trụi bịt miệng ức chế đó trước sau rồi, theo nhà văn Nguyên Ngọc, phải đột phá. Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thể hiện sự đột phá đó, bằng những câu văn “tiệm lời ngắn gọn tran trát”, thể hiện tuyệt đối thiết thực cái cảnh tượng u ám siêu thực trên, như tiếng gào thét, như hàm chứa một phẫn nộ phản kháng đầy ước vọng. Nhưng nhà văn Nguyễn Khải đã tiên đoán, nhà văn Nguyên Ngọc nhận định (có thể đọc trong bài phỏng vấn Nguyên Ngọc do Nam Dao thực hiện, trên mạng http://amvc.free.fr/ ), sự đột phá Nguyễn Huy Thiệp mang sẵn những nỗi niềm của hiện tượng không có hậu (chữ cuả Nguyên Ngọc). Nguyễn Huy Thiệp sinh trưởng trong cái thời của ý thức hệ, không cho đọc sách ngoại đạo, không có quyền tự do tư duy, trong một xã hội đạo đức tuyên ngôn trên giấy tờ, cái thời mà con người sinh trưởng sau này trở nên, như nhà văn Kim Lân đã từng nhận xét, những công dân trắng trợn thực dụng, khuyển nho triết lý (cynisme). Nguyễn Huy Thiệp làm sao có một căn bản văn học triết lý mà những nhà văn tiền bối đã có tuy nay sống trong thời xã hội chủ nghĩa, như Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc …Nguyễn Huy Thiệp không thể ý thức rõ cái chiều sâu chiều rộng của bức tranh siêu thực mà chính anh đã phác hoạ theo thực tế. Không một nhân vật nào của Nguyễn Huy Thiệp có thể hiển hiện trong nhân sinh quan văn học như kẻ xê dịch lãng tử Nguyễn Tuân trong truyện “Chiếc lư đồng mắt cua”, như Chí Phèo của Nam Cao, hay nữa như Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng. Trong hai truyện điển hình nhất của Nguyễn Huy Thiệp: “Không có vua” “Tướng về hưu”, cái ông già lên tiếng than “làm thằng đàn ông khổ lắm vì cái b…”, ông tướng về hưu bỡ ngỡ trong xã hội không đấu tranh, không biết tự mình sẽ làm gì, những đội ngũ của mình hy sinh hay có sống còn cũng để cho ai, hai nhân vật tượng trưng với hình ảnh phác họa tuy nhiên thật chỉ là quen thuộc và ước lệ. Nguyễn Huy Thiệp không thể có triển vọng làm một văn hào với sự nghiệp trải dài; Nguyễn Huy Thiệp khoác lên cái áo bào của nhà văn có tiếng, dựng tượng Phật to tướng trong sân nhà như để chứng nhận mình là thiền sư đạt đạo. Nguyễn Huy Thiệp tự cho mình chức phận thi nhân tuyên bố tất cả các nhà thơ của hội nhà Văn Việt Nam là bất tài, nay chỉ có Đồng Đức Bốn là thi sĩ của vần Lục Bát, đưa ra những bài thơ của Đồng Đức Bốn và của chính mình, mà không ai hiểu nó có giá trị nằm ở đâu…

Anh có thể nghĩ tôi nói tới bức tường trí thức; nhưng không, tôi muốn nói tới cái căn bản tư duy mà những nghệ sĩ, những toán gia, những chuyên gia kỹ thuật phải có để tìm ra cho mình một ‘thái độ nhân sinh triết lý”. Có thái độ nhân sinh triết lý, là đảm nhận phận làm người, ta không phải là cái máy vô tư giải đáp những câu hỏi kỹ thuật hay của nghệ nhân. Chính khi toán gia cặm cụi tìm giải đáp một bài toán, toán gia thật đang tìm tới cái huyền diệu của lý tính con người. Lý tính con người là cao siêu muôn mặt, vô cùng bí ẩn, toán gia bắt buộc phải bừng tỉnh cảm nhận ra cái nhỏ bé hoang mang bản thân. Đó là một khía cạnh của bản năng đưa mỗi người chúng ta đi tìm ra một nhân sinh quan sâu xa triết lý, vượt lên trên những tỵ hiềm nhỏ mọn, những thèm khát danh lợi thường tình, những nhân nhượng mà cuộc đời bắt phải có.

Một ca sĩ trẻ đã có giọng ca điêu luyện, một họa sĩ nhí đã có tài nghệ như thiên phú! Nhưng rồi đây sao tránh được khi nhập vào cuộc sống nhân sinh, có trắng có đen, có bóng tối rập rình mà tài nghệ bẩm sinh không bị lung lạc với những tỳ vết; trừ phi đã biết nhìn lại chính mình, hiểu rõ khả năng của chính mình, đối diện với những vấn nan của cuộc đời mà vẫn tự đưa ra những giải đáp cao siêu nghệ thuật của bản thân. Cái gì thật cần lúc đó, là phải đã biết suốt tuổi học trò trau giồi trí thức, tiếp thu những thực nghiệm suy tư của những người đi trước, những triết gia, những học giả, những thi hào. Dĩ nhiên, là cần phải được lớn lên trong một môi trường thích hợp, có chiều sâu văn học, có trao đổi lý thuyết mà nền giáo dục đặc biệt Việt nam đây hãy còn thiếu sót.

Đã từ lâu rồi, theo trào lưu tư tưởng thế giới, tôi biết rằng triết lý xã hội, nhân sinh không phải là chuyện đại ngôn với những lý thuyết cứng rắn một chiều. Bản thể hiện sinh của mỗi người là luôn luôn hiện thành. Hiện thành là tiếp thu mọi hiện tượng, nhưng lên khung, hay chính theo ngôn ngữ của Husserl là vứt vào trong hai dấu ngoặc ( bracketting) những tiểu tiết, những đa dạng lập lòe, mà đi tìm ra hiện tượng đã chính yếu để lại cho bản thân, cho thế giới hiện sinh của mình mảng đất mầu mỡ gì. Đó là biết suy tư, giải cấu hiện tượng, đưa ra những quy định - đánh giá - nhưng không quên rằng cái gì ta nghĩ chỉ có thể là hạn hữu, tiềm ẩn những mâu thuẫn, những lẽ trái ngược để phủ định, mà một ngày nào nhìn lại ta sẽ nhận ra và giải đáp.

Nghĩ như vậy, cũng là minh triết hiện đại “thông diễn học”! Nếu theo thiền học, con người tìm đến thiền là tìm đến “tâm”; theo Heidegger, cùng theo “thông diễn học”, thì là tìm đến “tư”.Tư” là trước hết như tôi nhận định và phê phán trên, là biết suy tư nhìn lại chính mình, nhìn lại những gì mình đã làm và đã sống, nhận ra những mâu thuẫn để giải đáp, những ước vọng để tiếp nối lịch trình, đối với một nghệ sĩ là để có một sự nghiệp trải dài, tuần tự hiện thành và luôn luôn tân tiến.

Chính yếu, như theo minh triết cuả thánh hiền, là sự “lập thân” (paideia= buildung, trong ngôn ngữ của triết gia Gadamer). Với suy tư, ta sẽ luôn luôn “thông diễn giải” tha nhân, cùng những đóng góp văn học đến với ta từ muôn phương. “Thông diễn giải” tha nhân là cảm thông đau khổ vật lộn, nhân sinh thế giới quan của người khác, và như thế hòa đồng chân trời viễn tượng của người vào chân trời hiện sinh của mình. Mở rộng cho thêm bát ngát ra bốn phương thế giới hiện sinh của chính mình. “Thông diễn giải” một tác phẩm văn học, là tìm hiểu sống lại cảm thức của tác giả, không ngừng suy tư như chính mình thực sống để nhìn ra những khía cạnh ẩn dụ có lẽ đã có trong tiềm thức của tác giả hay có lẽ theo tác giả đã xếp vào trong hai dấu ngoặc để cho tác phẩm không lạc vào một thế giới quan khác, nhưng chính những ẩn dụ này mới làm tác phẩm có chiều sâu, có âm hưởng. Phải! “Thông diễn học” là minh triết lập thân, không ngừng sống động và học hỏi. Socrate cho đến tận phút phải chết, vẫn muốn tìm hiểu giai điệu nào có thể phát ra từ một cây đàn!

Riêng về phần tôi, tìm đến “tư” là thái độ nhân sinh triết lý. Cuộc sống của một đời người ngắn ngủi, sôi nổi và quá đẹp; những mất mát đau thương để lại dư vị đắng, tuy nhiên thường cũng để lại sự ngậm ngùi thăng hoa, với cái nghĩa là làm ta khao khát thêm một cái gì cao siêu, không trần tục. Vậy như Trịnh Công Sơn hay Bùi Giáng có thể nói, ta hãy sống với tất cả lý trí và tâm hồn. Không ngừng dao động, phẫn nộ trước những rối ren không đâu của xã hội, thương cảm nỗi buồn trần gian, san sẻ những niềm vui bất tận của nghệ sĩ của thi nhân. Như Heidegger đã gợi ý, tôi không sợ suy tư. “Thông diễn” tác phẩm văn nghệ của người; không ngại suy tư sống lại những bài thơ xưa của chính tôi. Đặc biệt nhất , tôi tin rằng cho tận khi phải cô đơn đối diện điêu tàn, đối diện hư vô, tôi sẽ không ngừng tìm và diễn giải “ý thơ” hiển hiện trong từng phút sống.

25. 5. 2010

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Im lặng chiến tranh - The trail of silence

Quế Anh (oil pastel on paper) Đường bộ đội – The trail of war

On the silence-trail

(memories of war)


There’ll be only crippling silence

The open wounds helplessly bleeding – the un-said

With our patience and with our heart

We’ll go back on the old trail


Our tears to be shed in the sea

We are waiting for the coming silence

But keep on pursuing our happiness

Which was lost in the depth of the night


Oh! Autumn , the bequest of spring

Dying red leaves are flowers from the past

For our people we keep a fragile balance


Of memories hidden in the history-books

The war, the hate, the fateful losses

A trail of silence for the mournful days

May 2010


Le sonnet original

Sur le sentier du silence

(souvenirs de guerre)


Il ne reste plus que désemparé silence

L’immense plaie, la morsure, le mot non-dit

Il ne reste plus que notre infinie patience

De remonter du coeur le chemin interdit


Une larme est versée dans la mer sans limite

Le silence est venu car nous l’attendions

Et nous continuons l'éternelle poursuite

Du bonheur en dépit de la perdition


Pour l’automne présent, le deuxième printemps

Les feuilles sont des fleurs de notre passé-temps

Du peuple nous gardons le fragile équilibre


Souvenirs enfouis au fond d’un ancien livre

La guerre, la haine, misère à en mourir

Quel silence apaisant sur le sentier d’avenir

10.3.1994


Im lặng chiến tranh

Chỉ còn rơi rớt chút thôi

Niềm im lặng với tót vời nỗi đau

Và còn rơi rụng trăng sao

Niềm nhẫn nhục với trước sau đường về

Các em đẫm lệ tình quê

Vô cùng tận xứ tê mê đoạn trường

Dõi tìm hạnh phúc tình thương

Trong tương ứng với du dương hoa đầu

Chìm tan trăng lặn muôn sau

Hồi sinh bất chợt hương màu trùng lai

Chiến tranh khắp nẻo dặm dài

Làm sao chặn được thiên tài chiêm bao

19.3.1994

Bùi Giáng

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Vô đề - The fallen leaf

Quế Anh (oil pastel on paper) Vô đề - Abstract


The fallen leaf


I would like to tell you

about Truth

Freedom

and Principles of Morality

but all’s moving

changing and becoming

in a banquet whirlwind

revellers deep in ebriety


I would like to tell you

about my aspirations and my dreams

the open horizon of my heart

but the ones that I befriended

the women that I loved

have left me

disappearing behind the veil of memory


I could only tell you

about regrets and desires

dust speck

of nostalgia and remembrance

a fallen leaf

that the wind of time’s blowing away

10. 5. 2010


Vô Đề


Tôi muốn nói anh nghe

về sự thật

tự do và đạo đức

nhưng tất cả đều xê dịch

biến dạng và thay hình

trong cuộc truy hoan

mà tất cả tân khách đều say mềm


Tôi muốn nói anh nghe

về ước mộng

chân trời tôi muốn tới

nhưng những người bạn tôi thân

không còn ở bên tôi

và những người tôi yêu

đi khuất vào sau cái màn đen của ký ức


Nên tôi chỉ còn biết nói

cho anh nghe về hạt bụi

nhớ nhung tha thiết

và chiếc lá rơi

thời gian gió cuốn bay về chốn xa


trích từ tập thơ “Tĩnh Lặng” - Ngô Văn Tao, nhà xuất bản văn hóa Saigòn 2006

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Tình Ca ở Madrid - La truhana

Kích thước phông chữ

Quế Anh (oil pastel on paper) Hoang dại – La truhana


Love song in Madrid

La truhana

Il y a un temps de l’Amour

et un temps de l’Oubli

que le soleil vienne

ou qu’il pleuve

le ciel est à l’Automne

avec notre appréhension de l’Hiver


Je t’aime cruelle et sauvage

ébloui de souvenirs

à la lumière des Places

- Plaza des Cibeles-


Fille du ciel et de la terre

elle te disputera contre les Ombres

contre le battement des Ailes

-Jardin de Retiro-


Mais la poésie t’est donnée

le long des rues de Madrid

comme mon Amour

égal au Soleil

égal au froid des Étoiles


Au seuil du Prado

-sombre Disparato-

je te chercherai

ainsi que mon histoire

ainsi que le décroissant de Lune

qui te ment

en revenant avec plénitude

sur la neige

parmi les nuages de Los Caïdos


Je te présente bouquet de Roses

guirlande de l’Espoir

avec ma nostalgie

mes regrets

le sable de la plage lointaine

l’amertume du Mois de Désirs

pour que tu éclates

-alma mia-

en communion avec le Dieu des Vagues

-Los Dios de la Vida-

Madrid 2 Nov.1992


Tình Ca ở Kinh Thành Madrid

Hoang dại


Có một thời cho tình yêu

có một thời cho lãng quên

trời sẽ nắng

hay trời sẽ mưa

mùa Thu đã lại

và ta ái ngại ngóng đợi mùa Đông


Anh yêu em hoang dại và dữ dằn

chìm đắm với kỷ niệm

trong ánh đèn của những công viên

-plaza des Cibeles-


Thiên sứ của trời và của đất

không để em lạc vào bóng tối

không để ma dơi bắt em đi

-ôi! Vườn vắng Retiro-


Thi ca đã đến cùng em

trên đường phố Madrid

như tình yêu của anh

như mặt trời

trong cái lạnh của những vì sao


Ở ngưỡng cửa Prado

bóng người xưa hiện về

anh tìm em

và tìm chuyện đời anh

với vầng trăng như muốn mất

mà trở về ngay đây

tràn đầy trên tuyết trắng

qua mây phủ đài nghĩa trang Liệt Sĩ


Anh dâng em đóa Hồng

vòng hoa của Hy Vọng

trong hoài niệm

và luyến tiếc

bãi cát vàng xa xưa

trong rung động của Tháng 5 đầy dục vọng

em sẽ ca vang

cùng thiên thần Biển cả

- thiên vương của Sự Sống

Tháng 5 - 2010

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

Hài Cú - Tender love dream

Quế Anh (oil pastel on paper):Tương sàng mộng - Tender love-dream

Hán Tự Hài Cú


...

... ..…...... Tender love-dream

............ Lonesome midnight-song

...........…... Half-moon’s silence

Khứ nhật tương sàng mộng ........(Ngày nào chung gối mộng

Tam canh nguyệt ảnh cố nhân tình............. Đêm sâu trăng tỏa bóng người xưa

Lưu sầu bạch vân tán.................................. Mây tan nỗi buồn không)



Giường không mộng cũ bóng người đâu

Canh ba trăng chiếu buồn đơn lẻ

Đường vắng gió rung lay cành liễu

Theo áng mây trôi một mảnh hồn